Cá Chình điện Nguy Hiểm đến Mức Nào? - Điện Lực 247

Đặc điểm

Cá chình điện là một loài cá trong họ Cá dao lưng trần (Gymnotidae), thuộc chi Electrophorus. Đến nay, được phát hiện có ít nhất ba loài: Electrophorus electricus, Electrophorus varii và Electrophorus voltai. Tuy nhiên, do vẻ ngoài của chúng giống con lươn nên mọi người còn gọi nó là lươn điện (Electric eel).

Cá chình điện sống trong những con suối và ao nước gần lưu vực sông Amazon hoặc các phụ lưu của sông ở khu vực Nam Mỹ. Thức ăn chủ yếu là cá, nhưng có khi cả động vật lưỡng cư.

Cá chình điện có thân dài, hình trụ và đầu dẹt, cơ thể thường có màu xanh đậm hoặc hơi xám ở trên với màu vàng bên dưới. Khi trưởng thành, chúng có thể đạt đến kích thước khổng lồ, chiều dài hơn 2m và nặng khoảng 20kg.

Cá chình điện có đôi mắt nhỏ

Chúng có mắt nhỏ nên có thị lực kém, nhưng có thể phát ra điện tích mức thấp, dưới 10 Volt, sử dụng giống như radar để điều hướng và xác định vị trí con mồi.

Cá chình điện nếu được nuôi trong bể có thể sống đơn lẻ, nhưng sống ngoài sông, chúng thường kết hợp thành đàn khi di chuyển và săn mồi.

Phóng điện

Loài cá nước ngọt nổi tiếng này được đặt tên “điện” bởi chúng làm choáng con mồi và làm nản lòng những kẻ săn mồi bằng nguồn điện phóng ra từ cơ thể chúng.

Cơ thể trưởng thành của chúng có thể chứa khoảng 6.000 tế bào sinh điện (sản xuất điện) hình đĩa, được gọi là electrocyte, giống như những cục pin cực nhỏ. Khi bị đe dọa hoặc tấn công con mồi, hệ thần kinh bị kích thích, các tế bào này sẽ đồng loạt phóng điện.

Với quá trình này, khoảng 50 miliVolt điện được giải phóng khỏi tế bào điện. Quá trình này xảy ra gần như đồng thời ở tất cả các electrocyte. Vì các tế bào sinh điện được xếp cạnh nhau, nên hoạt động bắn ra của một tế bào này sẽ tác động lên các tế bào khác xung quanh nó, tạo ra một dòng điện.

Cá chình điện có thể phóng ra dòng điện đến 600 Volt

Sự phóng điện từ mỗi tế bào điện trong chuỗi tổng thể cho phép cá chình điện có thể tạo được điện thế khoảng 600 Volt trong một lần phóng điện, thậm chí ở loài Electrophorus voltaic mới được phát hiện, nhà khoa học làm thí nghiệm đo được nó phóng tới 860 Volt! Còn ở những con lươn điện còn nhỏ, thí nghiệm nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng có thể phóng ra dòng điện hơn 120 Volt.

Cá chình điện sử dụng điện theo nhiều cách. Điện áp thấp được sử dụng để cảm nhận môi trường xung quanh. Điện áp cao được sử dụng để đi săn mồi và làm choáng con mồi. Một clip trên internet cho thấy, một con cá sấu đi săn mồi, sau khi cắn mạnh vào đuôi lươn điện, chỉ chốc lát cá sấu bị giật cứng đơ, gần như mất khả năng tự vệ.

Rõ ràng, chạm trán với cá chình điện dưới nước là khá nguy hiểm. Cú sốc điện có thể sẽ không giết chết một người khỏe mạnh, nhưng có thể gây nguy hiểm nếu bạn bị choáng, sốc, ngã ra hoặc chết đuối. Nếu bị cá chình phóng điện mà gượng dậy thoát được thì tránh ngay vùng nước nguy hiểm. Nhưng nếu chậm chân không ra khỏi vùng nguy hiểm và tiếp tục bị phóng điện lặp lại liên tục từ cá, chúng ta có thể bị tử vong.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cá chình điện không chịu ảnh hưởng bởi chính dòng điện của chúng phóng ra.

Từ khóa » Cá Chình điện Có ăn được Không