BV Thu Cúc: Cứu Sống Bệnh Nhân Thủng Dạ Dày - Tá Tràng

Theo báo điện tử Suckhoedoisong.vn [Nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, bụng cứng như gỗ, anh N.T.H (51 tuổi) được chẩn đoán bị thủng dạ dày – tá tràng. Ngay lập tức các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đã tiến hành phối hợp kịp thời để mổ cấp cứu xử lý lỗ thủng, cứu thoát anh H khỏi cái chết trong gang tấc.]

Thủng dạ dày – tá tràng là một trong các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa phổ biến nhất. Nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời có thể gây đe dọa tính mạng người bệnh.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • Đau bụng dữ dội hơn 5 tiếng đồng hồ
  • Thách thức trong quá trình phẫu thuật
  • Chăm sóc đặc biệt sau mổ

Đau bụng dữ dội hơn 5 tiếng đồng hồ

Bắt đầu có biểu hiện đau bụng đột ngột, đau như dao đâm ở vùng thượng vị lúc 4 giờ sáng nhưng vì chủ quan, lại thêm điều kiện nơi ở xa xôi nên anh H vẫn “cắn răng chịu đau” cho đến 9h thì người nhà mới đưa tới Bệnh viện Thu Cúc. Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ anh bị thủng dạ dày – tá tràng do biến chứng từ bệnh viêm loét dạ dày tá tràng với các triệu chứng điển hình như đau bụng dữ dội, đau khắp ổ bụng, đau liên tục, sờ vào các cơ thành bụng co cứng toàn bộ, có cảm giác như sờ vào tấm gỗ.

Tiếp tục chụp X quang ổ bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng và một số xét nghiệm khác thì phát hiện thấy hình liềm hơi dưới vòm hoành. Đây là một dấu chứng rất quan trọng trong chẩn đoán thủng dạ dày – tá tràng.

Các triệu chứng điển hình của thủng dạ dày – tá tràng là gây đau bụng dữ dội, bụng khi sờ vào cứng như gỗ, người bệnh có thể bị nôn, sốt, bí trung đại tiện…

Kết hợp giữa thăm khám, tìm hiểu bệnh sử và kết quả các xét nghiệm, đúng như dự đoán của các bác sĩ, anh H bị thủng ổ loét trước hành tá tràng, lỗ thủng có đường kính 8mm. Ngay khi có chẩn đoán cuối cùng các bác sĩ ra y lệnh mổ cấp cứu. Vì thủng dạ dày – tá tràng là tình trạng rất nguy hiểm, nếu để kéo dài sẽ dẫn đến viêm phúc mạc cấp tính dễ gây tử vong. Chỉ có mổ cấp cứu để xử lý kịp thời lỗ thủng thì người bệnh mới tránh khỏi rủi ro bị đe dọa tính mạng.

“Nguyên tắc điều trị thủng dạ dày – tá tràng là phải mổ càng sớm càng tốt. Bệnh nhân được mổ trước 12 giờ  tỷ lệ tử vong từ 0 – 0,5%, mổ sau 12 giờ tử vong 15%, nên toàn bộ ekip của bệnh viện phải nhanh chóng chuẩn bị để có thể tiến hành xử lý ngay trường hợp nguy hiểm này.” Bác sĩ CKII Phạm Quang Hà – Trưởng khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc chia sẻ.

Thách thức trong quá trình phẫu thuật

Với tình trạng của bệnh nhân H, sau khi hội chẩn kỹ càng, các bác sĩ quyết định sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng, rửa sạch ổ bụng. Thách thức đặt ra lúc này với các bác sĩ là anh H vốn có thể trạng yếu, mắc nhiều bệnh phối hợp, sức đề kháng suy giảm nên để đảm bảo an toàn, ekip phẫu thuật từ đội ngũ bác sĩ gây mê – hồi sức, bác sĩ mổ chính cho tới y tá, điều dưỡng cần có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ.

Đội ngũ bác sĩ giỏi của Bệnh viện Thu Cúc đã phối hợp ăn ý, nhịp nhàng để thực hiện phẫu thuật nội soi xử lý lỗ thủng, làm sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu. Sau phẫu thuật bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh táo, bụng mềm, vết mổ khô.

Thêm vào đó, ổ loét đã xơ chai, khó khâu, khâu rất dễ bục, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn vững chắc và giàu kinh nghiệm thực tế mới có thể xử lý hiệu quả. Tuy nhiên vượt qua tất cả những khó khăn trên ca phẫu thuật đã diễn ra thành công trong vòng 1 giờ đồng hồ. “Nhờ sự ăn ý trong công tác chuẩn bị, gây mê hồi sức và phẫu thuật mà chúng tôi đã khâu  kín lỗ thủng, làm sạch ổ bụng và đặt dẫn lưu. Bệnh nhân tạm thời ổn định sức khỏe.”, bác sĩ Hà cho biết.

Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân hồi phục tốt, tỉnh táo, bụng mềm, vết mổ khô.

Chăm sóc đặc biệt sau mổ

Với bệnh nhân thủng dạ dày – tá tràng, đặc biệt là trường hợp có thể trạng yếu, mác nhiều bệnh phối hợp như bệnh nhân H, quá trình chăm sóc sau mổ là rất quan trọng. Những ngày đầu sau mổ, đội ngũ y tá, điều dưỡng viên của bệnh viện theo dõi, đánh giá tình trạng người bệnh liên tục cho tới khi ổn định hoàn toàn.

Chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố được quan tâm đặc biệt. Theo đó, bệnh nhân trước tiên được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Khi đã có nhu động ruột thì bắt đầu bắt đầu cho bệnh nhân uống, sau đó cho ăn từ lỏng tới đặc. Thức ăn loãng, dễ tiêu, ăn làm nhiều bữa trong ngày (6 – 8 bữa). Sau đó theo thời gian cho ăn giảm dần số bữa, tăng dần về số lượng trong một bữa để tránh hội chứng dạ dày bé.

Chăm sóc sau mổ thủng dạ dày – tá tràng cần được chú ý để hỗ trợ người bệnh phục hồi nhanh chóng.

Thực đơn ăn uống hàng ngày của bệnh nhân được các bác sĩ chú trọng, đảm bảo vừa cung cấp đủ dinh dưỡng vừa hỗ trợ phục hồi hệ tiêu hóa sau mổ nhanh chóng. Hiện tại anh H đang tiếp tục theo dõi thêm tại bệnh viện. Theo đánh giá của các bác sĩ thì tốc độ phục hồi sức khỏe ổn định, tiên lượng tốt, bệnh nhân sẽ sớm được ra viện. Khuyến cáo: đau là dấu hiệu cơ thể cảnh báo đang có vấn đề bất thường diễn ra. Vì thế tuyệt đối không nên chủ quan, cần đến bệnh viện thăm khám sớm để được kiểm tra kịp thời, tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm như anh H. Tại Khoa Ngoại – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, người bệnh sẽ được tạo mọi điều kiện để được phẫu thuật nhanh chóng trong điều kiện tốt nhất.

Từ khóa » Chăm Sóc Người Bệnh Thủng Dạ Dày Tá Tràng