Cà Rốt Hải Dương Vươn Tầm Quốc Tế - VnEconomy

Chiều 15/02/2022, tại cánh đồng xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ hội thu hoạch cà rốt năm 2022.

Phát biểu tại lễ hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao tỉnh Hải Dương đã chú trọng việc tạo dựng thương hiệu cho từng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng đã cắt băng xuất khẩu container cà rốt đầu tiên trong năm mới của Công ty CP Ameii Việt Nam.

CÀ RỐT XUẤT KHẨU ĐƯỢC GIÁ

Công ty Hưng Việt và Công ty CP Ameii Việt Nam là 2 doanh nghiệp lớn nhất đang bao tiêu thu mua cà rốt cho nông dân ở Hải Dương để xuất khẩu. Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam - là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả lớn của nước ta, cho biết cà rốt là một trong những sản phẩm chủ lực và thường được xuất khẩu sang các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự lễ xuất khẩu container cà rốt đầu tiên trong năm mới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự lễ xuất khẩu container cà rốt đầu tiên trong năm mới.

Tuy nhiên, năm nay thị trường xuất khẩu cà rốt chính của công ty là Hàn Quốc. Nếu như mọi năm, phía Hàn Quốc sẽ thu mua cà rốt của Trung Quốc trước sau đó khoảng sau Tết mới thu mua đến cà rốt Việt Nam thì năm nay cà rốt Việt Nam được Hàn Quốc mua ngay từ đầu vụ với giá cao.

Đến thời điểm này, Công ty đã ký với các đối tác của Hàn Quốc sẽ xuất khoảng 5.000 tấn cà rốt trong năm 2022, tăng 3.000 tấn so với năm 2021. Từ đầu vụ đến nay, công ty Ameii đang thu mua cho nông dân với giá dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Vụ đông 2021 – 2022, toàn tỉnh có khoảng 1.500ha cà rốt, sản lượng ước khoảng 65.000 tấn, tăng trên 7% so với năm 2020. Mùa thu hoạch cà rốt ở Hải Dương năm nay kéo dài đến tháng 4/2022. Giá bán cà rốt hiện tại cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Nhờ giá bán cao từ đầu vụ, trừ chi phí, ước tính lãi trên 200 triệu đồng/ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, những năm gần đây, cà rốt là một trong 8 nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương. Cà rốt được người dân trong tỉnh sản xuất theo mô hình hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu tại một số xã của huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và thành phố Chí Linh.

Đến nay, cà rốt ở Hải Dương đã hình thành những cánh đồng lớn trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Chính từ việc được bồi đắp và nuôi dưỡng từ những hạt phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo nên chất lượng riêng biệt cho cà rốt Hải Dương với độ giòn và vị ngon ngọt khác biệt với cà rốt của bất cứ nơi đâu.

Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 1.600 ha, sản lượng trên 80 nghìn tấn/năm, cà rốt được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GolobalGap phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hàng năm cà rốt được gieo trồng từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10, thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm.

LAN TỎA THƯƠNG HIỆU CÀ RỐT

Tại ngày hội thu hoạch cà rốt trên cánh đồng xã Đức Chính, ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi thu hoạch cà rốt với 5 đội tham gia. Thành viên đội dự thi là những nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá người Hải Dương và người nước ngoài. Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã trao các giải cho đội thi có củ cà rốt to nhất, củ cà rốt dài nhất, đẹp nhất và đội thi nhanh nhất, kỹ thuật nhất. Các đại biểu cũng đã tham gia lễ rước cà rốt tại đền Tam Phủ, xã Đức Chính, tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm từ cà rốt…

Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, lễ hội thu hoạch cà rốt của tỉnh được tổ chức vào thời điểm đầu xuân để tỏ lòng thành kính với đất trời đã ưu đãi về điều kiện tự nhiên, cầu mong vụ mùa những năm tiếp theo được mưa thuận gió hòa, cà rốt bội thu, được mùa được giá. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá giới thiệu sản phẩm cà rốt của Hải Dương tới đông đảo thị trường trong và ngoài nước.

"Có thể lan tỏa hình thức tổ chức ngày hội để quảng bá xây dựng thương hiệu ra quy mô lớn, lan tỏa ra nhiều địa phương, lan tỏa ra nhiều sản phẩm của Hải Dương như củ hành, củ tỏi, quả ổi, con rươi… Đó chính là những giá trị vô hình, vô hạn mà các địa phương, bà con nông dân có thể cùng nhau xây dựng cho nông sản của mình".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu tại lễ hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Hải Dương đang làm rất tốt quá trình chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chỉ tạo ra củ cà rốt nhưng kinh tế nông nghiệp là làm thế nào để củ cà rốt đó mang lại giá trị gia tăng lớn nhất có thể và tư duy kinh tế nông nghiệp là giúp người nông dân làm giàu từ một sản lượng tạo ra như nhau.

“Để làm được điều đó, chúng ta cần kích hoạt nhiều giá trị mà trước đó chúng ta chưa tìm đến, ví dụ như chế biến, tạo ra hệ thống sản phẩm phong phú và tiện ích đối với người tiêu dùng. Ngoài ăn, có thể uống, bổ sung vào thực đơn hàng ngày bằng nhiều dạng sản phẩm”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý lãnh đạo Chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương cũng có thể phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng những cánh đồng cà rốt xanh tốt, tạo ra cảnh quan tươi đẹp như ở xã Đức Chính. Bởi khi phát triển được du lịch, có thêm du khách sẽ kích hoạt được thêm những nhu cầu của họ với những nông sản, đặc sản khác của địa phương. Họ cũng là người lan tỏa, giới thiệu những đặc sản của địa phương với bạn bè của họ.

“Khi đó bà con sẽ không cảm thấy đơn độc trên cánh đồng nữa, có rất nhiều du khách trong nước, quốc tế và sẽ đẩy mạnh sự giao lưu, học hỏi. Người Hải Dương sẽ mang những câu chuyện, văn hóa của mình kể với các du khách cùng với sự vào cuộc của truyền thông, chúng ta có thể lan tỏa được rộng thêm thương hiệu của các sản phẩm địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Từ khóa » Giá Cà Rốt Hiện Tại