Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can – Đặng Hoàng Giang

Sau khi đọc “Thiệc, ác và smartphone” và “Điểm đến của cuộc đời”, tôi mới quay trở lại với “Bức xúc không làm ta vô can” – được xuất bản trước hai cuốn kể trên. “Bức xúc không làm ta vô can” là một tập hợp những bài nghị luận XH về nhiều đề tài như nghị lực trong cuộc sống, lợi và hại khi cho con đi du học, những chuyện hài hước châm biếm về giải phẩu thẩm mỹ, sự lố lăng của truyền hình thực tế, lòng tự thiện đặt sai chỗ của du khách vùng cao… Không dễ để viết review cho cuốn này nhưng tôi vẫn muốn “nói” một chút về nó, vì vậy tôi sẽ viết cảm nhận của mình về một số bài trong sách.

Vì không cần phải đọc theo thứ tự đầu đến cuối nên tôi chọn bài “Vẻ đẹp của người đứng một mình” để đọc trước, vì tôi thường đứng một mình nhưng (dĩ nhiên là) không đẹp haha. Bài viết nói về hội chứng nghiện smartphone của con người hiện đại, làm gì, ăn gì cũng phải chụp tấm hình đăng FB (nghe khá giống tôi). Những câu ấn tượng đối với tôi trong bài viết này là

__ “Cái gì không được ghi vào bộ nhớ ĐT, cái đó không tồn tại”.

__ “Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm”.

__ “Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh. Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong XH, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn”.

Bài “Vẻ đẹp của người đứng một mình” có liên quan một chút đến bài “Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót”, không phải liên quan ở từ “vẻ đẹp”, mà liên quan ở chỗ khích lệ ý chí và tinh thần độc lập.

Bài viết về truyền hình thực tế khiến tôi nhớ đến một show truyền hình thực tế của nước ngoài tình cờ xem trên TV: người sản xuất show bỏ con rắn giả vào buồng ĐT công cộng rồi quay lại phản ứng của những người xui xẻo bắt gặp con rắn. Ngay lúc xem thấy chương trình đó, dù chưa đọc bài viết này của tiến sĩ Hoàng Giang, tôi vẫn cho rằng làm chương trình như thế thật là tàn nhẫn. Chẳng có gì để cười trước sự sợ hãi của người khác. Cảm xúc và sự ngạc nhiên của cá nhân nếu bị quay lại không xin phép rồi tung lên cho thế giới xem – đó là hành vi vi phạm nhân phẩm, gây sỉ nhục cho nạn nhân.

Một trong những bài viết khiến tôi buồn cười là bài về cảnh khách tham quan chịu mất tiền + thời gian + sức lực để vào xem bức tranh Mona Lisa tại bảo tàng Louvre ở Paris. Xếp hàng chen lấn như điên chỉ để đứng chụp selfie cách bức tranh 4m qua một lớp kính >> tức là chẳng thấy gì cả. Vốn là một người rất thích đi bảo tàng (đặc biệt sau khi đọc các tiểu thuyết của Dan Brown) nhưng dù có được trả tiền để vào xem bức tranh Mona Lisa tại Louvre, tôi cũng sẽ KHÔNG xem. Thà ngồi yên ổn tại nhà đọc bách khoa về lịch sử nghệ thuật còn hơn.

Một bài viết khác nhất định phải đọc trong cuốn này là “Những hiểm họa bất ngờ khi gửi con đi du học” được viết theo phong cách trào phúng. Tôi thật sự thích nội dung và cả văn phong của tác giả trong bài bày, đọc xong cảm thấy muốn đi du học haha. Nhưng nếu chưa có / không có khả năng đi du học, độc giả vẫn có thể tự rèn luyện cho mình những đặc tính được nêu trong bài viết. Chỉ cần muốn thì sẽ làm được.

Là một người thích đọc sách, tôi đặc biệt lưu ý đến bài viết “Tôn thờ sách là mê tín dị đoan”. Tác giả kể về sự kiện nóng sốt xảy ra vào tháng 7/2014 khi một bức ảnh chụp một đạo diễn và một người mẫu đang ngồi lên sách bị tung lên mạng. Thật ra họ ngồi trên hai cái ghế được kê lên mấy cuốn sách, và đó là ảnh chụp hậu trường, không có khán giả. Giờ đọc cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” thì tôi mới biết chứ năm 2014 tôi không hề biết gì về việc đó, nhưng nếu biết thì có lẽ phản ứng đầu tiên của tôi cũng sẽ phê phán họ, vì lúc đó tư duy của tôi chưa rộng mở lắm. Ngay đến giờ là năm 2020, đã đọc qua (và chê bai) không ít sách, tôi vẫn chưa hề nghĩ mình sẽ ngồi lên bất kỳ cuốn sách nào, nhưng giờ thì tôi cam đoan mình không phản đối / không bài trừ / không phản cảm khi thấy người khác ngồi lên sách, miễn là đừng ngồi lên bìa sách có in hình Lý Quang Diệu hoặc Mẹ Teresa hoặc một số người khác mà tôi kính trọng (tức là có thể ngồi lên bìa sách in hình những ai tôi không kính trọng!).

Thậm chí ngay chính những người lên tiếng chê bai chửi bới đạo diễn và người mẫu đã ngồi lên sách đó, chưa chắc họ là những người đọc + quý sách. Phê phán và hạ bệ người khác thì dễ, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và suy nghĩ với lòng khoan dung mới khó. Hôm qua tôi đọc được một câu rất hay trên tạp chí ELLE rằng “Những người bạn gặp trong cuộc sống hằng ngày, họ không hẳn là người lạ mà chỉ là người mà bạn chưa quen thôi”. Trong một phút bốc đồng đi công kích người khác, sau này lỡ họ là người ban ân cho mình hoặc cứu mình – lúc đó mình sẽ dùng tâm thế gì để đối xử với họ?

Trở lại với bài viết về sách, tác giả Đặng Hoàng Giang viết thế này: “Với tôi, mọi việc khá đơn giản. Nếu một cuốn sách có giá trị với tôi, vì nội dung của nó, hay vì nó là một kỷ niệm, tôi sẽ giữ nó. Nếu không, tôi sẽ nghĩ xem liệu nó có giúp ích hay đem lại niềm vui cho ai đó khác không. Nếu không nữa, thì cuốn đó được bán giấy vụn, để lót nồi, hoặc được xé ra nhóm lửa trại”.

Sách bây giờ không rẻ (thật ra là đắt thấy sợ luôn) nên đem bán giấy vụn, lót nồi hoặc xé nhóm lửa thì cũng tiếc (tiền), nên đối với những quyển sách không thích, tôi sẽ tặng hoặc cho mượn. Nếu sách do người yêu tặng mà sau này chia tay thì tôi sẽ đem trả chứ không xé hoặc đốt, còn những cuốn yêu thích được lưu giữ cả đời thì chắc sau này tôi sẽ di chúc cho ai đó. Nói chung, tuy tự cho rằng mình là mọt sách và có sự tôn trọng nhất định đối với sách / tác giả / dịch giả / thiết kế / biên tập / NXB nhưng tôi không hề xem sách như một linh vật cần tôn thờ một cách điên rồ, cũng không bọc sách để khỏi xài thêm nhựa. Đời sách cũng như đời người, là để đọc và thỉnh thoảng khiến nó lấm lem bụi đất một chút, để đem lại niềm vui và cảm thấy xứng đáng từng giây phút sống, để từ từ cũ đi và dù có chìm vào quên lãng cũng không sao.

Sau hai cuốn “Thiện, ác và smartphone” và “Điểm đến của cuộc đời”, tôi nảy sinh mong muốn viễn vông là được một lần trò chuyện với tác giả Đặng Hoàng Giang, nhưng sau cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” thì mong muốn viễn vông đó bị thổi bay mất, vì tôi nghĩ có một số quan điểm không hợp nhau sẽ khiến không khí cuộc trò chuyện trở nên xấu đi. Tuy vậy, lòng yêu thích của tôi đối với sách của tiến sĩ Hoàng Giang vẫn giữ nguyên, tôi sẽ tiếp tục đọc những cuốn sách khác của ông, đồng thời luôn quảng bá sách của ông đến với những bạn đọc khác.

Từ khóa » Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can Review