BƯỚC ĐẦU PHÁC THẢO DIỆN MẠO THỂ PHÚ THỜI LÊ

Nghiên cứu Hán Nôm >> Tác giả >> D >> Đoàn Ánh Dương
Đoàn Ánh Dương
21. Bước đầu phác thảo diện mạo thể phú thời Lê (TBHNH 2009)

Cập nhật lúc 15h37, ngày 16/11/2011

BƯỚC ĐẦU PHÁC THẢO DIỆN MẠO THỂ PHÚ THỜI LÊ

ĐOÀN ÁNH DƯƠNG

Viện Văn học

1. thời Lê(1), nhất là thời Lê thịnh, phú phát triển khá rực rỡ(2). Sau những đỉnh cao thời Lê thịnh, phú chữ Hán tuy vẫn tiếp tục phát triển nhưng ít âm hưởng hào hùng hơn trước. Lúc này, cộng hưởng với mạch nguồn văn hóa dân gian đang được khơi dậy, phú chữ Nôm đạt được bước trưởng thành.

Có thể nói, chính sự gặp gỡ giữa thời đại và các đặc trưng thể loại đã khẳng định ưu thế của thể phú so với các thể loại khác. Tính chính thống, tính tụng ca đưa phú chữ Hán vào môi trường quan phương; thêm tính khoa trương, cách điệu lại rất phóng túng, phú phù hợp với tâm lí của những người chiến thắng; thêm tính bác học, phú đáp ứng được khẩu vị của tầng lớp nho sỹ uyên thâm theo đòi Hán học,… Cộng với tính dài hơi (so với thơ trữ tình) và lối miêu tả “trực trần kì sự”, phú thích hợp với việc miêu tả các trận chiến đấu, tổng kết bài học chiến tranh, dựng lên bức tranh tổ quốc và nhân dân anh hùng trong kháng chiến và kiến quốc. Chẳng thế mà trong điều kiện hẫng hụt của văn xuôi giai đoạn thượng kì, Lê Thánh Tông đã viết bài đại phú tán thể rất đồ sộ Lam Sơn lương thuỷ phú, để tổng kết 10 năm đấu tranh gian khổ mà hào hùng của dân tộc và định hướng kiến thiết quốc gia độc lập thống nhất. Rõ ràng cảm hứng anh hùng hào khí thời đại đã cộng hưởng với những đặc trưng thể loại làm phú chữ Hán thời này phát triển rất thịnh vượng. Nghiên cứu phú thời Lê, với tính chất quá độ của nó, không chỉ tìm hiểu được những nét độc đáo mà còn góp phần định giá đóng góp của nó vào những bước chuyển của quan niệm sáng tác, sự định hình và mở ra xu thế mới trong văn học dân tộc(4).

2. Khởi nghĩa Lam Sơn đã đem đến một sinh lực mới và mở rộng môi trường sáng tác cho phú. Từ môi trường cung đình với tính phúng gián, tỏ chí, tự tiến trong phú thời Trần, phú thời Lê thịnh đã vươn lên bao quát hiện thực rộng lớn với tính anh hùng ca khi thể hiện đất nước và con người chiến thắng. Phú trở thành nơi thể hiện tập trung sức mạnh quật khởi và tinh thần tự tôn dân tộc. Nhờ được tôi luyện trực tiếp trong chiến đấu và sống trong âm hưởng anh hùng ca của thời đại, các tác giả viết phú có vốn hiểu biết dồi dào về cuộc sống, đất nước và con người trong kháng chiến. Phú của họ là bản hợp ca tổng kết chiến tranh, nơi thể hiện sức mạnh chính nghĩa và âm hưởng hào hùng của công cuộc vệ quốc vĩ đại. Ở đó, họ đã dựng lên bức phù điêu về tập thể nghĩa binh anh dũng, bức tranh oai hùng của những trận quyết chiến sinh tử, sức mạnh và phẩm chất dân tộc trong cuộc kháng chiến.

Hiện lên trong các bài phú là hình ảnh những nghĩa binh anh dũng. Họ là tâm điểm trong bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến với vẻ đẹp hào mại, hùng tráng:

"Tiếng trống nổi vang, ba quân thật hùng cường bội sức;

Ngọn cờ thẳng tiến, các tướng đều hăng hái liều thân".

(Xương giang phú(5) - Lý Tử Tấn)

"Kẻ dũng hiến sức mạnh

Người tài dâng mưu kì.

Anh hùng hào kiệt chừ tỏ chí khí,

Cứu nước giúp đời chừ nào tiếc chi.

Sĩ tốt tới họp sức,

Ùn ùn như mây che".

(Lam Sơn Lương thuỷ phú(6) - Lê Thánh Tông)

Tập thể anh hùng ấy đẹp vì đó là một tập thể đại diện cho chính nghĩa:

"Vĩ đại thay, vua ta chuộng nghĩa,

Dốc một lòng rửa nhục trừ hung.

… Tiếng nhân dậy khắp,

Nghĩa khí vang lừng".

(Nghĩa kì phú - Nguyễn Mộng Tuân)

"Diệt bạo bằng nhân,

Trừ hung bằng nghĩa.

Vì xã tắc chừ diệt cừu thù,

Cứu đất trời chừ khỏi băng trụy.

Cho trăm họ chừ hết lầm than,

Cho bốn phương chừ được bình trị".

(Lam Sơn Lương thủy phú - Lê Thánh Tông)

Được trực tiếp tham gia vào chiến trận, dù ở vị trí quân sư như Nguyễn Trãi hay tham gia vào các ban văn võ như Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân,…; hoặc sống trong âm hưởng hào hùng của cuộc chiến như Lê Thánh Tông và nhóm Tao đàn,… họ thấu hiểu hơn ai hết tinh thần quật khởi và khí thế ngùn ngụt của nghĩa quân.

“Sấm ran chớp giật; Trúc chẻ tro bay.

Chu Kiệt bỏ cũi; Hoàng Thành phơi thây.

Hạ thành Nghệ An đã làm trọn vẹn;

Thẳng tới Tây Đô chỉ trong phút giây”.

(Chí Linh sơn phú - Nguyễn Trãi)

“Vua ta khởi nghĩa núi Lam, thế mạnh bừng bừng như lửa;

Hào kiệt theo tựa mây ùn, hiệu lệnh ran như sấm vỡ”.

(Chí Linh sơn phú - Nguyễn Mộng Tuân)

Sức mạnh ấy, khí thế ấy tất nhiên không phải ngày một ngày hai mà có. Đó là kết quả của một quá trình lâu dài bền bỉ từ khi “dựng gậy làm cờ” để “chiêu hiền đãi sĩ” rồi vượt qua biết bao khó khăn gian khổ: quân yếu, lương hết, quân giặc bao vây trong nơi lam chướng,…

“Nghĩa binh mới dấy, thế giặc đang hăng.

Anh hùng trong nước, cây gặp mùa sương”.

(Chí Linh sơn phú - Nguyễn Trãi)

“Quân có một toán, Đất có một thành.

Thấy dân cực khổ, Động nỗi thương tình.

Bèn theo lòng trời, Bèn họp nghĩa binh”.

(Xương giang phú - Lý Tử Tấn)

Nhưng họ đã chiến thắng. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân cơ bản nhất, nói như Lý Tử Tấn là họ có “đức”, có “nhân” (tức chính nghĩa) và có tinh thần đoàn kết.

“Không cứ ở đất hiểm, mà cốt ở đức lành,

Không cứ ở quân số, mà cốt ở lòng thành”.

Đó là bài học kinh nghiệm của một dân tộc nhỏ bé nhưng hùng cường và ngay từ khi thành lập đã có truyền thống bầu bí thương nhau, góp cây nên núi.

Nổi bật lên trên bức tranh chiến trận ấy là hình ảnh của vị chủ tướng, một cá nhân xuất sắc đại diện cho sức mạnh và phẩm chất của toàn dân tộc. Đó là con người có lòng căm thù giặc sâu sắc, có trí tuệ mẫn tiệp, có ý chí quyết tâm, có tinh thần gang thép,... chung đúc ở tấm lòng yêu nước nồng nàn.

"Biết thế địch, biết sức mình,

Khi nhượng bộ, khi tăng cường.

Chờ thời cơ dẫn đến thuận lợi,

Giấu oai hùng chẳng để hở hang.

Nằm gai chẳng quản,

Nếm mật là thường.

Lo rửa thẹn xưa nghìn thuở,

Để phục đất cũ bốn phương".

(Chí Linh sơn phú - Nguyễn Trãi)

Đó cũng là con người có chính nghĩa, giàu lòng vị tha, chú trọng “công tâm” hơn “công thành”, “giữ vẹn nước là hơn, lo dân yên là trọng”.

“Đức có cao, công mới lớn,

Người có hùng, đất mới linh.

Giữ nước không cốt ở thế hiểm,

Giữ dân không cốt ở hùng binh”.

(Xương giang phú - Lý Tử Tấn)

Rõ ràng, từ người anh hùng tập thể kết tinh thành vẻ đẹp của đấng chủ tể, tính chất trực diện đã được trừu tượng hóa. Tuy hiện thực sinh động mất đi ít nhiều tính thời sự, nhưng với thể phú, trong âm hưởng hào hùng của nó, đã tổng kết được trong hình tượng một cá nhân đại diện cho tập thể, sức mạnh và phẩm chất của toàn dân tộc. Lê Lợi trở thành người đại diện chân chính hội tụ đầy đủ sức mạnh và vẻ đẹp sáng ngời của ý chí bất khuất và chủ nghĩa anh hùng dân tộc.

Có nhân kiệt, phú không quên nhắc tới địa linh. Nhưng, nói tới địa linh cũng là để tôn cao nhân kiệt, tôn cao thịnh đức và đại đức của dân ta so với Bắc quốc. Chưa kể đến Bình Ngô đại cáo, chưa bao giờ văn học Việt Nam lại có sự so sánh Bắc - Nam tập trung và hào sảng đến vậy. Âm hưởng hào hùng của cuộc kháng chiến được các tác giả gửi gắm rất nhiều qua các địa danh gắn liền với những chiến thắng oai hùng của dân tộc: Chí Linh, Lam Sơn, Khôi Huyện, Bồ Đằng, Trà Lân, Ninh Kiều, Tốt Động, Lạng Giang, Xương Giang,… Trong số đó, Chí Linh được ghi lại như một dấu ấn sâu đậm nhất. “Bởi lẽ - Hoàng Ngọc Trì viết, đây là cứ điểm phòng ngự quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến, là nơi mà ranh giới giữa sự tồn tại và diệt vong của nghĩa quân chỉ còn trong gang tấc, là nơi thử thách tới mức cao nhất phẩm chất của các lãnh tụ nghĩa quân, là nơi chứng kiến một cách đầy đủ, cụ thể và toàn diện nhất cái quang cảnh “đầu giao hưởng sĩ” trong hàng ngũ những con người một lòng một dạ chiến đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng đất nước”(7). Địa danh ấy được các tác giả ôn đi ôn lại nhiều lần trong phong trào sáng tác cung đình sau đấy. Trong số những sinh hoạt ấy, quần thần xướng họa nhằm ôn lại lịch sử kháng chiến để khẳng định sức mạnh, phẩm chất và tương lai tươi sáng của dân tộc là câu chuyện thường xuyên gây được nhiều hứng thú. Quần hiền phú tập có chép bốn bài phú xuất sắc của bốn tác giả: Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du, là chứng tích cho phong khí dân tộc một thời mà còn khẳng định vị trí đặc biệt của danh tích Chí Linh trong lòng dân tộc.

Chí Linh là ngọn núi hiểm trở thuộc huyện Lang Chánh phía tây tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa và sau thuộc quần thể đế đô Lam Kinh, nghĩa là nó đã gắn bó mật thiết với cuộc kháng chiến từ ngày sơ khởi đến ngày nên công đại định. Cả bốn bài phú cùng viết về một đề tài, cùng nhất quán về tư tưởng nhưng đa dạng về phong cách. Ca ngợi kháng chiến, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi con người, các bài phú đã làm bật lên mệnh đề tư tưởng “địa linh nhân kiệt”, khẳng định địa linh để tôn cao nhân kiệt. Nhưng ở nhiều góc độ khác nhau, các tác giả đã phát huy sâu sắc tài năng trong cấu tứ và miêu tả mảnh đất linh thiêng ấy, làm cho mỗi bài phú mang một vẻ đẹp riêng, một cốt cách riêng.

Đó là một tầm vóc hoành tráng, một “quỷ môn” ở đất Tây Đô trong mắt nhà quân sự Nguyễn Mộng Tuân:

“Nghìn trượng đá cao, kể cũng kim thang chốn hiểm;

Lưng trời vách đứng, xem tày bách nhị cửa quan.”

Là địa thế hiểm nghèo, là núi non hiểm trở trong mắt nhà nghệ sĩ Lý Tử Tấn:

“Vách núi dăng dăng như bình phong san sát;

Chỏm núi lởm chởm như tháp ngọc cheo leo.”

Là Mang Đãng với Lưu Bang, là Cối Kê với Câu Tiễn, hai địa danh, hai nhân vật anh hùng trong cổ sử Trung Quốc, ở tất cả các bài phú, đặc biệt là phú của Nguyễn Trãi và Trình Thuấn Du. Đó là “địa linh” tương đồng nhưng “nhân kiệt” thì khác: “thịnh đức” của vua ta đã cao hơn một bậc.

“Tưởng núi này thuở ấy, há chẳng giống như núi Mang Đãng thời Hán Cao Tổ đấy ư?

Tưởng núi này thuở ấy, há chẳng phải như đất Cối Kê làm chỗ ẩn náu cho Việt Vương đấy ư?”

(Chí Linh sơn phú - Nguyễn Trãi)

Việc sáng tác Chí Linh sơn phú là một ví dụ điển hình của phong trào sinh hoạt cung đình ít nhiều có tính chất tập thể. Tuy có phong cách khác nhau nhưng trong khi đua ý sánh lời các tác giả đã thể hiện được âm điệu anh hùng của thời đại.

Tinh thần tự hào tự tôn dân tộc đã khiến các nhà làm phú thời này cất công so sánh sự nghiệp kháng chiến của ta so với lịch sử tranh hùng của các thế lực trong cổ Trung Quốc. Đó không chỉ là sự so sánh giữa chiến công hôm nay và những trận tranh hùng của các tập đoàn phong kiến Trung Quốc xưa như Xích Bích, Hợp Phì,… mà cao hơn là sự so sánh ý chí tài năng, phẩm cách của anh hùng Lê Lợi, người đại diện chân chính cho dân tộc, với những anh hùng lập quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Là những bậc uyên thâm Hán học các nhà viết phú đều biết rõ ý chí, tài năng của Lưu Bang, Câu Tiễn, những người đã nếm mật nằm gai để lập quốc, phục quốc. Nhưng khi đem so sánh với công nghiệp dựng nước của vua ta thì may ra họ mới đuổi kịp ý chí và tài năng còn về phẩm cách thì không sao sánh kịp.

“Ngay trong cơn sấm sét, vẫn còn mưa móc dường kia;

Huống có lòng Thuấn, Nghiêu, đâu dễ Hán, Đường sánh kịp?”

(Tẩy giáp binh phú - Nguyễn Mộng Tuân)

Khác với Nguyễn Mộng Tuân, Trình Thuấn Du lại mượn hình thức đối đáp để làm bật lên “đại đức” của Lê Lợi. Trong Chí Linh sơn phú, sau khi để người “khách” ca ngợi sự nghiệp của Hán Cao Tổ và Việt Vương Câu Tiễn, đã để xuất hiện một tiếng nói khác bác lại:

Chỉ thấy núi này so với Cối Kê, Mang Đãng, có điểm tương đồng;

Mà chưa biết đức vua ta so với Câu Tiễn, Cao Tổ có điều biệt lệ.

Hai vị vua kia:

Đức lớn thương dân, lấy lòng Thuấn, Nghiêu làm lòng;

Thần vũ không giết, lấy chí Thang, Vũ làm chí.”

Đến đây thì hình ảnh của Hán Cao Tổ và Việt Vương Câu Tiễn đã bị hạ bệ, Lê Lợi được đẩy lên một mức cao hơn, mà đại đức có thể sánh ngang Nhị đế, Tam hoàng. Tư tưởng này ta cũng gặp trong Chí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi. Từng bước hạ bệ Câu Tiễn rồi Hán Cao Tổ, Nguyễn Trãi đã đưa Lê Lợi lên tột mức mà thịnh đức có thể “cùng với Nhị đế, Tam vương thuở xưa chung tiếng khen”.

Vậy thì đức thịnh vua ta, Hán Cao Tổ làm sao sánh kịp?

Sẽ cùng hai đế, ba vương mà lừng danh.”

Hóa ra cái đại đức, thịnh đức của vua ta không chỉ ở chỗ “điếu dân phạt tội” mà đến ngày đại định đã biết đặt lợi ích của dân, của nước lên trên, biết quên đi cái thù nhỏ để đạt cái nghĩa lớn, ở chỗ có tấm lòng đại độ tha thứ cho quân giặc đã hàng, dập tắt ngòi chiến tranh, sửa sang mối hoà hiếu cho hai nước. Đó là phẩm chất của Lê Lợi và đương nhiên là phẩm chất cao đẹp của dân tộc ta, nhân dân ta.

Ở tư thế đứng trên đầu thù, phú thời Lê đã đạt đến tầm cao tư tưởng khẳng định sự trường tồn của Nam đế bên cạnh Bắc đế. Tập trung ở đề tài kháng chiến nhưng lại bao quát được hiện thực rộng lớn là công cuộc kháng chiến vô cùng anh dũng của dân tộc, phú thời Lê đã vươn tới tầm vóc mang tính sử thi mà các giai đoạn khác hay ở cả chính quốc, thể phú cũng không có được.

Bên cạnh người chiến sỹ trên mặt trận đấu tranh với kẻ thù, người viết phú còn gánh vác sứ mệnh gây dựng văn hóa trên bình diện kiến thiết quốc gia. Phú trở thành bài ca xây dựng một nền nhân chính đức trị trong khát vọng của các bậc minh quân lương tướng. Các tác giả viết phú, trong điều kiện triều chính ổn định, lại trở về với truyền thống tụng tán và ngôn chí. Giống các tác giả viết phú thời Trần, họ viết phú chữ Hán với âm hưởng trang trọng để phúng gián nhà vua. Nhưng do họ được sống trong âm hưởng hào hùng của cuộc kháng chiến toàn dân, nhận thức sâu sắc sức mạnh chở thuyền và lật thuyền của dân, nên tiếng nói ngợi ca phúng gián đã vượt ra ngoài mục đích "nhuận sắc hồng nghiệp" để thành tiếng nói tư tưởng cho thời đại.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh trong tư thế của người chiến thắng, dân tộc ta có thể ngẩng cao đầu. Người ta hướng về ngày cũ vừa để sống lại cuộc sống hào hùng của cuộc chiến vừa để thấm thía dư vị quá khứ đau khổ, gian lao, để thêm trân trọng cuộc sống hoà bình hạnh phúc trong hiện tại, để day dứt đặt câu hỏi cho tương lai: chúng ta phải xây dựng đất nước như thế nào cho xứng với xương máu cha anh đã đổ xuống mảnh đất này?

Và họ đi tìm lời kiến giải.

Với những bậc lương tướng, tự gánh lấy trách nhiệm “phò nghiêng đỡ lệch”, họ ngoài những hành động cụ thể làm cho quốc phú binh cường còn là người giữ nhiệm vụ “nạp ngôn”, “gián nghị” khéo khuyên nhà vua phải lấy dân làm gốc. Vì “điếu dân”, vì “thương sinh” họ cùng nhà vua “phạt tội”, cùng nhân dân trường kì kháng chiến. Ngày thanh bình họ cùng vua xây dựng chính sách lãnh đạo quốc gia: cứu được dân phải làm cho dân no ấm, rửa được vết nhơ nô lệ phải làm cho dân tộc hùng cường. Lý tưởng của nho sĩ trí thức bấy giờ là xã hội hợp thuyết chính danh, với trọng tâm là chữ “nhân” theo thuyết Khổng Mạnh:

“Lễ nhạc, hình chính, không nhân nghĩa không đứng vững;

Giáo hoá, mệnh lệnh, không nhân nghĩa không truyền xa.”

(Quảng cư phú - Lí Tử Tấn)

Ở đây tư tưởng của ông đã gặp gỡ với Nguyễn Trãi. Trong lời riêng tâu với Thái Tông tháng Giêng năm Đinh Tị (1437) khi được sai thẩm định Nhã nhạc, Nguyễn Trãi có nói: “Thời loạn thì dùng võ, thời bình thì dùng văn. Ngày nay định ra lễ nhạc chính là phải thời lắm. Song không có gốc thì không thể đứng vững không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc (…) Dám mong bệ hạ rủ lòng thương yêu và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong chốn thôn cùng ngõ vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ cái gốc của nhạc vậy”. Nguyễn Trãi đã nhận thức sâu sắc sức mạnh chở thuyền, lật thuyền của dân nên chỉ ra cái gốc của nhạc chính là phải yên dân, làm cho dân yên ổn. Trong Cõi thọ phú, Lý Tử Tấn một lần nữa, mượn lời “ông già nông thôn chất phác”, để nêu lên kinh nghiệm ấy.

“Lo trị nước từ khi chưa loạn,

Lo giữ nhà từ lúc chưa nguy.

Sáng tối kiên trì, sửa mình luyện chí;

Cảnh giác sơ hở, đề phòng đơn sai.

Để cho cuộc thái bình muôn đời vững chắc;

Để cho cuộc thịnh trị muôn thuở lâu dài”.

Rõ ràng, họ là những tinh hoa tư tưởng Việt Nam, là những tâm hồn “lộng gió thời đại” mà Nguyễn Trãi là vị anh hùng tiêu biểu. Nguyễn Trãi lấy ý Tô Đông Pha mà nói: “nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (người đời biết chữ thì nhiều lo nghĩ và hoạn nạn). Đấy là sự thức nhận về thân phận và ý thức tự nhiệm của người cầm bút chân chính, đầy ngậm ngùi nhưng cũng không giấu được niềm tự hào. Còn trước đấy, danh sĩ Dương Hùng bên Trung Quốc thì nói: phú phải hướng đến phong (tức là hướng tới sự can gián vua). Sự gặp gỡ ấy trong lúc này, quả thật đem lại nhiều giá trị một đi không trở lại.

Thời đại anh hùng được đánh dấu bằng những lương tướng anh hùng và những minh quân anh minh. Niềm tin của minh quân khi ấy sẽ hô ứng với khát vọng, lý tưởng của lương tướng. Ngay việc các ông vua tham gia sinh hoạt văn học cùng quần thần đã đem đến cho phú thời này một đặc điểm mà ở chính quốc không có: chùm phú viết về cùng một đề tài. Sau nữa, ông vua ấy còn trực tiếp viết phú để tổng kết chiến tranh và đặt niềm tin vào công cuộc kiến thiết quốc gia đã, đang và sẽ thành công. Bài ca xây dựng đó là bài đại phú tán thể Lam Sơn Lương thủy phú.

Chưa kể đến hình ảnh núi Lam sông Lương hùng vĩ trong cái nhìn của nhà nghệ sĩ Lê Thánh Tông mà ít người có thể miêu tả được. Riêng về mặt tổng kết chiến tranh, nhờ có độ lùi cần thiết về thời gian, Lê Thánh Tông đã có một cái nhìn sâu sắc và khá toàn diện. Các địa danh, các chiến tích lần lượt hiện lên với đầy đủ diện mạo, ở nhiều góc độ với sức rung cảm khá sâu xa. Tuy nhiên đóng góp đáng kể của bài phú đọng lại nhiều hơn ở niềm tin và tiền đồ đất nước đang xây dựng và trưởng thành. Vẫn là xã hội nhân trị, đức trị, xã hội lấy dân làm gốc:

“Tái tạo nước nhà chừ mong chóng vánh,

Một lòng vận dụng chừ tài thần thánh.

Cảm hóa ngu ngoan,

Diệt trừ bạo loạn.

Truyền bá đức âm,

Thực hành nhân chính”.

Lê Thánh Tông đã chỉ ra và đánh giá cao kinh nghiệm phát huy phẩm chất và sức mạnh dân tộc trong kháng chiến cũng như trong những ngày đầu xây dựng đất nước của các vua đầu triều.

“Diệt bạo bằng nhân, trừ hung bằng nghĩa.

Vì xã tắc chừ diệt cừu thù, cứu đất trời chừ khỏi băng trụy.

Cho trăm họ chừ hết lầm than, cho bốn phương chừ được bình trị.

Kinh sử chuyên tâm lược thao dốc chí.”

Hòa chung trong âm hưởng hào hùng ấy, Lê Thánh Tông đã thể hiện khát khao xây dựng nền thái bình lý tưởng: phồn vinh và thịnh vượng, mở nước nối nhà mà ở đó nhân dân được vui hưởng ngày Nghiêu tháng Thuấn. Bởi dân ta đã có cái gốc của nền nhân.

“Ơn đức sánh trời cao chừ,

Mong cầu đạo hòa chung

Đã danh chính lại ngôn thuận,

Công đức lớn thật khôn cùng.

Hạ Thương đem so vẫn còn kém,

Nghiêu Thuấn rạng rỡ đọ gương chung”.

Bàn về khát vọng xây dựng đất nước của Lê Thánh Tông trong bài phú, Nguyễn Trực đã phụng bình: “bài phú này có khí thế ngang trời, có tứ văn như suối tuôn rào rạt, bao la hoành tráng,… đoạn kết thúc lại muốn con cháu nối dõi phải có tấm lòng như Thái Tông, xây dựng sự nghiệp như Thái Tông để giữ cho mệnh trời được thung dung. Cái ý không quên công lao sáng nghiệp, cẩn thận giữ gìn đất nước quả là hết mức”(8).

Như vậy, mảng phú viết về kháng chiến và khát vọng xây dựng đất nước là một đột phá mới mẻ, sâu sắc do sự kết hợp nhuần nhị giữa truyền thống dân tộc, hào khí thời đại và sự tiếp thu sáng tạo nguyên lý Nho gia. Phú tuy vẫn hướng tới "phong" nhưng cái chất của tư tưởng can gián đã vượt lên so với phú Trung Quốc và thời Trần một bậc. Trong phú thời Lê, truyền thống uống nước nhớ nguồn đã được phát huy thêm mạnh. Phú không chỉ thể hiện lòng trân trọng những giá trị đã thành truyền thống mà còn thể hiện khát vọng dựng xây đất nước để mãi mãi giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Với 41 bài phú thể hiện xuất sắc truyền thống dân tộc, Nguyễn Mộng Tuân trở thành cây bút viết phú sung sức và có bản lĩnh, là cây đại thụ trong làng phú Việt Nam. Phú thời Lê, vì thế, là bài ca tổng kết chiến tranh nhân dân và cũng là bài ca xây dựng quê hương yên ấm giàu đẹp.

Phú thời Lê là một sản phẩm đặc sắc của văn học trung đại Việt Nam. Ở phú chữ Hán là những đỉnh cao thể hiện cảm hứng ngợi ca đất nước, mối quan hệ giữa cá nhân với số phận đất nước và vận mệnh của giai cấp phong kiến mang âm hưởng trang trọng của ngôn ngữ Hán. Ở phú chữ Nôm là những bước li tâm dần quan niệm chính thống và chất liệu văn học cao cấp để trở về với mỹ cảm dân tộc ưa cái đẹp hài hoà, bình dị, mang âm hưởng trữ tình, trào lộng và ít nhiều hiện thực của ngôn ngữ nhân dân. Với nghệ thuật điêu luyện, âm điệu phong phú, thể cách mẫu mực, phú thời Lê là sự cộng hưởng giữa tài năng sáng tạo cá nhân và những ba động của lịch sử dân tộc ghi dấu trong văn học. 300 năm phát triển dưới thời Lê, văn học dân tộc đã ghi nhận hai giá trị lớn của thể phú: sự toàn thịnh của phú chữ Hán mang quan niệm mĩ học chính thống, sự trưởng thành của phú Nôm chịu ảnh hưởng của quan niệm mĩ học dân gian. Đó là hai mố cầu mà diễn tiến thể phú thời Lê là những nhịp cầu nối liền hai thời đại văn học của văn học trung đại Việt Nam: thời đại văn học chính thống trong môi trường văn hóa nho giáo truyền thống và thời đại văn học phi chính thống trong môi trường văn hóa phi cổ truyền. Nói cách khác phú thời Lê là vị trí bản lề đóng mở hai thời đại trong tiến trình văn học trung đại Việt Nam.

Chú thích:

([1]) Trong chỉnh thể phú Việt Nam, chúng tôi chọn các tác phẩm phú thời Lê làm đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên trong quá trình phân kì, chúng tôi nhận thấy thời Lê có vị trí đặc biệt trong sự phát triển của thể loại nên tạm quan niệm về khái niệm thời Lê một cách linh động hơn.

(2) Ngay từ năm 1457, Hoàng Tụy Phu đã làm được tập tuyển Quần hiền phú tập; năm 1728, được Nguyễn Trù bổ sung và cho in lại. Tập phú cổ này gồm 108 bài phú của 31 tác giả từ thời Trần đến thời Lê mạt.

(3) Phạm Tuấn Vũ, Góp phần tìm hiểu phú Nôm, Tạp chí Văn học, Số 11.2000.

(4) Nhận định này hoàn toàn có thể được coi như một đề xuất triển khai trong giai đoạn văn học thời Lê. Xin xem: Cảm hứng quan phương và vị thế của nho sĩ qua (và trong) văn phú thời Lý Trần, Tham luận tại Hội nghị Thông báo Hán Nôm học năm 2008 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ngày 25/01/2008.

(5) Các trích dẫn tác phẩm từ đây đều lấy trong Tổng tập văn học Việt Nam (trọn bộ 42 tập), Nxb. KHXH, H. 2000.

(6) Thơ văn Lê Thánh Tông. Mai Xuân Hải chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1986.

(7) Hoàng Ngọc Trì: Sức mạnh và phẩm chất dân tộc trong phú thời Lê. Trong sách Văn học Việt Nam trên những chặng đường chống phong kiến phương Bắc xâm lược, Nxb. KHXH, H. 1980, tr.299.

(8) Thơ văn Lê Thánh Tông, Sđd, tr.258.

(9) Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII. Đinh Gia Khánh chủ biên, Nxb. Giáo dục, H. 2000, tr.528./.

(Thông báo Hán Nôm học 2009; tr.280 -295)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Phần Tích Bài Phú Núi Chí Linh