Ca Sĩ Trúc Mai – Giọng Ca Nồng Ấm Của Đất Sài Gòn - Nhạc Vàng

Trúc Mai là ca sĩ đã nổi danh từ thập niên 60s của thế kỷ trước. Không biết cô bắt đầu đi hát từ lúc nào nhưng tài liệu ghi lại cho thấy cô đã có mặt trên sân khấu phòng trà ca nhạc Sài Gòn từ những năm cuối của thập niên 50s.

Người ta hay nhắc tới ca khúc “Hàn Mặc Tử” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh hay “Sài Gòn” của nhạc sĩ Y Vân khi nhắc đến tên tuổi Trúc Mai. Hai ca khúc này đã gắn liền với tên tuổi của cô trong nhiều thập niên qua. Khi hãng dĩa Sóng Nhạccho ghi âm hai ca khúc này với giọng hát Trúc Mai, giới yêu nhạc đã đón nhận nồng nhiệt. cả hai dĩa nhạc đã được tái bản nhiều lần và thập chí còn được dùng để phát hành chung với những ca khúc mới trong những dĩa nhạc khác.

Trúc Mai đẹp. Cô có gương mặt sáng và nhờ biết trang điểm để tạo thêm nét quyến rũ mà không trở nên cầu kỳ, sặc sỡ. Có lẽ vì vậy mà có một dạo hình ảnh của Trúc Mai thường được dùng làm hình bìa cho những dĩa nhựa 45 vòng và cả cho những tờ nhạc rời. Trúc Mai đẹp nên khách đến phòng trà thường thích ngắm cô hát. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là giọng hát của cô không hay. Hoàn toàn ngược lại! Trúc Mai có một giọng hát đặt biệt. Ca sĩ Trúc Mai có chất giọng thanh, vang và quãng rộng nên khi lên cao vẫn có thể hát theo giọng thật của mình chứ không chuyển sang giọng óc. Hình như có một dao ca sĩ Trúc Mai có thử nghiệm cách hát giọng mũi cho những nốt cao, đặc biệt là những bài hát tiền chiến nhẹ nhàng nhưng có lẽ là không được ưa chuộng nên cô trở lại cách hát cố hữu của mình. Người khó tính sẽ cho rằng giọng hát Trúc Mai lạnh lùng. Nhận xét như vậy vì cô hát tự nhiên chứ không làm dáng hay ủy mị khi hát. Trúc Mai có cách hát rõ chữ và vang rộng nên cho dù là một bài nhạc Việt hay một ca khúc ngoại quốc lời Việt, người nghe vẫn có thể cảm nhận và thưởng thức dễ dàng.

Trúc Mai có thế hát nhiều loại nhạc khác nhau và hát rất hay. Người ta nghe cô trình bày những bài nhạc ngoại quốc đang thịnh hành bằng lời Việt hay những bài nhạc tiền chiến nhẹ nhàng rất thành công. Người đã sống ở miền nam trong hai thập niên 60s và 70s thì không thề nào quên giọng ca Trúc Mai qua ca khúc “Giấc Ngủ Cô Đơn” của nhạc sĩ Anh Bằng. Đây là một bài hát theo chủ đề Chiêu Hồi và tiếng hát Trúc Mai thật sự đã lột tả được nỗi niềm của những người vợ cô đơn, ôm con nhớ chồng xa xôi nơi đèo heo hút gió. Bài hát đã vượt qua khỏi biên giới của một ca khúc tuyên truyền và được công chúng yêu thích và yêu cầu nên được phát thường xuyên trên các làn sóng phát thanh và truyền hình cũng như trong các băng nhạc thời bấy giờ.

Cô tâm sự là thích hát nhạc điệu Bolero nên trung thành với sở thích của mình. Quyết định này có thể không làm tên tuổi Trúc Mai tiến xa trên con đường âm nhạc bác học nhưng cũng đã tạo cho cô một vị trí nhất định trong lòng đại chúng. Cô liên tiếp có những ca khúc được xếp vào hàng top hits trong thập niên 70s như Nhà Anh, Nhà Em của Anh Sơn, thơ Hà Liên Tử, Lời Tạ Từ của Dzũng Chinh, và Lá Vàng Rơi của Minh Kỳ …

Sau 1975, Trúc Mai theo dòng di tản của người Việt và đến định cư tại San Jose, California, Hoa Kỳ và cũng có trình làng một số albums. Thỉnh thoảng cô vẫn xuất hiện trên những video của các trung tâm lớn tại hải ngoại như một nhân chứng với công chúng yêu nhạc hải ngoại về một thời kỳ rực rỡ của tân nhạc Việt. Đó là thời kỳ vàng son của miền nam Việt Nam trước năm 1975.

Chu Văn Lễ (trích trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 150 phát hành ngày 29 tháng 12 năm 2017)

Từ khóa » Tiểu Sử Ca Sĩ Trúc Mai