Ca Mổ Tách Hai Bé Thành Công - VnExpress

Sau mổ, hai em được chuyển tới Khoa Hồi sức Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, theo dõi sát tình trạng sức khỏe. Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tổng chỉ huy ca mổ, đã gặp bố mẹ các cháu, thông báo kết quả sơ bộ.

"Ca mổ kết thúc, thành công", bác sĩ Định nói. Đôi vợ chồng trẻ ôm nhau khóc nức nở khi nghe tin mừng.

Các bác sĩ cho biết hậu phẫu cũng sẽ là một hành trình gian truân không kém.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã gọi điện thăm hỏi và chúc mừng thành công của kíp mổ.

Bé Diệu Nhi được các điều dưỡng chăm sóc sau khi kết thúc phẫu thuật chỉnh hình. Ảnh: Hữu Khoa.

Bố mẹ (bìa trái) âu yếm bé Diệu Nhi khi được các điều dưỡng đưa sang Khoa Hồi sức Ngoại, sau phẫu thuật chỉnh hình. Ảnh: Hữu Khoa.

Trong suốt 13 giờ, gần 100 chuyên gia, y bác sĩ đã gây mê, phẫu thuật, sắp xếp các cơ quan nội tạng, cắt tách xương, tách rời hai bé, tạo hình các bộ phận khiếm khuyết, nắn chỉnh khung xương cho các em. Ca mổ thành công sẽ giúp hai trẻ có được cuộc sống khỏe mạnh, bình thường, sau 13 tháng dính liền nhau kể từ chào đời.

"32 năm sau cuộc mổ tách thành công cặp song sinh đầu tiên ở Việt Nam, ca phẫu thuật hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế về tách dính trẻ song sinh dính liền", Giáo sư Trần Đông A, tổng chỉ huy nhiều ca phẫu thuật tách dính ở Việt Nam kể từ năm 1988, đánh giá.

Cuộc phẫu thuật này được chuẩn bị từ cách đây hơn một năm, khi siêu âm thai nhi trong bụng mẹ cho thấy bất thường, song thai dính nhau. Với sự theo dõi và chăm sóc của y bác sĩ, cha mẹ hai bé quyết định giữ thai và sinh con. Hai bé dính vùng bụng chậu theo kiểu ischiopagus tetrapus, là loại hiếm gặp, chỉ chiếm 6% số ca dính. Các bé được bệnh viện chăm sóc nuôi nấng từ khi ra đời, điều trị các bệnh do dính và sinh non, chuẩn bị mọi mặt cho sự kiện sống còn của các bé hôm nay.

30 chuyên gia từ gần 10 bệnh viện bên ngoài cùng hơn 60 y bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tham gia cuộc đại phẫu. Họ chia thành 11 ê kip dưới sự chỉ huy của tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện.

"Cảm xúc gì đều phải giấu vào trong", bác sĩ Định chia sẻ trước ca mổ tách đầu tiên kể từ khi thành lập Bệnh viện.

Cuộc mổ bắt đầu lúc 6h sáng. Mẹ các bé và điều dưỡng dán giấy màu đỏ lên trán Trúc Nhi, giấy màu xanh cho Diệu Nhi để phân biệt hai em, tránh nhầm lẫn bệnh nhân và trang thiết bị phẫu thuật. Mỗi y bác sĩ cũng dán nhãn xanh hoặc đỏ lên mũ và áo phẫu thuật, đánh dấu đội của mình.

Nhìn theo hai con gái khuất sau cánh cửa, người mẹ khóc không ngừng. Trong phòng mổ, có riêng hai nhân viên y tế dỗ dành mỗi em trước khi chúng được gây mê hoàn toàn.

9h, những đường dao đầu tiên thay đổi số phận hai bé gái bắt đầu. Sau đường rạch da của bác sĩ Trương Quang Định, bác sĩ Trần Văn Dương, chuyên gia từ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, trưởng nhóm Phẫu thuật tạo hình, bắt đầu cân cơ và mở bụng tách hai bé. Nhóm phẫu thuật Ngoại tổng quát tiến vào thám sát ruột và thực hiện phương án chia đôi phần ruột chung đã tính toán trước.

Khi phần ruột chia ổn, nhóm phẫu thuật Niệu tiếp tục tách hai bàng quang, niệu quản, tử cung, âm đạo, buồng trứng cho hai bé. 11 ê kip phẫu thuật phối hợp nhịp nhàng, chắc chắn.

"Em chỉ mong hai bé được bình an khỏe mạnh vượt qua ca phẫu thuật. Còn về tương lai đến đâu tính đến đó chứ cũng chưa biết phải làm sao", người mẹ, 25 tuổi, sinh con lần đầu, tâm sự khi đứng bên ngoài hành lang.

Kíp phẫu thuật bày tỏ niềm vui sau khi tách rời thành công hai cháu bé. Ảnh: Hữu Khoa.

Kíp phẫu thuật bày tỏ niềm vui sau khi tách rời thành công hai cháu bé. Ảnh: Hữu Khoa.

11h, các bác sĩ thông báo hai bé đã qua được một phần ba chặng đường cuộc mổ, được sắp xếp các cơ quan nội tạng theo kế hoạch.

Ở khâu cắt rời xương chậu để tách hai bé, nhóm phẫu thuật viên chỉnh hình gặp khó khăn do màng xương dính nhau rất cứng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn tiến tốt. Máu chảy ít, mỗi cháu chỉ cần truyền một đơn vị máu.

14h10, phẫu thuật viên cắt xương thành công, tách rời Trúc Nhi và Diệu Nhi. Một bé được đưa sang phòng mổ bên cạnh cùng với kíp bác sĩ tạo hình đi kèm.

"Tất cả dị tật hiện thực của hai bé phù hợp với những dự liệu trước khi mổ. Các chỉ số sinh tồn hai bé hoàn toàn ổn định đến lúc này", các bác sĩ cho biết sau 9 giờ làm việc liên tục.

18h40, tại hai phòng mổ song song, những mũi khâu cuối cùng trên từng em bé hoàn tất. Hai trẻ được mổ tách thành công, một trong các ca phẫu thuật tách trẻ dính liền phức tạp nhất trong hơn 30 năm qua.

Bé Trúc Nhi sau khi tách rời khỏi Diệu Nhi, được đưa sang phòng mổ siêu sạch số 12 để tiếp tục phẫu thuật tạo hình. Ảnh: Hữu Khoa.

Bé Trúc Nhi sau khi tách rời khỏi Diệu Nhi, được đưa sang phòng mổ siêu sạch số 12 để tiếp tục phẫu thuật tạo hình. Ảnh: Hữu Khoa.

Trúc Nhi và Diệu Nhi nhập Bệnh viện Nhi đồng thành phố từ tháng 6/2019. Mẹ bé, 25 tuổi, mang thai lần đầu, ở tuần thai thứ 16 đã rất sốc khi biết tin hai con dính nhau. Sau khi được bác sĩ tư vấn, tiên lượng những rủi ro và lên phương án đón bé bài bản sau sinh, cha mẹ bé quyết tâm giữ con để hai bé có cơ hội được chào đời.

Vùng bụng chung hai bé có hàng loạt bất thường. Về tiêu hóa, hai bé chung một phần hồi tràng, một khung đại tràng và chỉ có một lỗ hậu môn. Về thận niệu, hai bé có hai bàng quang nằm hai bên của ổ bụng chung. Mỗi bàng quang được hai niệu quản xuất phát từ hai bé khác nhau đổ vào thay vì của cùng một bé. Hai bé có khung chậu xếp thành một vòng tròn.

Hơn một năm theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng theo chế độ đặc biệt, hai bé đạt 15 kg, các chỉ số phát triển gần với trẻ bình thường. Cha mẹ và các y bác sĩ mong muốn hai em có một cơ thể hoàn chỉnh, độc lập, được có cơ hội như những trẻ em lành mạnh khác nên quyết định phẫu thuật tách liền và tái tạo phần cơ thể khiếm khuyết cho các em.

Thư Anh

  • Hai bé gái dính nhau sắp được mổ tách
  • Hai bé dính liền sẽ được mổ tách thế nào?
  • Hai bé gái Sài Gòn chào đời dính nhau vùng bụng chậu

Từ khóa » Hai Em Bé Dính Liền