Bù Nho Xưa Và Nay - Báo Bình Phước
Có thể bạn quan tâm
Về Bù Nho trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2018), chúng tôi được nghe những nhân chứng lịch sử kể lại một thời chiến đấu kiên trung, phá tan kìm kẹp của địch. Trong ánh mắt, lời nói của những con người đã qua một thời hoa lửa luôn chứa đựng niềm tự hào vì được sống, chiến đấu ở vùng đất anh hùng.
Kiên cường trong chiến đấu
Tháng 6-1960, tỉnh Phước Long chính thức hình thành. Do đặc điểm tình hình lúc đó, tỉnh không tổ chức đơn vị hành chính theo quận, huyện mà lập thành các K. Theo đó, địa bàn Bù Nho thuộc K2. Năm 1963, sáp nhập K1, K2, K7 thành K127, sau đó tách K127 thành K16, K17 và Bù Nho thuộc K17. Năm 1968, K17 tách thành K11 và K17, địa bàn Bù Nho thuộc K11. Mật danh này được giữ cho đến ngày giải phóng miền Nam.
Đường ĐT741, đoạn qua địa bàn xã Bù Nho anh hùng - khu trung tâm xã ngày càng khang trang
Ông Nguyễn Mai Trang ở thôn Tân Hiệp, từng giữ chức Xã đội trưởng nhớ lại: “Từ năm 1963-1967, hoạt động đấu tranh chống địch càn quét, gom dân vào ấp chiến lược ở Bù Nho ngày một lớn mạnh. Lực lượng của K127 đã tập hợp nhân dân phá banh mảng ấp chiến lược ở ngã ba Phú Riềng - Bù Nho. Từ cuối năm 1964, Bù Nho được giải phóng một phần, đến năm 1965 giải phóng hoàn toàn. Năm 1967, Ủy ban hành chính kháng chiến xã Bù Nho được thành lập với 3 thành viên, gồm: Bí thư, Xã đội trưởng và Công an xã. Sau đó, một số đảng viên sinh hoạt bí mật đã chuyển sang hoạt động công khai. Ngày đó được kết nạp vào đội du kích cũng oai dữ lắm! Vì đây là lực lượng trung kiên của Đảng, mục tiêu bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Tôi là một trong 12 anh em được kết nạp và đọc lời tuyên thệ dưới cờ”.
Trong kháng chiến, địa bàn Bù Nho diễn ra nhiều cuộc càn quét, đánh phá ác liệt của địch, gây thiệt hại lớn về người và của cho ta, phần lớn nhân dân phải sơ tán đi nơi khác. Cuối năm 1968, Bù Nho cũng như nhiều địa phương khác của Phước Long gặp nhiều khó khăn trong xây dựng lực lượng cách mạng do địch đẩy mạnh bình định, giành giật với ta từng tấc đất. Chúng tăng cường thêm quân, lập nhiều đồn bốt, xây dựng hệ thống phòng thủ bảo vệ chi khu quân sự, sân bay và các cơ quan ở quận lỵ Phước Bình. “Hằng ngày chúng cho mở các cuộc hành quân càn quét vùng quanh chân núi Bà Rá và khu vực lân cận, trong đó có Bù Nho. Chúng còn dùng trực thăng rải chất độc da cam nhằm tiêu diệt mọi sự sống ở đây, mục đích biến nơi này thành vùng đất trắng. Để tránh sự sát hại của địch, năm 1969, chúng tôi phải đưa dân ở Bù Nho về Bù Đăng sinh sống” - ông Trang hồi tưởng.
Ông Nguyễn Văn Bảng, sinh năm 1939, ở thôn Tân Phước nói: “Tôi tham gia Ban liên lạc Quân khu 304 thuộc Trung ương Cục miền Nam, đóng tại tỉnh Kompongcham (Campuchia) từ năm 1962-1974. Cuối năm 1974, Ban liên lạc giải thể, tôi cùng 6 người khác đưa 80 hộ Việt kiều Campuchia về vùng giải phóng ở các xã Đa Kia, Phước Bình, Thuận Lợi và 40 hộ về Bù Nho. Khi ấy, Bù Nho là vùng rừng rậm, ve, vắt rất nhiều, ngoài 40 hộ đưa từ Campuchia về thì xã chỉ còn 6 hộ sinh sống đang là cơ sở cho cách mạng. Thời điểm này, tôi giữ chức Phó chủ tịch UBND cách mạng lâm thời xã Bù Nho. Xã cũng thành lập Chi bộ đảng gồm 11 đồng chí, Ban chỉ huy xã đội 20 đồng chí, xây dựng đội du kích và ra mắt một số đoàn thể. Bọn ngụy quyền ở Phước Long nhiều lần tung thám báo vào nghe ngóng và cho ném bom, bắn pháo vào xã mới tái lập. Trước tình hình đó, 2 nhiệm vụ lớn K ủy 11 chỉ thị là xây dựng lực lượng du kích bảo vệ xã cùng lực lượng quân sự giải phóng hoàn toàn Phước Long; tự túc đủ ăn, dự trữ lương thực để đón dân về vùng mới giải phóng”.
Âm thầm làm nên chiến thắng
Là một trong 40 thành viên của Đội trinh sát thuộc Bộ chỉ huy Cục miền Nam tham gia giải phóng hoàn toàn Phước Long, ông Trang nhớ lại: “Đêm 30, rạng sáng 31-12-1974, pháo binh ta dồn dập bắn vào Chi khu quân sự Phước Bình, sân bay Phước Bình, núi Bà Rá và vùng lân cận, như Bù Nho, Phước Tín. Cuộc chiến giằng co quyết liệt giữa ta và địch đến chiều 31-12-1974 thì các vị trí trọng yếu của Chi khu Phước Bình bị tiêu diệt. Địch trong chi khu bị tiêu diệt một phần, số còn sống bỏ chạy về Phước Long. Trước lợi thế đó, ta đẩy mạnh tiến công vào các vị trí còn lại của chi khu. Bộ đội và du kích phối hợp đánh chiếm đồn bốt, hỗ trợ cơ sở cách mạng và đồng bào nổi dậy khắp nơi. Địch không thể ứng phó và ta giải phóng hoàn toàn Phước Bình. Chiều tối cùng ngày Bù Nho cũng được giải phóng”.
Trong suốt những năm kháng chiến, quân và dân Bù Nho đã đoàn kết bắn rơi 5 máy bay; pháo kích 5 trận, tiêu diệt 10 tên Mỹ và 35 tên ngụy; đánh bộ binh 60 trận, tiêu diệt cấp chỉ huy tiểu đoàn, 1 đại đội, 2 trung đội, 5 tiểu đội, diệt 17 tên Mỹ, 75 tên ngụy; tiêu diệt 40 tên gián điệp, phá bỏ 2 ấp chiến lược... Nhân dân trong xã còn vận chuyển, tập kết 10.000 tấn gạo, trồng 300 ha cây mì, góp 20 con trâu, bò và nhiều nhu yếu phẩm khác để các lực lượng yên tâm đánh giặc. Sau ngày giải phóng Bình Phước, Bù Nho là điểm tập kết toàn bộ người dân ở Phước Bình, Phước Long với gần 2.000 người về nuôi dưỡng hơn 3 tháng đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đổi thay ở xã anh hùng
Sau giải phóng, dân di cư từ các nơi về xã Bù Nho làm kinh tế mới ngày một đông. Chi bộ, chính quyền và nhân dân xã Bù Nho bước vào công cuộc xây dựng kinh tế sau chiến tranh. “Nhân dân hăng say lao động, những cán bộ như chúng tôi cũng chẳng nghĩ đến tiền lương mà chỉ ngập tràn hạnh phúc vì mình được làm chủ, được tự do. Các phong trào thanh niên, phụ nữ, bình dân học vụ phát triển, người biết chữ dạy người không biết chữ. Nhiều hoạt động thi đua lao động, học tập diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh” - ông Bảng nhớ lại.
Được chứng kiến sự đổi thay của Bù Nho qua từng giai đoạn, ông Bảng, ông Trang đều khẳng định, Bù Nho đã chuyển mình và tiến một bước dài trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Vinh dự và tự hào vào năm 2005, xã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến Bù Nho ngày nay, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm, trung tâm thương mại... được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp cùng những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát. Phát huy truyền thống lịch sử cùng sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến cuối năm 2017, toàn xã có 48 công ty, doanh nghiệp, nhà máy và 967 cơ sở sản xuất - kinh doanh. Năm 2017, tổng thu ngân sách đạt trên 10 tỷ đồng, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 534 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 44 triệu đồng/người... Ngày 18-1-2017, Bù Nho là xã đầu tiên của huyện Phú Riềng đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngân Hà - Bình Nguyên
Từ khóa » Bù Nho
-
Bù Nho – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bản đồ Xã Bù Nho, Huyện Phú Riềng, Tỉnh Bình Phước
-
Xã Bù Nho, Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước
-
Bù Nho - Bình Phước
-
TỔNG QUAN VỀ HUYỆN PHÚ RIỀNG
-
Số 991, Tổ 6, Thôn Tân Lực, X. Bù Nho, H. Phú Riêng, T. Bình Phước
-
Chợ Bù Nho - Bình Phước - Home | Facebook
-
Xã Bù Nho - Bù Gia Mập - Trang Cá Nhân Của Trịnh Đình Linh
-
Bù Nho - Bình Phước On Instagram • Photos And Videos
-
Trường Tiểu Học Bù Nho
-
Mua Bán Nhà đất Xã Bù Nho, Phú Riềng Chính Chủ 2022
-
Siêu Thị Điện Máy XANH Bù Nho, Phú Riềng, Bình Phước
-
MICHELIN Bù Nho Map - ViaMichelin