Bức Tranh Giang Hồ đất Cảng - Bài 3: Giang Hồ Cổ Cồn Trắng - PLO

Long “sầu” nói giang hồ đất cảng chưa bao giờ có ai “thống lĩnh” được toàn bộ, ngay cả đàn chị Dung “hà” cũng chưa giành được vị trí độc tôn ấy. Các phe nhóm hợp tác và kiềm chế nhau cùng tồn tại nhưng cũng sẵn sàng huyết chiến để tranh giành lãnh địa làm ăn.

Phác thảo thế lực giang hồ

Thời kỳ Dung “hà” “thịnh trị”, một sới bạc ở Kiến An dù được nữ quái này bảo kê nhưng vẫn bị cu Nên xua quân cướp thùng tẩy, đánh trọng thương đám trật tự bãi. Một ông trùm khác là Lâm “già” có xích mích với cu Nên cũng bị đám “chiến tướng” dưới trướng cu Nên chĩa súng bắn thẳng vào nhà. Thời nay, giang hồ đất cảng không còn gói gọn trong những hoạt động bảo kê bến bãi hay mở sòng bạc nữa mà đã tham gia cả vào lĩnh vực từ ăn chơi giải trí, kinh doanh... với tổ chức tinh vi hơn. Giang hồ đất cảng giờ được gọi bằng một danh xưng mới: “dân xã hội”. “Dân xã hội” đất cảng phân chia thành năm bè bảy mối, cùng nhau nắm giữ các đầu mối làm ăn. Trong “giới xã hội”, các thế lực được phân chia thành nhiều tầng nấc khác nhau. Đứng đầu là “anh lớn” gồm những ông trùm có số má cũng như tiềm lực tài chính hùng hậu, có quan hệ rộng, tạo được nhiều việc cho đàn em kiếm sống. Dưới “anh lớn” có các “anh nhỏ” là những đầu lĩnh cầm đầu các “quẫy” với nhiều “chiến tướng” đã có bề dày thành tích trong nghề đâm chém chuyên thực thi công việc làm ăn mà “anh lớn” chỉ đạo. Dưới các “chiến tướng” là đám “ong ve” chưa có thành tích nổi trội, thường bị gọi là “trẻ con”.

Bức tranh giang hồ đất cảng - Bài 3: Giang hồ cổ cồn trắng ảnh 1

Trường gà, sới bạc là những mảnh đất giang hồ kiếm sống. Trong ảnh: Một trường gà tại huyện An Dương (Hải Phòng) bị công an triệt phá. Ảnh: KIM

Long “sầu” cho biết ở Hải Phòng, “anh lớn” hiện có thế lực, có tiếng nói vào bậc nhất có lẽ là Sơn “bình”. Sơn “bình” không chỉ hào hiệp, điềm đạm mà còn luôn biết tôn trọng “đạo lý giang hồ”. Đại ca này khởi nghiệp từ bảo kê Bến xe Niệm Nghĩa, sau mở các sới bạc ở khắp nơi, đàn em trong tay rất đông nhưng Sơn “bình” gần như không tạo ra điều tiếng gì xấu. Một đàn anh khác rất có thế lực và cũng điềm đạm, khôn khéo là Bình “đen”, người thành danh trong việc kinh doanh vận tải khách ở Bến xe Tam Bạc. Vốn là tay dao búa đầy bản lĩnh, sau khi ra tù, Bình “đen” kín đáo tổ chức đàn em mở sới bạc, kinh doanh “tín dụng đen”. Khi có vốn, Bình “đen” mua xe khách giành “lốt” chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội. Nhờ biết dùng thế lực “xã hội” can thiệp vào hoạt động giành khách mà Bình “đen” mau chóng trở thành chủ doanh nghiệp vận tải thành đạt.

Ngoài ra, còn có cả chục những “anh lớn” có đông đàn em như Dũng “more”, Dũng “xích lô”, Dũng “bắc cạn”, Lợi “nam”, Sơn “kíp”, Thành “mắt to”, Tùng “mít”, Tuấn “tượng”, Kiên “lợn”, Tuấn “lùn”… Trong số này, Tuấn “lùn” dù không phải hùng mạnh nhất nhưng lại được biết tiếng nhất bởi hắn chính là kẻ cầm đầu một băng nhóm gây nên cuộc huyết chiến kinh hoàng ở khu vực cây xăng Đông Á với nhóm Quyền “quý”, Phong “hồng” gần chục năm trước. Mặc dù bên Tuấn “lùn” đại bại, quân số thương vong nhiều nhưng sau khi đi tù trở về, Tuấn “lùn” được các đàn em xưng tụng như một… thần tượng. Long “sầu” nói rằng đa số “trẻ con” cứ nghe tên Tuấn “lùn” là muốn xin theo. Tuấn “lùn” đã tạo được một thế lực với đám “chiến tướng” và “ong ve” hùng hậu, trong đó nổi bật là các “chiến tướng” Đông “nhài”, Tuấn “chán sống”, Trung “đen”. Tuy nhiên, Tuấn “lùn” đã dần chuyển hướng đưa quân đi mở sới bạc ở tỉnh ngoài.

Tại khu vực ngoại thành, huyện nào cũng có một, hai đàn anh giang hồ “thống trị” mở sới bạc, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, trong đó nổi lên có Chiểu “núi đèo” ở Thủy Nguyên, Trường “ti” ở An Lão, Trọng “phồn” ở Tiên Lãng… Mỗi đàn anh một lãnh địa, không ai đụng ai, chỉ khi nào người này bị giành giật, chèn ép hay bị xúc phạm thì mới xua quân đi đâm chém, bắn giết…

Bức tranh giang hồ đất cảng - Bài 3: Giang hồ cổ cồn trắng ảnh 2

Giang hồ đất cảng chưa bao giờ có ai “thống lĩnh” được toàn bộ. Trong ảnh là sơ đồ một “quẫy đàn” băng nhóm giang hồ ở Hải Phòng. Đồ họa: TQ

Khi giang hồ đeo mác doanh nhân

Chiếc Mercedes bóng loáng từ từ tấp vào vỉa hè rồi dừng lại trước quán cà phê sang trọng gần khu vực Nhà hát lớn TP Hải Phòng. Từ trên xe, một người đàn ông tầm thước chừng 40 tuổi, da ngăm đen, dáng điệu bảnh bao trong bộ vest xám bước xuống. Thấy người đàn ông bước vào, một số thanh niên đang ngồi đứng dậy chắp tay chào cung kính. Long “sầu” nói nhỏ: Đó là anh Bình “đen”, một đàn anh giang hồ rất có thế lực, hiện là chủ doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Hải Phòng - Hà Nội. “Hãng xe của anh Bình “đen” là “xe vua”, các hãng khác đều phải nhường cho xe anh ấy đi trước bắt khách, nếu không muốn bị xử đẹp” - Long “sầu” nói.

Theo Long “sầu”, từ khi còn trẻ, Bình “đen” đã có tiếng ở khu Đồng Bún nhờ bản tính lầm lì, ít nói nhưng ra tay rất quyết đoán. Khi bị án tù về tội gây rối trật tự công cộng, Bình “đen” đã ra tay đánh một bạn tù gãy xương sườn vì dám ép “lính mới”. Ra tù, nhờ có đầu óc tổ chức và uy tín giang hồ, Bình “đen” quy tập đàn em tổ chức các sới bạc ven đô, sau đó chuyển sang ngạch “tín dụng đen”. Hơn chục năm trước, khi đã có tiềm lực mạnh về kinh tế, đồng thời với hệ thống “tín dụng đen”, Bình “đen” đã bước vào lĩnh vực kinh doanh bằng việc đầu tư xe khách cắm vào bến Tam Bạc chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng.

Thời ấy, trên tuyến này có nhiều hãng xe đã thành danh, tiềm lực mạnh hơn nên họ o ép các xe của Bình “đen”. Ông chủ xe có vẻ ngoài điềm đạm, nhã nhặn lập tức đáp trả các hãng xe đàn anh bằng chính cách của họ. Một đội ngũ đàn em được căng ra trên hai đầu tuyến để chặn ép các xe khác phải dừng lại để xe của Bình “đen” đi trước đón khách, sau đó các xe khác mới được đi. Nếu xe nào không tuân thủ, đám “ong ve” của anh Bình “đen” sẽ “xử đẹp” khiến các lái xe của hãng khác phải tuân thủ.

Long “sầu” cho biết cũng như Bình “đen”, các “anh lớn” giang hồ sau khi tạo lập được thế lực, có chỗ đứng trong “giới xã hội”, đa số đều tìm một lĩnh vực làm ăn bằng cách lập doanh nghiệp hoặc góp vốn. Đeo mác doanh nghiệp nhưng những “đàn anh xã hội” này thường dùng “chiêu” giang hồ để o ép đối tác, triệt hạ đối thủ, giành lấy mảng làm ăn béo bở cho mình. Điển hình như đàn anh Hải “bẹt” trưởng thành từ việc bảo kê khu vực cảng Chùa Vẽ, sau đó đã sắm một loạt đầu xe container lập nên doanh nghiệp vận tải hàng hóa XT. Để giành giật chân hàng, Hải “bẹt” ngoài việc lo “quan hệ” còn cho đàn em gây áp lực khiến cho chủ hàng sợ bị quậy phá. Nhờ đó Hải “bẹt” đã giành được hợp đồng chuyên chở gạo xuất khẩu miền Nam về cảng Hải Phòng.

Còn Toàn “béo”, một đàn anh giang hồ có tiếng trong lĩnh vực bảo kê, đòi nợ thuê, sau khi ra tù cũng đã lập Công ty Bảo vệ TT. Nhờ “núp” danh công ty bảo vệ, Toàn “béo” tiến hành các hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê dưới hình thức hợp đồng bảo vệ hẳn hoi.

Cũng đeo mác doanh nghiệp làm xây dựng nhưng Nguyễn Văn Tiến (ngụ huyện An Dương) lại là kẻ lái súng. Trụ sở công ty xây dựng của Tiến là nơi giao dịch những phi vụ buôn bán hàng nóng với giang hồ. Dưới trướng giám đốc Tiến có một đội ngũ đàn em chuyên săn lùng, môi giới mua bán hàng nóng. Sẩm tối một ngày cuối năm 2011, khi vị giám đốc này cùng ba đàn em đang thực hiện một phi vụ bán hàng nóng đã bị công an bắt giữ thu ba khẩu súng, trong đó có hai khẩu súng ngắn quân dụng.

KIM LINH

Kỳ tới: Những “chiêu” đòi nợ không đụng hàng

Một ngày, bạn đi làm về, bỗng thấy nhà mình đông đúc, kèn trống đám ma tấu lên những khúc bi ai. Bạn bàng hoàng, hoảng hốt lao vào nhà. Thì ra… bạn mắc nợ ai đó chưa trả và đây là cảnh đòi nợ thuê không giống ai của một băng giang hồ đất cảng!

Từ khóa » Tiểu Sử Tuấn Lùn