Ca Sĩ Minh Quân Cắt Bỏ 80% Dạ Dày: Sống “bình Thường Mới”!

Minh Quân sinh năm 1980 ở Hà Nội, là ca sĩ đã tạo dấu ấn qua nhiều ca khúc: Nếu phải xa nhau, Mùa thu vàng, Dẫu có lỗi lầm... và gây ấn tượng khi tham gia chương trình Táo quân của Đài truyền hình Việt Nam.

Không nên chủ quan bất kỳ triệu chứng nào 

Minh Quân cho biết anh bị viêm dạ dày đã nhiều năm. Mỗi lần đau anh thường uống thuốc cho qua cơn. Gần đây, khi đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ cho biết anh bị viêm loét dạ dày có nguy cơ bục, yêu cầu phẫu thuật ngay.

Ngày 14.10 Minh Quân tiến hành ca mổ nội soi và xuất viện ba ngày sau.

“Tôi thấy phương án bác sĩ đưa ra nếu cắt dạ dày thì đỡ được nhiều thứ nên quyết định làm luôn. Hiện tôi ở nhà nghỉ ngơi. Theo lời dặn của bác sĩ, trong 10 ngày đầu tôi chỉ uống nước lọc hoặc nước ép ổi, bưởi, sinh tố nhuyễn... 30 ngày tiếp theo, mới có thể ăn cháo loãng, súp thịt nạc xay và những món mềm. Bác sĩ cũng lưu ý tôi đi lại nhẹ nhàng nên mỗi ngày tôi tập đi bộ khoảng 15 phút. Sau khoảng 40 ngày đó tôi mới có thể ăn uống bình thường và làm được việc nặng hơn.

Bác sĩ bảo dạ dày tôi đang rất nhỏ và phù nề nên phải cẩn trọng. Tôi chỉ cần uống một xíu nước là đã no. Ăn hơi nhanh thì đau, phải ngồi thở để hết cơn. Hiện tôi giảm gần 10kg”, Minh Quân kể.

Sau cắt dạ dày khoảng 40 ngày, ca sĩ Minh Quân sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Ảnh: T.A.T

Nhìn lại sự cố sức khỏe, Minh Quân bảo anh có thiếu sót: “Tôi đã qua tuổi 40 nên không tránh khỏi bệnh khi đi xét nghiệm, như mỡ máu, gan nhiễm mỡ, hay tiểu đường tuy tôi chưa bị nhưng chỉ số cũng đã báo động phải điều chỉnh lối sống. Sau lần này, tôi rút ra cho mình kinh nghiệm phải đi khám bệnh tổng quát thường xuyên và không nên chủ quan trước bất kỳ triệu chứng nào của bệnh”.

Phát hiện kịp thời sẽ dễ dàng điều trị

GS-TS-BS. Nguyễn Thúy Oanh (Trưởng khoa Nội tiêu hóa - nội soi, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park; nguyên Chủ tịch Chi hội Nội soi tiêu hóa miền Nam) cho biết viêm loét dạ dày là căn bệnh thường gặp. Các yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến viêm loét dạ dày: thường xuyên hút thuốc lá và uống bia rượu hoặc các loại nước uống có cồn khác (chất nicotine trong khói thuốc lá gây kích thích cơ chế tiết ra nhiều cortisol, là tác nhân chính tăng nguy cơ viêm loét dạ dày); căng thẳng thần kinh (stress, lo lắng kéo dài ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết axit trong dạ dày).

Ngoài ra còn do thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ (thức khuya, bỏ bữa sáng, ăn uống không đúng giờ giấc, thói quen ăn khuya, lười vận động...);nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (một trong những tác nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến viêm loét dạ dày); thường xuyên sử dụng các loại thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm (làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, là chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày)…

Viêm loét dạ dày ở thời kỳ sớm và được phát hiện kịp thời sẽ dễ dàng điều trị khỏi hẳn. Nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính thì sẽ khó chữa dứt điểm và thường gây các biến chứng đáng tiếc như thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa trên, hẹp môn vị… Các dấu hiệu viêm loét dạ dày thường là đau vùng bụng trên rốn (đau vùng thượng vị); mất ngủ, ngủ không ngon giấc; ợ hơi, ợ chua, hoặc nóng rát thượng vị; rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, táo bón)…

“Các triệu chứng này chỉ mang tính chất gợi ý chứ không thể chẩn đoán chính xác. Người bệnh nên đến bệnh viện để được tiến hành các thủ thuật chuyên khoa, xét nghiệm kiểm tra, và đặc biệt là tiến hành nội soi dạ dày. Phương thức nội soi giúp biết được chính xác vị trí, mức độ tổn thương của viêm loét dạ dày, từ đó bác sĩ có thể đưa ra chỉ định và phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất”, PGS. Oanh lưu ý.

Khi nào phải cắt bỏ dạ dày?

ThS-BS. Vũ Văn Quân (Khoa Ngoại tổng hợp và gây mê, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Hải Phòng) cho biết, cắt dạ dày là phẫu thuật lấy đi một phần (cắt bán phần dạ dày) hoặc toàn bộ dạ dày. Phẫu thuật này có tác dụng điều trị các bệnh lý nghiêm trọng liên quan dạ dày. Nếu cắt toàn bộ dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành nối thực quản vào ruột non để hệ tiêu hóa tiếp tục làm việc bình thường.

“Trước đây cắt dạ dày chủ yếu để điều trị viêm loét dạ dày. Tuy nhiên cùng với sự tiến bộ của y học, các loại thuốc điều trị loét như thuốc ức chế bơm proton đã ra đời và phát triển, dần trở thành phương pháp điều trị nội khoa hiệu quả, ít xâm lấn. Ngày nay, cắt dạ dày chỉ còn được chỉ định trong những trường hợp hiếm hoi bệnh nhân không đáp ứng thuốc, hay tình trạng viêm loét dạ dày có biến chứng: thủng, hẹp môn vị, chảy máu…”, BS. Quân nói. 

Cũng theo BS. Quân, phẫu thuật cắt dạ dày còn được chỉ định khi điều trị ung thư dạ dày (trong ung thư dạ dày, phẫu thuật cắt dạ dày nạo vét hạch là phương pháp điều trị tiệt căn duy nhất); điều trị béo phì (một số ít trường hợp chọn cắt đoạn dạ dày để giảm cân)… Tùy theo vị trí, mức độ tổn thương mà bác sĩ phẫu thuật có thể: cắt bán phần dạ dày (phần dưới của dạ dày cắt đi để loại bỏ tổn thương, có thể kèm theo lấy bỏ hạch lân cận trong trường hợp ung thư dạ dày) hoặc cắt dạ dày toàn bộ (bác sĩ phẫu thuật lấy đi toàn bộ dạ dày, sau đó nối thực quản trực tiếp với ruột non).

Các kỹ thuật cắt dạ dày được thực hiện bằng cách mổ mở hoặc nội soi khi bệnh nhân đã gây mê toàn thân. Trong đó, cắt dạ dày mổ mở là phương pháp phẫu thuật kinh điển dùng đường mổ dài giữa bụng ở trên rốn (cũng có thể kéo dài qua xuống dưới rốn). Còn cắt dạ dày nội soi là phương pháp tiên tiến dùng nhiều vết cắt nhỏ, ống soi đặc biệt và các loại dụng cụ nhỏ. Bệnh nhân thường hồi phục nhanh và ít đau hơn so với mổ mở. 

Sau cắt dạ dày vẫn sống khỏe

BS. Quân cho biết, thức ăn khi vào miệng qua thực quản xuống dạ dày được nhào trộn với dịch vị, rồi tống xuống tá tràng, ruột non để tiếp tục tiêu hóa và hấp thu. Các chất dinh dưỡng hầu như không hấp thu hoặc hấp thu rất ít ở dạ dày. Do đó, bệnh nhân sau khi cắt dạ dày thì coi như mất hay thu hẹp “kho” chứa và nghiền nát thức ăn, nên các bác sĩ thường khuyên họ chia nhiều bữa ăn trong ngày, thức ăn đưa vào cơ thể phải là dạng nhuyễn, ăn nhai kỹ…

“Vì thức ăn chủ yếu được chuyển hóa và hấp thu dinh dưỡng ở ruột, chúng không hoặc được hấp thu rất ít vào dạ dày, nên bệnh nhân ngay cả khi cắt toàn bộ dạ dày vẫn có thể sống khỏe mạnh. Họ có thể tự chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động của gia đình và xã hội”, BS. Quân khẳng định.

PGS. Oanh lưu ý người dân một số lựa chọn về lối sống và thói quen có thể làm giảm nguy cơ phát triển của bệnh viêm loét dạ dày: mỗi ngày không uống nhiều hơn hai ly những loại đồ uống có cồn; hạn chế sử dụng Ibuprofen, aspirin và naproxen (NSAID); thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước tránh nguy cơ nhiễm trùng; ăn thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn; duy trì và thực hiện lối sống lành mạnh bằng việc bỏ hút thuốc lá và sử dụng một chế độ ăn uống bổ dưỡng, cân bằng, giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp ngăn ngừa loét dạ dày và cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe. 

Hoàng Khải - Hữu Đức

Từ khóa » Ca Sĩ Minh Quân Bị Ung Thư Dạ Dày