Cá Rô Phi – Wikipedia Tiếng Việt

Cá rô phi
Cá rô phi
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Perciformes
Họ (familia)Cichlidae
Phân họ (subfamilia)Pseudocrenilabrinae
Tông (tribus)Tilapiini
Genera

Oreochromis (khoảng 30 loài) Sarotherodon (trên 10 loài) Tilapia (khoảng 40 loài)

và xem bài

Cá rô phi là tên thông thường của một nhóm loài cá nước ngọt phổ biến, nhưng một số loài trong chúng cũng có thể sống trong các môi trường nước lợ hoặc nước mặn, chúng sống chủ yếu tại sông suối, kênh rạch, ao hồ[1]. Đây là giống cá thuộc họ Cichlidae gồm có nhiều chủng loại, có nguồn gốc phát sinh từ châu Phi và Trung Đông. Một trong những loài đặc hữu của họ cá này là Cá rô phi đỏ (Oreochromis sp), cá rô phi xanh (Oreochromis aureus) và rô phi vằn (Oreochromis niloticus). Là loài cá có giá trị kinh tế và thông dụng trong bữa ăn, cá rô phi được du nhập đi nhiều nơi và nhiều loài đã trở thành loài xâm lấn.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Nghề nuôi cá rô phi sông Nile bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại, nơi nó được thể hiện bằng chữ tượng hình K1, trong danh sách Gardiner: 𓆛

Cá rô phi là biểu tượng của sự tái sinh trong nghệ thuật Ai Cập, và ngoài ra nó còn được kết hợp với Hathor. Nó cũng được cho là đồng hành và bảo vệ thần mặt trời trên hành trình hàng ngày của ông trên bầu trời. Bức tranh vẽ cá rô phi trên các bức tường của ngôi mộ, gợi nhớ đến câu thần chú 15 của Cuốn sách của người chết mà theo đó người quá cố hy vọng sẽ thế chỗ trên chiếc thuyền mặt trời: "Bạn nhìn thấy con cá rô phi trong hình dạng [thật] của nó tại hồ bơi màu ngọc lam", và " Tôi nhìn thấy con cá rô phi trong bản chất [thực sự] của nó đang dẫn đường cho con thuyền chạy nhanh trong vùng biển của nó. "[2]

Cá rô phi là một trong ba loại cá chính được đánh bắt trong thời kỳ Talmudic từ Biển Galilee, cụ thể là cá lược Galilae (Sarotherodon galilaeus). Ngày nay, trong tiếng Do Thái hiện đại, loài cá được gọi là amnoon (có lẽ là một từ ghép giữa am, "mẹ" và trưa, "cá"). Trong tiếng Anh, đôi khi nó được biết đến với cái tên "St. Peter's fish", xuất phát từ câu chuyện trong Phúc âm Ma-thi-ơ kể về việc sứ đồ Phi-e-rơ bắt được một con cá ngậm đồng xu trong miệng, mặc dù đoạn văn không nêu tên loài cá.[3] Trong khi cái tên này cũng áp dụng cho Zeus faber, một loài cá biển không được tìm thấy trong khu vực, một số loài cá rô phi (Sarotherodon galilaeus, Oreochromis aureus, Coptodon zillii và Tristramella) được tìm thấy ở Biển Galilee, nơi tác giả của Phúc âm Matthêu kể lại sự kiện đã diễn ra. Những loài này đã là mục tiêu của nghề đánh bắt thủ công quy mô nhỏ trong khu vực trong hàng nghìn năm.[4][5]

Tên thông thường "cá rô phi" được đặt theo tên của loài cá rô phi thuộc chi cichlid, bản thân nó là cách gọi của tlhapi, từ tiếng Tswana có nghĩa là "cá".[6]

Tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

So với các loài cá khác thì cá rô phi sớm gần gũi với đời sống của con người. Những hình ảnh cá rô phi đã có ở các bức khắc trên đá trong các kim tự tháp của Ai Cập. Cá rô phi cũng là loài cá được con người đưa vào nuôi đầu tiên vào năm 1924 và sau đó nuôi rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới vào những năm 1940-1950, nhất là ở những nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, thời gian gần đây nuôi rô phi mới thực sự phát triển mạnh mẽ trở thành một ngành nuôi có quy mô công nghiệp, cho sản lượng thương phẩm lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao. Cá rô phi là loài cá phổ biến, ở đâu cũng nuôi được. Tuy nguồn gốc của nó là từ châu Phi nhưng tới nay đã có hơn 100 nước trên thế giới nuôi rô phi.

Các loài

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1964 người ta mới biết khoảng 30 loài cá rô phi, hiện nay đã lên khoảng 80 loài, trong đó chỉ có trên 10 loài có giá trị kinh tế trong nuôi trồng thủy sản. Loài rô phi bé nhất là Tilapia grahami ở hồ Magadi của Kênya (châu phi) khi thành thục cá chỉ dài 5 cm và nặng 13 g. Loài rô phi có cỡ lớn nhất là rô phi vằn Oreochromis niloticus gốc ở hồ Rudolf nằm ở ranh giới giữa ba nước Kenya, Ethiopia và Sudan có con dài trên 64 cm, nặng tới 7 kg.

Để có tên khoa học cho cá rô phi như hiện nay, người ta đã phải qua mấy lần đặt, rồi lại đổi tên, năm 1968 tất cả các loài cá rô phi có một chấm đen ở cuối vây lưng (gọi là "Tilapia chấm") đều được xếp vào một giống Tilapia. Từ năm 1973, Trewavas đã đề nghị tách giống Tilapia này thành hai giống mới:

  • Nhóm cá rô phi ăn vật bậc cao, đẻ ở đáy, có lược mang thưa (tiêu biểu là rô phi ăn cỏ Tilapia rendalli) vẫn được gọi là giống Talapia.
  • Nhóm cá rô phi ăn tảo (thực vật bậc thấp), ấp trứng và con trong miệng, có lược mang dày (tiêu biểu là rô phi đen Talapia mossambica, rô phi vằn Talapia nilotica theo cách gọi tên cũ) nay gọi theo tên mới là Talapia sarotherodon.

Gần đây nhất, dựa trên cách phân loại mới của trewavas (1983) người ta phân loại các loài cá rô phi trên thế giới thành ba giống, đó là Tilapia, Sarotherodon và Oreochromis, dựa trên cơ sở di truyền và tập tính sinh sản của chúng.

  • Tilapia có kiểu sinh sản là khi đẻ cần có giá thể để trứng bám. Cá làm tổ để bằng cỏ rác. Sau khi đẻ, cả cá cái và cá đực cùng nhau tham gia bảo vệ tổ. Loài thủy sản quan trọng là Talapia zillii, Talapia rendalli.
  • Sarotherodon với kiểu sinh sản là Cá đào tổ đẻ. Cá đực hoặc cá cái, hoặc cả cá đực và cá cái cùng ấp trứng trong miệng. Loài thủy sản quan trọng là S.galilaeus
  • Oreochromis có kiểu sinh sản là Cá đực đào tổ đẻ. Chỉ có cá cái ấp trứng trong miệng. Các loài thủy sản quan trọng là O.mossambicus, o.aureus, o.niloticus, o.urolepis-hornorum, o.andersoni

Đặc điểm

[sửa | sửa mã nguồn]

Cá rô phi có thân hình màu hơi tím, vảy sáng bóng, có 9-12 sọc đậm song song nhau từ lưng xuống bụng. Vây đuôi có màu sọc đen sậm song song từ phía trên xuống phía dưới và phân bổ khắp vi đuôi. Vi lưng có những sóc trắng chạy song song trên nền xám đen. Viền vi lưng và vi đuôi có màu hồng nhạt. Con cá rô phi có thể dài tới 0,6m và nặng 4 kg,[1] là loài cá dễ nuôi. Rô phi đơn tính (đực) lớn nhanh, sau 4-5 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 0,4-0,6 kg/con. Giữa con cái và con đực có tốc độ lớn khác nhau. Cá rô phi hầu như sinh sản quanh năm, khoảng cách giữa hai lần đẻ cách nhau 20-30 ngày. Đầu tiên con đực sẽ làm tổ dưới đáy ao, tìm con cái ghép đôi và đẻ trứng. Sau đó con cái có nhiệm vụ ấp trứng trong khoang miệng tới khi hết noãn hoàng thì phóng thích cá con ra ngoài. Do đó, thường thì con đực lớn nhanh hơn con cái từ 15-18% sau 4 tháng nuôi vì trong suốt quá trình ấp trứng cá cái không bắt mồi. Ngoài sự nhạy cảm với nhiệt độ của chúng, cá rô phi tồn tại hoặc có thể thích nghi với một loạt các điều kiện. Một ví dụ điển hình là biển Salton, nơi cá rô phi du nhập khi nước chỉ là nước lợ, nay sống ở nồng độ muối cao đến mức các loài cá biển khác không thể sống sót.

Cá rô phi còn được biết đến là loài ấp miệng, có nghĩa là chúng mang trứng đã thụ tinh và cá non trong miệng trong vài ngày sau khi túi noãn hoàng được hấp thụ.

Cá rô phi sử dụng được hầu hết các loại thức ăn tự nhiên, mùn bã hữu cơ trong ao nuôi, rô phi vừa có tác dụng tiêu diệt các loại động vật nhỏ mang mầm bệnh vừa có tác dụng làm sạch môi trường và cho sản phẩm có giá trị. Khi còn nhỏ, cá rô phi ăn sinh vật phù du (tảo và động vật nhỏ) là chủ yếu (cá 20 ngày tuổi, kích thước khoảng 18mm). Cá rô phi dễ nuôi và chịu được ở những môi trường không thuận lợi. Nó có thể sống ở môi trường nước ngọt, nước lợ (mà có thể độ mặn tới 32%o) và cả nước phèn nhẹ. Cá nói chung rất sợ nước bẩn nhưng con rô phi chịu được cả ở nguồn nước có hàm lượng amoniac tới 2,4 mg/lít và lượng oxy chỉ có 1 mg/lít. Nó chịu nhiệt tới tận 42 độ C và chịu lạnh được tới 5 độ C. Giới hạn pH đối với chúng từ 5-10.

Khi cá trưởng thành ăn mùn bả hữu cơ lẫn các tảo lắng ở đáy ao, ăn ấu trùng, côn trùng, thực vật thủy sinh. Tuy nhiên trong nuôi công nghiệp cá cũng ăn các loại thức ăn chế biến từ cá tạp, cua, ghẹ, ốc, bột cá khô, bột bắp, bột khoai mì, khoai lang, bột lúa, cám mịn, bã đậu nành, bã đậu phộng.Trong thiên nhiên cá thường ăn từ tầng đáy có mức sâu từ 1-2m. Hàng năm, cá rô phi có thể đẻ trứng từ 6-11 lần. Cá mái đẻ mỗi lần khoảng 1000- 2000 trứng vào trong ổ tự tạo, sau đó con đực làm cho trứng thụ tinh. Trứng và cá bột được cha mẹ giữ trong miệng khoảng 2 tuần lễ. Cá rô phi ấp trứng ở trong miệng. Trứng sau khi đã thụ tinh được cá ngậm ở miệng cho tới tận lúc nở.

Giá trị

[sửa | sửa mã nguồn]
Đánh bắt cá rô phi

Cá rô phi là một loại cá tăng trưởng nhanh, khỏe mạnh mà từ lâu đã trở thành nguồn protein chủ yếu ở nhiều quốc gia đang phát triển và gần đây có nhu cầu cao ở các nước phát triển. Thịt cá rô phi ngọt, bùi, trong thịt cá rô phi giàu khoáng, ít mỡ, lượng đạm vừa phải, thịt cá rô phi có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bồi bổ cơ thể [7] là loài cá mau lớn, dễ nuôi, ít dịch bệnh và có thể nuôi trong nhiều loại hình thủy vực khác nhau. Trước đây, cá rô phi thường được nuôi ghép với các loài cá khác trong ao hay trên ruộng lúa nhằm sử dụng hết nguồn thức ăn trong thủy vực. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, hiện nay cá rô phi hầu như được nuôi thâm canh trong ao hay bè.

Bởi lý do đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều chủng thuộc giống Talipia đã được du nhập để nuôi trong những ao hồ nước ngọt, tại Trung Mỹ và vùng đông nam Á. Khoảng 2,3 triệu tấn cá rô phi được sản xuất hàng năm, trong đó 73% là cá nuôi. Phần lớn cá rô phi được sản xuất ở Trung Quốc, sau đó là Ai Cập, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Mặc dù không được liệt kê vào các nước sản xuất lớn, Costa Rica, Honduras và Ecuador là những nhà cung cấp cá rô phi phi lê tươi quan trọng sang Hoa Kỳ.[8][9] Các rô phi là nguyên liệu để chế biến thành những món ăn ngon, từ nướng, chiên, hấp, nấu canh như là cá rô phi kho tiêu,[cần dẫn nguồn] cá rô phi nướng sả,[7] cá rô phi sốt cà chua [10]...

Cá rô phi được nuôi rộng rãi trên thế giới với sản lượng hàng năm vào khoảng 2,8 triệu tấn. Sản lượng cá rô phi ở Việt Nam khoảng 50 ngàn tấn, chiếm 2,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi. Các nước có nhu cầu cao tiêu thụ cá rô phi gồm cả Hoa Kỳ, nơi cá rô phi xếp thứ 8 trong danh sách 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất. Cá rô phi là mặt hàng thủy sản được nhập khẩu lớn thứ 3 vào Mỹ, sau tôm và cá hồi. Hầu hết cá rô phi được nhập khẩu vào Hoa Kỳ, Liên Minh châu Âu và Nhật Bản.

Một thống kê cho biết 80% nguồn cung cấp cá rô phi hiện nay – 382.2 triệu pound (khoảng 173 nghìn tấn) mỗi năm là đến từ Trung Quốc.[11] Nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm đông lạnh từ Trung Quốc, đặc biệt là cá rô phi để làm phi lê đông lạnh ẩn chứa nhiều loại chất cấm độc hại, các loại kháng sinh… do người nuôi đưa vào thức ăn hay môi trường sống để kích thích cá sinh trưởng, phát triển khiến các cơ quan nhập khẩu dù có thiết bị giám sát cũng khó phát hiện ra. Nguồn cá này thực tế các hộ nhỏ lẻ nuôi, sau đó các công ty thu mua chế biến, nhưng dưới hình thức là công ty tự nuôi theo quy trình an toàn. Người nuôi cá sử dụng những loại hormone tăng trưởng và kháng sinh mạnh để cá có thể sống được trong môi trường đông nghịt bẩn thỉu.[12]

Ở Việt Nam, cá rô phi được coi là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, diện tích nuôi cá rô phi ở Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến sẽ tăng lên khoảng 13.000-15.000 ha (tương đương 3% diện tích nước ngọt) để sản lượng đạt 120.000-150.000 tấn, trong đó 2/3 dành cho xuất khẩu, kim ngạch thu về từ số cá này sẽ vào khoảng 100-120 triệu USD mỗi năm.[13][14]

Trước đây, người ta cho rằng, cá rô phi vừa nhỏ, vừa nhiều xương cứng nên nó chỉ là loại cá của người nghèo. Trong những năm chiến tranh, ở phía Bắc có công thức: Xung quanh các trại lợn của hợp tác xã là một hệ thống mương nuôi toàn rô phi. Con rô phi dễ nuôi, ăn toàn nước phân từ chuồng lợn thải ra và đẻ rất khỏe. Tuy nhiên, thời đó giống rô phi còn quá nhỏ, chỉ khoảng 1-2 lạng/con. Người ta thu cá và làm mắm chượp để cung cấp lại cho lợn. Người ít tiền thì mua cá đó về ăn. Nhưng tới nay, giống cá rô phi được cải thiện rất nhiều, chất lượng thịt và trọng lượng cá tăng đáng kể, do đó, việc nuôi cá rô phi tăng mạnh.

Công dụng khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Tác nhân sinh thái

[sửa | sửa mã nguồn]

Cá rô phi được dùng như một biện pháp kiểm soát sinh học, tự nhiên đối với hầu hết các vấn đề của thực vật thủy sinh. Chúng tiêu thụ các thực vật thủy sinh nổi, chẳng hạn như bột bèo tấm (Lemna spp.), Hầu hết các loài thực vật chìm dưới nước "không mong muốn" và hầu hết các dạng tảo. [58] Ở Hoa Kỳ và các quốc gia như Thái Lan, chúng đang trở thành phương pháp kiểm soát thực vật được lựa chọn, giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất diệt tảo có gốc kim loại nặng.

Cá rô phi hiếm khi cạnh tranh thức ăn với các loài cá "ao" khác. Thay vào đó, vì chúng tiêu thụ thực vật và chất dinh dưỡng mà các loài cá khác không sử dụng và làm giảm đáng kể các mảnh vụn làm suy giảm oxy, việc bổ sung cá rô phi thường làm tăng dân số, kích thước và sức khỏe của các loài cá khác. Chúng được sử dụng cho các ao của vườn thú như một nguồn thức ăn cho các loài chim.[cần dẫn nguồn]

Cá rô phi có thể được nuôi với tôm theo phương thức cộng sinh, tích cực nâng cao sản lượng của cả hai.[cần dẫn nguồn] Arkansas nuôi nhiều ao và hồ công cộng để giúp kiểm soát thảm thực vật, ưa thích cá rô phi như một loài thức ăn gia súc mạnh mẽ và cho những người đi câu cá. Ở Kenya, cá rô phi giúp kiểm soát muỗi, loài mang ký sinh trùng sốt rét. Chúng tiêu thụ ấu trùng muỗi, làm giảm số lượng con cái trưởng thành, vật trung gian truyền bệnh.[15]

Giá trị y tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở Brazil, da cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus) được dùng làm băng đang được sử dụng trong một thử nghiệm lâm sàng mới để điều trị vết thương do bỏng.[16] Tại Hoa Kỳ, da cá rô phi đã được sử dụng để điều trị thành công vết thương cấp độ ba trên bàn chân của hai con gấu đen bị bắt trong trận cháy rừng Thomas ở California,[17][18] và cũng để điều trị vết bỏng trên bàn chân của một con gấu đen ở California trong vụ cháy rừng Carr.[19] Da cá rô phi sông Nile đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III để băng vết bỏng, nhưng không có kết quả nào được công bố kể từ tháng 11 năm 2020.[20]

Da cá rô phi sông Nile cũng đã được sử dụng trong kỹ thuật ghép da làm vật liệu ghép da.

Kí sinh trùng

[sửa | sửa mã nguồn]

Như với hầu hết các loài cá, cá rô phi chứa nhiều loại ký sinh trùng. Đối với loài monogeneans, chúng đặc biệt bao gồm các loài thuộc chi megadiverse Cichlidogyrus, là loài ký sinh ở mang. Các loài Enterogyrus là loài ký sinh trong hệ tiêu hóa. Cá rô phi, là loài cá nuôi trồng thủy sản quan trọng, đã được giới thiệu rộng rãi trên toàn thế giới, và thường mang ký sinh trùng đơn dòng bên mình. Ở Nam Trung Quốc, một nghiên cứu năm 2019 đã chỉ ra rằng chín loài monogeneans được mang bởi cá rô phi du nhập.[21]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “Cá rô phi song sinh dính liền bụng”. Báo điện tử Dân Trí. 5 tháng 10 năm 2008. Truy cập 13 tháng 6 năm 2014.
  2. ^ Robins, Gay (1993). Women in ancient Egypt. London: British Museum Press. ISBN 0-7141-0956-8. OCLC 28568895.
  3. ^ O'Connell, Valerie (2015). Matthew. Theology of Work Project. Peabody, Massachusetts. ISBN 1-61970-634-2. OCLC 898088432.
  4. ^ Baker, Jenny (1988). Simply fish. London: Faber. ISBN 0-571-14966-9. OCLC 16924802.
  5. ^ “48. NHR Kjæremålsutvalg Kjennelse 2006-09-07. Rt. 2006 s. 1089”. Nordisk Domssamling. 49 (2). tháng 2 năm 2008. doi:10.18261/issn1504-3185-2007-02-15. ISSN 0029-1315.
  6. ^ “Treharne, Prof. Kenneth John, (17 Aug. 1939–14 July 1989), Professor of Agricultural Sciences, University of Bristol, since 1984; Director, AFRC Institute of Arable Crops Research, since 1988”, Who Was Who, Oxford University Press, 1 tháng 12 năm 2007, truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2022
  7. ^ a b Cá rô phi nướng sả [liên kết hỏng]
  8. ^ “Aquaculture Stewardship Council”. Truy cập 13 tháng 6 năm 2014.[liên kết hỏng]
  9. ^ “Tuổi Trẻ Online”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập 13 tháng 6 năm 2014.[liên kết hỏng]
  10. ^ “Cá rô phi sốt cà chua - VnExpress Đời sống”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 13 tháng 6 năm 2014.
  11. ^ “năm loại thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nên tránh”. Báo điện tử Người đưa tin. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  12. ^ “5 thực phẩm từ Trung Quốc được cảnh báo phải tránh xa - VietNamNet”. VietNamNet. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015.
  13. ^ “Cá rô phi sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực - VnExpress Kinh doanh”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 13 tháng 6 năm 2014.
  14. ^ “Tuổi Trẻ Online”. Tuổi Trẻ Online. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2013. Truy cập 13 tháng 6 năm 2014.
  15. ^ Petr, T. (2000). Interactions between fish and aquatic macrophytes in inland waters : a review. Rome. ISBN 92-5-104453-8. OCLC 45551053.
  16. ^ “Use of Nile Tilapia Fish Skin as a Xenograft for Burn Treatment: Phase III Study”. Case Medical Research. 17 tháng 12 năm 2019. doi:10.31525/ct1-nct04202289. ISSN 2643-4652.
  17. ^ Foltz, Randy B.; Robichaud, Peter (2013). “Effectiveness of post-fire Burned Area Emergency Response (BAER) road treatments: Results from three wildfires” (bằng tiếng Anh). Ft. Collins, CO: RMRS–GTR–313. doi:10.2737/rmrs-gtr-313. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  18. ^ Gerscovich, Eugenio O.; Sekhon, Simran; Loehfelm, Thomas W.; Wootton-Gorges, Sandra L.; Greenspan, Adam (30 tháng 6 năm 2017). “A reminder of peristalsis as a useful tool in the prenatal differential diagnosis of abdominal cystic masses”. Journal of Ultrasonography. 17 (69): 129–132. doi:10.15557/jou.2017.0019. ISSN 2084-8404.
  19. ^ Sellers, Laurel A.; Long, Rachael F.; Jay-Russell, Michele T.; Li, Xunde; Atwill, Edward R.; Engeman, Richard M.; Baldwin, Roger A. (tháng 6 năm 2018). “Impact of field-edge habitat on mammalian wildlife abundance, distribution, and vectored foodborne pathogens in adjacent crops”. Crop Protection. 108: 1–11. doi:10.1016/j.cropro.2018.02.005. ISSN 0261-2194.
  20. ^ Sellers, Laurel A.; Long, Rachael F.; Jay-Russell, Michele T.; Li, Xunde; Atwill, Edward R.; Engeman, Richard M.; Baldwin, Roger A. (tháng 6 năm 2018). “Impact of field-edge habitat on mammalian wildlife abundance, distribution, and vectored foodborne pathogens in adjacent crops”. Crop Protection. 108: 1–11. doi:10.1016/j.cropro.2018.02.005. ISSN 0261-2194.
  21. ^ Zhang, Shuai; Zhi, Tingting; Xu, Xiangli; Zheng, Yingying; Bilong Bilong, Charles Félix; Pariselle, Antoine; Yang, Tingbao. “Monogenean fauna of alien tilapias (Cichlidae) in south China”. Parasite. 26: 4. doi:10.1051/parasite/2019003. ISSN 1252-607X. PMC 6361074. PMID 30714897.

Từ khóa » Cá Rô Biển Sống ở đâu