Cá Thòi Lòi - Đặc Sản “kỳ Lạ Nhất Hành Tinh”

Nó sinh sống được ở vùng nước mặn, nước lợ. Nó có hai chân trước, bơi lội dưới sông, di chuyển trên bùn, chạy nhảy trên cạn và kỳ lạ hơn là nó có thể leo trèo trên cây.

Cá thòi lòi làm hang trên vùng đất Bãi Bồi Mũi Cà Mau. Ảnh: Thanh Dũng

Cá thòi lòi được Tổ chức Sinh vật thế giới xếp vào 1 trong 6 con vật “kỳ lạ nhất hành tinh”. Bao gồm: cá cóc (Axopotl), chó chăn cừu hung (Hungarian sheeping dog), heo vòi (Tapir), thỏ Angora (Angora rabbit), khỉ hoàng đế (Emperor tamarin) và cá thòi lòi (Mudhopper).

Cá thòi lòi sinh sống chủ yếu dưới tán rừng ngập mặn và vùng Bãi Bồi Mũi Cà Mau. Sở dĩ, cá thòi lòi được lọt vào danh sách các loài động vật “kỳ lạ nhất hành tinh” là nhờ có các đặc điểm có một không hai của mình. Ngay từ hình dáng, cá thòi lòi đã tỏ ra “dị hợm” so với các loài cá thông thường khác bởi đôi mắt lồi ra như ai gắn 2 hòn bi trên đỉnh đầu. Cái tên gọi “thòi lòi” có lẽ cũng bắt nguồn từ chính đôi mắt lồi ra quá cỡ của nó.

Sà vi – phương tiện dùng để bắt cá thòi lòi. Ảnh: Anh Duy.

Đặc điểm kỳ lạ nhất khiến cá thòi lòi không giống bất cứ loài cá nào là ở chỗ nó sinh sống được ở vùng nước mặn, nước lợ (nhưng môi trường sống phù hợp nhất của chúng là môi trường nước mặn). Cá thòi lòi trú ẩn dưới hang sâu ngập nước, bơi lội dưới sông, di chuyển trên bùn, chạy nhảy và kiếm mồi trên cạn. Cá thòi lòi thở bằng phổi và mang. Cơ thể của chúng có thể trữ nước trong mang để hô hấp khi lên cạn, trao đổi khí qua da như ếch. Nó có 2 vây trước làm nhiệm vụ của một “đôi tay”. Chính những cấu tạo đặc biệt của cơ thể mà cá thòi lòi còn có một khả năng leo trèo trên cây và từ cành này có thể nhảy sang cành khác một cách rất điêu luyện. Do đó, cá thòi lòi còn có một tên dân gian khác là “cá leo cây”. Thông thường cá thường nằm vất vưỡng để “dạo chơi” trên những rễ cây nhưng khi có tiếng động là nó tỏm xuống sông bơi, lặn hoặc nhảy lăng tăng trên mặt nước.

Dùng sà vi đặt vào miệng hang bắt cá thòi lòi. Ảnh: Anh Duy.

Cá thòi lòi thường chọn những khu rừng ngập mặn, đất bãi bồi ven biển, ven sông để sinh sống và chọn những nơi rậm rạp, nhất là dưới tán rừng, gốc cây để đào hang trú ngụ. Hang của chúng có thể sâu đến 2m, với nhiều ngóc ngách. Cá thòi lòi rất tinh ranh và nhanh nhẹn trong việc trốn thoát trước sự tấn công của kẻ thù. Thông thường, khi nước ròng thì cá thòi lòi chui vào hang trú ẩn và nước lớn thì ra ngoài kiếm ăn.

Cá thòi lòi tươi sống. Ảnh: Anh Duy

Để bắt cá thòi lòi, ngư dân vùng Đất Mũi Cà Mau thường thụt hang (đào hang) hay cắm câu vào ban ngày, soi đèn vào ban đêm. Cá thòi lòi khi bị soi đèn vào mắt sẽ bất động nên rất dễ bắt. Nhưng phổ biến nhất và hiệu quả nhất là dùng sà vi (được làm bằng lá dừa nước, hình dáng như một chiếc lọp) đặc vào miệng hang. Sau một thời gian lẫn trốn, cá thòi lòi bò ra ngoài và sẽ vào ngay chiếc sà vi ấy. Cứ thế, người ta mở sà vi ra rồi bắt cá đem về. Cá thòi lòi thông thường cá có trọng lượng 100 gam đến 200 gam/con.

Chế biến khô cá thòi lòi. Ảnh: Anh Duy.

Thịt cá thòi lòi săn chắc, mềm và thơm ngon. Đây là một trong những đặc sản của vùng rừng ngập mặn Cà Mau. Cá thòi lòi được chế biến ra nhiều món ăn ngon như nướng lào, nướng muối ớt, kho tiêu, nấu lẩu chua, chiên xù… Nhưng hấp dẫn nhất là cá thòi lòi làm khô – một đặc sản khoái khẩu thuộc dạng hiếm có ở Cà Mau hiện nay.

Khô cá thòi lòi – đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau. Ảnh: Anh Duy.

Hiện nay, cá thòi lòi đã trở thành món ăn đặc sản tại các nhà hàng, quán ăn ở thành phố Cà Mau và nhiều nơi khác trong cả nước. Thưởng thức món ăn đặc sản cá thòi lòi cũng chính là tìm hiểu thêm về những điều kỳ thú nơi đất rừng phương Nam.

Từ khóa » Câu Cá Thòi Lòi Cà Mau