C01, C03 Bộ Công An Yêu Cầu Xử Lý Các Dấu Hiệu Sai Phạm Tại Công ...

Theo đó, ngày 22/12/2020, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển - Phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã ký ban hành Phiếu chuyển đơn số 27/PC-C03-P1 gửi Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an thành phố Hà Nội để xem xét, giải quyết phản ánh của báo chí đối với việc có dấu hiệu sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, có biểu hiện thu lợi trái pháp luật trong thời gian dài tại khu đất Trạm bơm Dương Hà theo quy định của pháp luật; đề nghị thông kết quả cho Tạp chí Mặt trận; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu biết.

Cũng liên quan đến vụ việc nêu trên, ngày 04/01/2021, Thiếu tướng Đỗ Văn Hoành - Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ký ban hành văn bản số 08/C01-P4 chuyển tin báo về tội phạm đến đồng chí Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội để chỉ đạo, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Phòng 4/C01) để tập hợp.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã có chỉ đạo “nóng” giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý các bất thường, dấu hiệu sai phạm trong quản lý đất đai, tài chính tại Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội (đơn vị 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội) do Tạp chí Mặt trận phản ánh,

Cụ thể, ngày 28/12/2020, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định đã ký ban hành văn bản số 11168/VP-KT gửi các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đối với các nội dung phản ánh của Tạp chí Mặt trận về các dấu hiệu sai phạm xảy tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội. Nội dung văn bản nêu rõ:

“Về việc này, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hà Nội có ý kiến chỉ đạo như sau:

Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xử lý và có văn bản gửi Tạp chí Mặt trận theo quy định pháp luật.

Văn phòng UBND Thành phố thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố để các đơn vị biết và triển khai thực hiện”.

Trụ sở Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội (Đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Trong các ngày 14/12 và 21/12/2020, Tạp chí Mặt trận có các bài viết “Nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai ở các công trình thủy lợi: Góc nhìn thực tiễn tại trạm bơm Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội” và “Nhiều dấu hiệu bất thường trong báo cáo tài chính Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hà Nội: Bài học ngăn chặn, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước” phản ánh vụ việc có dấu hiệu sai phạm, bất thường trong hoạt động, thu chi, hạch toán tài chính tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội (trụ sở Đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội).

Theo đó, tại trạm bơm Dương Hà, nằm giáp ranh trên địa bàn 2 xã Dương Hà và Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội xuất hiện tình trạng nhiều công trình nhà xưởng được xây dựng kiên cố trong phần đất của trạm bơm hoạt động, xâm hại trực tiếp vào công trình thủy lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của công trình thủy lợi.

Theo khảo sát thực tế, diện tích đất đặt trạm bơm đang bị “bủa vây”, “xẻ thịt” vô tội vạ bởi hàng loạt nhà xưởng rộng hàng trăm m2 được xây dựng kiên cố, trong đó có nhà xưởng làm các sản phẩm liên quan đến nhựa.

Trạm bơm Dương Hà bị bủa vây bởi các nhà xưởng, công trình kiên cố.

Một số người dân địa phương cho biết, nhà xưởng xây dựng kiên cố và sử dụng kho chứa vật tư trong phần đất của trạm bơm đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng đến môi trường nhưng đến nay không những không bị xử lý đến nơi, đến chốn.

Ngay cả chính một cán bộ đang công tác tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội cũng phải thừa nhận, những vấn đề nêu trên hết sức nghiêm trọng, đe dọa an toàn, làm giảm năng lực, hiệu quả hoạt động của công trình thủy lợi, ảnh hưởng lớn đến công tác tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, phòng, chống thiên tai trên địa bàn, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì các cơ quan chức năng và Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội lại không biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm để trạm bơm có thể hoạt động đúng công năng, mục đích.

Hiện trạng nhà xưởng xây dựng kiên cố và sử dụng kho chứa vật tư trong phần đất của trạm bơm đã tồn tại từ lâu, ảnh hưởng đến môi trường nhưng đến nay không bị xử lý.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Hà Nội còn lộ rõ nhiều bất thường trong hoạt động, đặc biệt một số khoản mục trong báo cáo tài chính trải qua 3 thế hệ lãnh đạo của Công ty “bỗng dưng” tăng cao đột biến lên đến hàng tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán phải đưa ra cảnh báo.

Theo Báo cáo kiểm toán độc lập số 17/BCKT/TC năm tài chính 2018 của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lập ngày 18/3/2019 ghi nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ của đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kế toán, kiểm toán Việt Nam cho thấy, tại thời điểm 31/12/2018, Công ty đang theo dõi chi phí tiền điện, chi phí thuê đất, một số chi phí bị cắt giảm và chi phí đầu tư xây dựng cơ bản không được quyết toán của các năm tài chính trước trên các chỉ tiêu “đầu tư xây dựng cơ bản dở dang”, chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn” với giá trị lần lượt là 2,728 tỷ đồng và 2,826 tỷ đồng. Nếu phân bổ và hạch toán các khoản chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong năm thì lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm đi giá trị 5,555 tỷ đồng.

Trong Báo cáo tài chính năm 2017 và giữa niên độ 2018, phần tài sản thiếu chờ xử lý hoàn toàn không được Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội đả động đến.

Tài sản thiếu trong Báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2018, 2019 Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội có con số khủng lên đến 5,487 tỷ đồng.

Năm 2018, dù đã được cảnh báo nhưng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội vẫn tiếp tục chưa trích khấu hao tài sản cố định với giá trị 6,8 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, 2017, doanh nghiệp này còn trích khấu hao thiếu ước tính 15,433 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong báo cáo kiểm toán còn ghi nhận chỉ tiêu tài sản thiếu chờ xử lý tại doanh nghiệp một khoản lên đến 5,487 tỷ đồng. Đây là chỉ tiêu mà trong năm 2017, báo cáo tài chính do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lập ra lại không hề ghi nhận.

Quyết định số số 2283/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành liên quan đến công tác cán bộ tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội.

Cũng trong năm 2018, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội diễn ra sự kiện ông Đỗ Văn Tuyến, sinh năm 1969 rời “ghế nóng” Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty theo nguyện vọng. Ông Đỗ Văn Tuyến được bổ nhiệm Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty từ ngày 01/9/2016.

Ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1961 - Phó Tổng Giám đốc được tạm giao điều hành Công ty cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch, Tổng Giám đốc theo Quyết định số 2283/QĐ-UBND ngày 11/5/2018 do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành.

Theo tìm hiểu, sau khi rời “ghế” lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội, ông Đỗ Văn Tuyến hiện đang giữ chức Phó Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật và Cơ điện của Công ty.

Sang đến năm tài chính 2019, những ý kiến kiểm toán ngoài trừ vẫn bị Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội “bỏ ngoài tai”. Tại thời điểm kết thúc năm tài chính 31/12/2019, chỉ tiêu “đầu tư xây dựng cơ bản dở dang”, chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn” không được quyết toán có giá trị lần lượt là 2,728 tỷ đồng và 2,748 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tiếp tục chưa thực hiện trích khấu hao 4 năm liên tiếp 2016, 2017, 2018, 2019 với tổng giá trị lên đến 32,531 tỷ đồng.

Sau một năm, số tài sản thiếu tại doanh nghiệp vẫn không hề được xử lý và “giậm chân” tại con số 5,487 tỷ đồng.

Hai công trình xây dựng cơ bản do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội không được quyết toán.

Trong năm 2019, chức danh lãnh đạo chủ chốt của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội tiếp tục có biến động khi ông Phan Tuy Hội được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Công ty ngày 02/10/2019. Cùng thời gian này, ông Nguyễn Văn Hải được bổ nhiệm lại chức danh Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty.

Liên quan đến chỉ tiêu đầu tư xây dựng cơ bản dở dang không được quyết toán là Công trình Mốc Giới, giá trị 2,489 tỷ đồng và Công trình nạo vét kênh tiêu Sóc Sơn có giá trị 239,5 triệu đồng.

Mặc dù nguồn lực đất đai của doanh nghiệp có dấu hiệu bị “xẻ thịt”, sử dụng sai mục đích làm công trình kiên cố, nhà xưởng tại Trạm bơm Dương Hà, huyện Gia Lâm như đã phản ánh, thế nhưng doanh nghiệp, thu nhập khác từ đất đai của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lại không được thể hiện cụ thể trong báo cáo tài chính.

Qua Báo cáo tài chính được kiểm toán “đầy rẫy” sự bất thường của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội khiến dư luận đặt câu hỏi: Tài sản thiếu chờ xử lý tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội là tài sản gì mà lên đến 5,4 tỷ đồng? Tại sao trong Báo cáo tài chính năm 2017, Báo cáo giữa niên độ năm 2018 do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội công bố không xuất hiện chỉ tiêu này, phải đến khi có Báo cáo kiểm toán độc lập thì chỉ tiêu Tài sản thiếu chờ xử lý 5,4 tỷ đồng mới được lộ sáng? Tại sao qua các năm tài chính 2018, 2019, số tài sản thiếu này vẫn không được xử lý?

Bên cạnh đó, tại sao Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội lại không quyết toán chỉ tiêu “đầu tư xây dựng cơ bản dở dang”, chỉ tiêu “chi phí trả trước ngắn hạn” dẫn đến nhiều hệ lụy trong Báo cáo tài chính năm 2018, 2019? Những khoản đầu tư xây dưng cơ bản, chi phí trả trước này có được Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội phê duyệt, đầu tư theo đúng quy trình, quy định của pháp luật hay không? Có hay không việc thất thoát, lãng phí dẫn đến không thể quyết toán đối với các chỉ tiêu này?

Vậy từ các vấn đề nêu trên, có hay không việc lạm dụng quỹ đất, tài sản công tại Trạm bơm Dương Hà nhằm kinh doanh, thu lời bất chính? Việc sử dụng quỹ đất trạm bơm làm nhà xưởng, công trình kiên có được sự đồng ý chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền? Nguồn lợi thu được từ đất đai, nhà xưởng được Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thuỷ lợi Hà Nội hạch toán, thu chi như thế nào? Liệu có hay không “lợi ích nhóm” xung quanh vấn đề này?

Phải chăng đơn vị quản lý nơi đây đang “nhắm mắt làm ngơ” bao che cho sai phạm? Không rõ, khi xảy ra cháy nổ hay sự cố môi trường trên những nhà xưởng này, những người đứng đầu các địa phương, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP Hà Nội, trước các dấu hiệu bất thường trong hoạt động, hạch toán, thu chi tài chính, quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài sản công… của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội, đề nghị Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở NN&PTNN, UBND huyện Gia Lâm… sớm thanh tra, kiểm tra, làm rõ và công bố kết quả việc chấp hành, tuân thủ pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp.

Hai là, từ sự chỉ đạo của lãnh đạo Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an, kính đề nghị các đơn vị nghiệp vụ của Công an Thành phố Hà Nội quan tâm, sớm vào cuộc làm rõ các chỉ tiêu, khoản mục liên quan đến việc thiếu hụt tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản dở dang không thể quyết toán, chi phí trả trước, việc hưởng lợi từ nguồn lực đất đai sử dụng sai mục đích như đã nêu ở trên xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về quản lý tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai để làm gương, răn đe các vi phạm.

Ba là, các khu đất khi được giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lại bị lợi dụng để sử dụng sai mục đích, trục lợi cá nhân đang khiến dư luận bức xúc, đặt dấu hỏi có lợi ích nhóm trong vấn đề này. Nhất là việc giao, chuyển nhượng đất nhưng không thể hiện được giá trị của đất gây thất thoát, lãng phí để lại hậu quả nặng nề mà nhà nước, người dân phải gánh chịu. Vì vậy, đất đai cần phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sớm có phương án xử lý trách nhiệm của những khu đất sử dụng sai mục đích.

Bốn là, Hội đồng nhân dân, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên cần lập kế hoạch cụ thể cho các cuộc giám sát hàng năm và triển khai kịp thời các chương trình giám sát đột xuất tại địa phương để từ đó phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí, phát huy vai trò đại diện quyền và lợi ích của nhân dân, thể hiện được ý chí của người dân thông qua các chương trình giám sát.

Tạp chí Điện tử Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong những bài viết tiếp theo.

(*) Bài viết nhằm hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, năm 2020-2021 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Đêm ngày 4/1/2021, ông Nguyễn Quý Bình, hiện đang công tác tại Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội bị đổ sơn bẩn lên xe ô tô khi đang được đậu đỗ tại khu vực nhà riêng ở Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Trước đó, vào tháng 6/2020, sau khi nghe điện thoại của một nguyên cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp, đã có một nhóm người cởi trần, xăm trổ, dáng vẻ hung tợn, lời lẽ thiếu văn hóa đến tận trụ sở Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội để tìm gặp, lớn tiếng đe dọa đối với ông Nguyễn Quý Bình.

Phần kính trước của chiếc xe bị thủ phạm đổ và bôi sơn choán chọn.

Thủ phạm bỏ lại con lăn sơn ngay tại hiện trường.

Theo ông Nguyễn Quý Bình cho biết, khoảng 22 giờ 40 phút ngày 4/1/2021, khi đậu đỗ chiếc xe nhãn hiệu Toyota Vios, biển kiểm soát 30A-485.50 tại khu vực giáp với Trường Mầm non Ánh Sao, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, xe của ông Bình bị một đối tượng bước xuống từ một chiếc xe thể thao gầm cao 5 chỗ, sáng màu, đổ một hộp sơn màu ghi lên phần kính phía trước xe ô tô.

Sau đó, đối tượng này còn thản nhiên dùng “con lăn” sơn lên gần như toàn bộ phần mặt kính của chiếc xe rồi mới bỏ đi. Vụ việc nêu trên đã được camera gần đó ghi nhận lại được toàn bộ quá trình thực hiện hành vi của đối tượng.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, ông Nguyễn Quý Bình đã trình báo vụ việc đến Công an xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cơ quan Công an đã tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc.

Trước đó, ngày 17/6/2020, khoảng 9 giờ 50 phút, ông Nguyễn Quý Bình bắt máy nghe cuộc điện thoại từ ông Đỗ Văn Tuyến, nguyên Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội; hiện nay là Phó Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật và Cơ điện của Công ty với nhiều ngôn từ “rất khó nghe”.

Đến 15 giờ chiều cùng ngày, xuất hiện một nhóm khoảng 10 người xăm trổ, cởi trần, mặc quần sóoc đi trên 2 chiếc xe ô tô (một chiếc màu trắng, một chiếc màu đen) lao đến trụ sở Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội đến để tìm gặp với mục đích đe dọa, dằn mặt ông Nguyễn Quý Bình. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều cán bộ, nhân viên, người lao động trong Công ty. Rất may, thời điểm này ông Bình không có mặt tại cơ quan.

Đối với vụ việc này, ông Bình cũng đã trình báo đến Cơ quan Công an huyện Đông Anh để đề nghị điều tra, xác minh, làm rõ hành vi của các đối tượng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ngày 21/8/2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Đông Anh đã ban hành Thông báo và Quyết định “không khởi tố vụ án hình sự” do không có sự việc phạm tội đe dọa giết người được quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự.

Phan Anh Tuấn

Từ khóa » Cục Co1 Bộ Công An