Cá Diếc Om Cúc Tần Mùa Mưa

Mùa mưa lại về, mùa cá diếc lại về. Tôi muốn đi tìm những con cá diếc nằm đắp chăn bằng lá cúc tần ngủ trên bếp lửa để hoá kiếp mình đến kiệt cùng trên mâm cơm người quê nghèo.

Bắt đầu quãng độ từ rằm tháng bảy đến rằm tháng tám, khi mùa mưa bão có lúc thình lình dồn dập đến hết ngày này qua ngày khác, có lúc lại xen kẽ nhịp nhàng ngày nắng tưng bừng giòn giã đến bỏng rát là những người dân ở quê tôi lại tấp tểnh chuẩn bị lưới, vó để chuẩn bị một mùa đánh bắt cá diếc.

Hôm nào trời còn mát thì tranh thủ mang lưới vó ra sửa soạn xem còn dùng được không. Cái nào bị thủng, mục nát, chuột cắn… thì vá víu hoặc thay thế. Đợi ngày nào nắng hừng hực thì mang ra phơi. Hôm nào trời mưa bão thì sắp xếp việc nhà, xem chỗ nào dột thì che đậy cẩn thận, ngó ra ngoài cửa rồi khơi thông cống rãnh cho yên tâm, ngó lại mấy cái chum đựng lạc, đỗ tương còn nhiều hay ít, có bị ẩm mốc không, lọ tương góc bếp đã ngấu chưa... Xong đâu đấy, vội vàng mặc áo mưa, xách vó ra mấy cái ao đầu làng cuối xóm, hoặc nhánh sông cắt qua trên con đường chính giữa làng nước đã trắng xoá chẳng còn nhìn thấy bờ, thấy cỏ cây hoa dại như ngày thường nữa thì chọn “trổ” (chỗ) mà hạ vó. Nếu trời ngơn ngớt mưa thì có thêm một đứa con trai choai choai xách theo cái xô để đựng chiến lợi phẩm thu về.

Vừa xách vó đi, vừa tấp tửng nghĩ bụng chắc mình là người đến sớm, hoá ra nhìn từ đằng xa đã thấy lố nhố bóng người nhấc lên đặt xuống những gọng vó bắt bồ hóng nâu sẫm. Thỉnh thoảng có người đi ngược chiều để về nhà, mặt mũi hỉ hả với con cá to còn rẫy đành đạch trong xô như một món hời ngoài sức tưởng tượng của kẻ nghèo. Cũng có người chỉ được mớ cá diếc trắng loang loáng như bạc đã lấy làm mãn nguyện, làm động lực cho đôi chân bước nhanh về nhà.

Đi kéo vó lúc nào cũng khiến người được cầm cây sào tre hồi hộp mỗi lần nhấc lên. Đặt cái sào vào giao điểm chính giữa của gọng vó, hai tay từ từ nhấc lên. Phải từ từ, dù người được cầm sào có khoẻ đến đâu, vì nếu kéo nhanh quá cá trong vó sẽ vội vàng nhảy hết ra ngoài. Mà từ từ kéo lên mới hồi hộp, mới thú vị, mới nhìn thấy được sự sắn khúc hiếm hoi của nước. Khi thả vó xuống thì vó nằm trong nước, nước lấn át vó. Khi kéo vó lên thì từng khoảng nước mênh mông từ từ rút xuống như thước phim quay nhanh sự xuống nước của một dòng sông. Lúc vó thoát khỏi mặt nước, nằm sâm sấp trên mặt nước là lúc mọi con mắt đổ dồn vào nhìn. Cam  đoan là ngay cả những người đi kéo vó ngồi xung quanh, dù có tỏ ra chăm chú vào vó của mình nhất cũng không giấu được cái nhìn liếc qua vó ai đó xung quanh vừa nhấc lên khỏi mặt nước để xem được con gì. Nếu kéo lên được con cá to thì chả ai bảo ai, tiếng trầm trồ từ đâu cứ hợp âm lại mà vang lên. Người nào hiếu kỳ còn quên cả vó nhà mình chạy ra tận nơi xem mới thoả tò mò. Rồi sau đó là những hỉ hả may rủi lan truyền khắp nơi. Còn kéo lên mà không có gì thì người cầm sào lặng lẽ nhanh chóng đặt lại vó xuống nước và kiên nhẫn đợi dăm phút tiếp tục nhấc lên.

Kéo vó chỉ vậy thôi, nhấc lên, đặt xuống, tưởng chừng chẳng có gì hấp dẫn, tưởng chừng lặp đi lặp lại nhàm chán. Nhưng không, mối lần kéo lên là mỗi lần khác. Chẳng ai kéo mãi mà không được gì. Tất nhiên, được con cá to cũng hiếm lắm, có chăng chỉ một hai người may mắn. Còn thường, mỗi mẻ kéo lên chỉ có dăm ba con cá, con tôm hoặc con cua, thỉnh thoảng được một con nhinh nhỉnh hơn đã là vui rồi. Thích nhất có lẽ đứa con trai có nhiệm vụ xách và trông cái xô đựng cá. Nó được nhìn thoả thích những con rô, con diếc, con bống, con cờ, lại cả tôm, cua thập cẩm bơi tung tăng trong cái xô. Muốn nhìn con nào cho rõ thì chỉ cần thò tay vào hớt nhẹ lên nhìn nó quẫy đạp tươi rói trong lòng bàn tay.

Nếu như đi kéo vó là việc của đàn ông, xách xô cá là phần thưởng dành cho nhà nào có con trai ở tầm tuổi choai choai thì khi mang xô cá về dường như có sự phân định ngầm rằng việc còn lại là của đàn bà, của các chị, các cô. Họ sẽ phân loại, mấy con rô ron thì mang rán giòn. Còn lại thì kho ăn dần.

Ở quê tôi, vào mùa mưa, mỗi lần kéo về thu được nhiều loại cá khác nhau nhưng chiếm nhiều nhất vẫn là các diếc. Cá diếc sàn sàn khoảng ba ngón tay. Có con to hoặc bé hơn một tí. Nhưng không sao, vì tất cả sẽ được kho nhừ hết cả xương. Cá diếc khoác trên mình chiếc áo giáp bạc, màu bạc sẽ ánh lên sáng loá mỗi khi nó nghiêng mình. Người ở quê tôi vẫn thường bảo nhau, cá diếc có họ hàng với cá chép, nên nhìn nhang nhác cá chép, chỉ đứng sau cá chép về dinh dưỡng và kích cỡ nên ăn sạch, thịt thơm ngon.

Cá diếc có thể kho được với nhiều thứ thành những vị khác nhau. Phổ biến nhất là kho với riềng, với lá gừng, với tương hoặc với dưa chua… Và ít ai biết rằng, cá diếc còn có thể kho với lá cúc tần. Lá cúc tần là thứ có sẵn ở những hàng rào thôn quê. Muốn kho cá, chẳng phải mất tiền mua và chạy đi đâu xa. Cứ ra hàng rào cúc tần, cái hàng rào thường ngày chắn bụi, chắn gió chỉ để lũ trẻ hái chơi đồ hàng, bắt bướm, bắt chuồn chuồn. Thế mà sau những trận mưa tháng bảy tháng tám âm lịch bụi bẩn được gột rửa nhìn ánh lên màu xanh, ra ngắt cúc tần thì cứ bấm ngọn, bắt đầu từ lá bánh tẻ trở lên. Tuỳ thích và tuỳ miệng để lấy cúc tần nhiều hay ít kho cá diếc. Cúc tần khi đã kho với cá rồi thì cá chẳng còn mùi tanh, lá cũng còn mùi nồng hắc như lúc còn tươi. Thấm cái đậm của tương, một chút bùi béo của mỡ và cái ngọt của cá trở thành thứ lạ miệng khiến không ít người thòm thèm, không khéo một chút lơ đễnh còn bỏ quên cả cá. Vì thế, cúc tần có sẵn nên người hái cũng hào phóng. Chỉ đến khi mang về nhà, nhìn lại mớ cá mới mẹ đã mổ sạch ráo nước mới biết mình hơi quá tay, phải bớt lại một ít kẻo nhiều cúc tần quá nồi kho lại đắng.

Cá diếc sau khi mổ xong, ráo mình, cho vào chảo rán qua để thịt thơm hơn và săn lại. Cúc tần rửa sạch lót xuống đáy nồi rồi cứ tuần từ một lớp lá một lớp cá. Nếu nhà có sẵn tóp mỡ thì cho vài miếng ở lớp trên. Nếu không có thì mỡ thừa rán cá ban đầu, lấy một ít tưới xung quanh. Đâu đấy rồi thì tìm lọ tương đã ủ mấy tháng hè đậm màu nâu vàng để làm nhiệm vụ cuối cùng thay cho mắm muối trước khi đưa lên bếp và nổi lửa. Tương tự làm thường mặn nên tuỳ lượng cá trong nồi mà trút cho vừa miệng. Cuộc hội ngộ đầu tiên của lửa với nồi cá diếc kho như một dấu mốc nhắc nhở đã lại một mùa mưa nữa đã đến. Nhà nhà có thể ăn liền tù tì dăm ba nồi cá nhưng rồi có khi phải đợi đến cả năm sau mới lại có. Vì thế vừa háo hức, vừa lo âu khi nhìn trời, nhìn bếp.

Cái gian bếp ban đầu tràn ngập mùi cá rán sẽ nhanh chóng bị mùi cá diếc kho lấn át chỉ còn thoang thoảng khi tiếng lục bục sôi trong nồi bắt đầu xuất hiện. Lúc này phải rút bớt củi để lửa lim rim cháy. Ăn món kho, lại là cá kho thì không thể sốt ruột được, dẫu rằng mùi thơm thì như cứ trêu ngươi toả ra từ rất sớm. Cái bụng đứa trẻ nào nửa buổi có thêm củ khoai, bắp ngô hay quả ổi còn đỡ, chứ theo bố hay theo anh lẽo đẽo từ sáng ra ao hồ kéo vó mà không có thì không tránh khỏi việc thỉnh thoảng lẻn vào bếp mở vung nồi ra thó tạm miếng tóp mỡ hoặc mấy ngọn lá cúc tần để ăn. Nếu chẳng may bị người lớn phát hiện thì sẽ nhanh trí thanh minh rằng mình… ăn thử, rồi khen lấy khen để bà hay mẹ kho ngon thế! Biết ý, hoặc cũng có thể cái tuổi thơ quanh năm nghèo nàn của người nhà quê thì ấu thơ ai chả một đôi lần như thế nên nếu có bắt gặp con cháu mình ăn lén chả ai lỡ trách mắng gì. Có chăng, sau đó họ lẳng lặng thêm vài nắm gạo khi bắt đầu vo gạo để bữa cơm kéo dài hơn và thế nào rồi cũng có người đổ tại “Có cá đổ vạ cho cơm”.

Những con cá diếc nằm đắp chăn bằng lá cúc tần ngủ trên bếp lửa là hình ảnh tôi thường bảo mẹ khi nhìn nồi cá diếc kho trên bếp khiến ai cũng phì cười nhưng công nhận là đúng. Thì đấy cá diếp khi cho vào nồi được xen kẽ từng lớp lá cúc tần khác nào đắp chăn, một cái chăn lá đầy thi vị, hiếm hoi, chỉ khi nào nó hoá kiếp, dâng hiến cuộc đời cho mâm cơm người nghèo mới được thế, chứ cứ tung tăng dưới nước thì làm sao có được. Rồi đắp chăn thì phải ngủ. Ngủ ở ngọn lửa đã liu riu, đã không còn hừng hực, tưởng sắp lụi tàn đến nơi mà âm ỉ, dai dẳng. Đến khi mở vung nồi cá kho ra, chạm nhẹ cái đũa vào con cá thấy lõm xuống như một sự đổ gẫy bất ngờ tức là lúc ấy cá diếc đã mềm cả xương. Nghiêng nhẹ cái xoong không còn thấy nước đâu tức là tương đã cạn sền sệt. Lúc này bắc nồi cá kho ra kẻo đun thêm tí nữa, dù lửa có nhỏ cũng dễ cháy. Nếu xém một tí thì không sao, có khi nhiều người còn thích ăn, vì có mùi thơm khác biệt, thịt lại rắn hơn một chút. Nhưng nếu để quá độ thì mùi khét sẽ chiếm lĩnh, mà đã là mùi cháy khét thì cái nào cũng như nhau, không còn tí nào mùi đặng trưng riêng biệt của cá diếc kho cúc tần nữa.

Người nào sành ăn, thì dù có hơi xém một tí hoặc vừa đủ độ thì khi lấy cá ra ăn cũng khéo léo “lấy ngược” từ dưới ăn trước. Không lấy khéo, cá đã nhừ sẽ nát bét, nhìn mất cảm tình. Nồi cá kho ăn phải vài ngày, bữa nay ăn ở dưới trước cho thịt rắn, thịt đậm thì bữa sau đun lại cá càng mềm, càng ngấm và lại có một lớp cá khác ở dưới tương tự.

Cá diếc kho cúc tần không tanh, mềm, thịt ngọt lại quện cái bùi của mỡ, của tương… và với cơm trắng nóng hổi thì các món khác dễ bị bỏ qua. Ăn hết bát này đến bát khác, cái bụng đã no nhưng miệng vẫn còn thòm thèm. Và đây chính là nguyên nhân để bữa sau lại ăn mà không thấy chán.

Người làng tôi bảo, món cá diếc kho cúc tần là món ăn của người nghèo. Cá thì đi đánh, bắt, nếu không thì chỉ bỏ ra một tí tiền là mua được. Và lá cúc tần thì sẵn đấy. Ai cũng biết lá cúc tần kho cá diếc ngon là thế nhưng nó chỉ có thể kho được và trở thành món ngon với thứ cá bé nhỏ ấy thôi. Chứ nếu vẫn là cá, mà to hơn mang đem kho lá cúc tần nó vô vị, vô duyên và không thể làm nên hồn cốt của một món ăn quê mùa.

Chỉ tiếc, giờ đây những hàng rào cúc tần ngày một thưa vắng, thay vào đó là hàng rào bê tông chắc chắn. Mùa mưa hết năm này qua năm khác đi qua, cá diếc vẫn vẫy vùng sông quê, vẫn tươi rói trong chậu người ngồi ở góc chợ nhưng để tìm lá cúc tần làm chăn hoá kiếp cho cá đâu còn dễ dàng như xưa.

Hiền Nguyễn 

Từ khóa » Cá Kho Rau Khúc Tần