Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can – Đặng Hoàng Giang

Review sách BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN (Hoa Tuyết)

Cuốn sách là tập hợp những góc nhìn của tác giả về các vấn đề của xã hội hiện nay. Đặng Hoàng Giang có cái nhìn sâu sắc, nhìn thấu những nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Bằng cách phân tích, đánh giá thấu đáo các hiện tượng xã hội, tác giả đã đưa ra quan điểm của mình một cách khéo léo nhưng vẫn rất thẳng thắn. Có những quan điểm ta sẽ gật gù đồng tình, có những cái sẽ khiến ta phải nhìn lại mình, cũng có những quan điểm ta chưa thoả mãn lắm. Tác giả đưa ra một cách nhìn toàn diện từ vi mô đến vĩ mô, từ câu chuyện đạo đức cho đến chuyện Quốc gia đại sự, từ chuyện văn hoá đến chính sách pháp luật. Có những câu chuyện gây bức xúc trong dư luận nhưng khó mà thay đổi nếu không có sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo – những người đề ra và thực thi hiến pháp.

Cuốn sách với giọng văn hài hước nhưng chứa đầy tính nhân văn. “Đừng lên án và chỉ trích người nghèo, hãy giúp họ nhen nhóm lên sự tự tin, gây dựng niềm hy vọng với chính bản thân mình”. Lối sống của một người dẫn họ đến sự đói nghèo hay sự đói nghèo đã tạo cho họ lối sống như vậy? Theo quan điểm của tôi thì nó là sự tác động qua lại lẫn nhau.

Tôi thích những điều tự nhiên vốn có. Do đó tôi rất thích cách lập luận của tác giả về “phẫu thuật thẩm mỹ”: Mỗi con người có một bản sắc riêng, sự độc đáo riêng. Phẫu thuật thẩm mỹ là sự chối bỏ cơ thể mình, là sự tự phá hoại bản thân. Trong cuộc chạy đua với thời gian và truy tìm tuổi trẻ, người ta luôn là người thua cuộc, không ai có thể chống lại thời gian và tuổi già để mãi mãi xinh đẹp.

Cuốn sách cho thấy một sự am hiểu rộng của tác giả về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ông đưa ra những nhận định tinh tế và thấu hiểu từ nhiều góc độ. Có nhiều thứ hay ho trong cuốn sách và tôi xin nêu một vài điểm nhấn.

“Mọi cái tệ hại của con người đến từ chỗ họ không thể rời smartphone để ngồi yên một mình”. Đọc đến đây chắc nhiều bạn không khỏi giật mình và tôi cũng không ngoại lệ.

Cái tát hữu hình của bàn tay vô hình – nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường phát triển kéo theo một loạt hệ lụy của nó – thứ sẽ phá hủy đất nước và con người nếu ta không có những biện pháp kịp thời để “phát triển bền vững”.

Câu chuyện tác giả đề cập đến khiến tôi cảm thấy chua xót nhất là về những cậu bé mới chỉ học cấp ba, chỉ vì giật chiếc mũ 30 nghìn đồng để trêu bạn nữ phải nhận án tù 3 năm với tội danh cướp giật tài sản gây hoang mang dư luận…., giống như bi kịch của nhân vật Jean Valjean trong bộ tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, nhận án tù năm năm vì ăn cắp một ổ bánh mì cho mấy đứa cháu. Với cách nói hài hước đầy xót xa, tác giả đã chỉ ra những cái nhân dân thấy mà nhà nước không thấy, sự lo lắng về tương lai của các em… Đọc đến đây tôi có cảm giác hoang mang, không hiểu luật pháp đề ra để giúp con người sống tốt hơn, an tâm hơn hay để phục vụ một lợi ích nào đó?

“Khi quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên trở nên cằn cỗi thì có ngồi trong Lexus người ta cũng chỉ là kẻ bất hạnh”. Tác giả cũng bàn về “hạnh phúc thực sự”, về sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng cao.

Cuốn sách gồm nhiều chuyện ngắn, mỗi câu chuyện là một quan điểm của tác giả và lôi cuốn từ đầu đến cuối.

Tôi rất tâm đắc với bài “tôn thờ sách là mê tin dị đoan”. “Mục đích cuối cùng của giáo dục và văn hoá là tạo ra sự bao dung. Chúng ta có thể âu yếm lướt qua các trang sách, nhắm mắt hít vào mùi thơm và lắng nghe tiếng sột soạt quen thuộc của chúng, nhưng việc đó không chứng tỏ chúng ta ưu tú, hay đẳng cấp, hay có văn hoá hơn những người không làm như vậy. Chúng ta có thể học tập vị thiền sư nọ vào thời nhà Đường, người đã quẳng cái tượng Phật vào lửa để lấy hơi ấm, vì nó chỉ là gỗ, tinh thần của Phật không nằm ở đó. Sách cũng thế, để gối đầu giường hay kê dưới chân bàn không quan trọng, chúng chỉ là bột gỗ”.

Bên cạnh đó tôi lại có cái nhìn khác về việc đi du học và đọc sách help-self. Tác giả có cái nhìn tiêu cực, tuy không phải không có nhưng đó không phải là tất cả. Cái gì cũng có hai mặt, đôi khi tốt hay xấu còn ở góc nhìn và quan điểm của mỗi người. Nếu như tác giả cho rằng việc, luôn đặt câu hỏi và không bao giờ hài lòng với các câu trả lời kể cả khi chúng là của bố mẹ, là cứng đầu thì tôi cho rằng đặt câu hỏi là nền móng của sự phát triển, luôn không hài lòng với câu trả lời sẽ thúc đẩy sự sáng tạo. Tôi đọc đi đọc lại không hiểu có phải đoạn này tác giả dùng biện pháp “nói ngược” không? Vì những câu chữ thì thể hiện sự phản đối nhưng tôi nghĩ với tư duy của người đã từng sống ở nước ngoài 20 năm có vẻ như không mấy phù hợp.

Các bạn hãy đọc cuốn sách như một lần tự nhìn lại mình và nhìn nhận một cách nghiêm túc các vấn đề xã hội.

Từ khóa » Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can đặng Hoàng Giang