“Bụt Nhà Không Thiêng” - GIÁO XỨ TÂN VIỆT

“Bụt nhà không thiêng” là một câu nói cửa miệng từ xa xưa bao gồm nhiều ý nghĩa thú vị.

Dừng lại một chút, ta thấy “bụt nhà không thiêng” bao hàm rất rõ có 2 ý muốn nói: Một là, năng lực của bụt ở nhà không bằng năng lực của bụt ở nơi khác nên khi có một công việc gì đó cần thực hiện thì người chủ nhà phải đi rước bụt nơi khác về mới đủ sức để thực hiện được. Hai là, người chủ nhà là người có xu hướng cổ suý đồ ngoại, ưa khoe mã, lên mặt với người xung quanh nên cứ phải đi rước bụt ngoài, mặc dù bản thân chủ nhà cũng biết rằng công việc đó không nhất thiết phải đi rước bụt ngoài cho tốn kém, nhưng phải đi rước để còn lấy oai với người xung quanh.

Còn có một hàm ý khác thú vị hơn đối với việc đi rước bụt ngoài là người chủ nhà chẳng biết gì về khả năng thực sự của bụt nhà hay bụt người. Đôi khi còn đi rước những “ông bụt giấy” của người khác về cung phụng, trong khi tài năng của bụt nhà lại không được phát huy. Tất nhiên câu chuyện bụt nhà hay bụt nơi khác cũng chỉ là cách ví von thâm thuý của cha ông ta về việc dùng người trong tay của mình, càng suy ngẫm càng thấy nó chí lý và cần thiết với lối sử dụng con người thời hiện đại ngày nay.

          Bụt nhà không thiêng, suy nghĩ đó đã giết đi những tài năng thật sự trong tay nhiều ông chủ để rồi nhận lấy cái kết cục thật cay đắng cho cả hai phía. Muốn cho quyết định của mình là sáng suốt, hiệu quả, không có con đường nào khác những ông chủ phải tự nâng cao cái tầm và cái tâm của bản thân. Cái tầm để nhìn thấu đáo năng lực thực thụ của từng con người để mà so sánh, còn cái tâm để xử sự cho đúng các mối quan hệ bên trong, bên ngoài bởi lẻ khi bụt nhà không thiêng thì tồn tại của bụt đó không còn giá trị nữa. Những người trong tay ta, sống cùng ta bị ta biến thành kẻ không có giá trị thì làm ông chủ để làm gì?

Thành kiến làm cho bụt nhà không thiêng, thích những cái lạ; thích gì thì phóng đại tô mầu, ghét thì cũng thế. Nhiều khi lý luận một chiều sai lệch, cái vô lý ngớ ngẩn cũng cho là hay là đẹp, hoặc không hiểu gì cũng cho là hay. Sống hoàn toàn theo dư luận, theo cách của người đời, không dám vượt trên dư luận sai lạc, vượt trên những phán đoán thiên lệch.

Xã hội nào cũng có những quan niệm “Bụt nhà không thiêng”

“Bụt nhà không thiêng” : định luật tâm lý đó đã chi phối người Do thái và họ đã đối xử với Đức Giêsu một cách hững hờ, thậm chí là tẩy chay và kết án! Như thánh Gioan đã viết: “Ngài đã đến nơi nhà của Ngài nhưng người nhà đã không đón nhận” (Ga 1, 11). Vì thế, họ đánh mất cơ hội được Chúa thực hiện phép lạ; và nhất là, cơ hội được đón nhận mạc khải nước trời.

Dân làng Nazareth không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó có thể là vị Cứu tinh, là Đấng Cứu thế, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giầu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giêsu. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.

Dân làng Nazareth không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu thế như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.

Dân chúng ở Nazaret khinh dể Chúa Giêsu chỉ vì Ngài là một thợ mộc. Vì khi Chúa xuống thế gian, Ngài không hề đòi hỏi sự miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời với tất cả những công việc tầm thường nhất. Những may rủi về gia thế, giầu nghèo và phổ hệ chẳng có gì quan trọng với nhân cách cả. Chúng ta cần cảnh giác đối với sự đánh giá một người căn cứ vào bề ngoài, vào những cái tạm thời nay còn mai mất, chứ không căn cứ vào giá trị nội tại nơi chính người ấy.

Thái độ tiêu cực gần như tẩy chay Chúa Giêsu của dân làng Người cũng là chuyện dễ hiểu theo tâm lý tự nhiên, vì họ đã từng biết Người từ hồi còn nhỏ, một con người ra sao trong làng, có cha mẹ và thân thuộc như thế nào. Bởi thế, “Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: ‘Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình'”.

Dân làng Nazarét đã bị thành kiến bịt mắt họ lại nên họ đã không nhận ra Chân Lý, nhận biết Chúa Kitô, một con người tầm thường đã từng sống giữa họ, với họ và gần họ. Nói theo kiểu trần gian thì cái khổ của Thiên Chúa là ở chỗ nếu Ngài không tỏ hết mình ra nơi Lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô thì con người ta tiếp tục tôn thờ ngẫu tượng hay tà thần, chứ không phải là chính Ngài, nhưng nếu Ngài thật sự tỏ mình ra nơi Người Con giáng thế của Ngài thì loài người lại không chấp nhận Ngài nơi Con của Ngài, không chấp nhận Con Ngài là Thiên Sai, là Thiên Chúa!

Chúa không phải vì không làm được phép lạ nhưng vì họ có thái độ xem thường và kém tin. Để nói lý do không làm phép lạ, Chúa Giêsu đã kể 2 chuyện xảy ra trong thời cựu ước; đó là trường hợp của bà góa thành Sêrepta và tướng quân Syria, cả hai đều là dân ngoại nhưng đã tin và tôn trọng người của Chúa; nhờ vậy họ nhận được phép lạ…

Đáng lẽ những phép lạ Đức Giêsu đã làm ở những nơi khác cộng với sự rao giảng đầy thuyết phục của Ngài khiến cho dân làng Nazareth phải tin nhận Ngài, nhưng đàng này họ chỉ dựa vào nguồn gốc của Ngài, một nguồn gốc có vẻ tầm thường như họ thấy, nên họ nhìn sai lệch về con người của Ngài. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo cái dáng vẻ bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật. Vì thế,”họ bị vấp phạm vì Ngài” (Mc 6,3). Còn Ngài, Ngài âm thầm kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình” vì người ta thường nói: ”Gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Trước sự cứng lòng tin kèm theo sự ghen tương với thành kiến cố hữu của họ, Đức Giêsu không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa lành vài bệnh nhân. Phép lạ đòi hỏi phải có lòng tin, mà phép lạ chỉ là phần thưởng cho lòng tin ấy. Sự cứng lòng của con người như thánh Matthêu nói rõ (Mt 13,58) làm tê liệt phần nào quyền làm phép lạ của Ngài

Chúa Giêsu bị đồng hương coi rẻ vì những hình thức bên ngoài có vẻ tầm thường, bởi lòng người “quen quá hoá nhàm” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Hơn nữa nhiều người Do Thái thời đó còn quan niệm Đấng Cứu Thế giáng trần với xa mã lộng lẫy, đánh đông dẹp bắc, thống trị địa cầu bằng sức mạnh quân sự và quyền lực của đế quốc, và cho đến nay nhiều người Do Thái vẫn còn đang chờ đợi Đấng Cứu Thế theo quan niệm của họ!

Ta phải biết nhận ra Đức Kitô trong tâm hồn mình, nhất là khi hiệp lễ, đừng có mặc cảm vì sự tầm thường bên ngoài mà không nhận ra những ơn thánh Chúa luôn ban xuống cho ta. Những dáng vẻ hay tài năng bên ngoài sẽ qua đi hết, cuộc sống quan trọng ở chỗ là làm sao chiếm hữu được nước Thiên Đàng mà mọi người đều có khả năng lãnh nhận. Công việc hằng ngày chỉ là tạm bợ, hành trình nội tâm tiến về quê trời mới có giá trị lâu dài vĩnh cửu.

Thực tế sống đạo cũng cho thấy, chính thành kiến về nhau đã ngăn cản nhau trong việc chấp nhận nhau, chấp nhận những cái hay cái tốt của nhau, đúng hơn chấp nhận các đặc sủng Thần Linh nơi nhau, trái lại, đã không ưa ai, thì tất cả những gì con người đó làm dù có tốt đến đâu, có hay đến mấy, cũng không đáng lưu ý tới, thậm chí nghe thấy ai khen họ thì tìm cách hạ bệ họ…

Câu chuyện của người Do Thái vẫn có thể là câu chuyện xảy ra với mỗi chúng ta hôm nay. Vì thật vậy, trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi vì quá quen thuộc, vì óc thành kiến, chúng ta cũng hay xem thường, đánh giá thấp người khác, nhất là những người xuất thân từ giai cấp thấp kém trong xã hội.

Huệ Minh

Từ khóa » Bột Nhà Không Thiêng