Bữa Cơm Gia đình Thời Mạng Xã Hội | Báo Dân Trí

Ngày 28/6, ngày Gia đình Việt Nam, chúng tôi tổ chức một cuộc thi nấu ăn cho các bạn trẻ. Nghe thì đơn giản nhưng qua đó phát hiện được nhiều điều về độ gắn kết các thành viên trong gia đình qua bữa ăn hằng ngày.

⁃ Sao em lại làm nem bằng thịt thái miếng chứ không phải thịt xay? ⁃ Vì em nghĩ thế là ngon ạ.⁃ Em đã từng xem mẹ làm nem hay giúp mẹ cuốn nem bao giờ chưa?⁃ Chưa ạ, em chỉ ăn thôi! Mà hình như mẹ em cũng đặt người ta làm mà!

Nhưng cũng có những bạn tỏ ra nhanh nhẹn, thao tác khá tự tin. Hỏi ra thì biết, đó là những bạn thường xuyên giúp bố mẹ làm bếp.

⁃ Em thường pha nước chấm. Bố dạy em. Bố và mẹ có công thức nước chấm khác nhau…

Ngỡ chỉ là chuyện ăn uống đáp ứng nhu cầu tối thiểu của con người nhưng với mỗi gia đình, hóa ra, con cái hiểu bố mẹ đến đâu, bố mẹ chia sẻ với con được cỡ nào cũng nhờ bữa cơm chung. Món ăn mang dấu ấn của mẹ, món khoái khẩu của cả nhà, món truyền thống của gia đình - biết bao kỷ niệm được xây đắp từ đó để sau này khi nhắc tới hay thưởng thức lại, ta có cơ hội rưng rưng thương nhớ.

Nhiều khi con tuổi "teen" đang dằn dỗi, nhấm nhẳng với bố mẹ mà rồi mẹ làm cho món ưa thích, hương thơm quen thuộc của món ăn không chỉ kích thích dịch vị mà còn kích hoạt cảm xúc tích cực khiến lòng chùng xuống, suy nghĩ mềm mại hơn.

Trong thời đại công nghệ này, những con người hầu như rút vào thế giới ảo và sự tương tác xa xôi qua mạng xã hội, đã chớm quên mùi dầu mắm của bếp xưa. Những nồng nồng, hăng hăng đặc trưng của hành tỏi khô treo góc bếp. Những ngai ngái, khen khét của cặn dầu, hơi mỡ, mùi gỗ mọt ẩm ẩm của chiếc chạn gỗ thuở nào… Những căn bếp bóng loáng hiện đại cũng cần bóng dáng con người làm nó ấm lên, không chỉ là dáng bà dáng mẹ tất bật cơm nước mà còn cần dáng lộc ngộc vụng về của đứa trẻ đang lớn sắp đặt, lau dọn cho ra một chủ nhà.

Một bạn nhỏ tâm sự: "Mẹ không cho con động vào cái gì đâu ạ. Con hậu đậu lắm!". Kết quả là các con cứ ở trong phòng, đến giờ ăn thì ra, láng cháng tí chút rồi mỗi người lại một góc riêng mình. Dần dà, các kết nối lỏng lẻo lúc nào không hay!

Năm tháng trôi nhanh. Cuộc sống hiện đại, việc gì cũng gấp gáp, chúng ta dường như quên mất rằng gian bếp là nơi có nhiều việc lặt vặt để làm, để các thành viên trong gia đình có cớ ở bên nhau lâu hơn một chút. Và những câu chuyện khi ấy gợi ra mới dễ dàng làm sao! Chuyện lớp, chuyện trường, chuyện cơ quan… Chuyện bạn chuyện bè, chuyện đồng nghiệp. Bố mẹ cần nghe con cũng như con cần được nghe bố mẹ, để đôi khi khám phá những chi tiết bé nhỏ về người thân của mình, điều mình có thể sẽ nhớ mãi. Hóa ra tay mẹ rất nhiều vết bỏng do dầu rán bắn vào. Bố hay lấy giấy vệ sinh lau bằng sạch cặn dầu trên chảo rồi mới rửa - bố thật thông minh! Bà có cách bóc trứng luộc thú vị quá: cho vào âu nhựa xóc lên vài cái… Ông bảo sau này ông đi xa, thắp hương đừng cúng sơn hào hải vị mà chỉ cần món khoai luộc này thôi…

Kỷ niệm là gì nếu không phải là những điều nho nhỏ khó quên ấy?! Và chúng ta sống bên nhau đây trong một gia đình chẳng phải là đang góp nhặt từng kỷ niệm để được ôm ấp, an ủi khi rời xa?!

Tác giả: Bà Nguyễn Thụy Anh bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Tổng hợp Sư phạm Moscow (Nga); sau đó về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ và giáo dục. Bà là người sáng lập câu lạc bộ Đọc Sách Cùng Con và nỗ lực giúp trẻ em coi đọc sách là hoạt động cá nhân yêu thích, tự nguyện trong suốt 11 năm qua. Năm 2021, TS Nguyễn Thụy Anh lọt vào danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng do Forbes Việt Nam bình chọn.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Từ khóa » Dantri Xã Hội