Cá Mập Tự Sinh Con Sau 10 Năm Chỉ Sống Cùng Con Cái - VnExpress

Cá mập tự sinh con sau 10 năm chỉ sống cùng con cái Cá mập tự sinh con sau 10 năm chỉ sống cùng con cái

Cá mập con hiện vẫn khỏe mạnh tại thủy cung Cala Gonone.

Cá mập Mustelus mustelus tại thủy cung Cala Gonone, Sardinia, Italy, sinh con non sau một thập kỷ sống chung bể với một con cái khác và không tiếp xúc với con đực, Live Science hôm 26/8 đưa tin. Cá mập nhỏ là con cái, được đặt tên là Ispera, mang nghĩa "hy vọng" trong tiếng Malta.

Hiện tượng hiếm gặp trên gọi là trinh sản (parthenogenesis), là khả năng con cái tự thụ tinh cho trứng của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Các nhà khoa học đã quan sát được hiện tượng này ở hơn 80 loài có xương sống, bao gồm cá mập, cá và động vật bò sát. Tuy nhiên, đây có thể là lần đầu tiên trinh sản được ghi nhận ở cá mập Mustelus mustelus.

"Rất khó để phát hiện trinh sản ngoài môi trường hoang dã nên chúng tôi chỉ thực sự biết về hiện tượng này qua những con vật nuôi nhốt", Demian Chapman giám đốc chương trình bảo tồn cá mập và cá đuối tại Thủy cung và Phòng thí nghiệm Mote Marine Laborator, Mỹ, cho biết.

Trinh sản có thể không diễn ra thường xuyên nhưng lại xuất hiện ở nhiều loài cá mập. "Khoảng 15 loài cá mập và cá đuối được ghi nhận là từng trinh sản", Chapman nói. Tuy nhiên, có thể đa số các loài đều có khả năng này, ông nhận định. Trinh sản cũng xảy ra ở cả cá mập đẻ trứng lẫn cá mập đẻ con.

Trong tự nhiên, trinh sản có thể là biện pháp cuối cùng cho những con cái không thể tìm được bạn tình do bị tách khỏi đồng loại hoặc tác động của con người, ví dụ như biến đổi khí hậu và đánh bắt quá mức, hoặc do áp lực chọn lọc tự nhiên như bị ăn thịt và nhiễm bệnh, khiến mọi con đực phù hợp đều chết. Trong các thủy cung, việc sống tách biệt khỏi con đực hoặc sống cô lập kéo dài có thể kích hoạt phản ứng tự nhiên này ở con cái. Quan sát cho thấy, một số cá mập trinh sản nhiều lần trong nhiều năm, số khác có thể chuyển đổi giữa trinh sản và sinh sản hữu tính khi được cho tiếp xúc với bạn tình.

Trinh sản gồm hai hình thức là automixis và apomixis. Automixis đã được ghi nhận ở cá mập, trong đó gene của mẹ được xáo trộn nhẹ để tạo ra con non tương tự mẹ nhưng không phải bản sao chính xác. Con non chào đời nhờ apomixis là bản sao chính xác, nhưng hình thức này phổ biến ở thực vật hơn.

"Trinh sản về cơ bản là một dạng giao phối cận huyết vì sự đa dạng di truyền của đời con giảm mạnh", Dudgeon giải thích. Do đó, con non chào đời nhờ trinh sản có thể bị giảm khả năng sống sót.

"Tỷ lệ hỏng phôi thai ở con non trinh sản rất cao. Tuy nhiên, nếu sống sót, nhiều con vẫn có cuộc sống bình thường, một số thậm chí có thể sinh sản", Chapman cho biết.

Rất khó để xác định chính xác nguyên nhân cá mập con chết, dù chúng là con non trinh sản hay chào đời một cách bình thường. "Việc cá mập nhỏ trong bể nuôi và ngoài tự nhiên chết xảy ra phổ biến nên không dễ để tìm ra lý do", Dudgeon nói.

Tình trạng sức khỏe của Ispera có vẻ vẫn tốt. Con vật được dự đoán sẽ có một sống tương đối bình thường trong điều kiện nuôi nhốt.

Thu Thảo (Theo Live Science)

  • Cá mập lũ lượt bơi vào kênh đào
  • Cảnh quay hiếm về cá mập 6 mang khổng lồ

Từ khóa » Cá Mập đẻ Bằng Gì