Cà Mau Mở Rộng Diện Tích Nuôi Tôm Sinh Thái Lên 20.000 Ha

Nuôi tôm sinh thái kết hợp với bảo vệ rừng được tỉnh Cà Mau phấn đấu mở rộng diện tích lên đến 20 ngàn ha trong năm 2020.

Nuôi tôm sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho các hộ dân tại Cà Mau. Ảnh Trọng Linh.

Rừng và tôm

ĐBSCL, tháng 5 nắng nóng oi bức, chúng tôi lặn lội về vùng nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ở huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được chứng kiến cuộc chuyển đổi tư duy ở đây. Đến nơi đây, cái nắng nóng đã dịu hẳn đi khi chúng tôi ẩn mình vào trong những cánh rừng đang nuôi tôm sinh thái và được nghe những câu chuyện thành công trong cuộc chuyển đổi này.

Ông Võ Văn Dũng, một trong những người nuôi tôm sinh thái dày dặn kinh nghiệm, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi tôm sinh thái ở ấp Ô Rô, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho biết: Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ít tốn chi phí do nuôi không sử dụng thức ăn. Mật độ thả tôm giống thấp không quá 3 con/m2 mặt nước.

Vùng nuôi tôm sinh thái phải có diện tích rừng chiếm trên 50%. Tôm phát triển tự nhiên dưới tán rừng và tận dụng thức ăn có sẵn từ hệ sinh thái rừng tạo ra. Thỉnh thoảng tạo thêm nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm bằng cách bón phân vi sinh.

Còn ông Nguyễn Văn Hai, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, chia sẻ: Từ khi tham gia mô hình nuôi tôm sinh thái đến nay gia đình ổn hơn rất nhiều. Bởi giá tôm nuôi từ mô hình này luôn được thu mua cao hơn. Theo ông Hai, điểm đặc biệt của nuôi tôm dưới tán rừng là đỡ tốn công chăm sóc và ít xảy ra dịch bệnh.

Nuôi tôm dưới tán rừng là đỡ tốn công chăm sóc và ít xảy ra dịch bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ghi nhận của chúng tôi từ các hộ dân tham gia dự án “Phục hồi rừng ngập mặn, dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải” (Dự án MAM), do tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tại Cà Mau, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao nên bà con rất đồng tình hưởng ứng.

Theo đó, các hộ tham gia dự án được hỗ trợ kỹ thuật, thu mua sản phẩm giá cao hơn thị trường 10% và được hỗ trợ dịch vụ chi trả môi trường rừng 500.000 đồng/ha.

Đặc biệt, bà con được tham gia liên kết chuỗi cung ứng cùng hưởng lợi trên sản phẩm. Điều kiện ràng buộc là các hộ dân tham gia phải đảm bảo quản lý trồng và bảo vệ rừng.

Không để nước thải, chất thải chưa được xử lý xả ra vuông nuôi. Không sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi tôm. Không sử dụng các loại thuốc hóa học trong vuông nuôi.

Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển có khoảng 6.800 ha tôm sinh thái được chứng nhận vùng nuôi đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Nanurland.

Thực hiện mô hình, người dân được hướng dẫn trồng rừng, kỹ thuật nuôi tôm để tạo ra sản phẩm sạch. Đầu ra sản phẩm được Công ty CP Thủy sản Minh Phú cam kết thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 10%.

Thực hiện mô hình, người dân được hướng dẫn trồng rừng, kỹ thuật nuôi tôm để tạo ra sản phẩm sạch. Đầu ra sản phẩm được Công ty CP Thủy sản Minh Phú cam kết thu mua toàn bộ với giá cao hơn giá thị trường 10%. Ảnh: Trọng Linh.

Sinh thái hái ra tiền

Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, tôm chứng nhận sinh thái Naturland có giá cao hơn so với tôm không chứng nhận. Giá trị tăng thêm từ 15-20%, mức hỗ trợ cho người dân từ 5-10% tùy theo cam kết của các Công ty. Người nuôi được hỗ trợ kỹ thuật theo tiêu chuẩn Naturland.

Theo nghiên cứu của GIZ đã chỉ ra rằng tổng thu nhập của mô hình tôm, rừng ngập mặn cao gấp 2 lần hình thức nuôi tôm truyền thống. Tôm sinh thái được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng, đặc biệt là Mỹ, EU, Nhật Bản.

Nuôi tôm sinh thái kiểm soát tốt các yếu tố con giống, hạn chế được dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi. Môi trường sinh thái được cải thiện và phục hồi theo hướng bền vững, đảm bảo diện tích rừng che phủ từ 50-60%.

Đặc biệt, giảm chi phí quản lý của nhà nước trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Khuyến khích cơ chế đồng quản lý trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Hơn nữa, tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa người nuôi và nhà máy chế biến. Giảm khâu trung gian để lợi nhuận và giảm giá thành sản xuất.

Hiện tại, tỉnh Cà Mau sẽ mở rộng việc chứng nhận tôm sinh thái lên toàn bộ diện tích khoảng 20.000 ha nuôi tôm kết hợp trồng rừng trong năm 2020.

Mục tiêu là xây dựng một “vùng bờ biển sinh thái” vừa sản xuất tôm được chứng nhận với giá trị cao và bảo vệ trước tác động của nước biển dâng và thiên tai.

Theo đó, mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng là một cách thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, là cung cấp bãi đẻ, nơi cư trú cho các loài thủy sinh có giá trị kinh tế cao.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: “Tôm sinh thái là 1 trong 7 mặt hàng chủ lực nằm trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Vì vậy, Cà Mau đã tập trung xây dựng và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm sinh thái Cà Mau. Với phương thức nuôi tôm hoàn toàn thiên nhiên, sản phẩm tôm rừng Cà Mau được chứng nhận sinh thái.

Điều này, giúp giải quyết vấn đề các yêu cầu ngày càng cao của quốc tế đối với phương thức nuôi tôm thân thiện với môi trường, cùng với các lo ngại về an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm nhận được giá cao hơn trên thị trường”.

Hiện có 20.755 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Đây là chiến lược phát triển để nâng cao vị thế tôm Cà Mau, với hơn 3.979 hộ đăng ký nuôi tôm trên đã được chứng nhận vùng nuôi sinh thái. Ảnh Trọng Linh.

Cà Mau có khoảng 34.940 ha nuôi tôm dưới tán rừng. Hiện có 20.755 ha được công nhận nuôi tôm sinh thái. Đây là chiến lược phát triển để nâng cao vị thế tôm Cà Mau, với hơn 3.979 hộ đăng ký nuôi tôm trên đã được chứng nhận vùng nuôi sinh thái.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, hiện toàn tỉnh có trên 280.000 ha nuôi tôm, chiếm 94% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh và gần 40% diện tích nuôi tôm cả nước. Tuy có tăng hơn so cùng kỳ, nhưng với sản lượng tính đến cuối năm 2019 đạt trên 190.000 tấn và năng suất bình quân 678,6kg/ha/năm, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, là chưa tận dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương. Nghề nuôi tôm nước lợ tại Cà Mau được cơ cấu 5 loại hình: Nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), quảng canh cải tiến, tôm – lúa, tôm – rừng, quảng canh kết hợp.
Mặt hàng thủy sản tỉnh Cà Mau đã có mặt ở 86 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tôm của Cà Mau đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm và được khách hàng quốc tế tín nhiệm, đặc biệt tôm sinh thái Cà Mau (tôm Naturland).

Hiện nay, Việt Nam được xuất khẩu tôm sang 102 thị trường. 5 trong top 10 thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam bao gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, Thụy Sỹ, chiếm tới 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Trong đó, tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo của Việt Nam xuất khẩu sang EU, tôm sú chiếm 12,2% còn lại là các sản phẩm tôm biển.

Nguồn: Trọng Linh-Ngọc Thắng/Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Chuyển nhượng carbon rừng: Thách thức và khuyến nghị
  3. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  4. Quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm: Bất cập và khuyến nghị
  5. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  6. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  7. Cồn Chim ký sự: Hồi sinh nguồn sống
  8. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  9. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam
  10. Điều tra: Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm – Bài 2

Từ khóa » Tôm Sinh Thái Cà Mau