Cá Sọc Dưa Tiến Vua - Báo Đà Nẵng

* Vừa rồi tôi được người thân trên Gia Lai gửi tặng một cặp cá có tên gọi là Sọc dưa và nói rằng đây là một trong những loại cá ngày xưa tiến vua rất ngon, rất quý. Xin quý báo nói rõ hơn về loài cá này. (Hoàng Thị Minh, Thanh Khê, Đà Nẵng).

- Tây Nguyên có 2 con sông lớn là Serepok và Sê San thường cho các loài cá tự nhiên rất ngon, trong đó có các loại cá tiến vua như: Anh Vũ vàng, Anh Vũ đen, Sọc dưa, Lăng sông đuôi đỏ.

Cá Sọc dưa còn gọi là cá Hô Tây Nguyên, cá Trà sóc hoặc cá Sihanouk (tên của cựu Quốc vương Campuchia). Sở dĩ loại cá này được người dân xứ sở Chùa tháp trìu mến gọi như vậy bởi Quốc vương Campuchia rất thích ăn loại cá này, người dân rất yêu quý vị vua gần gũi của mình nên họ đã lấy tên ông đặt cho loại cá cực ngon này.

Cá Sọc dưa có tên khoa học là Probarbus Jullieni, thân có rất nhiều vảy cứng, gần giống như vảy cá chép. Đây là loài cá nổi tiếng khắp một vùng Đông Nam Á, có tên tiếng Anh là Jullien’s Golden Carp (Cá chép Vàng của Jullien, cùng họ với cá chép, miệng vàng).

Cá Sọc dưa thường có hai loại chính là cá Sọc dưa vàng và cá Sọc dưa đen. Cá Sọc dưa vàng quý hiếm và ít thấy hơn cá Sọc dưa đen. Điểm khác biệt dễ nhận thấy là cá Sọc dưa có 5-7 chiếc sọc màu nâu sẫm chạy dọc theo 2 bên thân từ đầu đến đuôi (ảnh). Dài có khi đến gần 2m, cân nặng tới 70kg, cá Sọc dưa có thể sống tới 50 năm.

Môi trường sống lý tưởng nhất của cá Sọc dưa là những vùng sông nước sâu, sạch, chảy xiết, có nhiều thác ghềnh... Vào đầu mùa mưa hằng năm, chúng thường kéo nhau rời khỏi nơi “thường trú”, di cư ngược dòng lên thượng nguồn tìm kiếm thức ăn. Hiểu biết được tập tính này, người dân sinh sống ở 2 bên bờ sông Sê San đã đi săn bắt cá Sọc dưa bằng nhiều cách.

Cá Sọc dưa được đánh bắt ở sông Serepok, khu vực biên giới giữa Việt Nam (Đăk Lăk) - Campuchia (Mondulkiri). Vùng sông này xiết, cực kỳ sạch và hoang vắng nên cá ngon nhất, ngon hơn rất nhiều so với cá từ sông Sê San (tỉnh Gia Lai) hay từ Lào.

Cá Sọc dưa là món ăn phổ biến ở Đông Nam Á với tên gọi tiếng Anh là Jullien’s Golden Carp, nhưng vì cá này rất hiếm nên có giá rất đắt. Khi bị đánh bắt lên bờ cá Sọc dưa chỉ có thể sống 10-15 phút. Do đó phải đem cá ướp đá và cấp đông ngay để đảm bảo độ tươi ngon. Cá sau cấp đông có thể giữ nguyên hương vị đến 1,5 tháng, được đưa đi các nhà hàng cao cấp ở hai đầu đất nước với giá cả chỉ có... vua mới ăn nổi (tiến vua mà): phi lê cá được bán với giá gần 2 triệu đồng/kg, còn giá bán xương thì dao động vào khoảng từ 1,4 đến 1,5 triệu đồng/kg.

Thịt cá Sọc dưa dai và béo. Giữa những lớp thịt có lẫn những “dây” mỡ làm cho dễ liên tưởng đến thịt bò Kobe của Nhật. Dân sành ăn thường làm lẩu chua cá Sọc dưa, nhúng miếng cá vào cho đến lúc vừa chín tới. Thường thì giòn và dai khó trở nên “cặp đôi hoàn hảo”, nhưng với miếng cá Sọc dưa, cả hai thuộc tính này hòa quyện cùng nhau làm nên một vị ngọt thịt không thua gì cá biển.

Ngày trước, cá Sọc dưa được tìm thấy ở lưu vực các con sông của Đông Nam Á như: Mê Kông, Ayeyarwady (Myanmar), Chao Phraya, Mae Klong (Thái Lan), Prahang và hạ lưu sông Perak (Malaysia). Bây giờ đập thủy điện vây bủa dày đặc trên dòng Mê Kông đã tiễn loài cá nguồn tự nhiên này vào Sách Đỏ. Ở Việt Nam cá tiến vua này chỉ còn nhiều ở sông Serepok.

ĐNCT

Từ khóa » Sọc Dưa Cá