Buồn Buồn Lên Mạng Chốt đơn

Ngày không vui cũng không buồn thì sao? Thì có chương trình khuyến mãi giảm giá sôi động, phải nhanh tay "lượm vào giỏ”. Rất nhiều lý do khiến người Việt nhanh chóng lên vị trí mua hàng online nhiều nhất khu vực Đông Nam Á trong khi thực tế thu nhập vẫn đang ở giai đoạn “phục hồi”.

Người Việt "chốt lẹ" mỗi tháng 7-8 đơn hàng

Ngày nay, thật khó tìm ra một người chưa từng mua hàng online. Báo cáo mới công bố của Công ty vận chuyển Ninja Van Group kết hợp với Mạng chuyển phát bưu kiện đến từ châu Âu DPD Group cho biết, tại thời điểm tháng 7/2021, người mua hàng trực tuyến Việt Nam thuộc nhóm mua hàng online nhiều nhất khu vực, với trung bình 104 đơn hàng/năm.

Như vậy, trung bình mỗi tháng, một người Việt đặt mua khoảng 7 - 8 đơn hàng. Cần nhớ đây chỉ là khảo sát từ hai nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển. Tại Việt Nam, thương mại điện tử không ngừng lớn mạnh với hàng chục trang mua sắm khổng lồ nhộn nhịp ngày đêm. Ngoài ra còn vô số trang thương hiệu của các doanh nghiệp, các “gian hàng” trên Facebook rồi website, trang, nhóm mua bán, tài khoản cá nhân “tự doanh - tự giao” trên nhiều nền tảng mạng xã hội như Instagram, YouTube, TikTok…

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Đông Nam Á là thị trường bùng nổ mua sắm trực tuyến mạnh nhất kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Điều này dễ hiểu trong thời kỳ giãn cách xã hội hay khi COVID-19 tấn công chuỗi cung ứng truyền thống là các chợ, cửa hàng, siêu thị… Tuy vậy, thói quen được hình thành thời gian khá dài khiến người tiêu dùng nhận ra: Mua hàng online có rất nhiều mối lợi, quan trọng nhất là các chương trình chiết khấu hấp dẫn và được giao hàng tận nhà, không phải dịch chuyển, đội nắng đội mưa để mua sắm.

Đầu năm nay, Tập đoàn Lazada lần đầu đưa ra Khảo sát nghiên cứu diện rộng về hành vi mua sắm trực tuyến trên toàn khu vực Đông Nam Á từ 6.000 người tiêu dùng, với sự hợp tác của Milieu Insight. Khảo sát được thực hiện vào tháng 1/2022 trên sáu thị trường gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Kết quả: 81% người Việt xem việc mua sắm trên mạng là không thể thiếu. 59% số người tham gia khảo sát “phải” chốt đơn mỗi tuần.

Khách hàng cho biết họ mê mua hàng online do được chọn hàng thoải mái, được giảm giá, được trải nghiệm các tiện ích và sự thú vị của công nghệ. Khách được tham gia đánh giá món hàng, góp ý với nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh dịch vụ - những điều vốn hạn chế ở kênh mua bán truyền thống.

Shipper gọi - gia đình xào xáo

Một beauty blogger chia sẻ trên Facebook rằng cứ khi shipper giao hàng là cô không dám nhìn mặt chồng và nhà cô lại có… chiến tranh. Dưới dòng chia sẻ của cô, chị em được dịp bày tỏ nỗi lòng. Chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh đủ kiểu đang diễn ra dưới nhiều mái ấm chỉ vì tật chốt đơn vô tội vạ của thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nữ blogger này cũng như rất nhiều blogger, KOL (người có sức ảnh hưởng) khác tận dụng sự nổi tiếng để bán hàng online. Có người bán được hàng ngàn món hàng mỗi ngày và trở thành triệu phú một cách nhanh chóng.

Nếu các mẹ, các chị chốt đơn nhiều nhất ở các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thời trang, sản phẩm bổ trợ sức khỏe và sắc đẹp thì trẻ nhỏ chốt đơn khá nhiều món hàng lạ khiến phụ huynh… bật ngửa. Chị Thanh Lan, ở TP.HCM, từng choáng váng khi phát hiện con gái chị mặc bộ đồ lót gợi dục để chụp hình trong phòng ngủ. Khi chị giận dữ hỏi con mua thứ dây nhợ “không giống ai” này ở đâu, cô bé lớp Tám khai mua trên Shopee, từ Quảng Châu, với giá chỉ 120.000 đồng. Cô bé cũng “khai” đã đặt chiếc áo thun hiệu U. từ Malaysia với giá rẻ hơn cửa hàng tại Việt Nam tới 30%. Chưa kể, con Út của chị Lan mới học lớp Ba cũng biết mở tài khoản để đặt mua nguyên liệu làm slime - món đồ chơi yêu thích của trẻ em - dù các nguyên liệu rẻ tiền trôi nổi này ẩn chứa nhiều nguy cơ không an toàn với sức khỏe.

Trên Shopee, Lazada, Sendo, Alibaba, Amazon, Ebay… ngồn ngộn những mặt hàng thượng vàng hạ cám, bất cứ ai cũng có thể lên bán và ai cũng có thể đặt mua. Không khó để một đứa trẻ tuổi teen mua đồ chơi tình dục, thiết bị nghe lén, máy chơi game… Chất gây nghiện, hóa chất độc hại, biệt dược, kể cả các loại vũ khí sát thương… bằng nhiều cách tài tình đã lọt tới tay người tiêu dùng. Lực lượng quản lý thị trường bất lực nên bỏ ngỏ việc kiểm tra đối với thế giới hàng hóa online và hoàn toàn không quá lời khi nói không gian mạng ngập tràn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Khủng hoảng thừa trong mỗi mái nhà

Mua hàng online để có sản phẩm, dịch vụ mới lạ, rẻ… là mong muốn ban đầu của mọi người. Song cũng vì ưu điểm tiện và rẻ này cùng các chương trình marketing hấp dẫn, sôi động, người tiêu dùng bắt đầu “văng” khỏi mục tiêu, dễ sa đà vào các cơn mua sắm mất kiểm soát.

Anh Thanh Nguyễn, một shipper khu vực Q.10, TP.HCM, cho biết có những ngày anh nhận 30 đơn hàng nhưng chỉ giao được 2/3. “Alo, em giao hàng gì? Bao nhiêu tiền? Ủa, chị có đặt món này đâu nhỉ?" là câu những shipper như anh Thanh thường phải nghe khi liên lạc với khách.Rất nhiều người không thể nhớ họ đã đặt món hàng gì, ở trang nào và choáng váng với số tiền phải trả khi shipper yêu cầu thanh toán để nhận hàng. Nghề shipper tưởng chỉ là người giao hàng, cuối cùng biến thành người đòi nợ, nhắc nợ. Anh Thanh Nguyễn cho biết các shipper rất khó khăn và khốn khổ nếu không có “nghiệp vụ” vì khách hàng có vô vàn chiêu thức để trì hoãn, trốn nhận hàng.

Mua sắm quá tay, mua hàng không thiết thực, mua đồ rẻ không thể sử dụng hoặc sử dụng một, hai lần đã hỏng là chuyện thường gặp ở những ai hay mua sắm qua mạng. Nhiều chị em cho biết họ có những bọc đồ, hộp carton chất trong góc bếp, xếp trong góc tủ… không hề được mở hoặc món hàng đã được bóc nhưng tem nhãn còn nguyên vì không có dịp sử dụng hoặc không còn hứng thú với món hàng.

Các chiêu thức marketing online như ma trận bủa vây người tiêu dùng. Cũng theo khảo sát vào tháng 1/2022 của Lazada, 66% người tiêu dùng Việt cho biết họ luôn tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất khi mua sắm để tiết kiệm chi phí. Song, 34% người Việt sẵn sàng mua các mặt hàng bất kể có giảm giá hay không trong lần mua hàng trực tuyến gần nhất.

Trên diện rộng, việc vung tay quá trán, chi tiêu không theo kế hoạch, đặt mua quá nhiều khi thu nhập khiêm tốn mau chóng dẫn tới khủng khoảng chi tiêu trong mỗi gia đình và đây thực sự là một nỗi lo đáng kể về mặt xã hội.

Liệu có thuốc cắt cơn "Hứng lên là chốt"

Lướt qua những dòng quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội, dễ dàng thấy người bán “đánh mạnh” vào tâm lý người mua. Có chị viện cớ stress trong công việc để đặt hàng, có cô đổ thừa chồng không quan tâm, có bà cho rằng con không chăm sóc… Buồn buồn, họ lên mạng chốt đơn thành điệp khúc “tự ru”, thậm chí được khoác cái áo mỹ miều: Biết sống, biết yêu bản thân.Để ra quyết định mua sắm, hơn 80% số người được hỏi cho biết họ tin vào phản hồi của những người đã mua hàng trước đó hoặc của người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Con số này ở Việt Nam là 87%. Không thiếu các người mẫu, diễn viên, ca sĩ có thu nhập hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng khi bán hàng nhái, hàng giả một cách công khai… nhưng người hâm mộ vẫn không tiếc tiền chốt đơn vì “tin” và “yêu”.

Để thực sự là người tiêu dùng thông minh, các bà nội trợ dặn nhau bí quyết nằm lòng: Chỉ mua thứ “thiếu nó mình không sống nổi” chứ không mua “thứ mình thích”, càng không mua vì nể nang người bán là thần tượng, diễn viên, người quen, đồng nghiệp…Chị Phương Lê ở TP.HCM chia sẻ: “Trước khi đặt mua, cứ bỏ món hàng yêu thích vào giỏ hàng sau đó lên Google và Facebook đọc review, bình luận… tìm hiểu thật kỹ để so sánh, cân nhắc. Chậm một vài bước là cách hữu hiệu giúp túi bạn được buộc chặt miệng”.

Người Việt nghiện chốt đơn nhất Đông Nam Á là thông tin đáng mừng vì mảng thương mại điện tử dẫn lối giúp kinh tế hồi sinh sau đại dịch. Thế nhưng, với ngân quỹ gia đình hiện eo hẹp, việc ham chốt đơn có thể là… thảm họa.

(Theo Phụ Nữ TP.HCM)

Từ khóa » Google Dịch Rồi Nói