"Bức Tranh" 10 Năm Về Bạo Lực Gia đình ở Việt Nam - Dân Trí

Bạo lực gia đình ở Việt Nam đã giảm như thế nào?

Báo cáo tổng kết 14 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thể hiện, trong giai đoạn thi hành luật, các tỉnh thành trên cả nước phát hiện 318.647 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). Cũng trong giai đoạn thi hành luật, số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm, cụ thể năm 2009 là 53.206 vụ, năm 2015 là 19.274 vụ và năm 2020 là 7.831 vụ.

Tuy nhiên, "bức tranh" về số liệu các vụ việc BLGĐ giữa các ngành lại có sự "vênh" nhau. Điều này cho thấy sự không đồng nhất trong việc thống kê, báo cáo vụ việc.

Bức tranh 10 năm về bạo lực gia đình ở Việt Nam - 1

Số liệu báo cáo về các vụ việc bạo lực gia đình được các tỉnh thành trên cả nước tự thống kê trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 (Ảnh chụp màn hình).

Cụ thể, theo thống kê của ngành tòa án, từ ngày 1/7/2008 đến ngày 31/7/2018 TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm hơn 1.422.000 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, còn lại hơn 37.400 vụ đang trong quá trình giải quyết.

Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn mà tòa án đã giải quyết, có gần 1.060.770 vụ có nguyên nhân từ BLGĐ hoặc liên quan đến BLGĐ (chiếm 76,6%). Báo cáo của ngành Tư pháp cho thấy, năm 2014 tiếp nhận hòa giải hơn 31.500 vụ việc BLGĐ, năm 2015 là gần 34.000 vụ.

Như vậy, theo thống kê của ngành tòa án, năm 2015 đã có sự gia tăng vụ việc BLGĐ so với năm 2014. Đặc biệt, số vụ việc được ngành tòa án thống kê vào năm 2015 đã lớn hơn gấp 4 lần số vụ việc do các địa phương trên cả nước tự thống kê.

Mặt khác, những số liệu nêu trên có thể chưa phản ánh đầy đủ tình hình BLGĐ ở Việt Nam hiện nay.

Theo kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 (công bố năm 2020) cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; tỷ lệ bạo lực hiện tại (trong 12 tháng qua) là hơn 31%.

Điều tra cũng cho biết, hơn một nửa phụ nữ từng có chồng/bạn tình đã phải chịu đựng ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục và/hoặc tinh thần do chồng/bạn tình gây ra. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu với tổng số gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã được điều tra viên phỏng vấn trực tiếp.

Bạo lực gia đình không phải là "việc riêng"!

Trước "ma trận" số liệu được thống kê từ nhiều cơ quan, tổ chức, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thừa nhận, bản thân không thể biết số liệu nào nêu trên là chính xác, là đáng tin cậy vì còn phụ thuộc vào "cách thu thập" và đây là "vấn đề thể hiện nhận thức của chúng ta" về vấn nạn BLGĐ.

"Dù đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nhưng việc thực hiện hay không thì tôi cho rằng không có ai thật sự quan tâm, mà chỉ làm kiểu hình thức. Đến khi cần báo cáo số liệu thì mỗi nơi báo cáo một kiểu" - bà Hồng nhận định.

Bức tranh 10 năm về bạo lực gia đình ở Việt Nam - 2

TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh, cần thay đổi nhận thức bạo lực gia đình chỉ là "việc riêng" để góp phần giảm thiểu các vụ việc bạo lực (Ảnh minh họa: Báo ANTĐ).

Nêu quan điểm về tình trạng bạo lực gia đình ở nước ta, nữ Viện trưởng ISDS cho biết, dựa trên số liệu tại cuộc khảo sát về bạo lực phụ nữ năm 2010 và cuộc khảo sát vào năm 2019 thì tình trạng này đã gia tăng. Cụ thể, vào năm 2010, có 58% phụ nữ có gia đình từng bị bạo lực ít nhất một lần; đến năm 2019, con số này khoảng 63% (tăng 5%).

Tuy nhiên, cũng có thông tin lý giải rằng, vào năm 2019, do mọi người nhận thức tốt hơn về vấn đề BLGĐ nên khi được khảo sát đã cởi mở, chia sẻ hơn; còn trước đó, họ ngại ngùng không muốn nói ra. Vì vậy, tỷ lệ phụ nữ có gia đình bị bạo lực đã gia tăng.

"Tôi cho rằng, đây cũng chỉ là một cách lý giải. Bởi vì, nếu theo dõi thông tin trên báo chí thì thời gian gần đây, số vụ bạo lực trong gia đình cũng như ngoài xã hội đang có chiều hướng gia tăng" - bà Hồng chia sẻ.

Đề cập đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, TS. Khuất Thu Hồng nêu quan điểm rằng, luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bởi lẽ, một số quy định trong luật còn mơ hồ, không khả thi nên cần thiết phải sửa đổi. Các nhà làm luật cần giải được "bài toán" đảm bảo tính khả thi, để luật thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả giáo dục, răn đe và phải thực sự kiểm soát được bạo lực gia đình.

Để đạt hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống BLGĐ, bà Hồng cho rằng, cần quy định thêm về mặt thể chế và cơ quan chức năng cần phân bổ thêm nhân lực tham gia vào lĩnh vực này. Bởi lẽ, luật luôn cần có con người để thực thi nên nếu nhân lực quá mỏng thì không đạt được hiệu quả.

Bên cạnh đó, quan niệm, nhận thức của người dân về BLGD cũng rất quan trọng. Từ xưa đến nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng, bạo lực gia đình là việc riêng của gia đình, nên để gia đình tự "đóng cửa bảo nhau" còn đi tố cáo thì "không hay ho gì"; đồng thời, việc chồng dạy vợ mà có hành vi đánh đập là chuyện bình thường…

"Song song với việc thực thi pháp luật thì những quan niệm mà tôi nêu ở trên cũng cần được thay đổi. Nếu chỉ sửa đổi, bổ sung luật mà nhận thức của người dân không thay đổi thì cũng chẳng làm thuyên giảm tình trạng bạo lực gia đình" - bà Hồng nói.

Đề nghị đưa Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) và chương trình làm luật năm 2022

Cùng chung quan điểm nêu trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu - ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, bày tỏ việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 là rất cần thiết vì luật này đã trải qua một thời gian dài và đang thể hiện nhiều bất cập đối với các vụ việc xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Bức tranh 10 năm về bạo lực gia đình ở Việt Nam - 3

Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật của năm 2022 (Ảnh: Phú Thọ).

"Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 thiếu quy định giải thích các khái niệm, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống tội phạm nên cần thiết phải sửa đổi. Cần sửa đổi theo hướng làm sao bảo vệ, bảo trợ được các nạn nhân bị bạo lực gia đình và ràng buộc trách nhiệm cho người thực hiện công tác này. Bên cạnh đó, các quy định trong luật hiện hành về biện pháp phòng ngừa cũng chưa giải quyết được phần "gốc", chủ yếu tập trung xử lý đối tượng gây bạo lực bằng chế tài hành chính và hình sự " - ông Hậu nhận định.

Cũng theo luật sư Hậu, điểm thiếu sót thứ 2 trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 là chưa làm rõ tính đặc thù; nhiều vụ việc bạo lực xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng những mâu thuẫn, tranh chấp vẫn kéo dài; không xử lý, hóa giải dứt điểm mâu thuẫn. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do luật hiện hành chưa quy định, đồng thời do hạn chế về kiến thức, kỹ năng của một số người có tư tưởng là định kiến về giới.

Luật sư Hậu cũng kiến nghị, các nhà xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cần đề cập đến quy trình cụ thể để xử lý một vụ việc; bổ sung thêm quy định về Quỹ Phòng, chống BLGĐ để thu hút nguồn vốn xã hội hóa; đề nghị sửa đổi quy định không phù thực tiễn như biện pháp "cấm tiếp xúc" đối với người có hành vi bạo lực (quy định tại Điều 20, Điều 21)…

Bên cạnh đó, việc làm rõ các khái niệm trong luật sẽ tránh được hệ lụy mỗi người hiểu một cách, tạo điều kiện để khâu thực thi đạt được hiệu quả cao.

"Trong bối cảnh tình trạng bạo lực xảy ra ở hầu hết các địa phương, lại đang có chiều hướng phức tạp và diễn biến ra tăng, tôi đề nghị đưa Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật của năm 2022" - ông Hậu đề xuất.

Bức tranh 10 năm về bạo lực gia đình ở Việt Nam - 4

(Ảnh minh họa: Cổng TTĐT VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nhiều hành vi gây hậu quả nghiêm trọng chưa được luật hiện hành đề cập!

Dù là hành lang pháp lý trực tiếp về lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực nhưng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra rằng, trong Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành còn một số khái niệm chưa được làm rõ, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi tổ chức thực hiện.

Đơn cử là khái niệm BLGĐ theo Luật hiện hành quy định, đây là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Định nghĩa này chưa đề cập rõ vấn đề bạo lực tình dục. Trong khi đó, hành vi bạo lực tình dục đã diễn ra ở nhiều khu vực, xuất hiện trong các tầng lớp xã hội tại Việt Nam trong nhiều năm qua.

Kết quả Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy 13,3% phụ nữ ở Việt Nam đã từng bị chồng/bạn tình bạo lực tình dục trong đời; 5,7% phụ nữ cho biết bạo lực này trong 12 tháng qua. Trong khi đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, luật về phòng, chống BLGĐ của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đều xác định bạo lực tình dục là một trong các dạng thức của BLGĐ.

Bức tranh 10 năm về bạo lực gia đình ở Việt Nam - 5

Nhiều hành vi bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng chưa được Luật hiện hành đề cập đến (Ảnh minh họa: Báo ANTĐ).

Báo cáo kết quả 14 năm thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ cũng nêu rõ, xã hội hiện nay đã xuất hiện một số dạng thức BLGĐ mới mà luật hiện hành chưa xác định, đề cập.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 2 của Luật hiện hành quy định 9 nhóm hành vi BLGĐ song chưa đề cập đến những hành vi như: "Có thu nhập mà không đóng góp tài chính hoặc ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ; Kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; Phân biệt giới tính, định kiến giới và các đặc trưng cá nhân của thành viên gia đình liên quan đến giới; Cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc các nội dung, trình diễn hành vi khiêu dâm, kích thích bạo lực và vi phạm pháp luật".

Đây là những hành vi đã xuất hiện ở Việt Nam và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều cá nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế đã có sự nhận diện chưa đầy đủ về hành vi BLGĐ khiến nhận thức về BLGĐ khác nhau ở các cấp, các ngành và người dân. Từ đó dẫn đến những bất cập trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống BLGĐ và thu thập thông tin về BLGĐ.

"Do đó, Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi cần bổ sung, hiệu chỉnh các khái niệm, giải thích rõ ràng một số thuật ngữ để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện" - báo cáo nêu rõ.

Bạo lực gia đình - những "gam màu" tươi sáng

Từ năm 2008 đến năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với địa phương xây dựng và đầu tư kinh phí thí điểm Mô hình phòng, chống BLGĐ tại 64 xã/phường/thị trấn ở 63 tỉnh/thành trên cả nước.

Kết quả tổng kết, đánh giá vào cuối năm 2010 thể hiện, năm 2008, tại 64 xã triển khai mô hình xảy ra 1.071 vụ BLGĐ. Đến năm 2010, số vụ việc giảm xuống còn 238 vụ (giảm 77,8%).

Mặt khác, tại các xã/phường/thị trấn triển khai thí điểm mô hình không còn xảy ra vụ bạo lực nghiêm trọng. Trước thành công từ mô hình thí điểm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát, đánh giá, hoàn thiện để hướng dẫn nhân rộng Mô hình đến những xã/phường/thị trấn khác trong địa bàn.

Sau 10 năm triển khai thí điểm từ 64 xã/phường/thị trấn đến nay đã có hàng nghìn xã/phường/thị trấn trên toàn quốc chính thức triển khai mô hình này.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã tổ chức và nhân rộng các mô hình tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên.

Giai đoạn 2008-2017, các Trung tâm tư vấn pháp luật (14 trung tâm) đã tư vấn được 14.783 cuộc, phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn cho 134.873 người; có 7.848 cơ sở y tế khám chữa bệnh và đón tiếp nạn nhân tạm lánh. Trung ương Hội đã tham vấn nghề và giới thiệu đến các cơ sở học nghề cho 760 lượt người là nạn nhân BLGĐ...

Từ khóa » Những Vụ Bạo Hành Gia đình Mới Nhất