Ca Sĩ Thanh Lam: Ở Tận Cùng đau Khổ, Tôi đã Giác Ngộ…!

  • Ca sĩ Thanh Lam: Hạnh phúc là khi ta biết đủ

Mặc dù vẫn trong bộ trang phục lộng lẫy quen thuộc, nhưng cái cách chị bình tâm nhắm mắt, nghe chuông lại rất gần với hình ảnh của những người thực tập thiền mỗi ngày. “Chị là một Phật tử, tiếng chuông này quen với chị lắm”, nghe xong 3 tiếng chuông, Thanh Lam mở mắt và tiết lộ. Thì ra là vậy, từ rất lâu rồi chị đã tìm đến với đạo pháp, có phải vì đạo pháp đã giúp chị cân bằng con người nghệ sĩ đầy cá tính ở trong mình?

Ca sĩ Thanh Lam: Ở tận cùng đau khổ, tôi đã giác ngộ…! -0
Ca sĩ Thanh Lam trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

“Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”

- Nhà báo Phan Đăng: Chị Thanh Lam vừa nghe chuông xong, giờ chị có thể hồi tưởng lại toàn bộ quãng đời đã qua và kể về một khoảnh khắc hạnh phúc nhất của mình được không?

- Ca sĩ Thanh Lam: Đó là khoảnh khắc được làm mẹ, khoảnh khắc kì diệu, thiêng liêng của tình mẫu tử!

- Khoảnh khắc lần đầu làm mẹ?

- Thật ra, lần đầu làm mẹ thì tôi còn rất trẻ, chưa cảm nhận hết được sự thiêng liêng đó đâu. Nhưng, khi sinh đứa con thứ hai, thứ ba, đặc biệt là khi được nhìn lại, chiêm nghiệm lại đời sống của mình thì mình mới thấy giây phút được làm mẹ là giây phút đặc biệt vô cùng. Chúng ta không có quá nhiều cơ hội để trải nghiệm những giây phút ấy, những giây phút mà tôi nghĩ là người phụ nữ đạt đến tận cùng của sự đau đớn, sự hi sinh và niềm hạnh phúc.

- Chị là mẹ của những người con và chị cũng là con của một người mẹ. Trong tư cách một người mẹ, chị là một người mẹ nghệ sĩ. Trong tư cách một người con, chị cũng là con của một gia đình nghệ sĩ. Bây giờ nghĩ lại, có bao giờ chị nghĩ rằng nếu không phải ở trong một gia đình như thế, nếu không phải là con của nhạc sĩ Thuận Yến thì có thể đã có một Thanh Lam rất khác rồi?

- Có câu: “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”. Tôi thấy rất đúng vì khi sinh ra trong một gia đình âm nhạc, tôi đã rất thích ca hát rồi. Thích từ khi mới chỉ là một cô bé 2-3 tuổi. Rồi sau này, trong tâm thế của một người mẹ thì tôi cũng luôn tự hào khi kể với mọi người rằng mình có tới 2 người con theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Tôi đã nghĩ về câu hỏi của bạn rất nhiều và tôi chắc chắn rằng, nếu không phải con của nhạc sĩ Thuận Yến thì tôi không phải là Thanh Lam của ngày hôm nay. Trong những bước chập chững làm nghề đầu tiên, tôi cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều so với những bạn bè đồng trang lứa ở chính chỗ đó, rằng mình được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc.

Mẹ tôi là một nghệ sĩ chơi đàn thập lục và ba là một nhạc sĩ. Hồi nhỏ, tôi cũng hay được ba chở đi học hát hoặc đi biểu diễn. Nhưng, hồi ấy tôi lại hay bị ốm, hễ cứ lo lắng một chút là dễ bị mất giọng và bị khản cổ, thành thử ba mẹ rất lo lắng nếu tôi đi theo con đường ca sĩ. Năm tôi 9 tuổi, ba mẹ đã hướng cho tôi học đàn tì bà. Tuy nhiên, là một học sinh học đàn tì bà nhưng tôi vẫn thường hát với những học sinh thanh nhạc. Sau đó, tôi đã chủ động xin ba mẹ cho chuyển hẳn sang học thanh nhạc.

Khán giả Việt Nam chỉ muốn nghe theo cách của mình

- Chị có biết mấy âm tiết “học thanh nhạc” mà chị vừa nói đang gợi trong tôi suy nghĩ gì không?

- (Cười...). Điều gì vậy?

- Phải thừa nhận thế này: Thanh Lam thuộc mẫu những ca sĩ được học hành, đào tạo bài bản. Học thanh nhạc bài bản và trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, đấy là một hành trình rất logic, không có gì phải bàn cãi cả. Nhưng, lâu nay người ta vẫn nói đến một hành trình khác, đó là những người không cần học bài bản mà vẫn có thể trở thành ca sĩ, thậm chí nói theo ngôn ngữ giới trẻ hiện nay thì đó là những ca sĩ “hot” hẳn hoi. Có một ca sĩ trẻ từng phát biểu, đại ý: Ở Việt Nam, cứ cầm mic lên là thành ca sĩ. Thực lòng, chị nghĩ gì về điều này?

- Đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Vì từng công khai bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này mà có lúc tôi phải nhận rất nhiều chỉ trích, phản đối từ công chúng và từ chính những bạn bè, đồng nghiệp của mình. Những người này cho rằng, tôi đã quá quan trọng hóa việc học hành, đào tạo bài bản trong âm nhạc. Nhưng, bây giờ ngồi với bạn, tôi vẫn xin khẳng định rằng, với cái tâm và kinh nghiệm của một người có rất nhiều năm đi hát, tôi nghĩ việc được đào tạo bài bản là rất quan trọng. Nói chính xác thì thế này: Ở những bước đi đầu tiên trong nghề, người ta có thể đi bằng năng khiếu và sự tự nhiên vốn có của mình. Nhưng, không thể cứ đi như thế mãi được. Đến một lúc nào đó, chắc chắn người ta sẽ cần kĩ năng, kĩ thuật để đi xa. Bạn cần kĩ thuật tốt thì mới có thể có sự trường tồn của giọng hát. Kĩ thuật tốt cũng giúp bạn không bị cản trở trong việc xử lí tác phẩm. kĩ thuật tốt giúp bạn biểu đạt những ranh giới khác nhau của cảm xúc khi trình bày tác phẩm. Còn nếu hạn chế về kĩ thuật thì những khi bạn muốn thể hiện những biên độ rộng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Có thể vẫn sẽ thể hiện được thôi nhưng nó sẽ khó chạm đỉnh trong cường độ của tâm hồn và giọng hát.

- Có một thời, chị từng hát nhạc Trịnh Công Sơn. Hát bằng cách cảm, cách nghĩ của riêng chị về nhạc Trịnh và đương nhiên là bằng kĩ thuật thanh nhạc vốn có của chị nữa. Nhưng, cách hát đó gây ra những phản ứng rất trái chiều. Nói thế nào nhỉ, người khen cũng có, mà người chê cũng nhiều. Bây giờ, nhìn lại, chị nghĩ thế nào về quá trình làm mới nhạc Trịnh của mình?

- Khi hát nhạc anh Trịnh Công Sơn, thực sự là tôi không muốn đi theo con đường mà các nghệ sĩ khác đã đi và tôi cũng không muốn hát nhạc của anh theo tư duy nghe vốn có của mọi người. Bạn cứ để ý mà  xem, khán giả Việt Nam thường muốn nghệ sĩ hát theo nhu cầu nghe của mình. Trong tư duy thưởng thức của họ, đã hát nhạc Trịnh là phải theo đúng những tiêu chí A, B, C quen thuộc. Khi tôi không hát  trúng cái tư duy thưởng thức ấy, họ không chấp nhận. Thực ra, đấy cũng là điều dễ hiểu thôi, rất dễ hiểu.

Nhưng, cũng phải nghĩ thế này: Nếu chúng ta cứ bắt các nghệ sĩ đi theo mong muốn của mình thì nó có cản trở sức sáng tạo của các nghệ sĩ không? Tôi có một cậu con trai vừa tốt nghiệp thạc sĩ piano ở Canada, là một người rất có gu âm nhạc. Khi còn nhỏ, con trai từng nói với tôi rằng: “Nghe mẹ hát nhạc Trịnh Công Sơn, con rất thích, vì có màu khác biệt.

Nhưng, mọi người cứ chê mẹ nên con rất thương mẹ”. Thời điểm đó, con trai tôi rất buồn và bênh mẹ. Bây giờ thì con trai tôi là một nghệ sĩ thường xuyên làm mới những tác phẩm cũ.

- Nghệ sĩ cần làm mới, nếu không muốn nói là bắt buộc phải làm mới, vì nếu không làm mới thì sẽ cùn mòn, hủy diệt sáng tạo. Nhưng, tôi nghĩ, làm mới khác với làm khác. Làm mới là chúng ta phả những sắc thái mới vào một cốt lõi đã có, nhưng không làm thay đổi cái cốt lõi ấy, còn làm khác là chúng ta có thể đã biến dạng một cốt lõi, khiến nó không còn là nó nữa. Chị và những thế hệ ca sĩ sau chị hoàn toàn có thể làm mới nhạc Trịnh, nhưng làm mới thế nào đó để khi tiếng hát cất lên, người ta còn nhận ra nó quả thực là màu của Trịnh. Còn nếu người ta không thấy nó dính líu gì đến cái màu Trịnh vốn có thì rất khó tránh khỏi những phản ứng.

- Khi một người nghệ sĩ có kinh nghiệm hát một tác phẩm nổi tiếng, họ sẽ nghe rất nhiều bản thu của những nghệ sĩ khác. Bản thân tôi trước khi hát nhạc của anh Trịnh Công Sơn cũng đã nghe các ca sĩ khác hát nhạc anh Sơn, ví dụ như cô Khánh Ly, cô Lệ Thu và các nghệ sĩ tiền bối khác... Lúc đó, tôi cố gắng tìm cách để làm sao vừa có thể giữ được hồn cốt của tác phẩm nhưng đồng thời vẫn thể hiện được sự biểu cảm riêng của bản thân mình. Tuy nhiên, như tôi đã nói đấy, có một sự thật là với những bài hát quen thuộc thì việc làm mới là vô cùng khó khăn, bởi mọi người đã quá quen với một lối hát, lối nghe, lối biểu cảm cũ rồi.

- Chị đã xem phim “Em và Trịnh” chưa?

- Có! Tôi có xem!

- Người ta cũng phàn nàn rất nhiều về hình tượng Trịnh Công Sơn trong bộ phim ấy. Họ bảo, nó không giống như Trịnh Công Sơn trong hình dung của họ. Ở đây tôi hiểu là chúng ta phải phân biệt một ông Trịnh ở ngoài đời và một ông Trịnh được hư cấu theo những tiêu chí thẩm mĩ nào đó ở trong phim. Nhưng, cũng giống như câu chuyện chị từng làm mới nhạc Trịnh, theo tôi, biên độ của sự hư cấu cũng phải được nhìn nhận một cách thấu đáo. Hư cấu thế nào đó, ở một mức độ nào đó, bằng những thủ pháp nào đó phải là điều được tính toán rất kỹ lưỡng. Là một người làm nghệ thuật giàu cá tính, chị nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, khi chúng ta muốn nhận xét một vấn đề nào đó thì cần phải nhìn thấy chiều sâu của nó, mà ở đây chính là chiều sâu tình cảm mọi người dành cho anh Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ điều ấy rất đáng quý và tôi nhìn thấy điều ấy rất rõ ràng khi xem “Em và Trịnh”. Còn tất nhiên người ta vẫn quen nhìn về anh Trịnh Công Sơn theo cách của mình bấy lâu, nên khi thấy một anh Trịnh khác ở trong phim, người khen, kẻ chê thì cũng bình thường. Cũng hệt như khi tôi làm mới nhạc Trịnh theo cách của tôi, có người thích và chắc chắn sẽ có người không thích.

Làm nghệ thuật phải có  cá tính riêng

- Thật ra, trong nghệ thuật, tranh luận về những câu chuyện như thế này sẽ rất khó đi tới một điểm quy đồng nào đó. Bởi, suy cho cùng, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Và, trong thế giới của sáng tạo, ai cũng có thể trở thành thánh nhân. Nhưng, điều này có lẽ dễ quy đồng hơn, đó là bất luận theo đuổi quan điểm sáng tạo nào thì tất cả hẳn đều phải thừa nhận: cá tính trong sáng tạo là rất quan trọng. Nếu không tạo được cá tính riêng, nghệ sĩ cầm chắc thất bại, phải không thưa chị?

- Đúng! Nhưng, lại phải nói thêm rằng, màu sắc hay cá tính trong nghệ thuật không phải là điều mà người nghệ sĩ có thể cố tình tạo ra. Nó phải là một cái gì đó thực sự ở bên trong họ, vốn có ở trong con người họ. Tôi nghĩ là với những nghệ sĩ mà tài năng là hạt nhân thực sự thì trong những bước đi đầu tiên họ đã có ngôn ngữ riêng của mình rồi. Tất nhiên, ngôn ngữ đó không bất biến. Trải qua một quá trình làm nghề, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, ngôn ngữ ấy sẽ được trau chuốt và khẳng định dần thêm.

- Người ta thường nhắc tới 4 Diva: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Hà Trần. Theo chị, cá tính biểu diễn của 4 Diva khác nhau như thế nào?

- Những người nghệ sĩ một khi đã được công chúng ghi nhận thì họ đều có điểm chung đầu tiên là đều tài năng. Và, đối với mỗi nghệ sĩ, sự công nhận nhau là điều vô cùng cần thiết bởi vì bạn sẽ hoàn thiện mình qua từng ưu điểm hay khuyết điểm của những ca sĩ xung quanh. Ví dụ, đối với cá nhân tôi thì tôi thấy Hồng Nhung là người có cách tiếp cận với công chúng rất thông minh. Hồng Nhung lúc nào cũng giao lưu với khán giả và khiến khán giả phải cuốn hút vào mình. Đó là điều tôi rất yếu, thậm chí là không bao giờ làm được, vì khi hát thì toàn bộ não trạng của tôi dồn hết vào việc hát. Hà Trần lại là người có những biểu cảm nhẹ nhàng, tinh tế, không bị “over” cảm xúc, đó cũng là một cách tiếp cận rất gần gũi  nhưng cũng rất đặc biệt. Còn Mỹ Linh là người có giọng hát vừa ngọt ngào, vừa máu lửa. Tôi nghĩ Mỹ Linh luôn là biểu tượng của sự tròn đầy, dễ cảm, dễ mến. Có lẽ, trong 4 Diva, tôi là người tạo ra khá nhiều chiều hướng cảm xúc trái ngược nhất. Nghĩa là, với phong cách của Thanh Lam, người yêu thì rất yêu, người ghét cũng rất ghét. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì mỗi ca sĩ luôn có lượng fan ruột của mình. Như những người yêu thích tôi thì luôn nói với tôi rằng: “Em yêu Thanh Lam nên em chỉ nghe được mỗi Thanh Lam thôi”. Có khán giả lại nói thẳng với tôi là: “Cứ nghe thấy giọng chị là tôi tắt tivi”. Tôi nghĩ, khi đã thực sự là một người nghệ sĩ thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải thực sự dũng cảm để vững vàng đi trên con đường sáng tạo của riêng mình.

- Bỗng dưng chị làm tôi nhớ đến chính những lần “tắt tivi” của tôi đấy. Khi nhà tôi ăn cơm mà tivi tình cờ phát chương trình có sự xuất hiện của tôi thì việc đầu tiên là tôi đề nghị mọi người hoặc tắt tivi, hoặc phải chuyển kênh ngay (cười...).

- (Cùng cười...).

- Vậy trong 3 Diva Hồng Nhung, Hà Trần, Mỹ Linh, chị thích biểu diễn với ai nhất? Chị có thể không trả lời, vì thật lòng tôi biết, đây là một câu hỏi tế nhị.

- Ồ không! Tôi trả lời chứ. Trong 4 Diva, tôi hay hát với Trần Thu Hà (Hà Trần) nhiều nhất. Một phần vì nhịp sinh học của hai chị em khá tương đồng và một phần nữa là Hà Trần hát bè rất hay, đó cũng là một trong những đặc trưng rất riêng Hà Trần. Bạn ấy nhẹ nhõm, duyên dáng, dễ nghe. Và, đúng là các bạn ca sĩ trẻ hôm nay được lăng xê, được làm truyền thông rất tốt. Tôi nghĩ thế này: Mình không thể mang tư duy của ngày xưa để áp đặt cho các bạn trẻ trong hiện tại được.

Bản thân tôi cũng đã học hỏi được ở các bạn trẻ rất nhiều về cách tiếp cận công chúng, cách làm PR (quan hệ công chúng - PV). Tôi nghĩ là tất cả những điều này đều cần thiết. Nhưng, sau cuối, tôi vẫn cho rằng, những điều gì đã là giá trị thì nó sẽ tồn tại mãi. Và, phải là giá trị thực sự thì mới tồn tại mãi. Nếu bạn có tài năng thực sự thì công chúng sẽ đón nhận bạn như cái cách mà bạn xứng đáng. Còn quảng cáo hay làm truyền thông thì chỉ có thể tạo nên những giá trị nhất thời mà thôi.

Một người chồng - một người  bạn đạo

- Ở đầu cuộc đối thoại này, tôi đã hỏi chị về khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời. Tôi biết cuộc đời chị, từ cuộc đời thực lẫn cuộc đời âm nhạc đều có rất nhiều trải nghiệm và có cả những biến cố nữa. Vậy thì nếu không có gì bí mật, chị có thể chia sẻ về một khoảnh khắc đau buồn nhất của mình được không?

- Ngay khoảnh khắc đầu tiên sinh ra, chúng ta đâu có cười, chúng ta khóc đấy chứ. Khoảnh khắc ấy, ai cũng khóc. Cho nên, với tư cách là một Phật tử, tôi nghĩ, nếu ta hiểu đạo thì ta sẽ thấy tâm hồn của mỗi cá nhân là một biển khơi rộng lớn, nỗi buồn hay niềm vui chỉ giống như một viên đá ta ném xuống biển mà thôi. Ta hãy ôm ấp và chấp nhận nó như nó vốn dĩ vẫn vậy. Đời sống này vẫn vậy. Tất nhiên, để làm được như vậy thì người ta phải trải qua một quá trình, chứ đâu có thể làm được ngay. Chẳng giấu gì bạn, khi khoảng 30-35 tuổi, tôi rất sợ nỗi buồn và lúc đó tôi thường có xu hướng chạy trốn khỏi nỗi buồn. Nhưng, những sự cố trong cuộc đời giúp tôi hiểu rằng làm sao mà chạy được, cho nên thay vì chạy, phải học cách đối diện với nỗi buồn. Bây giờ, mỗi khi nỗi buồn ập đến, tôi cảm thấy không còn có gì là quá to tát cả và tôi hiểu là tất cả rồi sẽ đi qua mà thôi.

- Hình như chị vẫn chưa nói về khoảnh khắc buồn nhất chị đã trải qua?

- Đó chính là lúc tôi phải đối diện với những rạn nứt trong hôn nhân. Thật sự là lúc đó tôi tưởng như đã đi đến đường cùng và không thể làm được bất cứ một điều gì để thay đổi hiện tại, thậm chí có lúc tôi chẳng thiết sống nữa. Tôi nghĩ rằng chỉ có cái chết mới có thể đóng lại nỗi buồn. Nhưng, như các cụ nói đấy, “sống chết có số”, không phải cứ muốn là chết được ngay đâu, bạn phải tiếp tục sống để trải  nghiệm thêm những đau khổ khác nữa trong cuộc đời này (cười...). Nhưng, khi đến tận cùng của sự đau khổ thì bạn sẽ tự tìm được một góc giác ngộ nào đó cho riêng mình. Đối với tôi, khoảnh khắc đó Phật giáo đã đến với tôi như một cánh cửa cứu rỗi, giúp tôi hiểu tất cả mọi điều trong cuộc đời đều chịu sự chi phối của luật nhân quả. Tất nhiên, đến tận lúc này tôi vẫn đang trên hành trình rèn giũa cho tâm mình được phẳng lặng. Vì cũng giống như tất cả những người phụ nữ trên đời, đến lúc này trong lòng tôi vẫn còn đó những bấp bênh, những âu lo, trăn trở, đặc biệt là trong vấn đề con cái, thế nhưng bây giờ tôi bình tĩnh, dũng cảm đối diện với mọi khó khăn.

- Và, đến bây giờ thì người đàn ông của đời mình cũng khác so với những mong muốn về một người đàn ông khi còn trẻ?

- Đúng rồi đấy! Khi còn trẻ, mình thường tự vẽ ra một mẫu đàn ông hội tụ đầy đủ các “chức năng” (cười lớn...): Vừa đẹp trai, tài giỏi, vừa giàu có, lại vừa có thể làm bờ vai cho mình dựa vào. Bây giờ, nhìn lại, mình mới hiểu rằng đó là sự hạn chế về mặt nhận thức. Bây giờ, mình được nghe tới câu: Đời sống, biết thế nào là đủ? Đó là một câu nói gói trong nó rất nhiều trí tuệ. Có những người sinh ra đã có mọi thứ. Nhưng, cũng có nhiều người có được mọi thứ và phải trả giá đắt vì mọi thứ. Nếu may mắn, ta có thể đi tắt, tức là sớm hiểu biết, sớm giác ngộ đã tránh phải trả giá.

Nhưng, tôi nghĩ khó đấy. Khó lắm. Hầu như ai cũng chỉ có thể thấu hiểu được giá trị của cuộc sống khi đã có những trải nghiệm thực tiễn mà thôi. Đối với Thanh Lam của hiện tại thì người đàn ông tuyệt vời nhất vào lúc này là người ấy có thể trở thành một người bạn đạo. Tức là một người có cùng chí hướng, cùng mục đích sống và có một nhân sinh quan giống mình. Phải như thế thì mới chắc chắn bền vững được.

- Người chồng hiện tại của chị - bác sĩ Tiến Hùng quả đúng là một người bạn đạo của chị ư?

- Người chồng hiện tại của tôi không theo đạo Phật nhưng anh là một người sống rất nhân văn và điều quan trọng nhất ở anh mà tôi cảm nhận được, đó là sự tin cậy.

- Xin chúc anh chị mãi hạnh phúc và cảm ơn chị về cuộc đối thoại này!

Nếu một ngày không hát nữa...

- Ai rồi cũng có lúc phải lùi lại phía sau, nhưng không phải ai cũng đủ bình thản để chấp nhận lùi lại phía sau. Xin hỏi rất thật, chị Thanh Lam có nghĩ đến và sợ hãi cái ngày mình không thể lên sân khấu, cầm micro được nữa, hay không?

- Thật ra, đối với tôi, không có gì quá đáng sợ cả. Bạn không thể sợ những điều chắc chắn rồi sẽ đến, như quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên đối diện với những điều đó bằng tất cả sự dũng cảm. Tôi thấy điều có ý nghĩa nhất mà tôi học được ở đạo Phật đó bạn hãy sống trọn vẹn cho giây phút của hiện tại. Chẳng nhẽ bây giờ tôi lại nhìn về quá khứ và bảo, giá mà lúc đó mình được như bây giờ thì mình sẽ ứng  xử thông minh hơn và hôn nhân sẽ không tan vỡ ư? Không, làm gì có sự giá như nào như thế. Chúng ta không thể quay về để làm lại quá khứ. Chúng ta cũng không thể chắc chắn cho tương lai. Chỉ  còn cách là phải sống trọn vẹn, hết mình cho hiện tại này thôi.

Ca sĩ Thanh Lam

  • Ca sĩ Thanh Lam: Tình yêu mang lại cho tôi năng lượng bình an Ca sĩ Thanh Lam: Tình yêu mang lại cho tôi năng lượng bình an
  • Ca sĩ Thanh Lam: “Với tôi, không có gì lãng mạn và hạnh phúc hơn là được hát” Ca sĩ Thanh Lam: “Với tôi, không có gì lãng mạn và hạnh phúc hơn là được hát”

Từ khóa » đã Rất Từ Lâu Trong Lòng Không Có Ai