Bún đậu Mắm Tôm: Đậm Nồng Hương Vị Dân Dã

Món ăn đôi khi đã xóa bớt khoảng cách địa lý và nỗi nhớ người thân…

Không cầu kỳ mà tự phong phú

Nói về bún, Việt Nam có nhiều đặc sản như bún bò Huế, bún chả, bún thang, bún ốc… Mỗi tô bún nóng hổi là một nét riêng của từng vùng miền. Thế nhưng, bún đậu mắm tôm là một câu chuyện thú vị bởi có thể ăn kèm với nhiều món khác và nước chấm tuy không cầu kỳ nhưng mang nét riêng biệt.

Nhìn những khoanh bún nhỏ nhắn, trắng tinh, những lát đậu khuôn rán vàng ươm được đặt bên rau húng, quế, kinh giới, tía tô xanh mướt và cả chén mắm tôm cay nồng, không ít thực khách tò mò muốn nếm thử.

Bún trong món bún đậu mắm tôm đúng điệu phải là loại bún lá chứ không phải dạng sợi rời. Các sợi bún được vắt thành từng dây có đường kính độ 4 - 5 mm, dài cỡ 30 - 40 cm. Khi ăn, các lá bún này cắt thành từng đoạn, không quá ngắn cũng không quá dài, có thể bỏ gọn gàng trên đĩa, rất tiện lợi.

Chị Nguyễn Lan – top 15 MasterChef Việt Nam mùa thứ 2 - chia sẻ: Một thành phần quan trọng là đậu rán vàng và nước chấm. Đậu khuôn chọn loại mềm, được chiên vàng tới hay cháy cạnh tùy theo yêu cầu của mỗi người.

Chỉ khi nào gần ăn mới chiên đậu để giữ được độ nóng giòn, thơm ngon. Riêng mắm tôm được làm từ những con tôm đất còn tươi nguyên để khi thành phẩm, mắm phải thật thơm có màu ửng hồng.

Mắm tôm thường pha thêm đường, bột ngọt sao cho vừa miệng rồi thêm chút chanh và ớt. Điểm đặc biệt của món nước chấm này khi ăn bún đậu là được rưới thêm lớp dầu khi rán đậu xong làm cho chén mắm tôm sóng sánh, béo ngậy và bắt mắt.

Có nhiều người tiết lộ, họ thèm ăn bún đậu chỉ vì nghĩ đến bát nước chấm đậm mùi và độc đáo như mắm tôm. Với những người thích ăn, chưa bao giờ họ thấy món nào chấm với mắm tôm hợp đến thế. Tuy nhiên, bún đậu cũng có thể ăn với nước mắm tùy khẩu vị, chứ không nhất thiết là mắm tôm.

Gọi là bún đậu, nhưng lâu dần, món ăn này đã tăng phần hấp dẫn không chỉ riêng bún và đậu. Người ta có thể điểm thêm một ít thịt chân giò luộc đã xắt lát mỏng.

Theo chị Nguyễn Lan, thịt chân giò sau khi sơ chế được luộc chín rồi vớt ra để tủ lạnh. Khi thái, miếng thịt không bị nát, vỡ vụn mất thẩm mỹ. Hiện, món này còn được ăn với chả cốm, nem, dồi lợn… Dù kết hợp với rất nhiều món ăn khác nhau nhưng lại hòa quện và hợp vô cùng.

Chả cốm được kết hợp từ thịt heo xay nhuyễn và cốm cùng các nguyên vật liệu khác tạo thành một hương vị đặc trưng dẻo dai, thơm phức. Miếng dồi lợn luộc hoặc nướng ăn kèm rau sống đã cũng khiến món ăn rất riêng. Ở nhiều nơi, món ăn này còn được ăn cùng với bát giả cầy nấu măng chua.

Giả cầy được làm từ chân giò lợn nướng vàng rồi chặt ra ướp gia vị, thêm cả mắm tôm vào nấu cùng măng chua… Món ăn cứ ngày một phát triển phong phú, phù hợp với nhu cầu của thực khách. Chẳng hiểu sao gọi là bún đậu mà bày ra cả mâm đủ món kích thích vị giác của người ăn.

Thú vị hơn là những loại rau đi kèm cũng rất phong phú. Suất bún đậu đơn giản mà thêm các loại tía tô, kinh giới, húng, dưa leo, rau mơ... Tất cả tạo thành một món ăn thể hiện được cái hồn của ẩm thực Việt. Nếu không có thời gian ra quán, chị em cũng có thể tự làm ở nhà rất dễ dàng.

Bún đậu mắm tôm, vốn không cần bày biện cầu kỳ thì với sự đa dạng của các món ăn kèm cũng tự khiến nó bắt mắt. Chỉ cần dụng công, thêm lá chuối lót bên dưới hoặc lá dong rồi bày lên trên là có ngay mâm bún đẹp đẽ hút hồn thực khách.

Bún đậu gắn kết vùng miền

Cũng như các món ăn dân dã khác, với giá thành rẻ, nhiều người ăn, nên thu nhập của những người kinh doanh mặt hàng này khá cao.

Anh Nguyễn Mạnh Trường là người Hà Nội gốc nhưng chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Mới đầu, anh đã mất nhiều ngày để tìm được quán bún đậu chuẩn vị Hà Nội ăn cho đỡ nhớ.

Thế nhưng, đây không phải là món ăn quá phổ biến ở Sài thành. Hai vợ chồng anh đã nghĩ ngay ra việc kinh doanh nhà hàng bún đậu mắm tôm chuẩn vị quê nhà.

“Người miền Bắc vào Nam sinh sống và làm việc khá nhiều. Bún đậu là món được nhiều người yêu thích, đôi khi ăn cũng là vì muốn tìm lại một cảm giác thân thuộc khi đi xa. Hơn nữa, với thành phố đông dân, họ cũng có thể đổi bữa với món ăn mới này”, anh Trường nói.

Theo đó, chả cốm được chính tay mẹ anh Trường làm rồi đóng gói hút chân không gửi trong ngày vào cho con trai. Nem cũng được gói theo công thức bà hướng dẫn để giòn rụm mà béo ngậy…

Mỗi vùng miền có sở thích khác nhau nên anh Trường cũng bày biện các loại gia vị phong phú để thực khách có thể tự gia giảm cho vừa miệng. Đã gần 10 năm “chanh ớt pha với mắm”, vợ chồng anh Trường hiện có 3 nhà hàng bán bún đậu mắm tôm chuẩn vị Hà Nội tấp nập người ra vào.

Điều lưu ý nhất đó là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vốn kỹ tính nên anh Trường luôn quan niệm “phải sạch đã thì ăn mới ngon được”.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cửa hàng anh vẫn có hàng trăm đơn ship mang về mỗi ngày.

“Thu nhập bình quân của gia đình lên đến trăm triệu đồng mỗi tháng và tạo công ăn việc làm cho 20 người. Từ bún đậu mắm tôm, chúng tôi như người nhà bởi có đi xa mới quý cái tình của đồng hương. Thói quen, sinh hoạt đều quen thuộc khiến Nam - Bắc gần nhau hơn” – anh Trường chia sẻ.

Từ khóa » Bún đậu Hương Việt Nguyễn Văn Cừ