Các Bài Suy Niệm Mồng Một Tết Nguyên Đán - Giáo Phận Cần Thơ
Có thể bạn quan tâm
Các Bài Suy Niệm Mồng Một Tết Nguyên Đán
Hái Lộc Đầu Năm..
Phó Thác Vào Tình Thương Quan Phòng Của Thiên Chúa.
Cầu Bình An.
Chữ Phúc.
Lo gì ?
Sống Theo Ý Chúa.
Mồng Một Tết
Cầu Bình An Cho Năm Mới
Ngắm Xem.
Được Phúc.
Năm Mới – Đổi Mới
Thiên Chúa Quan Phòng.
Hái Lộc Đầu NămMỒNG MỘT TẾT
Chúa nhật Lời Chúa lần đầu tiên được cử hành vào Chúa nhật thứ ba mùa thường niên 26/01. Chúa nhật Lời Chúa đã được ĐTC Phanxicô công bố với Tông thư dưới dạng Tự sắc “Aperuit illis – Người mở trí cho các ông”. Đây là một ngày đặc biệt để khuyến khích tất cả các tín hữu đọc và suy niệm Kinh Thánh.
Văn kiện được công bố vào ngày 30 tháng 9, phụng vụ kính nhớ thánh Giêrônimô, cũng là ngày kỷ niệm 1600 năm ngày mất của dịch giả Kinh thánh nổi tiếng, người đầu tiên dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh. Chính Thánh nhân là người đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Việc chọn ngày công bố Tông thư trùng với ngày mất của thánh Giêrônimô với một chủ ý khuyến khích việc nghiên cứu và chú giải Kinh Thánh trong năm nay, nhằm tôn vinh con người và công trình của Thánh Giêrônimô.
Tại Vatican, Chúa nhật Lời Chúa sẽ được tổ chức vào lúc 10 giờ 26/01, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.(x.Vatican News Tiếng Việt).
Ngày Mồng Một Tết Nguyên Đán, cầu bình an cho năm mới, các Nhà thờ đều tổ chức hái lộc Lời Chúa đầu xuân.
1. Từ hái lộc ngày xuân trong xã hội.
Hái lộc ngày xuân là một trong những phong tục ngày Tết ở Việt Nam. Vào lúc giao thừa và trong ngày Tết, dân chúng có tục lệ đi hái lộc xuân. Họ thường đến đình chùa, miếu làng để xin lộc xin ơn, cầu phúc cầu tài.
Lộc có hai nghĩa: là nhánh cây non, như người ta thường nói: cây nẩy lộc. Lộc cũng có nghĩa là bổng lộc, phúc lộc của trời, của thiên nhiên ban không cho.
Vì là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ kẽ lá, hoặc một nhánh cây non, nên lộc tượng trưng cho một sức sống vừa phát sinh và sẽ phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn một tương lai sáng lạng đang chờ ở phía trước. Vào thời điểm đầu xuân, những mầm non như vậy không có nhiều, nên trong thực tế người ta bẻ những nhánh cây non đem về treo trước nhà hoặc chưng trên bàn thờ với hy vọng rước được sức sống mới về nhà, đồng thời cũng cầu mong đem được phúc lộc về cho gia đình.Truyền thống tin vào sức sống của thiên nhiên, tin vào ơn trời tự nó là điều tốt.
2. Đến hái lộc Lời Chúa trong các Nhà thờ
Đối với người Công giáo “hái lộc xuân” là “hái lộc thánh”. Ngày Mồng Một Tết, ngày linh thiêng nhất trong năm, ngày cầu bình an cho năm mới. Mỗi xứ đạo đều tổ chức hái lộc đầu xuân.
Lộc Thánh là những câu Lời Chúa được tuyển chọn trong Thánh Kinh. Lộc được treo trên những nhánh mai vàng rực rỡ đặt trên Cung Thánh. Sau bài giảng, Cha chủ tế hái Lộc Thánh Đầu Xuân rồi đến các Tu sĩ nam nữ. Lần lượt Hội Đồng Mục Vụ, các đoàn thể, đại diện gia đình lên hái Lộc.
Sau Thánh Lễ, mọi người ra về mang theo niềm vui và hạnh phúc, bình an và Ơn Thánh. Gia đình sum họp trước Bàn Thờ đọc kinh nguyện, dâng một năm mới lên Chúa và Đức Me. Người cha hoặc mẹ trịnh trọng mở Lộc Thánh đọc cho cả nhà nghe. Mỗi Lộc thích hợp với từng gia đình. Lộc Thánh được đặt trang trọng trên bàn thờ, dưới chân thập giá. Câu chuyện ngày Tết đi thăm nhau thường hàn huyên về Lộc Lời Chúa mỗi nhà.
Lời Chúa dạy có thể xếp thành nhiều loại.
Loại tích cực:
– Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian ( Mc 16, 15)
– Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20, 24)
Loại tiêu cực:
– Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói ( Lc 6, 25)
– Ai vả má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa (Lc 6, 29)
Loại pha cả tích cực và tiêu cực:
– Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ (Mt 5, 3)
– Vì danh Thầy các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ (Mt 10, 22)
Trên nguyên tắc: đã là Lời Chúa thì lời nào cũng soi sáng hướng dẫn và nuôi dưỡng con người, có lời khuyên bảo, có lời răn đe, có lời hứa hẹn với điều kiện … và tất nhiên nếu muốn sống theo Lời Chúa cũng đòi hỏi rất nhiều hy sinh.
Người Công giáo, dù vẫn phải biết tiên liệu mọi công việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, cũng phải luôn biết tin tưởng phó thác trong tay Chúa Quan Phòng về tất cả những gì liên quan tới tương lai, tránh mọi thứ tò mò không lành mạnh về vấn đề này (x GLHTCG số 2115).
Khi hái lộc Lời Chúa, người Công giáo không nhằm cầu may hay để tìm biết tương lai hậu vận … nhưng là để chọn cho mình và cho cả gia đình mình một trong nhiều Lời Chúa, để cả gia đình thực hành cách đặc biệt trong suốt năm. Trong khi chồi lộc cây cối đem lại cho người hái hình ảnh một sức sống phát sinh và đang phát triển, thì lộc Lời Chúa lại đi lên tới chính Đấng “nhờ Người mà muôn vật được tạo thành”, vì Lời Người “ là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường cho ta đi” (x. Tv 118, 105); “Lời Chúa là sức thiêng cứu rỗi mọi tín hữu” (Mc 17); “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” ( Ga 6, 68). “Trong lời Thiên Chúa, có năng lực lớn lao có thể nâng đỡ và ban sinh lực cho Hội Thánh, còn đối với con cái Hội Thánh thì thành sức mạnh cho đức tin, lương thực cho linh hồn, nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng” (MK 21, trích dẫn trong GLHTCG số 114).
Nhận định như trên, thì dù Lời Chúa khuyên bảo hay răn đe, dù diễn tả dưới hình thức tích cực hay tiêu cực, tất cả đều đem lại ánh sáng và sự sống cho con người. Tuy nhiên, trong thực tế, vào thời điểm đầu năm, tâm lý chung của con người là chỉ muốn nghe những điều tích cực, những điều đem lại niềm vui và hạnh phúc. Vì thế nên nhiều khi có những trường hợp xảy ra là: người bắt được câu không vừa ý thì len lén treo lại và hái câu khác, hoặc đem về giấu đi để khi đi lễ chiều hái câu khác.
Rút kinh nghiệm này, nhiều cha quản xứ, khi soạn các câu lộc Lời Chúa, đã chỉ chọn những câu tích cực, để khi rút được ai cũng bằng lòng, và tình trạng đổi lại hoặc giấu giếm không xảy ra nữa. Như vậy xem ra đã giải quyết được một phần vấn đề. Phần vấn đề còn lại là làm cách nào để cũng áp dụng những Lời Chúa mà nhiều người cho là chói tai? Vì có lúc Chúa sẽ hỏi: “Thế còn những câu sau đây, sẽ chẳng có ai thi hành áp dụng sao? – “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” ( Lc 9,23); “ Vì danh Thầy anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” ( Mt 10,22).
Có cha xứ đã trả lời: “Vào những thời điểm phụng vụ thích hợp, như mùa Chay, tuần Thánh … con sẽ giải thích cho dân chúng để họ vui lòng chấp nhận những giáo huấn khác của Tin Mừng đòi hỏi nhiều hy sinh”. Có lẽ Chúa sẽ trả lời: ‘cũng tạm được thôi, nhưng…”. Nhưng cách tốt nhất vẫn là giải thích và chuẩn bị tinh thần giáo dân trước để ngay từ ngày đầu xuân, họ có thể đón nhận đầy đủ giáo huấn của Chúa Giêsu, những điều dễ đón nhận cũng như những điều xem ra chướng tai (Ga 6,60). Như lời Thánh Phaolô: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2 Tim 4,2). (ĐGM Phaolô Nguyễn Văn Hòa, {x.VietCatholic News (01 Feb 2011)}.
3. Chúa là Lộc Đầu Xuân của mỗi gia đình
Lời Thánh Vịnh 27 nói lên niềm cậy trông: “Tôi vững vàng tin tưởng, sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào ! Hãy cậy trông vào Chúa”. Vững vàng tin tưởng và cậy trông vì người Kitô hữu xác tín vào Lời Chúa Giêsu dạy: “Các con cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Mt 7,7).
Không phải bây giờ người ta mới hái lộc. Từ ngàn xưa, thửơ địa đàng đã có chuyện người con gái đi hái lộc đầu xuân rồi. Ngày khai sinh vũ trụ đã được sách Sáng Thế kể lại:“Trời đất trống không mông quạnh và tối tăm bao phủ, Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng. Và đã có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng thật là tốt lành. Thiên Chúa phán: Đất hãy xanh um thảo mộc tươi tốt. Và đã xảy ra như vậy. Đất lên màu xanh. Cây có quả đã sinh quả. Cây có hoa đã nở hoa. Thiên Chúa thấy màu xanh thật tốt lành. Thiên Chúa đã làm hai cái đèn, cái lớn cai quản ban ngày, cái nhỏ cai quản ban đêm. Thêm vào Ngài trang điểm bầu trời bằng các sao. Thiên Chúa thấy thế thật tốt lành” (St 1,1–4).
Đó là ngày Tết đầu tiên của nhân loại. Ns.Trầm Hương rất thi vị trong bài ca “Bước chân người hái lộc trường sinh”: vũ trụ chào đời, mùa xuân về theo gió, nắng phủ cho rừng lá xanh, muôn hoa xinh tươi vẫy gọi. Thiên Chúa chúc lành trao quyền làm chủ muôn loài cho Nguyên Tổ với một điều kiện duy nhất là phải tuân phục: “Mọi cây trong vườn ngươi đều được ăn. Nhưng cây ”sự biết tốt xấu” ngươi không được ăn, vì chưng ngày nào ngươi ăn nó, tất ngươi phải chết” (St 2,16–17). Ađam, Evà phơi phới trong hạnh phúc mùa xuân địa đàng.
Thế rồi một hôm, Evà đi dạo một mình trong vườn Eđen, ngang qua cây biết lành biết dữ. Bước chân Evà rạo rực đi hái lộc trường sinh nhưng xui xẻo gặp phải Satan quyến rũ. Lời Satan đường mật: Evà, Evà ơi, cô có muốn giữ mãi nhan sắc tuyệt vời này không ? hay cô có muốn bằng Đức Chúa Trời không ?
Evà phản kháng:không dám đâu, không dám đâu, đừng dụ dỗ tôi, Thiên Chúa đã dặn kỹ lắm rồi. Sau một hồi đôi co lý sự, con rắn ngọt ngào: ”Chẳng chết chóc gì đâu, Thiên Chúa biết ngày nào người hái lộc ấy mà ăn mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu” (St 3,4–5). Người thiếu nữ thấy giấc mơ đẹp như màu hồng của trái táo “nhìn thì đã thấy sướng mắt” (St 3,6). Nàng đã hái. Nàng đã ăn. Nàng chia cho chồng với ước mơ hão huyền là chồng được thông minh như Thiên Chúa.
Còn Ađam thì sao ? Một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tiếng lương tâm và lời nài nỉ của người yêu: ăn đi anh, ăn đi, đây là cơ hội ngàn vàng, cơ hội chúng ta bằng Đức Chúa Trời đó anh; Ađam đừng ăn, nếu ăn sẽ vi phạm luật Chúa truyền, đừng, xin đừng. “Và ông đã ăn” (St 3,6). Lời Thánh Kinh ngắn gọn diễn tả sự yếu đuối, nhu nhược đến sa ngã của Ađam trước cám dỗ quá ư dịu ngọt. Thôi rồi, xong hết cả rồi, còn đâu địa đàng, còn đâu ân nghĩa Thiên Chúa dành cho ngươi, Ađam ơi !
“Mắt họ liền mở ra và họ thấy mình trần truồng nên kết lá vả che thân” (St 3,7). Lời bài ca “Vườn Địa Đàng” của Trầm Hương man mác buồn: Ađam, anh đi về đâu đó, bên kia, bên kia trời lộng gió, tiếng Giavê vẫy gọi trong nắng chiều. Ađam, anh đi về đâu đó, Ađam, quên đi lời Thiên Chúa, hái trái trăng ngon ngọt nhưng đắng cay. Ađam, sao anh lại chạy trốn, bóng Giavê đứng đợi bên gió ngàn. Ađam, quên ân tình Thiên Chúa, xoá tan đi nụ cười trong nắng mai.
Kể từ đó Địa Đàng đóng ngõ cài then. Xuân Địa Đàng đã thành mùa đông ảm đạm cho trần thế. Kinh Thánh viết về một nỗi đớn đau làm sao: “Những gai cùng góc nó sẽ mọc lên cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ lả ngoài đồng nội. Mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến lúc ngươi về lại với bụi đất” (St 3,18–19).
Đó là sự tích hái lộc đầu năm, mùa xuân êm đềm thành chìm vắng lặng lẽ.
Và cũng từ đó lời kinh cầu luôn vang vọng qua các thế hệ “Trời cao hãy đỏ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng Chuộc Tội. Trời cao hãy đỏ sương xuống và ngàn mây hãy mưa đấng cứu đời”. Nhân loại đã biết mình thiếu thốn lộc gì, họ đã muốn giơ tay hái Lộc Trời Cao.
Thiên Chúa đã nghe tiếng vọng cầu kinh. Lộc Trời Cao đã gởi xuống đất thấp, Lộc Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa vào đời trồng cây Thập giá. Lộc Thập giá của Ngài nối lại tình người với tình thánh. Thánh giá Chúa Kitô là nhịp cầu liên kết con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Sự giao hoà ấy nẩy Lộc Bình An. Tặng vật cao quý mà Chúa lưu lại cho nhân loại là Lộc Bình An: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con, bình an mà thế gian không thể ban được” (Ga 14, 27). Sau khi Phục sinh, gặp các môn đệ, lời đầu tiên của Chúa là: “Bình an cho các con” (Ga 20,19). Tám ngày sau, trở lại thăm họ, Chúa vẫn một lời chào: “Bình an cho các con” (Ga 20,26). Sai các môn đệ ra đi truyền giáo Chúa căn dặn: “Vào nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này” (Lc 10,5).
Bình an không chỉ là lời cầu chúc mà còn là sự sống để ban tặng cho nhau. Lộc Bình An là chính Chúa, ai xa lìa Ngài là đánh mất sự bình an.
Chúa là Lộc Đầu Xuân của mỗi gia đình, mỗi người. Một ngày có Chúa sẽ tràn đầy xuân hạnh phúc và lộc bình an.
Lối vào vườn Eđen, dấu chân người xưa hái lộc vẫn còn in nét vẫy gọi.
Lối lên đồi Canvê, lời chúc bình an vẫn mãi vọng ngân.
Chúa ơi, đầu năm hái lộc thánh, xin cho con lộc hạnh phúc và bình an trong ơn nghĩa Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Phó Thác Vào Tình Thương Quan Phòng Của Thiên Chúa- LỜI CHÚA: Chúa phán: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
- CÂU CHUYỆN:
1) HỌA PHÚC KHÓ LƯỜNG:
Có một người đi biển, gặp cơn bão lớn, chìm tàu, anh may mắn sống còn và trôi dạt vào một hoang đảo. Muốn tồn tại, anh phải tự lo tất cả từ hai bàn tay trắng. Một cái nhà nhỏ trú mưa trú nắng, hàng rào chống thú dữ, tự làm quần áo che thân, tìm kiếm thức ăn. Khó nhất là lửa. Khó khăn lắm anh mới dùng đá đập vào nhau để có được lửa. Anh nuôi lửa cẩn thận, không để lửa tắt. Một đêm nọ, khi anh đi tìm săn tìm thức ăn về, thì anh thấy ngôi nhà của mình đã cháy rụi! Một cơn gió lốc làm ngọn lửa bùng lên và cháy rụi căn nhà anh. Bao nhiêu công khó gầy dựng cái “gia sản” tối thiểu để được sống còn bây giờ ra tro bụi! Anh ngửa mặt lên trời than trách sao Chúa lại có thể đối xử với anh tệ bạc đến thế!
Mệt mỏi và chán nản, anh ngủ thiếp đi trong đêm thảm họa ấy!
Bừng con mắt dậy, trong ánh nắng bình minh rực rỡ của ngày mới trên hoang đảo, anh chợt thấy một vết chấm to xa xa trên bờ biển. Nhìn kỹ, anh nhận ra đó là một con tàu.
“Chúng tôi đã thấy ngọn lửa làm hiệu của anh. Chúng tôi đến cứu giúp anh đây!”. Những người trên tàu đã tìm gặp anh và nói với anh như thế.
Anh chắp tay ngửa mặt lên trời, nghẹn ngào nói: “Tạ ơn Chúa! Xin tha thứ cho con!”
2) TÁI ÔNG THẤT MÃ, AN TRI HỌA PHÚC
Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như sau:
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho nó ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua bên nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão bình tỉnh nói: “Các ông bà đừng lo cho tôi. Biết đâu con ngựa chạy mất kia sau này sẽ đem lại những điều tốt cho tôi”. Vài tháng sau, con ngựa chạy mất tự nhiên quay về nhà, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông đã nói trước đó. Ông lão không tỏ vẻ vui mừng mà nói: “Ông bà đừng vội chia vui với tôi. Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy về sau sẽ dẫn đến tai họa cho tôi”.
Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, khiến đứa con trai ông lão bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị gãy một xương đùi thành ra bị què chân mang cảnh tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão vì không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông như thế. Ông lão thản nhiên nói: “Xin các vị cũng đừng lo cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ cái họa nầy mà về sau sẽ biến thành phúc đó”.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ để ngăn chặn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới nhập ngũ và nhiều trai tráng đều bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân được miền đi lính, nên còn sống sót.
- THẢO LUẬN: 1) Qua câu chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” nghĩa là: Lão ông mất ngựa, họa hay là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của bạn? 2) Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan phòng của Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?
- SUY NIỆM:
1) Nội dung Tin Mừng ngày đầu Năm Mới:
Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau:
Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng Cha trên trời vẫn nuôi sống chúng.
Về việc sống lâu thì dù lo lắng cũng không thể kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc!
Về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc áo đẹp hơn long bào của vua Sa-lo-mon vinh hoa tột bậc.
Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Nếu loài chim trời chẳng đáng giá là bao, và loài hoa đồng nội chỉ sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm sóc cho như thế, phương chi con cái loài người chúng ta còn đáng giá hơn muôn phần lại không được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ sao? Và Đức Giê-su kết luận: “Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó”.
2) Phân biệt lo liệu với lo lắng:
“Đừng quá lo lắng” không có nghĩa là “không cần lo liệu”. Người biết lo liệu là người khôn ngoan. Tùy sự tính toán lo liệu mà người ta có thể thấy mức độ khôn ngoan của một người. Chúa phán: “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cái tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa”. (Lc.14,28).
Biết lo liệu không chỉ để làm tốt công việc thường nhật, mà còn thăng tiến trong Đức Tin, trong đàng Nhân Đức. Đó không chỉ là nỗ lực bình thường của con người mà còn là ơn Chúa Thánh Thần. như lời cầu xin ơn Thánh Thần trong lễ ban phwps Thêm Sức:
“Lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong những người này. Xin ban cho nhứng người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu; thần trí lo liệu và sức mạnh; thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con”
3) Phải tránh thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm:
Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người, nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức Giê-su đã nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta rơi vào thói hư lười biếng vô trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần làm cho môi trường mình đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, cho thế giới này ngày một hoàn thiện hơn. Ngay từ khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không được mang đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là quá lo lắng về vật chất, coi nó là cùng đích đời mình.
4) Tiên vàn phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng Nước Thiên Chúa. Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước Thiên Chúa. Người ta thường coi tiền bạc vật chất là số một và có khả năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy nghĩ ấy thật sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần để giúp con người có đời sống tốt hơn như người ta thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy tớ tiền bạc này lại rất có uy, rất dễ tự coi mình là ông chủ lúc nào không hay. Khi nó đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta là đầy tớ phải phụng sự nó với bất cứ giá nào.
Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó, chúng ta tránh thụ động, nhưng phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần thực hành lời người xưa dạy: “Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp”, hoặc : “Hãy thắp sáng lên ngọn đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
- LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa Cha trên trời. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ xấu”. Nhờ biết sử dụng đồng tiền phụng sự cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà chúng con sẽ có bình an nội tâm và sẽ nên chứng nhân của Chúa trước mặt người đời, góp phần xây dựng một thế giới mới là Nước Trời đời sau.- AMEN.
LM ĐAN VINH- HHTM
Cầu Bình AnAnh chị em thân mến,
Chúng ta vừa nghe một trong những đoạn Tin Mừng hay nhất của sách Tin Mừng. Cá nhân của tôi đã đọc đoạn Tin Mừng này không biết bao nhiêu lần và lần nào khi đọc xong tôi cũng cảm thấy một cảm giác thật phấn khởi.
Chọn bài Tin Mừng này để đọc vào thời điểm chúng ta bắt đầu một năm mới tôi cho là một chọn lựa tuyệt vời. Đây không phải là một đoạn Tin Mừng chỉ đòi đòi hỏi chúng ta phải rà lại cách sống của chúng ta trước mặt Chúa mà nó còn là một đoạn Tin Mừng giúp chúng ta định hướng cho những ngày chúng ta sắp sống trong một tương lai đang đi tới của chúng ta.
Đây là một việc làm rất cần thiết. Nó quyết định cho sự thành – bại, vui tươi hạnh phúc – hay bất hạnh của cuộc đời mỗi người chúng ta.
Đọc cả đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu Chúa của chúng ta là một con người rất thực tế. Ngài biết thật rõ cuộc đời của mỗi con người. Ngài biết thật rõ cuộc đời không chỉ toàn là mầu hồng mà bên cạnh đó còn có cả những khốn khó gian nan và những khốn khó gian nan này thì hầu như ngày nào cũng có. Bởi vậy khi phác họa ra một thái độ sống cho mỗi ngày như trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ muốn nhắm tới một mục đích là giúp cho mỗi người chúng ta có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình.
- Đừng lo:
Dale Carnegie cắt nói thêm:”Đừng lo không có nghĩa là đừng nghĩ. Bạn cứ việc nghĩ tới ngày mai đi, cứ cẩn thận suy nghĩ, cứ dự tính, cứ sửa soạn, nhưng đừng lo lắng gì hết”
Đừng lo lắng gì hết bởi vì con người dù có lo lắng đến đâu đi nữa, như Chúa Giêsu nói, cũng chẳng có thể kéo dài cuộc đời của mình dù là chỉ thêm vài gang tấc.
Đàng khác lo lắng còn là thái độ của một người không có lòng tin. Nếu thực sự con người biết tin nơi Thiên Chúa thì chắc chắn họ sẽ không có gì phải lo lắng.
Chúa Giêsu nói thật rõ: “Cha chúng con biết chúng con cần gì” Nói thế không có nghĩa là Chúa bảo chúng ta chẳng cần phải làm gì cả. “Tình phụ tử của Thiên Chúa không phải là chính sách phụ mẫu, nghĩa là một sự che chở đầy ủy mị, bao bọc khỏi mọi may rủi bất trắc của cuộc đời. Một người cha biết yêu con không phải bao giờ cũng có ý tránh cho con mình khỏi mọi thử thách, đau khổ hay chiến đấu. Nhưng theo sức của ông, ông sẽ biến đau khổ thử thách thành kinh nghiệm có ích lợi cho đứa con” Tình yêu như thế mới là tình yêu thật sự.
Hơn nữa khi tin vào Thiên Chúa con người cũng còn phải biết phó thác tất cả cho Người. Phải tin vào giá trị của mình cũng như phải tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chim chóc hoa cỏ mà còn được Chúa để ý chăm nom thì huống chi là con người. Bởi thế nói theo kiểu của Thánh Phaolô thì “ngay cả khi ta phục vụ Thiên Chúa mà ta vẫn bị đói rách hay bị chết chóc thì ta vẫn không phải là kẻ bị quyền năng Thiên Chúa tử bỏ (Rom 8,28; Mt 10,28-31) mà đó còn là một cái phúc.(Mt 5,3-12) Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu hết được những sự tốt lành mà Ngài làm cho các con cái của Người.
Hoài Nam Tử có thuật lại một câu truyện như sau: có một ông lão ở gần cửa ải có một con ngựa tự nhiên bỏ sang nước Hồ. Láng giềng biết tin đó đến hỏi thăm.
Ông lão nói:
– Mất ngựa thế mà biết đâu lại là cái phúc.
Cách mấy tháng con ngựa của ông tự nhiên quay trở về, lại về với một con ngựa khác. Láng giềng nghe tin đến mừng. Ông lão nói:
– Được ngựa thế biết đâu lại là một mối họa.
Từ khi có con ngựa hay, đứa con ông lão ngày ngày mải mê tập dượt. Một hôm chẳng may bị té ngã và què mất một chân.
Láng giềng nghe tin lại đến chia buồn.
Ông lão nói:
– Con tôi què thế nhưng biết đâu lại là một cái phúc.
Một năm sau bỗng có giặc Hồ xâm lăng, nhà vua hạ lệnh tổng động binh. Con ông lão vì què chân cho nên được miễn nhập ngũ. Trận chiến ác liệt chưa từng thấy. Tướng sĩ lâm trận mười phần tử trận mất chín. Nhờ được ở nhà mà con ông lão thoát được hiểm nguy chết chóc và nhờ đó mà hai cha con vẫn còn được sống bên nhau.
- Vậy trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người… Còn tất cả những thứ khác Người sẽ thêm cho”
Đây là câu nói thật quan trọng và cũng là điều kiên tất yếu mà khoa Thần học gọi là điều kiện “sine qua non” có nghĩa là điều kiện không thể không có để cho một điều gì đó được thành sự hay được xẩy ra.
Theo bản văn Thánh Kinh hôm nay thì việc “trước hết phải tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” là điều kiện để Chúa thực hiện lời hứa “Còn các điều khác sẽ được ban thêm cho”
Việc tìm kiếm nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu nói ở đây không phải là sự tìm kiếm giống như tìm kiếm một đồ vật nhưng là thái độ gồm cả ý chí, nỗ lực và hành động hướng về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa chi phối và điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của mình sao cho những hành động đó thể hiện được thánh ý của Người. Làm được như vậy là con người đã làm được điều mà bài Tin Mừng hôm nay gọi là tìm kiếm nước Thiên Chúa .
Và sau đó chắc chắn Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa cho chúng ta.
Câu truyện số 33 trong Góp nhặt B kể lại một biến cố rất đặc biệt xẩy ra trong Công đoàn các chị nữ tu Bác ái của Mẹ Têrêxa thành Calcutta. Kể câu truyện này để anh chị em thấy việc Thiên Chúa làm lạ lùng như thế nào. Mỗi ngày tại Calcutta hội dòng phải chăm sóc cho khoảng chừng 7000 người một số người bằng cả giáo xứ Bùi Phát của chúng ta – rồi còn phải lo cung cấp thực phẩm cho họ nữa. Vào một ngày thứ sáu nọ, chị nữ tu coi sóc nhà bếp đến thưa với mẹ:
– Thưa mẹ, trong nhà không còn gì ăn cho hôm nay và ngày mai nữa.Tốt hơn hết là chúng ta nên bo cho họ biết điều đó.
Nghe điều đó, mẹ không biết phải trả lời cho chị phụ trách nhà bếp như thế nào. Cả 7000 ngàn người ăn chứ đâu phải ít.
Thế nhưng vào khoảng 9 giờ sáng hôm đó không hiểu vì lý do gì mà chính quyền Ấn độ tuyên bố đóng cửa tất cả các trường công lập. Thế là số bánh mì làm sẵn cung cấp cho các học sinh không có chỗ sử dụng và chúng được chở thẳng tới cho mẹ Têrêxa.Và tất cả 7000 người từ nhỏ tới lớn có đủ bánh mì ăn trong hai ngày và hơn nữa còn được ăn no nê hơn cả những lần khác.
Chẳng ai hiểu được lý do. Nhưng mẹ Têrêxa thì thấy thật rõ. Mẹ nói: “Đó chính là dấu chỉ của Tình thương Thiên Chúa. Người là người Cha giầu lòng yêu thương đối với con cái mình”
Thánh Phanxicô Assisi khi trình bản nội qui lên Đức Thánh Cha để xin Ngài chuẩn y. Sau khi Đức Thánh Cha đọc xong, ngài hỏi Phanxicô Assisi:
– Các tu sĩ của con sẽ sống bằng cái gì.
– Tâu Đức Thánh Cha, Thiên Chúa là một người Cha đầy uy quyền, nhưng Người cũng là một người Mẹ nhân từ.” (?!)
Một hôm đang trên con đường vào Giêricô Chúa Giêsu nghe thấy có một tiếng than từ xa xa vọng lại:
– Lạy Ngài Giêsu, con Vua Đavid, xin thương xót con.
Chúa Giêsu dừng chân lại:
– Con muốn xin gì đây?
– Lạy Thầy, xin cho con được sáng mắt.
Thấy anh ta mạnh tin, Chúa hiền từ đáp:
– Được lắm. Lòng tin của anh đã cứu anh.” (Lc 18,35)
Lòng tin vào Chúa quan phòng là con đường giải thoát rực rỡ huy hoàng cho mọi người nhất là trong thời đại này.
(Mt.5,1-10)
Chữ PhúcCó một lần tôi xem người ta lấy cốt một ngôi mộ cổ không có thân nhân nhận lãnh trên phần đất người ta sắp xây dựng một ngôi nhà lớn. Ngôi mộ được xây cất kiên cố và trang trí theo kiểu Tàu. Chắc là của một gia đình giàu có. Người nằm trong mộ, theo bia đá ghi, là một phụ nữ tuổi đời chỉ mới bốn mươi. Người ta tin rằng người giàu có, vì là ngôi mộ cỗ, nên theo tục lệ xưa, người ta thường liệm theo người chết rất nhiều món đồ quý giá để họ có thể dùng ở thế giới bên kia, thế nên, người bốc mộ lục soát rất kỹ trong chiếc quan tài. Ông ấy không tìm thấy gì cả. Ông đưa tay móc vào miệng người chết, có vẻ ông rất hiểu biết, hay đã kinh nghiệm về điều này: người ta có thể bỏ vào miệng người chết những món đồ trang sức bằng vàng hay châu ngọc, đá quý. Và ông moi ra được một gói nhỏ được bọc kỹ trong nhiều lớp bọc nhựa. Ông cẩn thận mở ra. Không có gì cả, ngoài một mãnh giấy chưa mục và nét chữ chưa nhòa, nên rất dễ nhận ra nội dung dòng chữ ghi trên giấy: “nỗi buồn này mang xuống tuyền đài”.
Mùa Xuân về, người ta gởi đến nhau rất nhiều câu chúc. Nhưng có một câu không thể thiếu, đó là PHÚC-LỘC-THỌ.
Đối với nhiều người, đặc biệt là người Công Giáo, “Phúc” không phải chỉ là sự giàu có vật chất, nhiều ruộng đất, nhiều tài sản… mà trước hết, “Phúc” là “Sống theo Tin Mừng”, tìm được bình an trong Tình Yêu Thiên Chúa.
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Từ khởi điểm “Tâm hồn nghèo khó”, con người sẽ trở nên hiền lành, không tranh dành cấu xé lẫn nhau. Con người nhận ra sự đau khổ trong giới hạn thân phận làm người của mình và đồng loại nên biết chia sẻ và tương trợ nhau. Họ không ngừng dắt dìu nhau để vươn lên cuộc sống công chính.
Những bước đi như vậy, giúp con người biết quan tâm đến tha nhân, biết xót thương người.
Một con người có tâm hồn hiền lành biết chấp nhận đau khổ, không ngừng tự thanh luyện mình vì khát khao trở nên công chính, biết mở rộng con tim để phân phát tình thương, con người ấy sẽ có tâm hồn trong sạch. Vì tình yêu chân chính luôn đem lại cho con người tâm hồn trong sạch.
Một con người có tâm hồn trong sạch chắc chắn phải khát khao có một thế giới trong sạch, một thế giới tươi sáng ngập tràn điều thiện hảo, bình an và không có nơi dành cho thù hận. Và như thế, họ sẽ đem hết tâm lực ra để xây dựng hòa bình.
“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
Chúa Kitô là mẫu mực của con người có tâm hồn nghèo khó. Từ khi nằm trong chiếc nôi là máng cỏ, rồi trọn một đời xuôi ngược “con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”, đến cái chết trần trụi trên Thập Giá. Tâm hồn nghèo khó ấy là Chúa của Hòa Bình.
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính”.
Chúa Ki-tô là nguồn mạch sự công chính. Ngài đã chết vì sự công chính.
“Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga.18,37)
Đó là Tiếng Nói của Tình Thương. Tình thương đến từ những tâm hồn nghèo khó, những tâm hồn không gợn đục những tham vọng tom góp vật chất tiền tài danh vọng cho riêng mình. Dục vọng cuồng điên thế tục không thể ban cho nội tâm con người sự bình an thật sự, và như thế, không thể đạt được cái Phúc trong sâu thẳm tâm hồn mình được.
Nếu lòng không đạt được cái Phúc, thì cái Lộc, cái Thọ cũng chẵng có ý nghĩa gì. Giàu có và sống lâu mà đầy lo lắng và sầu muộn, tâm không tịnh, lòng không an, sao gọi là Phúc được!
“Nỗi buồn này mang xuống tuyền đài”, đó là một thứ địa ngục ở ngay trong ta, ở trong tâm hồn ta. Địa ngục ở ngay trong tâm ta rồi thì làm gì ta có Phúc được!
“Vì Nước Trời là của họ”
Con người không có Tình Thương thì không thể vui được.
Không vui thì làm sao có được mùa xuân? Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Không có mùa xuân thì làm sao có hạnh phúc.
Hoa là biểu tượng của nụ cười. Nụ cười là biểu tượng của niềm vui. Niềm vui là biểu tượng của mùa xuân. Mùa xuân là biểu tượng của hạnh phúc.
Chúa là nguồn vui của đời ta.
Chúa là hạnh phúc của đời ta.
Chúa là mùa xuân của đời ta.
Chữ Phúc chỉ thật sự có ý nghĩa tròn đầy trong Tình Yêu Của Chúa.
Tạ ơn Chúa, vì Chúa cho con niềm hạnh phúc lớn lao nhất, đó là hạnh phúc được làm con Chúa, và đó là tất cả ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của đời người.
Lo gì ?Có một người đi biển, gặp cơn bão lớn, chìm tàu, anh may mắn sống còn và trôi dạt vào một hoang đảo. Muốn tồn tại, anh phải tự lo tất cả từ hai bàn tay trắng. Một cái nhà nhỏ trú mưa trú nắng, hàng rào chống thú dữ, tự làm quần áo che thân, tìm kiếm thức ăn. Khó nhất là lửa. Khó khăn lắm anh mới dùng đá đập vào nhau để có được lửa. Anh nuôi lửa cẩn thận, không để lửa tắt.
Một đêm nọ, khi anh đi tìm săn tìm thức ăn về, thì anh thấy ngôi nhà của mình đã cháy rụi! Một cơn gió lốc làm ngọn lửa bùng lên và cháy rụi căn nhà anh. Bao nhiêu công khó gầy dựng cái “gia sản” tối thiểu để được sống còn bây giờ ra tro bụi! Anh ngửa mặt lên trời than trách sao Chúa lại có thể đối xử với anh tệ bạc đến thế!
Mệt mỏi và chán nản, anh ngủ thiếp đi trong đêm thảm họa ấy!
Bừng con mắt dậy, trong ánh nắng bình minh rực rỡ của ngày mới trên hoang đảo, anh chợt thấy một vết chấm to xa xa trên bờ biển. Nhìn kỹ, anh nhận ra đó là một con tàu.
“Chúng tôi đã thấy ngọn lửa làm hiệu của anh. Chúng tôi đến cứu giúp anh đây!”. Những người trên tàu đã tìm gặp anh và nói với anh như thế.
Anh chắp tay ngửa mặt lên trời, nghẹn ngào nói: “Tạ ơn Chúa! Xin tha thứ cho con!”
TẬN NHÂN LỰC…
Người xưa có câu “tận nhân lực tri thiên mệnh” (làm hết sức mình, biết mệnh trời). Chúa không bảo chúng ta “đừng lo lắng gì”, rồi cứ “nằm há miệng chờ sung”, chờ đợi những món quà “từ trên trời rơi xuống”.
Như anh chàng bị nạn ở hoang đảo. Muốn sống còn anh ta phải phấn đấu. Anh ta phải làm tất cả những gì anh ta có thể làm được để tồn tại và để cuộc sống tốt hơn. Anh ta phải chọn lựa, hoặc là làm việc, hoặc là chết!
Lo liệu khác với lo lắng. “Không lo lắng” không có nghĩa là “không cần lo liệu”. Người biết lo liệu là người khôn ngoan. Tùy sự tính toán lo liệu mà người ta có thể thấy mức độ khôn ngoan của một người.
“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cái tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc’. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa”. (Lc.14,28).
Biết lo liệu không chỉ để làm tốt công việc thường nhật, mà còn thăng tiến trong Đức Tin, trong đàng Nhân Đức. Đó không chỉ là nỗ lực bình thường của con người mà còn là ơn Chúa Thánh Thần.
“Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Chúa đã tái sinh tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát tôi tớ Chúa khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong người này. Xin ban cho người này thần trí khôn ngoan và thông hiểu; thần trí lo liệu và sức mạnh; thần trí suy biết và đạo đức; xin ban cho người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con” (Lời nguyện bí tích Thêm Sức)
Khi lo liệu, tất nhiên là phải làm việc. Làm việc không phải chỉ để sinh sống mà còn là bổn phận đối với xã hội, đối với Thiên Chúa. Con người có nhiệm làm việc như một người quản lý của Thiên Chúa. Như một người “làm và giữ vườn” của Thiên Chúa. Con người phải làm việc để khu vườn ấy luôn luôn xinh đẹp và sinh sản nhiều hoa trái.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ: “hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất. Thiên Chúa phán: “Đây ta ban cho ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi” (St.1,28-29)
Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-den, để cày cấy và canh giữ đất đai. (St.2,15).
TRI THIÊN MỆNH
Người xưa có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Người tính không bằng Trời tính (Man proposes, God disposes).
Anh chàng bị nạn ở hoang đảo thật bất ngờ, đêm đại họa lại là đêm mở đầu hạnh phúc. Anh nghĩ rằng ngày hôm sau sẽ bắt đầu lại một thời đen tối, anh chẳng thể tin rằng ngày hôm sau ngập đầy ánh mình minh. Anh tìm lại được cuộc sống mới! Anh trách Chúa vì cái nhà anh cháy, rồi anh tạ ơn Chúa vì cái nhà anh cháy!
Ranh giới của sự bình an và lo lắng chính là sự thử thách của Đức Tin.
Con người làm việc, và làm việc trong ý định Thiên Chúa, trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Con người không được và không thể vượt ra ngoài thánh ý Thiên Chúa. Sự kiêu căng cùng với ý riêng của con người đã gây nên những thảm họa cho chính con người ngay từ thuở khởi nguyên và cả thời đương đại.
Con người phải vâng lời Thiên Chúa. Chỉ trong sự vâng lời, con người mới phát triển đầy đủ và đạt được ý nghĩa của định mệnh mình, và do đó mới có thể cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người là để cho con người hạnh phúc. Khi con người tin tưởng tuyệt đối vào Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người thì con người sẽ chẳng có gì phải lo lắng.
Khi con người là những đứa con ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa là người Cha giàu lòng thương xót, thì vòng tay người Cha luôn ôm chặt con mình để chở che và bảo vệ, con người mãi mãi bình an.
Đó chính là mùa xuân trong lòng con người.
Mùa xuân không lo lắng ưu phiền, bình yên bên Thiên Chúa là Cha và anh em một nhà trong đại gia đình nhân loại. Đó mới là Xuân Hạnh Phúc.
Sống Theo Ý ChúaMt 6, 25-34
Hôm nay là ngày đầu năm mới. Trong tâm tình cảm tạ chúa đã ban cho chúng ta sống trong năm cũ, tri ân Thiên Chúa ban cho chúng ta sống thêm thời gian trong năm mới này, chúng ta cùng nhau suy niệm Lời Chúa chỉ dạy chúng ta. Tin Mừng hôm nay đề cập việc Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta biết cách chọn lựa trong cuộc sống. Đó là tìm kiếm Nước Thiên Chúa.
Như chúng ta biết các thực tại vật chất rất cần thiết cho cuộc sống con người, ăn uống, vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí…đó là những nhu cầu căn bản của con người. Tuy nhiên để giải quyết được những nhu cầu căn bản này, người ta phải cần đến đồng tiền. Cần có tiền nên người ta phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi, xót cả nước mắt,…cần tiền nên các nghề nghiệp ra đời khắp nơi để tạo công ăn việc làm, vì cần có tương lai – cần có tiền nên trẻ em phải đi học,…Vì sức mạnh của đồng tiền nên thậm chí có người cho rằng đồng tiền thì có thể giải quyết được tất cả. Vì sức mạnh của đồng tiền có giá trị to lớn nên nhiều người bất chấp tất cả, kể cả sống vô lương tâm, làm việc bất chính, đánh mất cả lương tri – chữ tín, bán luôn linh hồn mình nữa…
Hiển nhiên không thể phủ nhận việc cần có đồng tiền, chúng ta cũng không thể chỉ sống bằng suy tưởng hay bằng ý chí mà không cần đến bất cứ thứ gì khác. Vì thế không ai có thể tránh né được mối tương quan với của cải trần gian.Thế nhưng, vấn đề là chúng ta sống sự tùy thuộc đó như thế nào? Chúa Giêsu đã nói cho biết điều đó: “Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? 27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? 28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó”.Như thế Người đã nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng chính Thiên Chúa biết rõ chúng ta và chính Người bảo đảm cho cuộc sống con người chúng ta. Sự sống của chúng ta là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Mạng sống chính là hồng ân quý giá mà Thiên Chúa đã tin tưởng và Người đã trao ban cho con người. Vì vậy, của cải vật chất, tiền tài danh vọng… chỉ là phương tiện giúp chúng ta sống mà thôi.
Một điều chắc chắn mà Chúa Giêsu không có ý dạy chúng ta là đừng làm việc, đừng cày cấy, trẻ em đừng đi học,… nhưng Người muốn chúng ta trước tiên hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa: ” Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”. Thiên Chúa phú bẩm cho con người bàn tay và khối óc, tức là Người đã lo liệu và muốn chúng ta xây dựng cuộc sống xứng với nhân phẩm của mình.
Con người chúng ta hãy tham gia hoạt động trong sự công chính và tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Để làm điều này chúng ta có thái độ tin tưởng, cậy trông vào Thiên Chúa, vì Người quyền năng và phép tắc vô cùng. Chúng ta hành xử theo người công chính, phù hợp với ý muốn của Chúa, phù hợp với lương tâm ngay chính của mình. Đó chính là điều chúng ta cần vươn tới để thực thi. Đó còn là con đường sống, con đường ăn ngon ngủ yên, con đường hạnh phúc đích thực mà Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta biết.
Xin Chúa chúc lành cho mọi người trong năm mới này, biết sống và làm theo điều Chúa chỉ dạy hôm nay, làm sáng danh Chúa trong cuộc đời mình. Cầu chúc mọi người được bình an – hạnh phúc trong năm mới này.
Mồng Một TếtMt 6, 25-34
Sách Giảng viên đã nói rằng: Phù Vân quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Người khôn biết mở mắt nhìn, kẻ dại bước đi trong tăm tối. (Gv1, 2; 2,14a)
Người không biết Chúa, không biết có đời sau thì dễ đặt mục tiêu cuộc sống ở đời này là của cải, danh vọng, hưởng thụ tiện nghi, thành đạt vật chất. Thế nhưng chúng ta biết rằng: Tất cả những gì thuộc về vật chất thì không bền vững, có thể tiêu biến đi bất cứ lúc nào, có đó rồi mất đó không bảo đảm chi hết. Vì vậy, trong ngày đầu năm mới này, chúng ta hãy hướng lòng lên Chúa là Đấng trường tồn và đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa. Chúa rất yêu thương chúng ta và Chúa biết rõ xác hồn chúng ta cần những gì. Chắc chắn Ngài sẽ chỉ cho chúng ta con đường phải đi, những việc phải làm và giá trị của sự sống đời đời là như thế nào.
Ðời này chúng ta cần phải làm lụng để có cái ăn cái mặc cho mình và thân nhân. Ðiều này Chúa biết rõ. Ngay cả, chim trời mà Chúa còn lo cho có đủ ăn, hoa cỏ hoang dại ngoài đồng, nay còn mai mất mà Chúa còn trang điểm cho chúng những đóa hoa đầy màu sắc rực rỡ, không có thợ dệt nào trên trần gian nào làm được những tấm áo như thế. Huống chi chúng ta là con cái Chúa, Chúa còn quan tâm, lo lắng cho chúng ta nhiều hơn gấp bội.
Tuy nhiên, có một điều chúng ta hãy nhớ luôn luôn là: chúng ta có phần linh hồn và phần thưởng hạnh phúc đời sau. Cho nên Chúa muốn chúng ta tập trung tất cả năng lực của mình để tìm nước Thiên Ðàng và sự công chính. Khi chúng ta lo phần rỗi của mình đúng mức thì Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta phần vật chất, ít là có đủ ăn đủ mặc. Còn nếu chúng ta quá lo phần xác, bỏ bê hoặc thờ ơ trong việc sống đạo, cậy vào sức riêng và chỉ lo sao cho bằng người ta đời này mà xao lãng phần hồn thì chúng ta sẽ mất phần phúc Chúa muốn ban tặng cho chúng ta.
Cuộc sống đời này là chóng qua và bất toàn, không thể tránh những khốn khó cách này cách khác, đòi hỏi chúng ta cố gắng. Mỗi người phải vận dụng chí, tâm, trí và cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ mới vượt qua được thử thách gian nan.
Chúng ta cần xin Chúa ban cho đức tin và sự kiên trì nhẫn nại. Ðây là điều Chúa muốn nói với chúng ta trong năm mới này. Chính Chúa Giêsu khi làm người cũng đã trãi qua bao nhiêu là mồ hôi và đau khổ rồi mới đến vinh quang. Chúa Cha yêu con mình hơn tất cả mọi sự nhưng Ngài cũng không miễn giảm cho Con mình những gian nan khốn khó đời này, một để cho Con mình chịu đau khổ hơn tất cả mỗi người chúng ta để nêu gương về sự kiên trì đáp trả lời mời gọi của Chúa trong niềm tin và vâng phục.
Trong những giờ phút đầu tiên của năm Canh Dần này, chúng ta hãy dâng lên Chúa trọn cuộc sống chúng ta, với tất cả ước mơ, hy vọng, lòng ăn năn, công việc làm ăn và những mối lo toan khác. Xin Chúa đón nhận những tâm tình cầu nguyện của chúng con và xin giúp chúng con biết chu toàn bổn phận dưới sự trợ giúp của ơn Chúa và năng hướng lòng về Chúa để nhận ra nhu cầu của linh hồn mình và sự quý giá của sự sống đời sau.
Nguyện xin Chúa Xuân chúc lành cho tất cả mọi dự tính và ước vọng đạo đức, tốt lành của chúng ta và mọi việc chúng ta làm trong năm nay từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.
Cầu Bình An Cho Năm MớiMt 6,25-34
Anh chị em thân mến
Sáng hôm nay khi chuẩn bị chào đón ánh bình minh của một ngày mới như bao nhiêu ngày khác, mỗi người trong chúng ta lại có một cảm giác đặc biệt hơn bình thường, tâm hồn phấn chấn hơn, tinh thần vui tươi hơn vì ngày mới hôm nay là ngày đầu tiên của năm mới, ngày khởi đầu cho bao nhiêu dự tính, cho nên phải chuẩn bị như thế nào để tất cả mọi sự thật chu đáo. Nhìn bao nhiêu người với khuôn mặt rạng rỡ, với những bộ đồ mới, tôi thiết nghĩ: không ai khi vừa mới mặc đồ mới sạch đẹp, lại nghĩ ngay đến việc phải từ bỏ nó như thế nào, trái lại mọi người đều phải lo giữ gìn cho nó được luôn mới, đồng thời còn tận hưởng được niềm vui mà những gì bộ đồ mang đến.
Trong niềm vui của ngày đầu năm mới, chúng ta vừa nghe Lời Chúa nhắc bảo mọi người đừng lo âu thái quá, Ngài muốn nhắc nhở cho mỗi người biết bằng lòng với hiện tại, biết gìn giữ hiện tại cho cẩn thận để được tận hưởng những gì hiện tại mang đến. Hoàn thành hiện tại cho chu đáo, không phí đi những giây phút hiện tại Chúa ban cho, đó là chúng ta đã chuẩn bị cho tương lai rồi còn gì. Còn nếu chỉ biết ngồi đó nhìn về tương lai rồi lo âu, dự tính, sẽ không đi đến đâu. Ngày mai như thế nào không ai biết được, nếu không sống trọn ngày hôm nay cho thật tốt, đừng để có gì phải hối tiếc. Sống trọn ngày hôm nay với tất cả niềm tin, con người sẽ không còn phải lo âu điều gì nữa.
Mỗi người trong chúng ta đang khoát trên mình một chiếc áo của thời gian, chiếc áo mới của ngày tháng mà hôm nay đang bắt đầu. Chúng ta cũng có biết bao dự tính cho năm mới. Tính toán cho những việc làm để sinh sống, tính toán cho tương lai của mình, của những người thân. Tính toán làm những gì để có thêm lợi lộc, nghĩa là làm thế nào để có thật nhiều tiền. Nhưng từ khi mở mắt đón chào ngày mới, cho đến giờ nầy đây, chúng ta có biết dâng những giây phút đầu tiên cho Chúa, chúng ta có hứa với Chúa được điều gì chưa? Chúng ta có toan tính để trong năm mới, mình có được đời sống mới tốt đẹp hơn không? Đó mới là những dự tính thật sự cần thiiết mà mỗi người phải nhìn thấy, để làm tròn bổn phận đối với Thiên Chúa.
Chúng ta cùng tha thiết cầu xin Chúa ban ơn lành cho chúng ta trong năm mới. Chúng ta cũng xin Chúa cho mỗi người biết đỗi mới cuộc sống của mình để xứng với những ngày tháng mới mà Chúa đã ban cho.
Ngắm XemMt 6,25-34
Hôm nay là ngày lễ hội cổ truyền quan trọng nhất của dân tộc Việt nam. Sau một năm dài với biết bao khó nhọc, bao nhiêu cộng việc vây kín . . . Giờ đây, mọi người được có dịp nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, hội tụ bên gia đình và người thân . . . Thời gian là của Chúa. Xin tạ ơn Người đã gìn giữ chúng con và đã ban cho mọi người chúng con những điều cần thiết cho cuộc sống, nhất là đã ban cho chúng con có điều kiện sống đúng với địa vị và nhân phẩm của một con người và đặc biệt là người con của Chúa.
Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn lại và ngắm xem những gì chúng ta đang vun trồng và xây cất. Đã hẳn, con người khi đến tuổi khôn và trưởng thành đã có những kế hoạch cho tương lai của đời mình, để nhờ đó mà biết phải làm gì hầu mong tìm hạnh phúc cho mình và cho những người thân yêu.. Nhưng tiếc thay, những gì chúng ta đang ra công vun trồng, xây đắp và tìm kiếm chỉ là cơm áo, bạc tiền, địa vị và danh vọng. Con người đang xây dựng hạnh phúc cho mình trên nền tảng những vật chất ấy để rồi khi đạt được những điều mong muốn, con người khám phá ra đó không phải là hạnh phúc thật sự. Đôi khi những gì con người cho là hạnh phúc ấy lại hoá ra là đau khổ và nước mắt. Biết bao người đầu tắt mặt tối, lo làm giàu vật chất đã ngậm ngùi khóc than khi nhìn thấy con cái mình ra hư đốn, chồng vợ ngoại tình, gia đình tan vỡ . . . Bấy giờ, họ mới đâm ra hoang mang lo sợ.
Như vậy, hạnh phúc thật mà con người phải tìm kiếm và xây dựng nằm ở đâu? Con người phải làm gì để có được hạnh phúc ấy? Điều ta cần xác định tận tường là: Không có hạnh phúc thật ở trần gian này, mà hạnh phúc ấy chỉ có ở nơi Thiên Chúa và ở cuộc sống mai sau trên thiên quốc mà thôi. Có Thiên Chúa là có hạnh phúc thật, bởi vì Người là tình yêu và hạnh phúc.
Lời Chúa hôm nay mách bảo chúng ta phải làm gì: đó là “đừng lo” và “hãy lo”. Đừng lo phải ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Lý do Cha của chúng ta sẽ lo cho chúng ta. Nhưng hãy biết lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của người, lý do: Đó là bổn phận của chúng ta.
Cha mẹ trong gia đình thường không bảo con cái của mình khi còn nhỏ phải lo kiếm cơm áo, bạc tiền để nuôi sống mình hay gia đình, mà chỉ bảo con cái hãy cố gắng làm tròn công việc bổn phận là chăm lo học hành hay vâng lời chỉ dạy của cha mẹ thôi.
Trước mặt Thiên Chúa và đối với Thiên Chúa, chúng ta là một bé thơ. Nếu chúng ta thật sự nhìn nhận Thiên Chúa là cha của chúng ta, thì chúng ta hãy biết tin tưởng và tín thác vào Người. Chúa đã dựng nên ta, đã nhận ta làm con cái của Người thì Người không bao giờ bỏ quên hay bỏ rơi chúng ta. Hãy ngắm xem chim trời và hoa huệ ngoài đồng mà học cho thuộc bài học quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta và mọi tạo vật Chúa đã dựng nên. Bổn phận duy nhất mà Chúa muốn ta phải lo là phải làm và tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của người. Bởi lẽ không ai có thể làm thay việc bổn phận của chúng ta , ngay cả Chúa cũng không thể làm thay cho chúng ta trong công việc này được. Chúa chỉ cung cấp cho chúng ta đầu đủ những điều kiện để ta thực hiện nó mà thôi. Điều kiện đó là lý trí, ý chí và sự tự do mà Chúa đã đặt để ở nơi mỗi người. Việc bổn phận của chúng ta sẽ quyết định số phận đời đời của chúng ta. Mỗi chọn lựa hôm nay trong sự tự do, ý chí và lý trí sẽ làm nên toà nhà vĩnh viễn cho chúng ta ở cuộc sống mai sau.
Bài Tin mừng thật là một quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa muốn gởi đến mỗi người chúng ta trong ngày đầu năm này. Đây là những lời chỉ dạy, khuyên bảo và là lời chúc lành quí báu hơn mọi của cải trần gian. Chúng ta hãy hãnh diện có Chúa là Cha chúng ta. Chúng ta không phải là những kẻ mồ côi hay những người con hoang. Ai không có cha có mẹ thì hãy làm những gì họ cho là cần làm và họ muốn làm theo ý của riêng họ. Còn chúng ta, chúng ta hãy làm những gì Chúa muốn chúng ta làm.
Ước gì mỗi người chúng ta biết tận dụng mọi lời chỉ dạy của Chúa để đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa giúp chúng ta biết tin tưởng vào sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa để ta vui sống và lãnh đạo cuộc sống của mình theo ý muốn của Thiên Chúa. Hãy ngắm xem chim trời, hoa đồng cỏ nội và muôn loài trong vũ trụ mà an lòng tiến bước trong niềm tin của chúng ta.
Được PhúcGa 14, 23 – 27
Trong những ngày đầu năm, hầu hết mọi người đều phải tất bật với những lo toan, lo cho những chương trình những hoạch định sẽ làm gì đi đâu trong mấy ngày tết này. Người thì lo về với ông bà cha mẹ để chúc tết ngày đầu năm mới, cha mẹ lo cho con đi chơi chỗ này chỗ kia, người trẻ thì lo đến nhà bạn bè …..Riêng người công giáo cũng lo nhưng với chiều kích khác. Ngày đầu năm người Công giáo có thói quen đến nhà thờ để gặp gỡ Chúa, như là chu toàn cho bổn phận của một người con đối với Cha mình là Thiên Chúa. Họ đến với nhà thờ để chúc tuổi Chúa và cũng không quên cầu phúc lộc đầu năm để hướng đến một năm mới sống trong sự chở che của Thiên Chúa. Bên cạnh các ý đó Giáo Hội còn mời gọi mọi người hướng cái nhìn đến những người đau khổ để cảm thông giúp đỡ và cầu nguyện cho họ cũng như cầu nguyện cho sự hòa bình của thế giới.
Trong bài đọc 1 , chúng ta thấy được sự hiện hữu của vũ trụ vạn vật là do tình thương của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã thương yêu mà tạo nên, và Thiên Chúa đã chúc phúc cho những gì Người đã làm.
Trong bài đọc 2 , thánh Phaolô tông đồ mời gọi mọi người hãy biết tìm đặt sự tin tưởng nơi Thiên Chúa; hãy biết vui luôn trong Thiên Chúa và hãy lo tìm kiếm những giá trị chân thật cũng như sự cao quý cho đời sống của một người con cái Chúa.
Nơi bài phúc âm, thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa và đừng sợ hãi. Ai yêu mến và tuân giữ Lời của Ngài chính là người đang sống trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: “Thầy và Cha Thầy sẽ đến và ở trong người ấy….Chúa Thánh Thần sẽ dạy…..” Kết quả cho những ai yêu mến và tuân giữ Lời là sẽ tìm được sự bình an trong Thiên Chúa.
Ngay từ đầu Tin Mừng, ta thấy được yếu tố quan trọng hàng đầu đó là sự vâng giữ Lời của Chúa Giêsu, như là một cách thức biểu lộ tình yêu. Thật vây khi yêu một người nào đó thì ta luôn nhớ đến những lời người đó nói và hằng giữ những gì người muốn nơi ta; dù là người đó thật sự sống gần hay không gần ta không quan trọng. Ở đây Lời Chúa là một sự mời gọi trực tiếp và cụ thể cho người Kitô hữu qua việc vâng giữ Lời Thiên Chúa. Người Kitô hữu được đặt trước một sự chọn lựa dứt khoát. yếu tố tuân giữ Lời luôn là yếu tố hằng đầu và là nền tảng cho đời sống đạo của người Kitô hữu trên hành trình tiến về Nhà Cha trên trời. Một sự vâng giư có tính cách liên tục chứ không phải khi vui thì giữ khi buồn thì thôi. Một khi người Kitô hữu không tuân giữ hoặc coi nhẹ Lời ấy thì chính là một sự biểu lộ cho thấy người đó đã đặt sai chổ trong tình yêu; thay vì tìm đặt nơi Thiên Chúa thì lại chọn nơi các tạo vật. Và như thế họ tự đặt mình tách rời khỏi sự sống trong tình yêu của Thiên Chúa, tự cắt đứt mối dây liên đới với Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự sống.
Việc chúng ta đến nhà thờ hôm nay đây được coi như một dấu chỉ cho việc vâng giữ Lời. Thế nhưng ta cần phải nhìn nhận một thực tế là khi mọi người hiện diện ở nơi đây thì không hẳn là hết tất cả mọi người vì lòng yêu mến Thiên Chúa và muốn vâng giữ Lời của Ngài. Có người hiện diện vì thói quen hay chỉ là làm cho đủ lễ nghĩa rồi thôi để còn phải lo cho những chuyện khác ….Những cám dỗ niềm vui bên ngoài và cả những lo toan nhiều sự dễ làm cho ta trở nên xem nhẹ tình yêu dành cho Thiên Chúa . thực không gì tệ hại cho bằng việc đến với nhà thờ, đến với Chúa vào ngày đầu năm mà lại là làm vì thói quen hay làm cho có lễ thôi, làm lấy có lấy rồi. ý nghĩa mà ta đến với Chúa ngày hôm nay cần phải đợc thanh luyện khỏi những cám dỗ đó, để rồi mặc cho nó một ý nghĩa sâu xa và cao quý hơn là làm vì lòng yêu mến Thiên Chúa và vì muốn vâng giữ Lời Người.
Một sự chuẩn bị tâm hồn để đến với Chúa là chủ tể của sự sống thật cần thiết biết bao, thật là lý tưởng nếu ta có được sự chuẩn bị như thế; vì rằng đây là một sự chọn lựa đúng đắn, biết đặt nền tảng sự sống mình nơi Thiên Chúa , biết chọn Chúa làm nguồn sống đích thực cho đời mình trong ngày đầu năm này.
Năm Mới – Đổi Mới“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh”.
Trong ý nghĩ của dân chúng Việt Nam , mồng một tết là ngày Thiêng liêng nhất của cả năm, là khởi đầu của mọi sự khởi đầu, sự nghiệp của con người thành bại, tốt xấu một phần quan trọng là do thời điểm Thiêng liêng này quyết định. Do đó, trong ngày tết hôm nay chúng ta cùng dâng lên Chúa tất cả lòng tôn kính, cảm tạ Chúa đã và đang tiếp tục ban ơn. Chúng con tin chắc Chúa rất sẵn lòng ban ơn cho chúng con, nhất là những gì cần thiết cho việc sống đạo và ích lợi cho phần rỗi của chúng con trong suốt năm nay.
Năm hết tết đến, tôi lại nhớ câu : Chúa Giêsu càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan nhân đức. Tôi thấy hổ thẹn vì qua một năm rồi mà tôi chưa khắc phục được những khuyết điểm theo dự tính, chưa phát huy hết mức ưu điểm và khả năng để làm đẹp lòng Chúa. Năm mới này tôi quyết tâm sống đạo sốt sắng hơn, không chỉ giữ mình khỏi phạm tội làm mất lòng Chúa mà còn luyện tập các nhân đức: khôn ngoan, công bình, dũng cảm, tiết độ cụ thể trong công việc hàng ngày, tôi sẽ chạy đến Chúa với tâm tình con thảo, biết nói tiếng không với tội lỗI và quảng đại giúp đỡ mọi ngừơi. Chúa đã ban ơn gìn giữ chúng con trong suốt năm cũ, xin cũng chúc lành và ban những ơn cần thiết cho chúng con trong năm mới.
Mồng một tết là ngày vui, ngày đẹp, không khí tôn nghiêm, mọi người phải cư xử tốt đẹp với nhau. Dù ngày thường có giận dỗi thì hôm nay cũng phải cởi mở chan hoà: giận đến chết, tới tết cũng thôi. Tuy nhiên, chúng ta là con cái Chúa, chúng ta không chỉ sống vui với mọi ngừơi trong ngày tết mà còn tập sống vui vẻ, nhân ái trong suốt năm, đúng với tinh thần yêu thương của những người con cùng một tổ tiên, cùng một Cha. Mỗi người phải luôn vun bồi hoà bình và hạnh phúc trong lòng mình để có thể đem bình an hạnh phúc đến cho mọi người.
Mồng một tết còn có tục mừng tuổi và chúc thọ, có thể mừng bằng tiền, nhưng phải chú trọng đến mặt hình thức. Con cháu cũng nhận được sự tôn trọng, những lời khuyên bảo ân cần hữu ích trong dịp tết. Tết cũng là dịp giao lưu tình cảm, hoà hợp giữa ngừơi với người, là dịp đi chơi, thăm hỏi, chúc mừng, động viên nhau. Mọi người dẹp bỏ những lo âu, buồn phiền và chúc nhau những gì tốt đẹp nhất : phúc, lộc, thọ ….Tết năm mới là cơ hội duy trì và giữ vững mọi mối quan hệ gia đình và xã hội vốn có từ lâu đời (thăm hỏi và chúc mừng). Tết cũng phải là dịp chúng ta nhớ đến Chúa là Cha, người đã cho chúng ta tất cả hạnh phúc này, Người có ơn lớn lao không những đối với chúng ta mà còn đối với cha mẹ, tổ tiên chúng ta, Người cho mà không hề kể công, không đòi đáp trả. Cha mẹ chúng ta thường không hề tính công với con cái, nhưng bổn phận của chúng ta là biết đáp đền công ơn của các ngài; Chúa ban cho chúng ta và gia đình chúng ta nào ơn sinh thành, nào ơn cứu chuộc, ơn này ơn khác trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phảI mang ơn ngài biết kể sao cho xiết! là con hiếu thảo của Ngài, chúng ta phải biết sống sao cho đẹp lòng ngài, luôn biết đáp trả lời mời gọi của Chúa trong Kinh Thánh cụ thể trong Mười Điều răn, tám Mối Phúc thật và các lời khuyên Phúc Âm.
Lạy Chúa, trong tâm tình của ngày đầu năm mới, chúng con hết lòng cảm tạ Chúa về những ơn lành Chúa ban trong suốt thời gian qua, xin Chúa thương cho mọi người chúng con năm mới được dồi dào ơn lộc Chúa, luôn hăng say trong sứ vụ Phúc Âm hoá, luôn lưu ý đến việc làm gương sáng cho mọi người trong gia đình và bạn bè về niềm tin đối với Chúa và sự sống đời sau.
Thiên Chúa Quan PhòngMt 6, 25 – 34: 9, 28b- 36
“Tiên vàn, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các thứ khác, Người sẽ thêm cho…” (Mt 6, 33)
Năm 1978, lúc tôi còn là thầy Sáu, Phó tế, đang công tác tại họ nhà, có một gia đình trẻ mời các thầy chủng viện đến ăn cơm ngày mồng hai Tết. Các thầy lúc đó đang ở tại họ đạo chỉ có tôi, Thầy Cảnh và thầy Hiệp. Thầy Liêm và Thầy Đằng đang đi giúp họ xa không có nhà. Bữa cơm hôm đó cũng vui. Phần chúng tôi là các thầy, khi đến đây ăn cơm cũng có ý để chia vui với gia đình dịp Tết, đồng thời cũng giúp củng cố niềm tin của gia đình còn khá “hôi nhang”. Hôm đó, chúng tôi hoàn toàn không hiểu ý của chủ nhà chi cả; cho đến vài tuần sau, có người nhắc nhở chúng tôi: họ mời các thầy tới nhà ăn cơm là kén chọn chữ đó: CẢNH – HIỆP – LỰC. Vậy sao? Hóa ra người ta mượn tên của chúng tôi: Cảnh – Hiệp – Lực, để xông đất nhà họ vào Mồng Hai Tết, tránh bị xấu hái…. Trời ơi là trời…. Dù vậy, tôi cũng nói thêm, gia đình đó không khá đâu: nội trong năm đó, gia đình tan nát cả, mỗi người mỗi nơi…. Tại ai đây?
- Những Ngày tết VN chúng ta, còn có quá nhiều cái cấm kỵ, những cái cấm kỵ tự mình trói buộc lấy mình: ngày Tết hoàn toàn nghỉ ngơi đã đành, ta còn phải kiêng cử: không được quét nhà – hay quét nhà thì không đổ bỏ rác đi – ngày Tết không được ăn mặc rách rưới, không được ở trần, kẻo ở trần cả năm – mình có cái tên không được thanh, tên xấu, thì không được xông đất nhà người, kẻo người ta chưởi; hay mình quá nghèo, cũng không ngang ngược vào xông đất nhà người khác lúc sáng sớm, khi người ta không mời…- mấy ngày Tết, không được chưởi bới kẻo xui cả năm – cây trái chưng trên bàn thờ phải là: mảng cầu, đu đủ, trái xoài (không phải dâng lễ phẫm quí giá với tấm lòng thành cho Thiên Chúa, hay cho ông bà Tổ tiên, mà là cầu cho chính mình mà thôi: CẦU – ĐỦ – XÀI ) – ba ngày tết, người ta còn cố gắng chúc cho nhau những lời thật tốt đẹp, tránh tới mức tối đa không nói những lời không hay để sang năm được may được lành.
- Anh chị em thân mến, người ta tưởng tất cả những kiêng kỵ đó đem lại phúc lộc cho họ trong ba ngày Tết và trong cả năm, thực ra tất cả hầu như đêu ngược lại. Ai có thể tin rằng vì ngày Tết, tôi ở trần nên cả năm tôi sẽ phải ở trần như thế? Ai bảo đảm cho tôi rằng vì ngày Tết tôi không quét nhà, nên cả năm tôi sẽ giữ của cải lại được? Thực ra chúng ta sẽ là những người ngốc nghếch hết chổ nói, nếu ta tin và giữ theo mặt chữ mọi kiêng kỵ nêu trên… Chính bài Tin Mừng hôm nay giải thích cho chúng ta cặn kẻ về nguồn hạnh phúc thật từ đâu mà có, và muốn giữ được hạnh phúc, ta phải làm gì. Lời Chúa dạy hầu như hoàn toàn ngược lại: đừng lo cho mạng sống mình không có của ăn của mặc, chim trời và hoa huệ ngoài đồng Chúa còn lo cho chúng huống chi là con người – trước hết hãy lo tìm Nước Thiên Chúa, có nghĩa trước tiên hãy nghe và thực hành Lời Chúa, sống như Chúa Kitô đã sống; mọi sự khác Chúa sẽ lo cho ta sau… Sở dĩ người ta hay còn chạy theo hủ tục, mê tín dị đoan, kiêng kỵ tầm phào, chính là vì đức tin của ta còn quá kém,hiểu biết Lời chúa của ta quá nông cạn. Lịch sử Hội thánh qua 20 tk, chính các thánh đã là những tấm gương tin và thực hành Lời Chúa….
Gợi ý sống và chia sẻ:
* Là người Kitô hữu, là con Thiên Chúa những ngày tết năm nay ta có sẳn sàng loại bỏ những hủ tục, những kiêng kỵ vớ vẫn để tin vào một mình Thiên Chúa, vào sự quan phòng của Người không?
* Chúa nói: ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang một tấc không? Là Kitô hữu chúng ta hiểu rõ câu nói này lắm, ta có tin vững vàng nơi Chúa Giêsu không?
printTừ khóa » Thánh Lễ Mồng Một Tết
-
Lễ Tân Niên – Mùng Một Tết | Tổng Giáo Phận Hà Nội
-
Thánh Lễ Mồng Một Tết Nguyên Đán 1/2 Dành Cho Những Người ...
-
Mồng Một Tết THÁNH LỄ TÂN NIÊN
-
Mồng Một Tết - Thánh Lễ Tân Niên
-
Mùng Một Tết: Lễ Minh Niên - TGP SÀI GÒN
-
Bài Giảng Lễ Tân Niên (Mồng Một Tết) - TGP SÀI GÒN
-
THÁNH LỄ ĐẦU NĂM – MỒNG MỘT TẾT - Giáo Xứ Khiết Tâm
-
Suy Niệm Tin Mừng Ngày Mồng Một Tết Bài 1-50 Cầu Bình An Năm ...
-
Thánh Lễ Mồng Một Tết
-
MỒNG MỘT TẾT, THÁNH LỄ MINH NIÊN - SimonHoaDalat
-
Thánh Lễ MỒNG MỘT TẾT NGUYÊN ĐÁN | Bài Giảng
-
THÁNH LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM ẤT MÙI - Giáo Xứ Lang Minh
-
Thánh Lễ Mồng Một Tết, (Cầu Bình An Cho Năm Mới)