Cá Quạt - Báo Phụ Nữ - Phunuonline

Cá mẹ nướng có nhiều loại lắm, cá thu, cá thửng rồi cá thèn… mùa nào thức nấy, nhưng cá trích ve là loại cá mà mẹ hay nướng nhất. Con quen gọi là “cá quạt”, lứa cá chỉ to bằng hai ngón tay con.

Tới mùa cá, trời vừa hửng sáng, mẹ đã quẩy gánh xuống bến mua một mớ về rửa thật sạch. Mẹ chọn những con cá tươi ngon, vảy trắng xanh, mắt và mang cá còn đỏ hồng. Cái quạt mẹ dùng thổi lửa không phải quạt máy, quạt lò mà là quạt nan đan bằng cật tre.

Mẹ bảo dùng quạt giấy không được mấy bữa, quạt mo cau thì nặng, còn cái thứ quạt nan tre thì vừa dẻo dai, vừa bền, lại nhẹ. Thế là chiếc quạt ấy gắn với gánh hàng của mẹ không biết bao mùa cá.

Mẹ cầm chiếc quạt trên tay phe phẩy mãi, độ nóng của than được tăng lên từ từ. Rồi mẹ cứ thế giữ cho than cháy đều, chẳng mấy chốc cá đã chín dần từng thớ, mỡ cá chảy xì xèo.

Tay mẹ vẫn đun than, rải cá, trở cá, sắp cá… nhanh nhẹn và thành thục. Vậy mà mẹ không bao giờ quên đon đả mời khách, chọn cho khách những con cá tươi ngon.

Cá mẹ nướng xong vừa chín tới, thịt trắng, ăn thấy dai, bùi, vừa thơm lại vừa giòn. Kẻ chợ thường chọn mua cá trích ve của mẹ, bởi người nướng cá chẳng bao giờ nướng dối. Khi thì dăm ba con nấu canh lá lằng, khi thì một vài cân kho mặn ngọt; rồi khi túng tiền, khi trời động… bởi cá về nhiều lại hay bội mùa.

Trẻ nhỏ, người già ốm bệnh thích ăn vì cá lành, ít tanh. Thanh niên trai tráng lâu lâu gặp nhau bày cuộc nhậu, cá trích rán giòn ăn với bún, giá, cuốn lá sung chấm ruốc, mà đã nhâm nhi tới cái món ấy thì không thể thiếu được chén rượu cay nồng.

Con mỗi lần theo mẹ ra chợ cũng không quên mang theo một nhón muối trắng giã nhỏ trộn ớt cay. Để khi nào có con cá bị gãy hay xém lửa, con biết ngay đó là phần của mình. Nhìn con chóp chép ăn món cá nướng nóng hổi thơm ngon, mẹ cười mắng yêu: “Con gái ăn hàng mất duyên!”.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Bên cái bếp liu riu than hồng ấy, chiếc quạt nan trên tay se sẽ, mẹ kể bao nhiêu chuyện về con cá nướng. “Ngày xửa ngày xưa có cô gái mới về làm dâu nhà nọ. Một hôm, bà mẹ chồng bị ốm, bảo cô đi chợ mua cá nướng về ăn. Nàng dâu không biết mua cá gì đành hỏi người đi chợ. Họ chỉ cho cô mua cá cháo. Thế là cô mua cá ấy về nướng, mắt mũi sưng đỏ vì khói, mà cá cháo nướng cứ biến thành nước chảy lèo xèo rồi tan biến lẫn vào tro. Cô gái xấu hổ quá bỏ đi biền biệt…”.

Giờ con lớn khôn bay nhảy tự phương trời nào, bên góc chợ quê vẫn còn cái bếp nhỏ của mẹ. Mỗi lần về, con lại chạy tót ra chợ thăm. Mới sớm mai, những làn khói mỏng manh, lờ nhờ lại bay lên, chợ bốc mùi cá quen thuộc. Mẹ vẫn ngồi đó dưới gốc cây xà cừ xù xì, lúi húi nướng những mẻ cá đầu tiên. Từng giọt mồ hôi rịn ra trên trán mẹ. Làn khói đưa lên từ chiếc quạt nan vô tình làm đôi mắt đắng. Lửa than vẫn nổ đều lép bép. Chợ vẫn ồn ào…

Bây giờ người ta đã có máy này máy nọ nướng cá, vừa nhanh lại vừa nhiều. Mẹ vẫn còn nướng “cá quạt”. Mẹ nói, mẹ thổi lửa nướng cá quen rồi. Được cái nướng “cá quạt” mẹ có thể tranh thủ vừa bán cá lại vừa nướng được cá.

Mỗi lần có người quen về quê, mẹ lại không quên gửi lên cho con một bọc “cá quạt”, thế mà con vẫn chưa đỡ nhớ. Bạn bè ăn món cá ấy cứ xúm xít hỏi con hoài cách mẹ nướng cá.

Không biết sớm mai này mẹ đã nhóm bếp lên chưa? Bỗng dưng thấy thèm quá con cá trích cắn ngang.

Nguyễn Thị Hòe

Từ khóa » Giá Cá Quát