Cá Nhân Nước Ngoài Có được Trừ Các Khoản Phí Bảo Hiểm Bắt Buộc ...

Công ty TNHH Kế Toán Vina – Công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán cho Doanh nghiệp Nhật Bản và dịch vụ kế toán cho Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM và Hà Nội xin chia sẽ bài viết này:

Sau khi thành lập các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài thông thường sẽ bổ nhiệm một số chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm các vị trí quản lý sang làm việc cho Công ty con tại Việt Nam. Các chuyên gia này thông thường vẫn có nhận tiền lương ở nước ngoài (Công ty chi trả), vẫn tham gia và bị khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) theo quy định pháp luật ở nước ngoài. Vậy các loại bảo hiểm này có được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN tại Việt Nam hay không?

Chúng tôi xin được chia sẻ một số quy định về vấn đề này.

Theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 về các khoản giảm trừ đối với cá nhân cư trú:

Điều 9. Các khoản giảm trừ

Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:

  1. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

a) Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

c) Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.

 

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.

đ) Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ nêu trên là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay).

Tham khảo Công văn số 668/TCT-TNCN ngày 27/2/2018 của Tổng cục Thuế

Tham khảo Công văn số 52631/CT-TTHT ngày 11/8/2016 của Cục Thuế TP. Hà Nội

Tham khảo Công văn số 8030/CT-TTHT ngày 18/8/2017 của Cục Thuế TP. HCM

 

Kết luận:

  • Đối với các khoản bảo hiểm đã đóng tại nước ngoài nếu có tính chất tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp thu nhập cá nhân này nhận được là thu nhập chưa bao gồm thuế (Net) thì cá nhân sẽ trừ phần giảm trừ bảo hiểm này trước khi tiến hành quy đổi (Gross up).
  • Trường hợp các khoản bảo hiểm đã đóng tại nước ngoài nếu là bảo hiểm không mang tính chất bắt buộc theo quy định tại nước ngoài hoặc không chứng minh được là bảo hiểm có tính chất bắt buộc tương tự như các loại bảo hiểm theo quy định pháp luật Việt Nam thì không được trừ khỏi thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.
  • Cá nhân phải cung cấp chứng từ chứng minh khoản đóng góp bảo hiểm là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay) để làm cơ sở cho việc giảm trừ.

Thực tế, việc lấy giấy xác nhận của tổ chức bảo hiểm thường sẽ phức tạp hơn, thay vào đó việc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ ở nước ngoài sẽ đơn giản và do đó được áp dụng phổ biến hơn. Chúng tôi đính kèm mẫu biểu giấy xác nhận này cho mục đích tham khảo.

** Lưu ý: Trường hợp toàn bộ thu nhập của cá nhân nước ngoài được chi trả bởi Công ty Việt Nam (Công ty mẹ trả trước ở nước ngoài và đòi lại Công ty con tại Việt Nam toàn bộ thu nhập này) thì phần bảo hiểm đã đóng ở nước ngoài của cá nhân có được xem là bảo hiểm bắt buộc và được tính giảm trừ hay không vẫn là vấn đề còn chưa rõ ràng về mặt quy định. Quý Doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến của chuyên gia tư vấn để được hướng dẫn từng trường hợp cụ thể.

Quý bạn đọc có bất cứ thắc mắc nào liên quan tới bài viết hoặc dịch vụ kế toán cho Doanh nghiệp Nhật Bản, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vui lòng liên hệ Kế Toán Vina để được tư vấn và hỗ trợ.

Từ khóa » Cách Xem Thuế Thu Nhập Cá Nhân ở Hàn