Bút Danh để Làm Gì? - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
- Một bút danh gắn với mối tình thuở hoa niên
- Một bút danh hình thành từ vô thức
- Người đã đặt bút danh cho tôi
- Chọn bút danh như một cách...trả ơn
Vì sao với mỗi cuốn sách, nhà văn nên kí một tên khác nhau thì sẽ tránh được bệnh cuồng viết? Vấn đề là ở chỗ này, khi đã tạo được danh tiếng, người ta chỉ việc treo cái tên mình lên để bán hàng. Một nhà văn, khi anh ta đã tạo dựng được chút ít tên tuổi thì chỉ việc “mài” nó ra mà ăn vì người đọc ít nhiều quen với cái tên đó rồi. Bây giờ nếu kí bằng một cái tên khác, anh ta sẽ phải cẩn trọng và đầu tư nhiều hơn, thậm chí phải gây dựng từ đầu để tạo dựng uy tín, như vậy sẽ không thể cuồng viết mà phải viết chậm và cẩn trọng hơn nhiều.
Tất nhiên, vấn đề Milan Kundera nêu ra chỉ đúng một phần vì đa số người viết không “ngu” gì mà làm lại từ đầu. Phải rất cố gắng và nỗ lực mới gây dựng được thương hiệu của mình, không ai dại để nó tuột trôi vô tăm tích, người ta sẽ cố gắng giữ cái tên mình thật chặt, thậm chí phải chiến đấu để bảo vệ nó.
Sao lại có chuyện như vậy? Bút danh của nhà văn thì cứ để nguyên chứ ai cướp mất? Vấn đề là không sợ ai cướp mất tên mà vì chính uy tín của mình đôi khi người viết buộc phải kí một cái tên khác để khỏi tổn hao danh tiếng bởi bút danh… không chỉ là bút danh!
Tôi xin đưa ngay ra ví dụ thế này để bạn đọc hiểu. Có một nhà văn được biết đến là đại diện tiêu biểu của trường phái “văn học tinh hoa”, một ngày nọ nhận được một lời đề nghị rất hấp dẫn là viết thuê cho một nhân vật rất giàu có và quyền lực với một khoản bồi dưỡng hậu hĩnh. Khi gặp tình huống này, anh ta sẽ phải cân nhắc kĩ lưỡng, nhà văn thì nghèo, một khoản thù lao lớn là lời mời gọi hấp dẫn nhưng cũng có thể làm hao tổn danh tiếng vì sự viết thuê chưa bao giờ được coi trọng và cũng khó viết hay. Anh ta sẽ thoả thuận với người đặt hàng là sẽ viết và kí với một cái tên khác.
Từ trái qua: Các nhà văn Tô Hoài, nhà văn Mạc Ngôn và nhà thơ Nguyễn Bình Phương. |
Liệu sự thoả thuận này có dễ dàng đạt được? Không dễ. Vì đa số những người đặt hàng sẽ muốn nhà văn phải kí tên chính thức vì điều đó mới tương xứng với số tiền công mà anh ta bỏ ra, khách hàng sẽ không muốn một cái tên lạ hoắc dưới tác phẩm viết về mình.
Một người bạn văn của tôi đã từng nhận được lời đề nghị như vậy, anh muốn dùng một cái tên khác nhưng phía “đối tác” không đồng ý. Họ nói rằng, vì cái tên anh “xứng đáng” thì họ mới ra giá cao như vậy. Nếu kí một cái tên khác thì họ thuê ai chả được.
Đó không phải người đầu tiên từ chối những sự việc như vậy, nhưng cũng có đồng nghiệp của tôi chấp nhận làm thế vì họ quan niệm rất rõ ràng: kiếm sống là kiếm sống, danh tiếng là danh tiếng, đó là hai việc khác nhau và không quá bận tâm.
Tôi không nhận xét việc ở trên đúng hay sai, điều đó tuỳ thuộc vào quan niệm mỗi người. Nhà văn Tô Hoài thì có thể viết bất cứ thể loại gì và điềm nhiên kí tên Tô Hoài mà không e ngại gì cả, thậm chí có những việc khá tủn mủn, mang tính trình báo lí giải. Những người khác gặp những trường hợp ấy thì ngại kí tên, nhưng tác giả của “Dế mèn phiêu lưu ký” không quá quan tâm vì ông cho rằng, đó chỉ là những sự vụ và uy tín của ông không thể vì thế mà hao mòn đi.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương là một trường hợp khác, anh rất “nắn nót” với tên của mình. Với những bài viết không thật ưng ý, để mưu sinh hoặc mang tính sự vụ, anh thường kí một cái tên khác mà ít người biết và nếu phía “đối tác” không đồng ý, anh sẵn sàng rút lui. Có thể anh quan niệm, bút danh ấy là khuôn mặt của mình, không thể tuỳ tiện tô vẽ hoặc trưng nó ra trong bất cứ hoàn cảnh nào được.
Quan niệm của Nguyễn Bình Phương được khá nhiều người đồng tình và ta nhận thấy có nhiều nhà văn có từ hai bút danh trở lên, với mỗi thể loại anh ta kí với một cái tên khác nhau. Nhưng để “chính danh” trong các cuộc tranh luận, tôi muốn nhấn mạnh điều này, người ta rất mong chờ người viết kí tên chính thức của mình. Vì nếu khi tranh luận, anh không dám kí tên của mình, thì một là anh không đủ tự tin, không đủ thẳng thắn hoặc mục đích không đủ minh bạch.
Tôi không phản đối việc có nhiều bút danh nhưng tôi nghĩ trong việc tranh luận thì việc đầu tiên người ta phải dám kí tên thật của mình, chúng ta không thể cãi nhau với những “bóng ma” hoặc những kẻ nặc danh. Đó là quan niệm đã được người xưa đúc kết: “Danh có chính thì ngôn mới thuận”. Nếu ta kí một cái tên lạ hoắc để tranh luận một vấn đề nghiêm túc thì tính chính danh đã giảm đi và thiếu sự tin cậy rất nhiều.
Vậy nên, bút danh chính là bộ mặt, y phục của mình, không thể viết bất cứ điều gì rồi kí tên mình vào đó. Tôi biết có nhiều người khi thấy mình không thể viết hay được nữa đã dừng bút chứ kiên quyết không chịu viết dở với cái tên mình ở đó.
Nghề viết, ngoài yếu tố để mưu sinh thì danh vọng là một thành tố rất quan trọng, ai cũng muốn tên mình được lưu nhớ một cách trang trọng chứ không muốn là đối tượng để châm chọc hay chê cười. Cho nên ngoài ý nghĩa về danh vọng, một cái tên đẹp, dễ nhớ hoặc gây ấn tượng cũng là vấn đề được nhiều người viết để tâm.
Chuyện bút danh không chỉ liên quan đến tác giả mà đôi khi còn ảnh hưởng tới những việc khác. Ví dụ đối với những người làm báo, bút danh của một ai đó thường khá quan trọng, nó góp phần định vị cho tờ báo sang trọng hay không. Đôi khi chúng tôi thường bảo nhau, số báo này có vẻ rất “oách” vì có một số cây bút tên tuổi đứng tên. Tên bút danh không phải chuyện đùa, người ta có thể mua một tờ báo, quyển sách hoặc đi xem một bộ phim chỉ vì có một cái tên yêu thích ở đó. Cái tên là sự “bảo kê” cho chất lượng sản phẩm hoặc ít nhất người ta cũng nghĩ rằng, số tiền mình bỏ ra đã chi vào việc xứng đáng. Bút danh đâu chỉ là cái tên, nó là danh dự, là “tem bảo hành” cho sản phẩm và vì thế không thể tuỳ tiện với nó.
Một người bạn văn bảo tôi, khi tên anh được “xướng” lên, nghĩa là anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với nó, hay dở chứa đựng trong cái tên đó để có trách nhiệm với những trang viết của mình. Tôi biết rằng nhiều đồng nghiệp của mình đã từng xấu hổ với những trang viết non nớt hoặc yếu kém ở một thời điểm nào đó. Đấy có lẽ là bài học “nhãn tiền” mà những người mới viết phải cẩn trọng.
Cái tên là đại diện cho mình nên người ta cũng chăm chút và chú ý đến nó. Có những người may mắn được cái tên khai sinh rất đẹp và hợp với nghề văn, họ nghiễm nhiên dùng tên khai sinh làm tên bút danh, ví dụ như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê… Còn một số người khác do cái tên không thật đẹp, hoặc chưa thật ưng ý thì người viết phải nghĩ đến bút danh riêng. Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, nhà văn Bảo Ninh tên thật là Hoàng Ấu Phương…
Và có rất nhiều cách đặt bút danh mà mỗi trường hợp thậm chí có thể kể được một câu chuyện thú vị. Nhà văn Mạc Ngôn, tác giả của “Báu vật của đời”, “Đàn hương hình” tên thật là Quản Mô Nghiệp và chính Mạc Ngôn đã mỉa mai về bút danh của mình. Mạc Ngôn nghĩa là “nói ít” nhưng nhà văn lại nói quá nhiều và viết quá nhiều! Còn tác giả của “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú” tên thật là Đinh Trọng Đoàn nhưng ông lại kí tên bút danh là Ma Văn Kháng khiến nhiều người lầm tưởng nhà văn là người dân tộc thiểu số dù ông là người Kinh, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
Nhà văn Trần Dần trong ngày khốn khó để mưu sinh, ông đã dịch sách và chấp nhận không ghi tên mình, trên dịch phẩm chỉ có tên tác giả, không có tên dịch giả! Ngay cả như Balzac trong khoảng mười năm đầu viết văn, khi ông phải viết những tác phẩm “rẻ tiền” để kiếm sống và không dám kí tên thật, sau với sự trưởng thành về ngòi bút và viết đề tài nghiêm túc, ông mới kí tên thật của mình.
Lại có thuyết “mê tín” cho rằng, nếu nhà văn đặt tên bút danh không chuẩn thì sự nghiệp của anh chưa chắc đã sáng láng. Làng văn lưu truyền chuyện bút danh của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, khi ông kí tên là Thao Trường thì sự nghiệp văn chương của ông khá lẹt đẹt, từ khi nhà văn đổi bút danh thành Nguyễn Khắc Trường thì danh tiếng bỗng bật hẳn lên, đặc biệt với cuốn tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma!”.
Tôi nghĩ chuyện này cơ bản là chuyện vui nhưng rõ ràng một tên bút danh ấn tượng gây được chú ý với độc giả hơn nhiều so với một cái tên quá thông thường và quen thuộc. Nghệ danh đặc biệt quan trọng với làng showbiz, ví dụ cái tên Ưng Hoàng Phúc chắc chắn ấn tượng hơn cái tên thật Nguyễn Quốc Thanh rất nhiều!
Bút danh là bút danh nhưng đôi khi nó chứa đựng những ý nghĩa và thông điệp vượt ra khỏi “nội hàm gọi tên” của chính nó!
Từ khóa » đặt Tên Bút Danh
-
Bút Danh, Nghệ Danh Cũng Là Thương Hiệu | Báo Dân Trí
-
Ý Tưởng đặt Tên Hay Cho Con: Thanh Lịch Như Tên Nhà Văn, Nhà Thơ
-
Cách Chọn Bút Danh - Thả Rông
-
Vài Cách Tạo Nghệ Danh, Bút Danh độc đáo
-
Nhà Văn, Nhà Thơ Việt đặt Bút Danh Như Thế Nào? - Tác Giả - Zing
-
Muôn Nẻo Bút Danh Nhà Văn - Tác Giả - Zing
-
Lấy Bút Danh Ngoại - Trào Lưu... Gây Sốc
-
Top 15 Cách đặt Tên Bút Danh 2022
-
Bút Danh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Top 15 đặt Bút Danh Hay
-
Viết Tắt Và Tỉnh Lược để Tạo Bút Danh - Bố Cục Khóa Luận
-
GIAI THOẠI VỀ BÚT DANH CÁC NHÀ THƠ - NHÀ VĂN
-
Bút Danh, Sao Có Thể Tùy Tiện - Báo Nhân Dân
-
Tên Thật Và Bút Danh - BaoHaiDuong - Báo Hải Dương