Bước Chân Của Người đan Sĩ Xitô Mỹ Ca - Công Giáo Việt Nam

Sau gần 85 năm hiện diện, có những thời điểm, đan viện Xitô Mỹ Ca từng đi qua nhiều khó khăn, thử thách, nhưng luôn vượt qua và cộng đoàn giờ đây đã lớn mạnh, đang ngày đêm cất lên lời kinh tiếng hát chúc tụng Ðấng Tối Cao…

Phía sau cánh cổng đan tu

Tọa lạc tại thôn Lập Định, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, thuộc giáo phận Nha Trang, đan viện Xitô Mỹ Ca nằm gần trục đường quốc lộ 1A, cách Sài Gòn xấp xỉ 400km, đủ để “nghỉ xả hơi” sau một hành trình dài nên từ lâu, nơi đây trở thành “trạm dừng chân” cho các đoàn hành hương từ miền Nam ra với Mẹ La Vang. Bên trong khuôn viên tĩnh lặng với cây xanh, hồ nước trong lành, các đan sĩ còn cho đặt tượng Đức Mẹ Fatima, chặng đường khổ nạn của Chúa Giêsu, cùng chùm tượng các thánh tử đạo Việt Nam… Tất cả tạo thành bức tranh hài hòa giúp nhiều tín hữu có được không gian lý tưởng để cầu nguyện, qua đó tìm sự lắng đọng trong tâm hồn.

Sau thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 80 năm thành lập đan viện

Thông thường, tên gọi của các đan viện được đặt theo tên địa danh nơi dòng hiện diện, nhưng Xitô Mỹ Ca thì lại có chút khác biệt. Viện phụ Bảo Tịnh Trần Văn Bảo giải thích: “Mỹ Ca vốn là tên của một làng đánh cá trên bán đảo Cam Ranh, mảnh đất mà nhà dòng đã hiện diện trước đó. Năm 1977, khi di dời về nơi ở hiện tại, đan viện vẫn giữ nguyên tên gọi vì đã gắn liền với cộng đoàn. Hơn nữa, anh em vẫn luôn mong một ngày được trở về lại mảnh đất mà nhiều thế hệ đan sĩ trước đó đã dày công gầy dựng nên”.

Trong đời sống của hội dòng Xitô Thánh Gia, cầu nguyện là phương thế thiết yếu, chiếm một vị trí quan trọng của các đan sĩ. Vậy nên tại Mỹ Ca, mỗi ngày các thầy dành phần lớn thời gian cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Cạnh đó thì lao động cũng là nét chính yếu. Nếu như các đan viện khác thường làm việc ngay trong khuôn viên nhà dòng thì do diện tích khá hạn chế nên Mỹ Ca phải đầu tư thêm một vùng đất trồng cây cao su, kết hợp vườn cây ăn trái và trại heo tại Bình Phước. Các đan sĩ tạo thành một cộng đoàn nhỏ, tự cắt cử nhau trông coi, chăm bón cây trồng. Việc lao động ngoài nuôi sống cộng đoàn còn giúp đan viện có thêm khả năng để phục vụ người nghèo.

Với cây xanh, hồ nước trong lành, đan viện trở thành không gian lý tưởng để cầu nguyện - ảnh: Đình Quý

Ẩn mình giữa không gian yên bình, cộng thêm tiếng kinh râm ran trải đều trong ngày của các đan sĩ nên Mỹ Ca trở thành chốn tĩnh tâm phù hợp cho nhiều người. Nhất là gần đây, đan viện đã cho xây dựng dãy nhà lưu trú và nhà nguyện kính các thánh tử đạo nên hướng đi sắp tới sẽ chú trọng đến việc phục vụ khách tĩnh tâm, vốn đã là một trong những phương thế đồng hành nơi các đan viện Xitô.

Hiện nay, số thành viên trong cộng đoàn khoảng 80 người, trong đó có 11 linh mục. Tuy nhiên, để có được bước tiến vững chắc như ngày hôm nay, dòng chảy của đan viện đã chứng kiến nhiều nét thăng trầm…

Dãy nhà lưu trú cho khách hành hương đang dần hoàn thiện

Những dấu mốc lịch sử

Tháng 10.1932, sau những dịp thăm viếng đan viện Phước Sơn tại Quảng Trị và tận mắt thấy một xứ truyền giáo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Viện phụ André Drillon, Hội trưởng của hội dòng Xitô Đức Mẹ Vô Nhiễm (thành lập tại miền Nam nước Pháp năm 1854 - năm Đức Giáo Hoàng Piô IXcông bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm) đã quyết định thành lập một đan viện tại Việt Nam với linh đạo là sống đời cầu nguyện và lao động trong cô tịch theo tinh thần tu luật của thánh tổ Biển Đức và các đấng sáng lập dòng Xitô. Ngài gởi ba linh mục đến Việt Nam tìm địa điểm lập dòng, và họ đã chọn làng đánh cá Mỹ Ca trên bán đảo Cam Ranh làm quê hương thứ hai của mình. Ngày 21.3.1934 ghi dấu ngày chính thức thành lập đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca trong giáo phận Qui Nhơn. Đến năm 1957, giáo phận Qui Nhơn được chia tách thì Mỹ Ca thuộc về giáo phận Nha Trang.

Thời gian đầu, dù gặp vất vả về nhiều mặt nhưng đời sống của đan viện vẫn ngày một thăng tiến khi số lượng ơn gọi không ngừng gia tăng. Đến tháng 7.1977, các đan sĩ rời Mỹ Ca để tới lập cư tại đồn điền của đan viện đã có từ năm 1959 ở thôn Lập Định, xã Cam Hòa. Cũng trong thời gian này, nhiều di dân từ các nơi tìm đến định cư xung quanh nên nhà dòng đã cắt phần lớn đất đai chia cho người dân lập nghiệp, đồng thời thành lập giáo họ Suối Hòa. Vậy nên từ 45 mẫu đất ngày đầu, khuôn viên Đan viện hiện chỉ gói gọn trong diện tích 5 mẫu.

Ngôi nhà cầu nguyên của đan viện - ảnh: Đình Quý

Trong những năm từ 1990 đến 1994 là giai đoạn thử thách nhất trong lịch sử đan viện, thậm chí có lúc tưởng chừng tại giáo phận Nha Trang không còn đan viện Xitô nào hiện diện. Viện phụ Bảo Tịnh Trần Văn Bảo kể: “Vì lúc đó ở đây chỉ có vài ba mái nhà tranh vách đất đơn sơ, lụp xụp, số thành viên còn lại trong dòng chỉ có 4 người, gồm 2 linh mục và 2 thầy âm thầm sống giữa cộng đoàn nên rất ít người biết tới”. Vậy nhưng như hạt lúa vùi sâu dưới lòng đất để chờ ngày trổ sinh bông hạt, kể từ thời điểm năm 1994, ơn gọi bắt đầu trở lại với đan viện. Và từ năm 2000 trở đi, niềm vui càng ngày một tìm đến khi các cơ sở kiên cố của cộng đoàn hình thành. Đặc biệt vào tháng 1.2014, Mỹ Ca tròn 80 tuổi, tổng tu nghị hội dòng họp tại Lérins (Pháp) đã quyết định nâng đan viện lên hàng đan phụ viện (đây là cấp bậc cao nhất của các đan viện Biển Đức và Xitô). Đây được xem như bước đánh dấu cho sự vững mạnh của đan viện chiêm niệm nơi dải đất miền Trung.

PHÚ THỊNH

Từ khóa » đan Viện Mỹ Ca Cam Ranh