Cá Kìm.

Cá kìm.

Posted by BvN Editor on 16/09/2011 · 1 Comment

Họ cá kìm, hay lìm kìm: halfbeaks, Hemiramphidae.

Nếu bạn muốn biết 3 điều về họ cá này thì:

– Chúng chuyên lùng sục ở mặt nước để kiếm ăn.

– Hàm dưới dài hơn hàm trên nhiều lần.

– Một số ngụy trang như những miếng rác hay gỗ nổi trên mặt nước.

Cá kìm thường

Thấy ở đâu? Loài cá trông giống cành cây nhỏ này thường bơi trên mặt nước, hoạt động tích cực vào ban đêm. Những con nhỏ thường bị nhìn lầm là cành cây hoặc vật nổi trên mặt nước.

Cá kìm là gì? Chúng thuộc họ cá kìm Hemiramphidae. Theo Fishbase, họ này có 12 chi và 85 loài. Chúng sống ở Đại tây dương, Ấn độ dương và Thái bình dương.

Đặc điểm: dài chừng 10 cm, thân dài giống như cành cây, thường có hình trụ dài. Cá kìm có tên tiếng Anh như vậy vì hàm dưới dài hơn, trong khi hàm trên ngắn và có hình tam giác. “Hemi” nghĩa là một nửa,  trong khi “rhamphos” trong tiếng Hy lạp nghĩa là miệng. Hàm trên có những hàng răng nhỏ và đỉnh nhọn của hàm dưới có màu sáng hơn. Mắt chúng lớn và vảy cũng lớn.

Thỉnh thoảng chúng bị nhầm với cá nhái Needlefish. Needlefish ( Họ cá nhái Belonidae) thường dài hơn nhiều. Hàm của cá nhái cũng rất dài, và cả hàm dưới và hàm trên ngang bằng nhau. Cá nhồng con ( thuộc họ cá nhồng Sphyraenidae ) cũng có hình dạng tương tự nếu nhìn thoáng qua.

Cá sống ở tầng mặt nước: chúng phù hợp sống ở tầng mặt nước. Ở phía trên có màu tối, hai bên và phía dưới có màu sáng bạc. Lưng màu xanh đen của chúng sẽ hòa lẫn với màu nước để những sinh vật sống trên cao nhìn xuống không phân biệt được. Trong khi đó, những sinh vật sống phía dưới sẽ không nhận rõ chúng vì màu trắng bạc sẽ hòa lẫn với màu nước được mặt trời chiếu sáng. Hình dạng cơ thể không giống cá cũng có nghĩa nó thường bị lẫn lộn với một cành cây nhỏ đang nổi.

Khô cá kìm xuất khẩu

Cá kìm ăn gì? Cá kìm ăn những gì trôi nổi trên mặt nước như tảo, động thực vật phù du và những động vật nhỏ khác. Một số loài ăn côn trùng trên mặt đất bị rơi xuống nước, một số khác ăn cỏ biển và rong tảo.

Cá kìm nhỏ: đa số cá kìm đẻ trứng bám vào cỏ biển trong vùng nước cạn. Tuy nhiên có một số đẻ con.

Dùng làm thực phẩm: thịt cá kìm ăn ngon và những loài cá lớn ( Cá kìm chấm Black-barred halfbeak ) được một số nơi dùng làm thực phẩm, được bán tươi hoặc ướp muối phơi khô. Chúng cũng được dùng làm mồi câu cá. Chúng được đánh bắt bằng lưới đèn vào ban đêm. Một số loài nước ngọt dùng làm cá cảnh.

Cá kìm giống cành cây

Họ cá kìm gồm các loài:

Dermogenys pusilla (Pygmy halfbeak) Dermogenys sumatrana

Hemiramphus dussumieri

Hemiramphus georgii

Hemiramphus marginatus

Hemiramphus russelli

Hemiramphus erythrorinchus

Hemiramphus far (Black-barred halfbeak) Cá kìm chấm.

Hemiramphus fasciatus

Hemiramphus tweediei

Hemiramphodon phaiosoma

Hemiramphodon pogonognathus (nước ngọt)

Hyporhamphus gaimardi

Hyporhamphus melanurus

Hyporhamphus quoyi (Shortnose halfbeak )

*Hyporhamphus limbatus (Congaturi halfbeak

Zenarchopterus buffonis (Striped-nose halfbeak)

Zenarchopterus dispar

Zenarchopterus ectuntio

 Đọc thêm:

Cá lìm kìm kho nghệ. 

Mỗi khi đi chợ thấy bán cá lìm kìm là lòng tôi bồi hồi nhớ đến câu hát ru “ầu…ơ” của ngoại khi ru tôi ngủ: “Má ơi, con vịt chết chìm. Thò tay con vớt, cá kìm cắn tay!”.

Cá lìm kìm

Thật thế, quê tôi xưa lắm tôm cá, hễ xuống sông giặt giũ hay rửa chén là hầu như đủ loại cá trắng (cá lòng tong, cá he, cá chài, cá linh, cá lìm kìm…) bu quanh rỉa rát cả tay. Hồi ấy, những loại cá ấy ít người đánh bắt vì giá trị kinh tế không cao. Ngày nay khi nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, con cá lìm kìm lại được ưa chuộng, như một đặc sản.

Cá lìm kìm (còn gọi là cá kìm, cá nhái) có tên khoa học là Hermiramphidae. Đây là loài cá thích nghi với môi trường nước ngọt (ao, hồ, sông, rạch…), lẫn nước lợ (ven biển), sống ở tầng nước mặt. Cá thường xuất hiện vào mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long.

Cá lìm kìm có thân hình trụ suôn dài (hoặc hơi dẹp ngang), màu trắng trong, mỏ dài như cây kẹp trông rất ngộ nghĩnh. Cá lìm kìm nước lợ con lớn dài đến 2 – 3 tấc, cá lìm kìm nước ngọt dài nhất chỉ khoảng 1 tấc. Mùa vụ cá lìm kìm vào khoảng đầu tháng 10 âm lịch. Vào vụ, người dân đồng bằng sông Cửu Long thường dùng lưới để đánh bắt. Khi ăn không hết, người ta thường phơi khô để bán. Khô cá lìm kìm là món đặc sản. Giá cá lìm kìm tươi khoảng 15.000đ/kg. Cá lìm kìm khô khoảng 30.000đ/kg

Cá lìm kìm được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành nhiều món ăn khá hấp dẫn như: cá lìm kìm kho tiêu , cá lìm kìm nấu canh mướp hương, gỏi khô cá lìm kìm trộn xoài sống, dưa leo… Món được mọi người ưa thích nhất phải kể là cá lìm kìm tươi kho nghệ, sả ớt, nước cốt dừa.

Lựa cá còn tươi (màu trong xanh) cắt đầu, đuôi, nặn bỏ ruột, rửa sạch để ráo (cá nhỏ để nguyên con, cá lớn cắt đôi). Ướp muối, đường, sả, ớt (bằm nhuyễn), bột nghệ, bột ngọt khoảng 15 phút cho cá ngấm. Thêm một ít nước mắm ngon vào để thịt cá săn lại rồi bắc lên bếp kho với ngọn lửa liu riu. Chờ cá chín, vắt nước cốt dừa vào ngập xâm xấp với cá. Tăng độ lửa lớn cho nước cốt dừa trong nồi sôi lên khoảng vài phút rồi nhấc xuống ! Lưu ý: đây là món kho có nước để chấm với rau xanh nên không nên để khô quá.

Bữa ăn đã sẵn sàng, múc cá ra tô, cơm nóng bới ra chén, bắp chuối xiêm chẻ tư cùng với dưa leo, chuối chát, rau thơm…để ra dĩa. Mời bạn hãy cầm đũa gắp thử một con cá lìm kìm, cặp với miếng bắp chuối, chấm vào tô nước cá, đưa lên miệng nhai chậm rãi… Tôi đoán chắc bạn sẽ thích thú vì vị ngọt, béo của cá, nước cốt dừa, vị cay của ớt, vị chan chát của bắp chuối… hòa quyện với mùi thơm thoảng đặc trưng của tinh dầu nghệ sả…khiến bạn cảm thấy ngon miệng “bắt cơm” hết chỗ nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Cá mai
  • Cá phèn
  • Cá đối mục : cá mùa Nhật Bản.
  • Cá lượng.

Share this:

  • Share
  • Reddit
  • Facebook
  • Print
  • LinkedIn
  • Twitter
  • Pinterest
  • Pocket
  • Tumblr
  • Email
Like Loading...

Related

Filed under Thủy Hải Sản · Tagged with cá kìm, cá kìm xuất khẩu, cá lìm kìm, khô cá kìm, đặc điểm sinh học cá kìm

Từ khóa » Cá Lìm Kìm Sống ăn Gì