Bức Thư Gửi Mẹ Âu Cơ - Huongthoigian82

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

bức thư Gửi mẹ Âu Cơ

Giảng viên: Trần Ngọc Hiếu Sinh viên: Lý Thị Nhàn Lớp: Văn CK58 Cơ chế hoàn cảnh trong bức thư gửi mẹ Âu Cơ-Y Ban “Mẹ kính yêu của con Ngày hôm nay con được chứng kiến nỗi đau của những người mẹ. Nỗi đau của con lại bùng lên và biết bao bà mẹ cũng có nỗi đau như con…” Viết dưới hình thức một bức thư, câu chuyện có nhan đề “bức thư gửi mẹ Âu Cơ” của nhà văn Y Ban để lại cho người đọc nhiều day dứt và trăn trở. Nỗi đau của người mẹ và nỗi đau của người con-nỗi đau của hai địa vị. Câu chuyện là lời tâm sự chân thành của cô gái 24 tuổi từng trải, trong một hoàn cảnh nổi bật bởi cơ chế: sự đay nghiến, lạnh lùng của con người Mỗi tác phẩm văn học đều xây dựng một hoàn cảnh mà ở đó nhân vật tồn tại và hoạt động, bộc lộ tính cách cũng như phẩm chất. Cũng giống như môi trường tồn tại của con người, hoàn cảnh là toàn bộ thế giới xung quanh con người, tuy nhiên hoàn cảnh trong văn học là hoàn cảnh nghệ thuật, được thể hiện trong tác phẩm văn học một cách nghệ thuật (như là một hình tượng). Nó có cấu trúc, ý nghĩa riêng và chịu sự chi phối bởi quan niệm nghệ thuật của mỗi nhà sáng tác và giúp họ tạo nên những thế giới nghệ thuật riêng, đặc sắc và độc đáo. Hoàn cảnh nghệ thuật là một yếu tố thuộc cấu trúc của phương pháp sáng tác tuy nhiên bản thân của hoàn cảnh cũng là một cấu trúc có nhiều cấp độ. Cấu trúc đó bao gồm 4 yếu tố cơ bản: nhân vật tạo hoàn cảnh, các xung đột tạo hoàn cảnh, cơ chế và không khí của hoàn cảnh. Trong 4 yếu tố này, cơ chế của hoàn cảnh được coi là yếu tố có vai trò quan trọng nhất ảnh hưởng tới hành động, tính cách cũng như số phận của nhân vật. “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” là một ví dụ Câu chuyện về những cô gái trẻ sa ngã có thể không còn xa lạ với bạn đọc nhưng “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” vẫn có những nét riêng. Toàn bộ tác phẩm được bao trùm bởi cơ chế lạnh lùng tàn nhẫn và sự đay nghiến của hoàn cảnh đối với nhân vật. Đó chính là “nguyên tắc chỉ đạo hành động, sự vân động của nhiều nhân vật” (Phạm Mạnh Hùng). Mỗi tác phẩm văn học đều có những cơ chế hoàn cảnh riêng, phụ thuộc vào quan niệm và cách nắm bắt hiện thực của tác giả . Ví dụ trong tác phẩm “số đỏ” của Vũ Trọng Phụng là cơ chế dối trá, lừa bịp; trong tác phẩm “sống mòn” của Nam Cao là cơ chế sống mòn...Đây dường như là một môtip trong tác phẩm. Cũng phong phú như chính cuộc sống, cơ chế của hoàn cảnh có nhiều kiểu loại. Theo quan niệm của Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng trong cuốn “ thi pháp hoàn cảnh trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao” thì cơ chế của hoàn cảnh có ba kiểu loại như sau: Cơ chế hành động: những nguyên tắc tổ chức, chỉ đạo hành động của hệ thống nhân vật Cơ chế tâm lí xã hội: những nguyên tắc chỉ đạo, chi phối quá trình tâm lí của các nhân vật Cơ chế đạo đức phong tục: những nguyên tắc đạo đức, phong tục tập quán, thói quen…chi phối tới tâm lí và hành động của nhân vật Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng “trong một hoàn cảnh nghệ thuật có thể có nhiều cơ chế, trong đó nổi lên một cơ chế mang tính chất chủ đạo”. Trong “bức thư gửi mẹ Âu Cơ” ta bắt gặp cảnh miêu tả những cuộc sinh nở trần trụi, sự chịu đựng đớn đau của nhân vật. Những chi tiết đó khiến ta liên tưởng đến “thiên thần sám hối” của Tạ Duy Anh rồi rùng mình vì những sự thật đang được phơi bày. Nhưng nổi lên trong “bức thư gửi mẹ Âu Cơ” còn là sự đay nghiến, sự lạnh lùng của con người trước nỗi đau đồng loại. Sự lạnh lùng, sự đay nghiến của dư luận xã hội khiến nỗi đau con người bị nhân lên, nỗi đau dai dẳng để rồi cô gái 24 tuổi, sau rất nhiều năm trôi qua, vẫn không thể quên đi nỗi đau ấy. Mỗi lần chứng kiến là một lần cảm thấy đau đớn hơn, thấm thía hơn Nếu như nỗi đau của những cuộc sinh nở là một sự giày vò về thể xác thì nỗi đau của sự đay nghiến lạnh lùng của con người là sự giày vò về tâm hồn. Cả xã hội đay nghiến, chửi rủa người những cô gái trẻ “không chồng mà chửa”, cho đó là hư hỏng, là đĩ bợm, là “đồ gái”…Sự đay nghiến ấy lại diễn ra trong lúc con người ta cảm thấy đau đớn nhất, cần sự đồng cảm và sẻ chia nhất. Cô gái 24 tuổi cùng một lúc phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau. Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác mà còn là sự giày vò khủng khiếp về tâm hồn: chịu đựng sự dè bỉu của người đời, sự đay nghiến của người mẹ (dù người mẹ đó rất thương con) và nỗi đau phải từ bỏ cốt nhục, từ bỏ mầm sống mà với cô “tháng thứ nhất con mơ hồ, thánh thứ hai lo sợ, tháng thứ 3 có gì đó thắng nỗi lo sợ…cái gì đó ấm áp dịu dàng…” Nỗi đau đó xuất phát từ cơ chế của hoàn cảnh, mà cụ thể là cơ chế tâm lí xã hội tuy nhiên nó có nguồn gốc sâu xa từ những chuẩn mực đạo đức phong tục lâu đời của dân tộc. Con người Việt Nam (và một số nước Á Đông) quen thuộc với quan niệm: là nữ giới thì phải đoan trang, đứng đắn và cái việc lỡ dở bị coi là một tội lỗi khủng khiếp, một vết nhơ cho xã hội, một nỗi nhục cho gia đình. Quan niệm đó ăn sâu vào mỗi con người Việt Nam, bám rễ hàng ngàn năm nay trong tiềm thức của biết bao thế hệ. Nó mạnh đến mức khiến chính cô gái-nạn nhân của định kiến ấy-cũng cảm thấy mình mang trong mình một tội lỗi quá lớn. Và có lẽ vì thế mà trước lời dè bỉu của thiên hạ, cô chỉ lặng lẽ chịu đựng…Tội lỗi đó là tội lỗi đã lỡ có một đứa con. Đứa con chính là tội lỗi, tội lỗi của tình yêu, khi tình yêu chưa đi đến hôn nhân Nguyên tắc đạo đức ấy đã chi phối cả một xã hội, khiến cho tất cả mọi người cùng mang một tâm lí từ khinh bỉ đến lạnh lùng đay nghiến những “bệnh nhân cô-văc”. Từ những kẻ xa lạ trong phòng phụ khoa với cái nhìn “kinh ngạc khinh bỉ:…rõ hiền lành tử tế mà khốn nạn, đĩ bợm…”, những bệnh nhân trong phòng vô sinh đến cả những y tá trong bệnh viện với những trò đùa “dớ dẩn, vô lí hết sức”, rồi lườm nguýt, khi đi ra vẫn cố thốt lên một câu “đồ gái…”. Tất cả khiến cô gái cảm giác mình như “một con thú bị săn đuổi đến đường cùng”. Sự đay nghiến lạnh lùng không chỉ biểu hiện trong lời nói mà cả trong hành động. Những cô y tá chăm sóc thì ít, quát mắng và đay nghiến bệnh nhân thì nhiều. Cái cảnh một cô gái “lăn lộn, đầu óc rũ rượi” với hình ảnh “như điên như dại” khép lại bởi câu nói của một cô y tá “Đi nhanh lên kẻo bẩn hết sàn. Đến khổ cho các bà trẻ. Các bà sướng lắm để khổ người ta thế này. Đi nhanh lên! Không chết đâu mà rón rén” khiến ta hụt hẫng. Đành rằng những cô gái trẻ ấy là những người có lỗi. Sự lạnh lùng của người đời cứa sâu hơn vào nỗi đau của cô gái. Nhưng còn một nỗi đau nữa mà cô phải chịu đựng, đó là sự đay nghiến của người mẹ. Quan niệm và tập quán lâu đời của xã hội khiến người mẹ không thể nào dịu dàng được với con gái. Bà cảm thấy đau đớn, nhục nhã vì con và dẫu thương con, điều đó cũng không ngăn nổi bà thốt lên “sướng chưa? Ai đã dạy mày như thế này cơ chứ?”. Một câu hỏi nhưng thực chất là một lời đay nghiến, nó chì chiết tâm hồn đứa con mang trong mình cái gọi là tội lỗi của tình yêu. Năm lần lặp lại dường như cả năm đều là lời đay nghiến và mỗi lần như thế, cô gái lại hổi tưởng về tuổi thơ, về những gì đã trôi qua, ở đó có những câu chuyện êm đềm tươi đẹp nhưng cũng có những câu chuyện không nên xảy ra. Rõ ràng hoàn cảnh sống đã ảnh hưởng đến nhân vật và cái hậu quả hôm nay cũng có một phần lí do từ đó. Câu chuyện một phần nào đó cho ta nhìn nhận lại mối quan hệ, cách ứng xử của các bà mẹ và con gái Cơ chế hoàn cảnh chi phối tới đời sống tâm lí của nhân vật. Người mẹ sau lời chì chiết còn gắt gỏng “cái giống lạc loài sao mà dai dẳng đến thế…”. Cô gái mơ hồ nhận ra sự vô lí ấy khi cô so sánh những đứa con của mẹ (trong đó có cô) với đứa con của cô; một bên là không lạc loài-một bên là lạc loài. Và cái ranh giới của lạc loài và không lạc loại được đánh dấu bằng 2 từ: hôn nhân. Dưới áp lực của hoàn cảnh cô gái phải từ bỏ tình yêu, từ bỏ mầm sống vẫn đang cố tồn tại trong mình để nhận về sự đau đớn và nỗi cô đơn. Tình yêu đã không chiến thắng được áp lực của dư luận, của xã hội. Đằng sau lời đay nghiến, chì chiết tàn nhẫn của người đời, ta bỗng nhận ra sự phi lí trong quan niệm bấy lâu nay của mình: xem nữ tính phải là xuất phát từ phụ nữ và người phụ nữ phải là những người biết chịu đựng và hi sinh. Cơ chế đay nghiến tẫn nhẫn với người phụ nữ đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức truyền thống xuất phát từ chính quan niệm đó. Nó đã chỉ đạo toàn bộ tâm lí của hệ thống các nhân vật trong tác phẩm vì thế mỗi hành động, suy nghĩ, lời nói của các nhân vật đều tập trung thể hiện cơ chế ấy: từ những kẻ không phải chịu đựng nỗi đau đến những người đang mang những bất hạnh của cuộc đời; từ những người xa lạ đến những người gần gũi nhất. “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” không có những mâu thuẫn, xung đột gay gắt nhưng câu chuyện không vì thế mà tẻ nhạt. Cơ chế đay nghiến tàn nhẫn với con người góp phần đắc lực trong việc thể hiện số phận của nhân vật cũng như tạo không khí cho hoàn cảnh. Cô gái 24 tuổi trong câu chuyện không nhận được một lời tử tế, một thái độ cảm thông nào trái lại chỉ nhận được những lời khinh bỉ, đay nghiến và hằn học. Câu chuyện kết thúc- một cái kết không có hậu-nỗi đau thể xác có thể đã được giải quyết nhưng nỗi đau tinh thần vẫn còn đó, vẫn âm thầm dai dẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Người theo dõi

Lưu trữ Blog

  • ▼  2011 (17)
    • ▼  tháng 10 (17)
      • Tội ác và trừng phạt
      • Ba người khác.Tô Hoài
      • Nhà mẹ Lê-TL
      • Dưới bóng hoàng lan-TL
      • Cô hàng xén-Thạch Lam
      • Số đỏ-Vũ Trọng Phụng
      • Nhân vật Bá Kiến
      • Thị Nở (Chí Phèo-Nam Cao)
      • Lão Hạc-Nam Cao
      • Chí Phèo-Nam Cao
      • Giá trị đối trong "đăng cao"-Đỗ Phủ
      • Một nơi sạch sẽ và sáng sủa
      • Góp lá mùa xuân-TCS
      • bức thư Gửi mẹ Âu Cơ
      • Tây tiến-Quang Dũng
      • Ông Đồ-Vũ Đình Liên
      • Miết trì-Chu Văn An

Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi huongthoigian802 Xem hồ sơ hoàn chỉnh của tôi

Từ khóa » Tóm Tắt Truyện Bức Thư Gửi Mẹ âu Cơ