Bù Nhìn Và Cây Ngông - Báo Tây Ninh Online

Trước kia, trên đồng ruộng quê tôi mỗi lần bắt mạ, cấy lúa, hoặc khi lúa chín, để xua đuổi chim cò đến phá hại, nông dân làm những hình nộm cắm xuống ruộng, gọi là “thằng bù nhìn”.

Ngoài ra, trên đồng ruộng, bưng biền, lung láng còn có những “cây ngông” do nông dân cắm xuống để giữ cỏ, giữ cá không cho người khác cắt cỏ, đánh bắt cá. Bù nhìn thì nhiều người biết, còn “cây ngông” chắc ít ai biết.

Từ “bù nhìn” được đưa vào Từ điển Tiếng Việt và được giải nghĩa: “Vật giả hình người dùng để doạ chim, thú hoặc dùng diễn tập trong chiến đấu...”. Còn từ “cây ngông” có lẽ là từ địa phương quê tôi nên không thấy có trong Từ điển Tiếng Việt.

Không biết vì sao người xưa lại gọi “bù nhìn” là “thằng”, mà không gọi là “con” (con bù nhìn), hoặc “cái” (cái bù nhìn). Không rõ ở những chỗ khác người ta làm bù nhìn bằng cách nào, hình dáng ra sao, ở quê tôi người ta làm hai cách.

Đối với những người khéo tay thì lấy rơm khô bện lại thành hình một người cao lớn. Bện xong người ta lấy quần áo rách mặc vào và đội nón cời cho nó rồi vác ra đồng ruộng cắm xuống đất. Trên tay bù nhìn được cột một cây trúc, hoặc nhánh tầm vông khá dài.

Ở đầu cây cột bọc ni-lông cho gió phất phơ. Cũng có người làm bù nhìn đơn giản hơn. Họ lấy một khúc tầm vông dài chừng vài thước cắm xuống đất làm trụ.

Rồi lấy một đoạn tầm vông khác nhỏ và ngắn hơn cột vào cây trụ như hai cánh tay dang rộng. Rồi cũng lấy quần áo, nón cời máng vào và cột cây roi như thằng bù nhìn bện rơm. Chim cò thấy bù nhìn tưởng là có người đứng xua đuổi, nên chúng không dám đáp xuống phá ruộng lúa, hoặc hoa màu.

Cây ngông được làm đơn giản hơn bù nhìn rất nhiều, nhưng tác dụng của nó không hề đơn giản tý nào. Cây ngông được xem là một biển báo, đúng hơn là một “bảng cấm” không lời, cũng do con người dựng lên để cảnh báo người khác không xâm phạm đến quyền sở hữu của mình.

Cây ngông là một quy ước được bà con quê tôi áp dụng rất lâu đời. Cây ngông gồm có hai phần là “cây” và “ngông”. Đó là một cây tầm vông hoặc cây trúc lớn, phía trên đầu cây người ta cột một cái vòng tròn. Vòng tròn này được bện bằng rơm khô, hoặc tàu chuối khô, hay dây bòng bong...

Hồi đó vùng ven sông rạch quê tôi có nhiều bãi bồi, được gọi là láng. Ở những cái láng này cỏ nước, mà chủ yếu là cỏ ma (tên một loại cỏ) mọc rất nhiều. Để nuôi giữ cỏ cắt cho trâu bò ăn, chủ láng làm cây ngông cắm xuống láng.

Tuỳ theo láng rộng hay hẹp, để cho những người đi cắt cỏ dạo (những người đi cắt cỏ mọc hoang dã) dễ thấy mà không tự tiện vào cắt, chủ láng cắm một, hoặc vài cây ngông (thường ở đầu láng, giữa láng, cuối láng).

Thấy láng cỏ nào có cắm cây ngông là người cắt cỏ dạo tránh xa, dù không có chủ láng trông giữ. Không chỉ những láng cỏ, mà nhiều chủ ruộng còn giữ cỏ trên các bờ ruộng lúa của mình cũng bằng cách cắm ngông. Giáp với các láng ven sông rạch (không có bờ bao) là những đám ruộng rộc, ruộng lung, ruộng lầy...

Những đám ruộng này nhiều bùn sình, nhưng nông dân đào đắp được bờ bao và cấy lúa. Sau khi gặt lúa, để giữ cá (chờ khi nước cạn khai ruộng bắt cá), mà không cho ai đến đánh bắt bất cứ hình thức nào, chủ ruộng làm mấy cây ngông cắm xuống ruộng.

Đối với các ao, đìa vậy, để giữ cá, nuôi cá, người ta cũng không cần làm biển “ao nuôi cá” hay “đìa nuôi cá” mà chỉ cắm cây ngông là đủ. Chỉ vậy, không cần viết một câu, một chữ nào hết, vậy mà hầu hết người dân quê tôi hồi ấy đều nghiêm chỉnh chấp hành. Rất ít trường hợp “lén phén” cắt trộm cỏ, hoặc trộm cá ở những láng cỏ, những đám ruộng giữ cá có người cắm cây ngông.

Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, người ta có nhiều cách hiện đại để xua đuổi chim thú bảo vệ mùa màng. Trên đồng ruộng giờ ít thấy có thằng bù nhìn đứng canh đuổi chim muông, mà từ xa xưa vua Lê Thánh Tông đã từng viết: “Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ/ Vốn lòng vì nước há vì dưa/ Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc/ Vùng vẫy trên tay một lá cờ/ Dẹp giống chim muông xa phải lánh...” ( “Người bù nhìn” của vua Lê Thánh Tông). Còn cây ngông ở quê tôi hầu như cũng không còn nữa.

Giờ thì hầu như ai cũng biết đọc, biết viết, chỗ nào nuôi cỏ thì người ta làm tấm bảng gỗ nhỏ viết “cỏ nuôi” hoặc “nuôi cỏ” cắm xuống đất. Còn ao, hoặc ruộng nào nuôi cá thì người ta làm mấy tấm biển “ao nuôi cá” hoặc “ruộng nuôi cá”, cắm ở nơi dễ thấy nhất.

Có đăng biển hẳn hoi như vậy, nhưng vẫn khó tránh khỏi tình trạng trộm cá bằng cách chích điện, nếu chủ ao, chủ ruộng không có biện pháp canh giữ cẩn thận.

T.L

Từ khóa » Người Nộm Rơm