Các Bài Tập Vẽ Bằng Màu Nước - MyThuatMS

Các bài tập vẽ bằng màu nước

Các bài tập vẽ bằng màu nước

1. Bài vẽ tĩnh vật bằng màu nước:

* Hiểu biết về tranh tĩnh vật vẽ bằng màu nước:

Đối tượng là các vật tĩnh, bày trong một không gian cụ thể, ánh sáng tập trung, màu mạnh.

Phải ưu tiên tả được khối nổi của lọ, hoa quả cũng như tương phản mạnh về màu và đậm nhạt giữa nền và các vật tĩnh.

Lưu ý về màu ảnh hưởng và độ sáng ở chỗ có phản quang trong phần tối của lọ hay các quả.

Chú ý: người mới tập thường tưởng nhầm là bóng đổ chỉ có 1 độ đậm và 1 màu, nhưng thực ra có thể có vài độ đậm và vài màu có độ chênh lệch ít.

Tránh tẩy xóa, hạn chế pha trắng. Nên chừa nền giấy chỗ có mảng sáng lớn, nhất là điểm nháy sáng (nếu cần thì dùng màng cao su non Art Masking Fluid).

* Cách chọn và bày mẫu:

Để tạo điều kiện cho các em mới tập vẽ màu nước, nên chọn lọ gốm có dáng và màu đơn giản, vài loại quả khá to, chín đều. Nên hạn chế bày hoa (dù hoa là thành phần hấp dẫn nhất của tranh tĩnh vật) vì hoa khó vẽ hơn nhiều so với các lọ và quả do mảng – khối của hoa nhỏ hơn, nhiều hơn, phức tạp hơn; hoa lại chóng héo hơn quả, mau rũ và gục xuống – do đó, ở những bài tập vẽ tĩnh vật bằng màu nước đầu tiên nên tạm thời chưa vẽ hoa vội.

Vải nền nên thật đậm (nếu lọ và quả màu sáng) hoặc thật sáng (nếu lọ và quả tương đối đậm) để tạo tương phản và tôn lên các lọ và hoa quả.

Nguồn sáng cần mạnh, ổn định và tập trung.

* Khuôn khổ bài: khoảng 30 x 40 cm cho vừa sức.

* Các công đoạn: xem các bước vẽ màu nước trong bài trước.

mau nuoc 1 Bước 1: Phác chì

mau nuoc 2 Bước 2: Phác nét bằng màu nhẹ, đè lên nét chì

mau nuoc 3 Bước 3: Bắt đầu lên đậm nhạt nhẹ bằng các màu chính

mau nuoc 4 Bước 4: Tiếp tục diễn tả bằng màu

mau nuoc 5 Bước 5: Diễn tả hoàn thành

2. Bài vẽ phong cảnh thiên nhiên bằng màu nước

* Hiểu biết về tranh phong cảnh thiên nhiên vẽ bằng màu nước:

- Nước ta ở miền nhiệt đới nên cây cỏ xanh tươi quanh năm. Tuy nhiên ở miền Bắc mùa đông ta sẽ gặp một số cây lá vàng và lá đỏ (cơm nguội, bàng, bằng lăng…) rồi sau đó rụng hết lá, chỉ còn trơ cành. Một số loài cây khác cũng có mùa thay lá như tre, sấu hay xà cừ… Mùa hè ở Hà Nội và các thành phố lớn khác lại có những cây nở hoa đỏ rực như phượng vỹ, vàng ươm như hoa hòe hay tím lung linh như bằng lăng… Đây là những sắc màu rất thuận lợi cho việc vẽ phong cảnh màu nước. Nếu vẽ cảnh đồng quê, ta sẽ phải chú ý đến màu ruộng lúa: mạ non mướt, lúa đang “thì con gái” xanh lá đậm, lúa chín vàng, ruộng đang cày bừa màu nâu đậm…

- Trước khi vẽ, ta nên quan sát sự phong phú của các kiểu tán lá: cao vút như thông hay phi lao, tròn ủm như nhãn, sấu hay mít, phân tầng như bàng, thướt tha như liễu, thành khối với các đỉnh nghiềng, cong xuống như tre v.v…

- Sự phong phú của cây cối còn ở kiểu lá: nhiều lá nhỏ tụ lại dày đặc như bụi tre, tụ lại thành từng cụm nhỏ như xoan, “vừa bằng cánh cửa, nằm ngửa giữa trời” như chuối, tròn to, xanh đậm và xòe ra nhiều tia nhọn như lá cọ, chỉ có một bó lá trên đỉnh cao như cây cau…

- Góc nhìn phong cảnh miền Bắc rất thuận tiện: có thể ở tầm nhìn ngang bình thường, có thể đứng trên đê nhìn xuống cánh đồng để thấy cánh rộng hơn, cũng có thể từ nóc nhà mái bằng nào đó nhìn khắp làng…

- Để cho “sơn thủy hữu tình”, có người còn tìm vẽ cảnh có mặt nước hồ, ao, sông ngòi. Tất nhiên có bóng nước phản chiếu sẽ làm cảnh đẹp thêm nhưng cũng khó hơn, đòi hỏi tay nghề cao hơn với rung cảm tinh tế hơn.

* Cách chọn và cắt cảnh:

- Tiện lợi nhất là vào vẽ cảnh công viên: rất nhiều cây cỏ trồng tập trung. Tuy nhiên nếu không trúng mùa thay lá hay ra hoa thì cả công viên chỉ một màu xanh ngắt nhàm chán. Cây ở công viên thường đều nhau: cùng độ tuổi, cùng loài – lại là một sự nhàm chán khác – do đó hãy cố tìm chỗ có các cây to nhỏ không đều nhau để cho cảnh dễ đẹp hơn.

- Nếu dũng cảm hơn, ta có thể vẽ cảnh ở ven một số hồ như: Thiền Quang, hồ Tây, Trúc Bạch. Riêng hồ Gươm thì hơi khó vì ta sẽ vừa vẽ vừa phải đối phó với đám đông hiếu kỳ chen lấn xô đẩy.

- Cũng có thể ra ngoại thành vẽ cảnh đồng quê hoặc chùa chiền.

- Nên chế khung giấy bìa có trổ khuôn tranh chữ nhật ngang để tiện soi và cắt cảnh.

- Nhớ không để đường chân trời chia đôi tranh theo chiều ngang, cũng không để cột điện, thân cau, cạnh tường nhà chia đôi tranh theo chiều dọc.

- Nếu gặp lúc trời nắng thì màu sắc đậm nhạt phong cảnh sẽ đẹp hơn nhưng bất tiện ở chỗ mặt trời không đứng yên nên không thể vẽ liền tù tì từ sáng đến chiều được. Vậy tốt nhất ta chỉ vẽ nắng sáng hoặc nắng chiều (toàn vẽ sáng – khoảng 2-3 buổi sáng hoặc toàn vẽ chiều khoảng 2 – 3 buổi chiều).

- Không vẽ cảnh lạ kiểu như cảnh đêm (dù có đèn) hay trời mưa vì không những khó mà còn gây phức tạp vấn đề, nhất là với người mới tập vẽ.

* Khuôn khổ bài: nên 40 x 55 cm là vừa.

* Các công đoạn: xem các bước vẽ màu nước.

mau nuoc 6 Bước 1: Phác hình bằng chì

mau nuoc 7 Bước 2: Phác nét bằng màu nước nhẹ, đè lên nét chì (Những chỗ cần để sáng thì tô màu cao su non lên (lá chuối mảng hoa xa)

mau nuoc 8 Bước 3: Bắt đầu diễn tả bằng màu nhạt Những chỗ đã phủ cao su non (lá chuối) sẽ không bắt màu

mau nuoc 9 Bước 4: Bóc bỏ màng cao su non phủ trên các lá chuối và các mảng hoa phía xa lộ nền giấy trắng tinh

mau nuoc 10 Bước 5: Tiếp tục diễn tả màu lá chuối và màu hoa phía xa

mau nuoc 11 Bước 6: Vẽ tiếp, nhất là lá chuối

mau nuoc 12 Bước 7: Tranh đã hoàn thành

mau nuoc 13 Đường dây hợp pháp. Ký họa màu nước của Phạm Đỗ Đồng

3. Bài vẽ phong cảnh thành thị bằng màu nước

* Hiểu biết về đặc điểm phong cảnh thành thị:

- Kiến trúc đương nhiên là cảnh quan chính ở thành thị. Ta sẽ phải vẽ cảnh phố xá, nhà cửa san sát với vô số cửa hàng, biển hiệu, quảng cáo… Nhưng không chỉ có toàn nhà, hai bên vỉa hè còn có 2 hàng cây xanh. Nhờ có cây mà cảnh phố xá lãng mạn và nhà cửa đỡ trơ hơn.

- Phong cảnh thành thị không có nghĩa là ta cứ phải và chỉ vẽ phố với 2 dãy nhà 2 bên. Có thể chọn vẽ ngõ nhỏ nào đó cho yên tĩnh hơn, nhất là cảnh không quá rộng như phố. Đấy là chưa kể hiện ở thủ đô có khá nhiều phố mà chỉ có một bên là nhà cửa còn bên kia là bờ hồ với cây cối, bãi cỏ, hồ sen thơ mộng như các phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (ven hồ Gươm) hay phố Nguyễn Du, Trần Nhân Tông, Trần Bình Trọng, Quang Trung (ven hồ Thiền Quang) hoặc phố Trích Sài, Lạc Long Quân, Vệ Hồ… (ven Hồ Tây). Tất nhiên, đã gọi là Phong cảnh thành thị tức là phải vẽ cảnh có dãy nhà – phố, vỉa hè, đường nhựa nhưng không nhất thiết phải vẽ phố có đủ cả 2 dãy nhà 2 bên.

- Tuyệt nhất là chọn được cảnh phố có cả cổng đình – chùa, cổng làng cổ với cây cổ thụ, như vậy sẽ dễ đẹp hơn.

- Vì vẽ màu nên ta phải chú ý chọn cảnh phố có sắc màu phong phú (nhưng không quá sặc sỡ). Tốt nhất là cảnh phố có mái ngói, ban công, cổng cổ trong khi trời nắng, tương phản với màu sắc sẽ mạnh và đẹp hơn.

- Ta sẽ gặp “vấn nạn” vẽ người trong cảnh phố xá. Ở đấy,bao giờ cũng đông đúc nên nếu không vẽ người thì gây cảm giác “phố hoang” một cách phi lý, mà vẽ người thì sợ khó (vượt quá trình độ sinh viên mới tập vẽ màu nước). Trong trường hợp này, tốt nhất là vẫn vẽ, nhưng chỉ vẽ 1 hay 2 người thôi: nên chọn dáng tĩnh như người ngồi bán hàng chẳng hạn. Không vẽ người ở vị trí quá gần (chiếm diện tích lớn sẽ rất thô) hay quá xa (bé như con kiến thì cần vẽ gì nữa?) và cũng nên phác chì trước cho cẩn thận.

* Cách chọn và cắt cảnh

- Nên chọn phố nhỏ hay ngõ nhỏ yên tĩnh cho dễ vẽ.

- Thuận lợi nhất là ngồi nhà vẽ qua cửa sổ rộng hay từ trên gác 2 vẽ xuống phố. Không nên chọn vị trí cao quá tầng 2 vì xử lý tầm cao với độ hút sẽ rất phức tạp, khó vẽ.

- Phố cổ thường đẹp và dễ vẽ hơn vì nhà không quá cao, có nhiều thành phần nhô ra thụt vào, các mái nhà cổ cũng duyên dáng hơn, màu đẹp hơn, các cửa sổ cũng đa dạng hơn.

- Nếu vẽ cảnh phố có nắng thì nên chú ý tới bóng đổ của nhà và cây: bóng đổ làm tăng tương phản nên hấp dẫn hơn. Cần thận trọng kẻo bóng đổ quá đậm và quá cứng.

- Tránh vẽ phố mới và các khu nhà quá cao tầng vì phong cảnh đơn điệu, quá nhiều đường thẳng, nhà to – cao quá khổ bản vẽ.

- Tránh vẽ cảnh phố với 2 vỉa hè đều nhau ở 2 bên, mặt đường chính giữa khiến trọng tâm rơi vào trung tâm tranh, gây cảm giác tranh bị chia đôi.

- Tránh ngồi ở mặt phố bên này để vẽ chính diện mặt phố bên kia vì khoảng cách quá gần, khó nhìn bao quát, người vẽ không có chỗ lùi; nếu cố vẽ sẽ không thành phong cảnh mà chỉ còn là góc cảnh.

- Tránh để đường chân trời chia đôi tranh theo chiều ngang hoặc cột điện hay thân cây chia đôi tranh theo chiều dọc.

* Khuôn khổ bài: nên 40 x 55 cm là vừa.

* Các công đoạn: như các bước vẽ màu nước.

mau nuoc 14 Bước 1: Phác chì và màu nước nhạt

mau nuoc 15 Bước 2: Lên màu nhẹ vào các mảng dự kiến sẽ vẽ đậm, đồng thời tô cao su non lên các mảng lá sáng phía trước

mau nuoc 16 Bước 3: Tiếp tục diễn tả sâu hơn rồi bóc bỏ màng cao su non, để lộ các mảng lá sáng

mau nuoc 16b Bước 4: Tiếp tục vẽ các mảng lá sáng màu (sau khi bóc bỏ màng cao su non)

mau nuoc 16c Bước 5: Tranh hoàn thành

5. Bài vẽ phong cảnh kết hợp thiên nhiên – kiến trúc bằng màu nước

* Lưu ý: Đây là bài tổng hợp của cả 2 bài trên nên các quy cách và công đoạn tương tự như 2 bài trên, chỉ có điều là kiến trúc bao giờ cũng quan trọng hơn cây cối nên thường được chọn làm trung tâm.

- Hay nhất sẽ là vẽ cảnh đền chùa nào đó có đủ cả thiên nhiên (cây cối, núi đồi, hồ ao) và kiến trúc cổ. Gợi ý: vẽ cảnh chùa Trấn Quốc, đền Voi Phục, chùa Kim Liên, đình Kim Liên, chùa Một Cột, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Quang bên Hồ Gươm, chùa Thiên Niên, Vạn Niên bên hồ Tây, chùa Thầy, chùa động Hoàng Xá, chùa Tây Phương…

- Cũng có thể vẽ các kiến trúc trong công viên như Quán Gió (công viên Thống Nhất), Nhà Kèn (sau lưng tượng Lý Thái Tổ), nhà 4 cột lợp ngói xanh (gần tượng đài Lê Nin).

* Khuôn khổ bài: nên 40 x 55 cm là vừa sức.

mau nuoc 17 Bước 1: Phác hình

mau nuoc 18 Bước 2: Lên các mảng màu cơ bản

mau nuoc 19 Bước 3: Tranh hoàn chỉnh

Một số hình ảnh tham khảo các phong cách vẽ tranh màu nước

mau nuoc 20 Vụ hỏa hoạn tại tòa nhà Quốc hội London. Tranh màu nước của họa sĩ William Turner

mau nuoc 21 Nhà thờ Durham. Tranh màu nước của họa sĩ William Turner

mau nuoc 22 Gác chuông chùa Trăm Gian. Tranh màu nước của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

mau nuoc 23 Bến sông Hương. Tranh màu nước của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

mau nuoc 24 Nắng chiều trên phố Calgary Canada. Tranh màu nước của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

mau nuoc 25 Nắng mùa đông trên phố Nhà Thờ. Tranh màu nước của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

mau nuoc 26 Vịnh Hạ Long. Tranh màu nước của họa sĩ Lưu Công Nhân

mau nuoc 27 Sông Tam Bạc. Tranh màu nước của họa sĩ Lưu Công Nhân

mau nuoc 28 Làng quê ở Thái Lan. Tranh màu nước của họa sĩ người Thái Direk Kingnok

mau nuoc 29 Chợ nổi ở Thái Lan. Tranh màu nước của họa sĩ người Thái Direk Kingnok

mau nuoc 30 Phố cổ Hà Nội. Tranh màu nước của họa sĩ người Thái Direk Kingnok

mau nuoc 31 Khuê Văn Các. Tranh màu nước của họa sĩ người Thái Direk Kingnok

>>> Vẽ màu nước

>>> Màu nước - Chất liệu cho những thử nghiệm không giới hạn

>>> Kỹ thuật đổ bóng bằng màu nước

Từ khóa » Cách Vẽ Cây Xanh Bằng Màu Nước