VI EN Trang chủ GIỚI THIỆU Lãnh đạo đơn vị Chức năng, nhiệm vụ Tổ chức và cơ chế hoạt động Hệ thống tổ chức Y tế dự phòng TIN TỨC - SỰ KIỆN Tin địa phương Tin chuyên ngành Tin chỉ đạo Tin cũ HOẠT ĐỘNG Phòng chống bệnh truyền nhiễm Phòng chống bệnh không lây nhiễm Quản lý tiêm chủng an toàn sinh học Y tế cộng đồng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học Hợp tác quốc tế Chỉ đạo tuyến HỆ THỐNG VĂN BẢN Văn bản quy phạm pháp luật Thủ tục hành chính Văn bản chỉ đạo điều hành Văn bản dự thảo - góp ý HÀNH CHÍNH ĐIỆN TỬ Thư điện tử công vụ Hệ thống văn bản điện tử vi en
-
- Trang chủ
- GIỚI THIỆU
- Lãnh đạo đơn vị
- Chức năng, nhiệm vụ
- Tổ chức và cơ chế hoạt động
- Hệ thống tổ chức Y tế dự phòng
- TIN TỨC - SỰ KIỆN
- Tin địa phương
- Tin chuyên ngành
- Tin chỉ đạo
- Tin cũ
- HOẠT ĐỘNG
- Phòng chống bệnh truyền nhiễm
- Phòng chống bệnh không lây nhiễm
- Quản lý tiêm chủng an toàn sinh học
- Y tế cộng đồng
- Đào tạo - Nghiên cứu khoa học
- Hợp tác quốc tế
- Chỉ đạo tuyến
- HỆ THỐNG VĂN BẢN
- Văn bản quy phạm pháp luật
- Thủ tục hành chính
- Văn bản chỉ đạo điều hành
- Văn bản dự thảo - góp ý
- HÀNH CHÍNH ĐIỆN TỬ
- Thư điện tử công vụ
- Hệ thống văn bản điện tử
Thứ hai, ngày 11 tháng 1 Năm 2021 9:12 AM
11 / 1 / 2021
Tin tức
CÁC BỆNH DO GIUN
15/07/2016 In bài viết
_ CÁC BỆNH DO GIUN Các bệnh do giun thuộc nhóm bệnh C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm I. BỆNH GIUN ĐŨA (Ascaridosis) ICD-10 B77: Ascariasis 1. Đặc điểm của bệnh. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. - Ca bệnh lâm sàng: không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Đôi khi, giun sống bị thải ra theo phân hoặc chui ra theo đường miệng, mũi. Một số bệnh nhân có hội chứng Loffler ở phổi với các triệu chứng thở khò khè, ho, sốt, đau ngực dữ dội, tăng bạch cầu ưa a xít; X quang có nhiều nốt thâm nhiễm rải rác hai phổi; các triệu chứng trên hết sau 6-7 ngày. Hậu quả nặng do giun đũa là tắc ruột, tắc mật hoặc viêm ruột thừa do giun. - Ca bệnh xác định: có trứng giun trong phân hoặc thấy giun trưởng thành trong phân hoặc giun chui ra qua mũi, miệng. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Bệnh giun đũa không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, ngoại trừ khi có biến chứng tắc ruột, tắc mật hoặc viêm ruột thừa do giun. 1.3. Xét nghiệm: - Loại mẫu bệnh phẩm: phân - Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz. 2. Tác nhân gây bệnh. 2.1. Tên tác nhân: giun đũa (Ascaris lumbricoides). 2.2. Hình thái: giun đũa là loại giun có kích thước lớn ký sinh ở ruột non của người. Giun cái trưởng thành dài khoảng 20-25cm, giun đực dài 15-17cm. Giun có màu trắng hồng, đầu và đuôi thon nhọn. Giun đũa cái đẻ trứng, trứng giun hình bầu dục dài 45-50 mm. Lớp ngoài cùng của trứng có lớp vỏ xù. 2.3. Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: trứng giun đũa ra ngoại cảnh thâm nhập vào đất, gặp điều kiện thuận lợi ở nhiệt độ môi trường từ 24-250C sau 12-15 ngày, trứng phát triển thành ấu trùng có khả năng gây nhiễm cho người và giữ khả năng này trong nhiều tháng thậm chí một hai năm nếu gặp vùng đất thuận lợi. Trứng giun tồn tại trong mùa hè được khoảng 3 tháng, ở nhiệt độ thấp hơn thì thời gian này kéo dài hơn. Trứng giun đũa có khả năng tồn tại ở nhiệt độ âm tới -120C. Trứng giun sống được vài giây ở nhiệt độ 500C và bị diệt ở nhiệt độ 60oC. Độ ẩm trên 80% là thuận lợi nhất cho trứng phát triển. Trứng giun dễ bị diệt dưới ánh nắng mặt trời và khô hanh.
3. Đặc điểm dịch tễ học: Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun đũa là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Bệnh giun đũa phát triển ở các nước nhiệt đới và ôn đới, dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị. Trẻ em nhiễm giun đũa cao hơn người lớn.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: là người đặc biệt là trẻ em; ổ chứa trứng giun là đất, nước nhiễm phân. - Thời gian ủ bệnh: không rõ ràng. Người nuốt phải trứng giun, khi đến ruột non trứng nở giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu, di chuyển đến phế nang phổi và phát triển lớn lên tại phổi, sau đó ấu trùng lên khí quản và được nuốt lại vào dạ dày. Tại ruột non, ấu trùng phát triển thành giun đũa trưởng thành. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi có các triệu chứng đầu tiên của nhiễm giun ở phổi từ 5-14 ngày. Thời gian từ khi người nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi giun trưởng thành đẻ trứng khoảng 45 đến 60 ngày. - Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh. Giun đũa cái có khả năng đẻ trên 200.000 trứng/ngày. Đời sống của giun đũa từ 13-15 tháng. Trứng giun chỉ phát triển và có khả năng lây nhiễm khi bị thải theo phân ra ngoài ngoại cảnh.
5. Phương thức lây truyền: Qua đường ăn uống: do nuốt phải trứng giun có trong đất bị nhiễm phân người. Không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun đũa, đặc biệt là trẻ nhỏ.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân. - Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng hố xí hợp vệ sinh, xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: không bắt buộc. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: không bắt buộc. + Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng, đặc biệt là trẻ em từ 2-12 tuổi. + Xử lý môi trường: phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. Có thể xử lý phân bằng vôi bột 150-200 gam/kg phân, trứng chết sau 30 phút-1 giờ. 7.3. Nguyên tắc điều trị. - Chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao. - Điều trị nhiễm giun đũa đơn thuần: Albendazole 400 mg liều duy nhất hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất hoặc Pyrantel pamoate 10 mg/kg cân nặng. - Điều trị nhiễm giun đũa phối hợp giun móc, giun tóc: Albendazole 400 mg liều duy nhất hoặc 400 mg/ngày x 3 ngày. Hoặc dùng Mebendazole 500mg liều duy nhất hoặc 500 mg/ngày x 3 ngày, Hoặc sử dụng Pyrantel pamoate 10 mg/kg cân nặng hoặc 10 mg/kg cân nặng/ngày x 3 ngày. Chú ý: Albendazole và Mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận. 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không bắt buộc.
II. BỆNH GIUN MÓC/GIUN MỎ (Ancylostomiasis/necatoriasis) ICD-10 B76: Hookworm diseases 1. Đặc điểm của bệnh: Bệnh giun móc và giun mỏ thuộc họ Ancylostomidae ký sinh ở người. Hai loài này dễ dàng phân biệt về hình thể nhưng các đặc điểm về sinh học, dịch tễ, bệnh học, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh gần giống nhau. Do vậy trong tài liệu này, cả hai loài trên được gọi với tên là giun móc/giun mỏ. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. 1.1.1. Ca bệnh lâm sàng: không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu là biểu hiện thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt) và đau vùng thượng vị tuỳ theo mức độ nhiễm giun. Thiếu máu do giun móc/giun mỏ là thiếu máu nhược sắc: giảm protein toàn phần, bạch cầu ái toan tăng 5-12%. Đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu. Khi ấu trùng giun móc/giun mỏ xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1-2 ngày. Viêm da thường do giun mỏ gây ra nhiều hơn là giun móc. 1.1.2. Ca bệnh xác định: có trứng giun móc/giun mỏ trong xét nghiệm phân. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: phân biệt với các bệnh thiếu máu khác, viêm loét dạ dày tá tràng. 1.3. Xét nghiệm. - Loại mẫu bệnh phẩm: phân - Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz. Trứng giun móc và trứng giun mỏ tương đối giống nhau: trứng giun móc hình trái xoan, kích thước từ 40 - 60 mm, ngoài là lớp vỏ không màu, nhẵn. Trong trứng có nhân, lúc sinh ra trứng đã có phôi bào. Trứng giun mỏ bé hơn trứng giun móc. Nhiều tác giả cho là trứng giun mỏ có 4 - 8 nhân, trứng giun móc có 2 - 4 nhân.
2. Tác nhân gây bệnh. 2.1. Tên tác nhân: giun móc (Ancylostoma duodenale)/giun mỏ (Necator americanus). 2.2. Hình thái: Phân biệt giun móc/giun mỏ phải xem dưới kính lúp hoặc kính hiển vi. Giun móc có mầu trắng sữa hoặc hơi hồng hoặc mầu đỏ nâu tuỳ thuộc trong ruột giun có máu hay không. Giun móc đực dài khoảng 8-11mm, giun móc cái dài 10-13 mm. Trong bao miệng có 2 đôi răng hình móc bố trí cân đối ở bờ trên miệng, bờ dưới có các bao cứng giúp giun ngoạm chặt vào niêm mạc tá tràng để hút máu. Đặc điểm của giun móc đực là gân sau có đuôi xoè như chân vịt và chia 3 nhánh. Giun mỏ nhỏ hơn, ngắn hơn giun móc. Góc độ tạo ra bao miệng với thân bé hơn giun móc. Giun mỏ không có 2 đôi móc mà có 2 đôi răng hình bán nguyệt rất sắc. Gân sau đuôi giun mỏ đực chỉ chia 2 nhánh. - Trứng ở ngoại cảnh, gặp nhiệt độ 250C-350C sau 1 ngày sẽ phát triển thành ấu trùng giai đoạn I (thực quản có ụ phình). Nhiệt độ càng thấp thì thời gian phát triển càng dài. ấu trùng giai đoạn I có kích thước 0,2-0,3 mm, sống tự do trong phân hoặc đất bị nhiễm phân và phát triển thành ấu trùng giai đoạn II dài khoảng 0,5 mm, 5 ngày sau phát triển thành ấu trùng giai đoạn III (có thực quản hình trụ) kích thước khoảng 0,5-0,7 mm, có khả năng xâm nhập vào cơ thể người qua da và niêm mạc. - Đặc điểm của ấu trùng giun móc/giun mỏ là rất hoạt động và có hướng động, đặc biệt giúp ấu trùng tìm vật chủ. + Hướng lên cao: ấu trùng thường di chuyển lên những chỗ cao như mũi đất, thân cây, cột chống hoặc ngọn cỏ, ấu trùng có thể leo cao tới 2 m. ấu trùng ít chui sâu xuống đất, ấu trùng có thể chui xuống 1m ở đất cát, 30 cm ở đất mùn và 15 cm ở đất sét. + Hướng tới nơi có độ ẩm cao: đây là cách thích nghi của ấu trùng. Khi gặp khô hanh, ấu trùng có thể sâu xuống đất có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp hơn. + Hướng tới vật chủ: ấu trùng có khả năng phát hiện vật chủ. Tuy nhiên, do không phân biệt được loại vật chủ nên thường nhầm lẫn vật chủ như giun móc chó xâm nhập qua da người hoặc ngược lại, khi nhầm vật chủ ấu trùng sẽ bị chết. 2.3. Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài. - Trứng giun móc/giun mỏ bắt buộc phải có thời gian phát triển ở ngoại cảnh thành ấu trùng mới có khả năng xâm nhập cơ thể. Hầu hết trứng giun móc không nở được ở nhiệt độ 450C và ở nhiệt độ trên 450C, ấu trùng bị diệt trong vòng 90 phút. Hầu hết trứng giun mỏ không nở được ở nhiệt độ 400C và ở nhiệt độ trên 450C ấu trùng bị diệt trong vòng 15 phút. Đất mầu, đất phù sa ven sông, đất mùn tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng phát triển, đất sét, đất mặn hạn chế sự phát triển của ấu trùng. - Dung dịch clorua Na bão hoà giết ấu trùng sau 15-20 phút. Với dung dịch clorua thuỷ ngân 1%, dung dịch focmalin và dung dịch phenol, ấu trùng chết sau 5-6 giờ.
3. Đặc điểm dịch tễ học. - Bệnh giun móc/giun mỏ lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun móc/giun mỏ là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân người. Dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, đặc biệt là dân vùng trồng màu hoặc cây công nghiệp như dâu tằm, mía, cà phê, thuốc lá, ở vùng mỏ than. - Giun móc hút khoảng 0,2-0,34 ml máu/ngày. Giun mỏ hút khoảng 0,03-0,05 ml máu/ngày. Ngoài tác hại giun hút máu, giun móc/giun mỏ còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: là người, đặc biệt là người hay tiếp xúc với đất nhiễm phân. - Thời gian ủ bệnh: Thời gian từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc lên tim, phổi và bị nuốt trở lại vào dạ dày, ruột non đến khi thành giun trưởng thành khoảng 42 - 45 ngày. Trường hợp ấu trùng xâm nhập vào cơ thể qua đường thức ăn, nước uống thì chúng không di chuyển qua phổi mà ký sinh trực tiếp tại tá tràng hoặc ruột non. Tuy nhiên, có một số ấu trùng giữ trạng thái tiềm tàng ở các tổ chức tới 8 tháng sau mới phát triển thành giun trưởng thành. - Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh và đẻ trứng. Một giun móc cái có thể đẻ từ 10.000-25.000 trứng/ngày, giun mỏ cái có thể đẻ từ 5.000-10.000 trứng/ngày. Đời sống của giun móc dài khoảng 4-5 năm và giun mỏ dài khoảng 10-15 năm nếu không được điều trị.
5. Phương thức lây truyền. - Qua đường da, niêm mạc: ấu trùng giun móc/giun mỏ giai đoạn III xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc (kẽ ngón chân, cẳng chân...) theo tĩnh mạch về tim, phổi. Tại phổi, ấu trùng thay vỏ 2 lần thành ấu trùng giai đoạn IV và V, ấu trùng giai đoạn V lên họng hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng và phát triển thành giun móc/giun mỏ trưởng thành. - Qua đường ăn uống: thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Không có lây truyền trực tiếp từ người sang người.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun móc/giun mỏ, đặc biệt là những người nông dân vùng trồng màu, cây công nghiệp, dân có tập quán sử dụng phân tươi trong canh tác nông nghiệp.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân. - Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. Không dùng phân tươi bón ruộng, vườn. Ở vùng hầm mỏ, hàng năm phải khám sức khoẻ và xét nghiệm giun móc/giun mỏ ít nhất 1 lần/năm và điều trị triệt để cho những người nhiễm giun móc/giun mỏ. 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: không bắt buộc. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: không bắt buộc. + Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng. Sử dụng bảo hộ lao động trong lao động sản xuất khi tiếp xúc với đất, đặc biệt là đất nhiễm phân người. + Xử lý môi trường: phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. Có thể xử lý phân bằng vôi bột 150 -200 g/1kg phân, trứng chết sau 30 phút đến 1 giờ. 7.3. Nguyên tắc điều trị. - Chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao. + Nhiễm nhẹ: albendazole (zentel, alzental,...) 400 mg liều duy nhất cho mọi lứa tuổi trên 2 tuổi hoặc Mebendazole (vermox, fugaca,...) liều duy nhất 500 mg hoặc Pyrantel pamoate (combantrin, embovin, helmex,...) liều duy nhất 10 mg/kg cân nặng. + Nhiễm nặng: albendazole 400 mg/ngày x 3 ngày hoặc Mebendazole (vermox, fugaca,...) liều 500 mg/ngày x 3 ngày hoặc Pyrantel pamoate (combantrin, embovin, helmex,...) liều 10 mg/kg/ngày x 3 ngày. Chú ý: albendazole và mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận. 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không bắt buộc.
III. BỆNH GIUN TÓC (Trichuriasis) ICD-10 B79: Trichuriasis 1. Đặc điểm của bệnh. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. - Ca bệnh lâm sàng: hầu hết không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu. Một số Bệnh nhân có hội trứng giống lỵ: đau bụng vùng đại tràng, mót rặn, đại tiện nhiều lần/ngày, phân ít và có nhiều chất nhầy lẫn máu lờ lờ như máu cá. Bệnh nhân nhiễm giun tóc có thể bị nổi mẩn dị ứng, nhiễm nhiều và kéo dài có thể gây thiếu máu nhược sắc, tim có tiếng thổi tâm thu và bị phù nhẹ. - Ca bệnh xác định: có trứng giun tóc trong phân. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với các bệnh lỵ amip, thiếu máu khác. 1.3. Xét nghiệm: - Loại mẫu bệnh phẩm: phân - Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz. Trứng giun tóc có hình quả cau bổ dọc, mầu vàng đậm, vỏ dày, dạng hình nút ở 2 đầu, kích thước 22 x 50 mm.
2. Tác nhân gây bệnh. - Tên tác nhân: giun tóc (Trichuris trichiura). - Hình thái: hình thể giun tóc được chia làm 2 phần rõ rệt: phần đầu dài và nhỏ chiếm 2/3 chiều dài cơ thể, phần thân còn lại ngắn và phình to. Giun tóc có mầu hồng nhạt hoặc trắng sữa. Giun cái dài 30 - 50 mm, giun đực dài 30 - 45 mm. Đuôi giun tóc cái thường thẳng, đuôi giun đực thường cong và có một gai sinh dục. - Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: trứng giun tóc bắt buộc phải có thời gian phát triển ở ngoại cảnh mới có khả năng gây nhiễm cho người. Thời gian để trứng giun phát triển thành trứng mang ấu trùng là 17 - 30 ngày trong nhiệt độ thích hợp 25 - 300C, độ ẩm trên 80% và có oxy. Trứng giun tóc có khả năng phát triển trong dung dịch acide chlohydric 10% tới 3 tuần, trong dung dịch acid nitric 10% và formalin 10% tới 9 ngày. Tuy nhiên, dễ bị hỏng dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời, nhiệt độ trên 500C trứng giun sẽ chết. Trong quá trình thực hiện chu kỳ, ấu trùng giun tóc không có giai đoạn chu du như ấu trùng giun đũa, giun móc/giun mỏ.
3. Đặc điểm dịch tễ học. - Bệnh giun tóc lưu hành ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun tóc là khí hậu nóng ẩm, dân có tập quán sinh hoạt lạc hậu, tình trạng vệ sinh cá nhân và môi trường sống chưa hợp vệ sinh. Dân ở nông thôn nhiễm cao hơn dân ở thành thị, đặc biệt là dân có tập quán dùng phân người bón ruộng. - Một số đặc điểm dịch tễ nhiễm giun tóc khác với giun đũa và giun móc/giun mỏ: Lứa tuổi dưới 1 tuổi hầu như không thấy nhiễm giun tóc, nguyên nhân có thể do mầm bệnh trong đất thấp hơn giun đũa. Lứa tuổi 2 - 3 tuổi có tỷ lệ nhiễm giun tóc thấp, chứng tỏ giun tóc thường nhiễm muộn. Tỷ lệ nhiễm tăng dần theo lứa tuổi trên 3 tuổi nhưng không có hiện tượng tăng vọt. Tỷ lệ nhiễm giun tóc ở nam và nữ xấp xỉ nhau.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: ổ chứa giun tóc là người. - Thời gian ủ bệnh: không rõ ràng. Người nuốt phải trứng giun tóc, khi đến ruột non trứng nở, giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột vào máu, di chuyển đến phế nang phổi và phát triển lớn lên tại phổi, sau đó lên khí quản và được nuốt lại vào dạ dày. Tại manh tràng, ấu trùng phát triển thành giun tóc trưởng thành. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi có các triệu chứng đầu tiên ở phổi từ 5 - 14 ngày. - Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh. Thời gian từ khi nuốt phải trứng có ấu trùng đến khi giun trưởng thành đẻ trứng khoảng 45 - 60 ngày. Giun cái có khả năng đẻ tới 2.000 trứng/ngày. Đời sống của giun tóc từ 5 - 6 năm nếu không được điều trị.
5. Phương thức lây truyền: Qua đường ăn uống: người bị nhiễm giun tóc do ăn, uống phải trứng giun tóc đã phát triển ở ngoại cảnh tới giai đoạn ấu trùng.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun tóc.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà. - Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường, đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch. 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: không bắt buộc. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: không bắt buộc. + Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4 - 6 tháng. + Xử lý môi trường: phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. 7.3. Nguyên tắc điều trị. - Chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao. - Điều trị nhiễm giun tóc đơn thuần: albendazole 400 mg/ngày x 3 ngày hoặc dùng mebendazole 100 mg/lần x 2 lần/ngày x 3 ngày. - Điều trị nhiễm giun tóc phối hợp giun móc/giun mỏ: albendazole 400 mg/ngày x 3 ngày hoặc dùng mebendazole 500 mg/ngày x 3 ngày. Chú ý: albendazole và mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không bắt buộc.
IV. BỆNH GIUN KIM ICD-10 B80: Enterobiasis 1. Đặc điểm của bệnh. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. - Ca bệnh lâm sàng: Trẻ em bị nhiễm giun kim thường ngứa và gãi hậu môn về đêm, quấy khóc về đêm; quan sát bằng mắt thường có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn. Khi trẻ đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim cái bám ở rìa khuôn phân. Giun kim có thể chui vào âm đạo gây viêm âm đạo hoặc rối loạn kinh nguyệt. Giun kim có thể chui vào ruột thừa và nếu bị bội nhiễm sẽ gây viêm ruột thừa. - Ca bệnh xác định: có trứng giun kim bằng xét nghiệm hoặc thấy giun kim cái ở rìa hậu môn. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với rối loạn tiêu hoá do các nguyên nhân khác. 1.3. Xét nghiệm: - Loại mẫu bệnh phẩm: phân - Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Scotch hoặc kỹ thuật của GS. Đặng Văn Ngữ. Phải lấy mẫu xét nghiệm vào lúc sáng sớm trước khi bệnh nhân đi đại tiện, những kỹ thuật xét nghiệm phân thông thường sẽ không phát hiện được trứng giun kim. Kỹ thuật của GS. Đặng Văn Ngữ: dùng giấy bóng kính thấm nước (cellophan) một mặt có phết hồ dán trong suốt và được cắt thành từng mảnh 22 x 32 cm. Khi dùng, thấm một ít nước và mặt giấy có phết hồ rồi chùi vào các nếp rìa hậu môn của trẻ, sau đó dán lên phiến kính sạch và soi dưới kính hiển vi. Trứng giun kim hình bầu dục không cân đối, vỏ nhẵn, kích thước 50 - 60 mm x 30 – 32 mm.
2. Tác nhân gây bệnh. - Tên tác nhân: Giun kim (Enterobius vermicularis). - Hình thái: Giun kim có mầu trắng sữa, đầu hơi phình và vỏ có khía. Miệng có 3 môi, những môi này có thể thụt vào trong miệng. Giun đực dài khoảng 2-5mm, đuôi cong và có gai sinh dục dài khoảng 70 mm. Giun cái dài 9 - 12 mm, đuôi dài và nhọn, hậu môn của giun kim cái cách mút đuôi khoảng 2 mm. - Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: trứng giun kim phải có thời gian phát triển ở ngoại cảnh mới có khả năng lây nhiễm. Ở nhiệt độ môi trường 300C, độ ẩm trên 70% và oxy thì sau 6 - 8 giờ trứng đã phát triển thành trứng mang ấu trùng và có khả năng lây nhiễm. Trứng giun kim không phát triển được ở nhiệt độ dưới 200C và trên 400C, ở nhiệt độ 600C trứng giun kim hỏng trong vài phút. Trong nước, trứng giun kim chết sau vài tuần. Trứng giun kim không bị hỏng bởi hoá chất như sublime 0,1%, formalin 10%, xà phòng 2% và bị chết trong trong cresyl 10% sau 5 phút, trong cồn sau 1 giờ 40 phút.
3. Đặc điểm dịch tễ học: Giun kim cái chỉ đẻ trứng về đêm ở các nếp nhăn của hậu môn vật chủ nên thường không thấy trứng giun trong phân. Trứng giun khi đẻ ra đã có ấu trùng non. Tại các nếp nhăn hậu môn của vật chủ, trứng giun kim có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển thành ấu trùng cử động được. Do vậy người nhiễm giun kim dễ bị tự tái nhiễm nếu dùng tay gãi hậu môn có trứng giun sau đó cầm thức ăn, uống, hoặc mút tay ở trẻ nhỏ.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: là người đặc biệt là trẻ nhỏ. - Thời gian ủ bệnh: không rõ ràng. Khi nuốt phải trứng giun có ấu trùng vào dạ dày, ấu trùng thoát vỏ, di chuyển đến manh tràng và thành giun trưởng thành sau 2 - 4 tuần. - Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian từ khi giun kim cái trưởng thành được thụ tinh và đẻ trứng. Giun kim đực sẽ bị chết sau khi thụ tinh cho giun kim cái. Giun kim cái đẻ khoảng 4.000-16.000 trứng. Sau khi đẻ hết trứng, giun sẽ teo lại và chết. Đời sống của giun kim khoảng 1-2 tháng.
5. Phương thức lây truyền. - Qua đường ăn uống: do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn uống, hoặc do mút tay ở trẻ nhỏ. - Tuy nhiên giun kim còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng: Trứng giun kim phát triển thành ấu trùng tại các nếp rãnh hậu môn và nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này chui vào hậu môn và di chuyển ngược lên manh tràng để phát triển thành giun trưởng thành. Kiểu chu kỳ này hiếm gặp. - Theo Vise, Rodenwaldt, Rocke Mann, có thể do ảnh hưởng của men tiêu hoá, do hàm lượng oxy trong ống tiêu hoá, giun kim có thể đẻ ở ruột, ấu trùng có thể phát triển thành giun trưởng thành ngay tại ruột.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun kim, đặc biệt là trẻ nhỏ.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt là nền nhà, giường chiếu, quần áo của trẻ em. - Vệ sinh phòng dịch: Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không để trẻ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng vào các buổi sáng sớm. 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: không bắt buộc. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: không bắt buộc. + Quản lý người lành manh trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ, đặc biệt là trẻ em từ 2-12 tuổi tẩy giun 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng. + Xử lý môi trường: phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. 7.3. Nguyên tắc điều trị. - Nếu tập thể bị nhiễm cao phải điều trị hàng loạt để tránh tái nhiễm. - Thuốc điều trị giun kim: mebendazole 500 mg liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, điều trị nhắc lại sau 1 tháng với liều như trên. Hoặc dùng albendazole 400mg liều duy nhất cho cả người lớn và trẻ em, điều trị nhắc lại sau 1 tháng với liều như trên. Chú ý: albendazole và mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không bắt buộc.
V. BỆNH GIUN CHỈ BẠCH HUYẾT (Filariasis) ICD-10 B74: Filariasis 1. Đặc điểm của bệnh. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. - Ca bệnh lâm sàng: + Giai đoạn đầu của bệnh: Hầu hết không có biểu hiện lâm sàng. Một số ít có triệu chứng sốt cao đột ngột kèm theo mệt mỏi, nhức đầu nhiều, sốt tái phát từng đợt 3-7 ngày. Viêm bạch mạch và hạch bạch huyết xảy ra sau sốt vài ngày. Viêm đỏ đau dọc theo hệ bạch mạch, thường ở mặt trong chi dưới, hạch bẹn có thể sưng to, đau. + Giai đoạn mãn tính: phù voi, các đợt phù xuất hiện liên tiếp, da dày dần, phù dần từ dưới lên, thường bị phù một chân hoặc một tay, hay gặp là phù chi dưới cả bàn chân có thể tới đùi, da dày và cứng, có thể có những vết loét do thiếu dưỡng. Viêm Bộ phận sinh dục: viêm thừng tinh, viêm tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, trường hợp nặng có phù to như bìu voi, vú voi nhưng không đỏ, không đau. Phù voi ảnh hưởng nhiều đến lao động, chức năng vận động, hoạt động sinh lý và thẩm mỹ của bệnh nhân. Đái dưỡng chấp: nước tiểu trắng đục như nước vo gạo, để lâu không lắng, đôi khi lẫn máu. Trường hợp nước tiểu có nhiều dưỡng chấp, để lâu có thể đông lại. - Ca bệnh xác định: có ấu trùng giun chỉ trong máu hoặc xét nghiệm nước tiểu có ấu trùng giun chỉ trong trường hợp bệnh nhân đái ra dưỡng chấp (hiếm), hoặc xét nghiệm miễn dịch hấp phụ gắn men ELISA (Enzyme linked immunosorbent assay) (+) hoặc siêu âm, chụp bạch mạch, sinh thiết bạch huyết có giun chỉ trưởng thành. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự. - Giai đoạn đầu của nhiễm ấu trùng giun chỉ bạch huyết cần phân biệt với các sốt do nhiễm khuẩn, do virus, sốt rét, viêm bạch mạch do nhiễm khuẩn. - Phù voi cần chẩn đoán phân biệt với phù do nấm, chèn ép bạch mạch do nguyên nhân khác. Đái dưỡng chấp cần phân biệt với nguyên nhân ở thận như lao thận hoặc do chấn thương. Tràn dịch màng tinh hoàn cần phân biệt với thoát vị bẹn. 1.3. Xét nghiệm: - Loại mẫu bệnh phẩm: máu - Phương pháp xét nghiệm. + Phương pháp nhuộm giemsa: lấy máu ngoại vi ban đêm từ 20 giờ đến 24 giờ, làm tiêu bản giọt đặc, nhuộm giemsa soi kính hiển vi quang học là phương pháp thông dụng nhất. Tuy nhiên, trong các trường hợp có phù voi hoặc đái dưỡng chấp thì tỷ lệ ấu trùng giun chỉ dương tính chỉ chiếm 3-5%. Ấu trùng giun chỉ trong máu ngoại vi có hình dạng giun nhỏ, có phần đầu và đuôi, thân uốn éo đều đặn chứa các hạt nhiễm sắc. Hạt nhiễm sắc ở cuối đuôi là đặc điểm quan trọng để phân loại 2 loài Wuchereria bancrofti (W.bancrofti) và Brugia malayi (B.malayi). Trên lam nhuộm giemsa, ấu trùng W.bancrofti dài khoảng 260 mm, có áo bao thân và đuôi ngắn, hạt nhiễm sắc ít và rõ ràng, không có hạt nhiễm sắc ở cuối đuôi. ấu trùng B.malayi dài khoảng 220 mm, có áo bao thân và đuôi dài, hạt nhiễm sắc nhiều và không rõ ràng, có hạt nhiễm sắc ở cuối đuôi. + Test chẩn đoán nhanh ICT (Immuno Chromatographic Test) chỉ chẩn đoán W.bancrofti và có thể xét nghiệm ban ngày. + Phương pháp Knote: lấy 2 ml máu tĩnh mạch vào ống nghiệm có chứa 10 ml formalin 2%, ly tâm lấy cặn nhuộm giemsa soi kính hiển vi quang học. + Phương pháp Harris: lấy 4 ml máu tĩnh mạch vào ống nghiệm có chứa 0,1 ml heparin và 4 ml saponin 2%, ly tâm quan sát phần lắng. + Phương pháp màng lọc Millipore: lấy 1 ml máu tĩnh mạch và hút thêm 4 ml nước cất, lắc bơm tiêm đến khi huyết tán hoàn toàn rồi bơm máu vào màng lọc. Sau đó lại hút 5 ml nước cất và bơm vào màng lọc, làm như vậy 4 - 5 lần để rửa bơm tiêm. Bơm không khí vào màng lọc 4 - 5 lần rồi lấy màng lọc ra, úp lên lam kính, nhuộm màng lọc bằng giemsa, rửa nhanh, để khô và soi kính hiển vi huỳnh quang. + Phương pháp đẩy giun chỉ ra máu ngoại vi ban ngày bằng cách cho bệnh nhân uống 100 mg DEC (Diethyl Carbamazin).
2. Tác nhân gây bệnh. 2.1. Tên tác nhân: trên thế giới có 3 loài giun chỉ gây bệnh cho người là Wuchereria bancrofti (W. bancrofti), Brugia malayi (B. malayi ) và Brugia timori ( B.timori ).Tại Việt Nam, chỉ phát hiện được 2 loài là W. bancrofti và B. malayi. 2.2. Hình thái: - Ấu trùng W.bancrofti thường khu trú ở hệ thống bạch huyết vùng bẹn hoặc nách. Giun chỉ W.bancrofti trưởng thành trông giống như sợi chỉ, mầu trắng sữa dài từ 25-40 mm, chiều ngang khoảng 0,1 mm. Giun W.bancrofti cái dài khoảng 60-100 mm. - Ấu trùng B.malayi thường khu trú ở hạch bộ phận sinh dục và vùng thận. Giun chỉ B.malayi gần giống như giun chỉ W.bancrofti. Giun đực có kích thước khoảng 22,8 x 0,08 mm, giun cái có kích thước khoảng 55 x 0,16 mm. Giun đực và cái thường cuộn vào nhau làm cản trở bạch huyết. 2.3. Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: ấu trùng giun chỉ và giun chỉ trưởng thành không tồn tại ở môi trường tự nhiên, chỉ tồn tại trong cơ thể người và trong cơ thể muỗi truyền bệnh.
3. Đặc điểm dịch tễ học. - Bệnh giun chỉ lưu hành địa phương ở các nước nóng ẩm. Để hoàn thành chu kỳ phát triển, giun chỉ bắt buộc phải phát triển qua 2 vật chủ: vật chủ chính là người và vật chủ phụ là muỗi truyền bệnh. Dịch tễ học bệnh giun chỉ bạch huyết liên quan chặt chẽ với muỗi truyền bệnh và môi trường phát triển của muỗi truyền bệnh. - Muỗi truyền bệnh và môi trường: muỗi truyền bệnh giun chỉ bạch huyết ở các nước khác nhau và tuỳ theo loài giun chỉ. Muỗi truyền bệnh giun chỉ phát triển phụ thuộc vào các yếu tố thích hợp như địa lý, khí hậu thời tiết. ở Việt Nam, giun chỉ W.bancrofti chủ yếu do muỗi Culex quinqueafasciatus, Anopheles hyrcanus truyền, muỗi này phát triển ở vùng đồng bằng, trung du và bán sơn địa, thích hút máu người. Giun chỉ B.malayi chủ yếu do muỗi Mansonia uniformis và Mansonia annulifera truyền. Muỗi này phát triển ở vùng đồng bằng, nơi có nhiều ao hồ có thuỷ sinh như bèo Nhật Bản, thích hút máu người. - Sau khi muỗi truyền bệnh đốt máu người bệnh có ấu trùng giun chỉ, ấu trùng ở trong dạ dày muỗi khoảng 2 - 6 giờ và thoát áo, xuyên qua thành dạ dày muỗi và di chuyển lên vùng ngực muỗi mất khoảng 15 giờ. Tại vùng cơ ngực muỗi, ấu trùng phát triển nhanh thành ấu trùng giai đọan II, sau 6 - 7 ngày thành ấu trùng giai đoạn III có kích thước khoảng 225 - 300 x 15 - 30 mm. Sau 1 tuần nữa, ấu trùng thay vỏ thành ấu trùng giai đoạn IV có kích thước 1-2 mm x 18-23 mm, ký sinh trong tuyến nước bọt của muỗi và xâm nhập vào cơ thể người khi muỗi đốt hút máu. Thời gian từ khi muỗi truyền bệnh hút máu có ấu trùng giun chỉ giai đoạn I đến khi muỗi có khả năng truyền bệnh cho người khác từ 12-14 ngày. - Kinh tế xã hội: Trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế xã hội thấp, các phong tục tập quán lạc hậu, mất vệ sinh, nhiều ao bèo... đều là những yếu tố làm gia tăng muỗi truyền bệnh giun chỉ.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: Người là ổ chứa duy nhất của giun chỉ bạch huyết. - Thời gian ủ bệnh: thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6 - 12 tháng, hầu hết không có triệu chứng lâm sàng. - Thời kỳ lây truyền: Thời gian từ khi bệnh nhân nhiễm ấu trùng giun chỉ đến khi giun chỉ trưởng thành đẻ ra ấu trùng giun chỉ giai đoạn I xuất hiện trong máu khoảng 6-12 tháng. Tuổi thọ của giun chỉ trên 10 năm nếu không được điều trị. Giun chỉ trưởng thành đẻ ra ấu trùng giai đoạn I, ấu trùng di chuyển đến hệ tuần hoàn nếu được muỗi truyền bệnh đốt sẽ tiếp tục phát triển trong cơ thể muỗi. Nếu không được muỗi truyền bệnh đốt, ấu trùng sẽ chết sau khoảng 10 tuần.
5. Phương thức lây truyền: Bệnh giun chỉ do muỗi truyền.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun chỉ bạch huyết.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục phòng chống giun chỉ bạch huyết: tập trung vào các nội dung chính sau: Bệnh giun chỉ bạch huyết do muỗi truyền, khi bị ốm phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị, phòng chống bệnh giun chỉ bạch huyết bằng ngủ màn, phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh quanh nhà, mặc quần áo dài buổi tối để tránh muỗi đốt. - Vệ sinh phòng bệnh: Phát động chiến dịch vệ sinh phòng bệnh, ngủ màn thường xuyên để tránh muỗi đốt, xoa kem xua muỗi, phát quang bụi rậm và khơi thông cống rãnh quanh nhà, mặc quần áo dài buổi tối. Vớt rong, rêu làm thoáng mặt nước ao, hồ. 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: Không bắt buộc - Chuyên môn: + Phát hiện bệnh bằng lam máu nhuộm giemsa hoặc tét chẩn đoán nhanh. + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: Bệnh nhân có ấu trùng giun chỉ cần được bảo vệ, tránh muỗi đốt. + Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: ngủ màn thường xuyên để tránh muỗi đốt, xoa kem xua muỗi, mặc quần áo dài buổi tối. Để loại trừ bệnh giun chỉ, điều trị toàn dân vùng có ấu trùng bằng DEC + albendazole. Từ 24 tháng - 10 tuổi: 100 mg DEC (1 viên) + 400 mg albendazole (1 viên). Từ 11-15 tuổi: 200 mg DEC (2 viên) + 400 mg albendazole (1 viên). Trên 15 tuổi: 300 mg DEC (3 viên) + 400mg albendazole (1 viên) + Xử lý môi trường: tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, vớt rong, rêu làm thoáng mặt nước ao, hồ. 7.3. Nguyên tắc điều trị. - Thuốc điều trị: + Diethyl Carbamazin (DEC) có biệt dược là Banocide, Hetrazan, Notezine... dạng viên nén 50 mg, 100 mg, 300 mg. + Albendazole: dạng viên nén 400 mg. Khi dùng đơn độc, albendazole không diệt ấu trùng. Khi dùng phối hợp với DEC, albendazole làm tăng hiệu quả diệt ấu trùng ở cả 2 loài W.bancrofti và B. malayi. - Điều trị nhiễm ấu trùng giun chỉ nhưng không có biểu hiện lâm sàng cấp tính: + Với W.bancrofti: DEC 6mg/kg/ngày x 12 ngày. Tổng liều 72 mg/kg. + Với B.malayi: DEC 6mg/kg/ngày x 6 ngày. Tổng liều 36mg/kg. Điều trị nhắc lại một liều như trên sau một tháng nếu kiểm tra vẫn còn ấu trùng giun chỉ trong máu. - Điều trị trường hợp nhiễm ấu trùng giun chỉ có biểu hiện lâm sàng cấp tính: + Trong đợt cấp chỉ điều trị triệu chứng, kháng sinh chống bội nhiễm. Không sử dụng DEC do có thể gây viêm mạch, hạch bạch huyết. + Sau khi hết đợt cấp tính thì sử dụng DEC liều như trên. - Các trường hợp có phù voi: chỉ dụng thuốc DEC khi xét nghiệm có ấu trùng giun chỉ trong máu, liều DEC như trên. Điều trị kháng sinh nếu có bội nhiễm, rửa chi bị phù ngày 2 lần bằng xà phòng tắm, thấm khô bằng khăn mềm sạch, vận động và xoa bóp nhẹ chi bị phù để tăng cường lưu thông máu. Đêm ngủ nằm gác chân lên cao. - Các trường hợp đái dưỡng chấp: chỉ dụng thuốc DEC khi xét nghiệm có ấu trùng giun chỉ trong máu, liều như trên. Chế độ ăn kiêng mỡ và thức ăn giầu protein. Trường hợp đái dưỡng chấp nhiều và kéo dài cần chuyển điều trị ngoại khoa nếu có thể. Chống chỉ định thuốc DEC: mắc các bệnh cấp tính, sốt. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Có tiền sử dị ứng với thuốc. Thận trọng khi điều trị cho người có bệnh hen phế quản, các bệnh mãn tính: tim, gan, thận. Tác dụng phụ của DEC: xuất hiện trong vòng 3 ngày sau khi uống thuốc có cảm giác mệt mỏi khó chịu, nhức đầu. Chán ăn, buồn nôn và nôn. Mẩn ngứa. Người đang có ấu trùng giun chỉ có thể gặp sốt, viêm mạch, hạch bạch huyết, thừng tinh, mào tinh hoàn. Những triệu chứng này thường thoáng qua và không phải xử trí. 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không bắt buộc.
VI. BỆNH GIUN XOẮN (Trichinelliasis) ICD-10 B75: Trichinellosis 1. Đặc điểm của bệnh. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. - Ca bệnh lâm sàng: Biểu hiện lâm sàng của nhiễm giun xoắn có 4 triệu chứng cơ bản: + Phù mi mắt là dấu hiệu sớm và đặc trưng của bệnh, đôi khi phù cả đầu hoặc lan xuống cổ và chi trên. Đôi khi phù mi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc. + Đau cơ xuất hiện khi thở sâu, ho, khi nhai, nuốt, đại tiện, đau cả mặt và cổ, đau khi vận động và cả khi ăn, nói. Do đau dẫn đến co cứng cơ và hạn chế vận động. + Sốt nhẹ sau tăng dần, sau 2-3 ngày thân nhiệt lên tới 39-40oC. + Tăng bạch cầu ái toan ngay từ những ngày đầu và cao nhất vào tuần thứ 3 của bệnh và kéo dài tới 2-4 tháng sau khi khỏi bệnh. Thể nhẹ, bạch cầu ái toan tăng 15-30%; thể nặng tăng tới 50-60%. + Có thể gặp các triệu chứng khác như tiêu chảy, khát nước, ra mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh và mệt mỏi kiệt sức. + Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: trường hợp nặng, tử vong do suy cơ tim có thể xảy ra ngay tuần đầu hoặc tuần thứ 2. Các biến chứng có thể xuất hiện ở tuần thứ 3 thứ 4 của bệnh như viêm cơ, viêm phổi, viêm não gây tử vong. Tuỳ theo mức độ nhiễm ấu trùng giun xoắn, tỷ lệ tử vong từ 6-30%. - Ca bệnh xác định: phản ứng ngưng kết bổ thể, miễn dịch huỳnh quang hoặc ELISA dương tính, công thức máu có bạch cầu ái toan tăng cao. Ở giai đoạn đầu của bệnh có thể thấy giun xoắn trưởng thành trong phân. Ở giai đoạn toàn phát, sinh thiết cơ vận động có thể thấy những nang ấu trùng giun xoắn. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với nhiễm xoắn khuẩn leptospira, viêm da, viêm phế quản dị ứng, viêm phổi, cúm... 1.3. Xét nghiệm: - Loại mẫu bệnh phẩm: máu - Phương pháp xét nghiệm: phản ứng ngưng kết bổ thể hoặc miễn dịch huỳnh quang hoặc ELISA. Sinh thiết cơ vận động sau ngày thứ 10 kể từ khi phát bệnh (thường gặp vào tuần thứ 4-5).
2. Tác nhân gây bệnh. - Tên tác nhân: giun xoắn (Trichinella spiralis) là loại giun tròn đường ruột, ký sinh ở ruột non. - Hình thái: giun xoắn đực trưởng thành dài 1,4 - 1,6 mm, giun cái dài 3 - 4 mm. Ấu trùng giun xoắn ký sinh tại các tổ chức cơ, được bọc bởi màng bao tạo thành kén (giun bao). Màng kén của ấu trùng có 2 lớp, màu trong, hình bầu dục hoặc hình tròn tuỳ loại vật chủ khác nhau. - Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: ấu trùng giun xoắn trong kén có sức đề kháng rất cao. Trong thịt súc vật đã thối rữa, ấu trùng có thể sống được 2 - 5 tháng trong kén. Nếu ra khỏi kén, ấu trùng sẽ chết sau vài giây ở nhiệt độ 45 – 700C. Ở nhiệt độ -200C, ấu trùng chết sau 20 ngày.
3. Đặc điểm dịch tễ học: Bệnh giun xoắn có thể gặp ở khắp nơi trên thế giới, tỷ lệ mắc phụ thuộc vào tập quán ăn sống, ăn tái. Ở những vùng mổ lợn không có kiểm tra của Thú y và dân có tập quán ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín sẽ mắc bệnh giun xoắn với tính chất dịch.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: Chủ yếu là lợn, các loài khác như chuột, chó, mèo và nhiều loại thú hoang như cáo, lợn rừng v.v. - Thời gian ủ bệnh: Các triệu chứng điển hình thường xuất hiện sau 5 - 15 ngày kể từ khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun xoắn và tuỳ thuộc lượng ấu trùng giun xoắn ăn phải nhiều hay ít. Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới 45 ngày nếu nhiễm ít ấu trùng. - Thời kỳ lây truyền: Người ăn phải thịt nhiễm kén có ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín, ấu trùng sẽ thoát kén tại dạ dày và sau 1-2 giờ di chuyển đến ruột non. Ở ruột non, sau 24 giờ, ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4-5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Một giun xoắn cái có thể đẻ từ 500 - 1.000 ấu trùng trong thời gian khoảng 4-6 tuần. ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành... ký sinh, tạo kén. Sau 10 - 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Sau 6 - 9 tháng, kén sẽ bị vôi hoá dần. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 - 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.
5. Phương thức lây truyền. - Qua đường ăn uống: ăn sống, ăn tái, ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt (chủ yếu là thịt lợn) nhiễm ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín kỹ. - Giun xoắn không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun xoắn.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh ăn chín, uống nước đã đun sôi, đặc biệt ở các vùng dân có tập quán ăn sống, tái, ăn tiết canh. - Vệ sinh phòng dịch: Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ súc vật, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: Báo cáo khẩn lên tuyến trên, tổ chức đội chống dịch xuống nơi có ca mắc để điều tra dịch tễ, điều trị, truyền thông giáo dục về phòng chống bệnh giun xoắn tại cộng đồng. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: Nhiễm giun xoắn là một quá trình nhiễm độc dị ứng dẫn đến viêm dị ứng toàn bộ mao mạch, hoại tử tế bào cơ vân và thiếu oxy tổ chức gây suy tim, suy gan cấp, suy hô hấp hoặc rối loạn ý thức. Bệnh nhân nhiễm giun xoắn cần được điều trị tại các cơ sở y tế để điều trị thuốc đặc hiệu và điều trị các triệu chứng, biến chứng do giun xoắn gây ra. + Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: xét nghiệm chẩn đoán cho những người đã ăn loại thịt nghi ngờ nhiễm giun xoắn. + Xử lý môi trường: tịch thu và tiêu huỷ thịt hoặc những sản phẩm từ thịt đã bị nhiễm giun xoắn. 7.3. Nguyên tắc điều trị. Thuốc điều trị giun xoắn: Praziquantel (Biltricid, Distocid) liều 10 mg/kg cân nặng/ngày x 2 ngày hoặc liều 75 mg/kg cân nặng/ngày chia làm 3 lần. Có thể kết hợp với corticoid để làm giảm phản ứng dị ứng. Albendazole hoặc liều 15 mg/kg cân nặng/ngày x 7 ngày. Mintezol (Thiabendazol) liều 25 mg/kg cân nặng/ngày x 24 ngày (chia làm 2 lần sau khi ăn). Mintezol có thể gây chậm tiêu, chóng mặt, đau thượng vị hoặc buồn nôn. Không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không bắt buộc.
VII. BỆNH GIUN LƯƠN (Strongyloidiasis) ICD-10 B78: Strongyloidiasis 1. Đặc điểm của bệnh. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. - Ca bệnh lâm sàng: hầu hết không có triệu chứng lâm sàng điển hình. Một số ít bệnh nhân có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, ỉa chảy; viêm da tại chỗ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể; thiếu máu nhẹ; bạch cầu ái toan tăng 10-25%. Cơ địa dị ứng có thể lên cơn hen khi bị nhiễm giun lươn. Giun lươn lạc chỗ có thể ký sinh ở phổi, thực quản, hạch bạch huyết v.v. - Ca bệnh xác định: có ấu trùng giun lươn trong phân. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: cần phân biệt với loét dạ dày tá tràng. 1.3. Xét nghiệm: - Loại mẫu bệnh phẩm: phân - Phương pháp xét nghiệm: kỹ thuật Kato hoặc Kato-Katz. Nếu có ấu trùng trong phân, cần phân biệt với ấu trùng giun móc/giun mỏ: ấu trùng giun lươn có ngay khi lấy bệnh phẩm, ấu trùng giun móc/giun mỏ thường xuất hiện muộn sau 24 - 48 giờ sau khi phân được bài tiết ra ngoài.
2. Tác nhân gây bệnh. - Tên tác nhân: giun lươn (Strongyloides stercoralis). - Hình thái: Giun lươn sống ở ruột non nhưng cũng có thể sống ở ngoại cảnh. Miệng giun có 2 môi, vỏ thân có khía ngang, nông. Giun cái trưởng thành có đầu thon dài và đuôi nhọn, kích thước khoảng 2 mm x 34 mm. Giun đực có kích thước khoảng 0,7 mm x 36 mm, đuôi hình móc và có 2 gai sinh dục. Trứng giun lươn hình bầu dục, có kích thước 50 - 58 x 30 – 34 mm. Ấu trùng phát triển rất nhanh thành ấu trùng có thực quản hình ụ trong trứng và thoát vỏ ngay trong ruột, theo phân ra ngoài nên rất ít khi thấy trứng giun lươn trong phân trừ trường hợp bệnh nhân bị ỉa chảy nhiều. Ấu trùng tiếp tục phát triển ở ngoại cảnh thành ấu trùng có thực quản hình trụ có khả năng xâm nhập qua da người hoặc sống tự do ở ngoại cảnh. - Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: điều kiện phù hợp cho ấu trùng giun lươn phát triển ngoại cảnh là khí hậu nóng ẩm. Tuy nhiên, giun lươn có thể phát triển ở vùng ôn đới hoặc lạnh.
3. Đặc điểm dịch tễ học: Giun lươn phân bố nhiều hơn ở các nước có khí hậu nóng ẩm, ít hơn ở các nước có khí hậu ôn đới và lạnh.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: người là ổ chứa chính của giun lươn Strongyloides stercoralis. Giun lươn cũng có thể có ở một số động vật như chó, khỉ, vượn. - Thời gian ủ bệnh: thời gian từ lúc ấu trùng xâm nhập qua da đến khi phát triển thành giun trưởng thành và đẻ trứng, trứng phát triển thành ấu trùng ra ngoại cảnh khoảng 2-4 tuần. - Thời kỳ lây truyền: là khoảng thời gian sống của giun cái trưởng thành từ khi được thụ tinh và đẻ trứng, thâm chí đến 35 năm sau trong trường hợp tự nhiễm.
5. Phương thức lây truyền. - Qua đường da, niêm mạc: chu kỳ phát triển của giun lươn trong cơ thể người giống giun móc/giun mỏ. - Tuy nhiên giun lươn còn có đường truyền nhiễm bất thường là chu kỳ ngược dòng: trong một số điều kiện nhất định, ấu trùng giun lươn dính lại quanh hậu môn phát triển thành ấu trùng có thực quản hình trụ và gây tự nhiễm lại cho bệnh nhân.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun lươn.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân. - Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực gần nhà, trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng hố xí hợp vệ sinh. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt như rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch... 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: không bắt buộc. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: không bắt buộc. + Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cách nhau 4-6 tháng. Sử dụng bảo hộ lao động trong lao động sản xuất khi tiếp xúc với đất, đặc biệt là đất nhiễm phân người. + Xử lý môi trường: Phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. 7.3. Nguyên tắc điều trị. - Chọn thuốc có tác dụng với nhiều loại giun, ít độc, dùng một liều duy nhất vẫn đạt hiệu quả cao. - Điều trị nhiễm giun lươn: Albendazole: liều trẻ em như liều người lớn 400 mg/ngày x 3 ngày, hoặc Mebendazole: liều trẻ em như liều người lớn 500 mg duy nhất, nhắc lại sau 2 tuần, Pyrantel pamoat: liều trẻ em như liều người lớn 10 mg/kg cân nặng và nhắc lại sau 2 tuần. Chú ý: Albendazole và Mebendazole chống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không bắt buộc.
VIII. BỆNH GIUN TOXOCARA (Toxocariasis) ICD-10 B83.0: Toxocariasis 1. Đặc điểm của bệnh. 1.1. Định nghĩa ca bệnh. - Ca bệnh lâm sàng: Người nhiễm ấu trùng giun đũa chó hoặc ấu trùng giun đũa mèo. Bệnh không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu, gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Một số bệnh nhân có biểu hiện gan to; sốt; có các triệu chứng của phổi như ho, đau ngực; đau bụng, khó tiêu; tăng globulin máu; tăng bạch cầu ưa a xít không thường xuyên. Trường hợp nặng, các triệu chứng có thể kéo dài hàng năm, các hội chứng viêm phổi, viêm nội nhãn, đau bụng mãn tính, rối loạn thần kinh khu trú có thể xảy ra do sự di trú của ấu trùng giun toxocara, bạch cầu tăng và bạch cầu ái toan tăng có thể chiếm tới 80-90%. - Ca bệnh xác định: Thử nghiệm ELISA dùng kháng nguyên ấu trùng dương tính. 1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Các tổn thương ở phổi có thể nhầm với tổn thương ung thư. Các tổn thương ở võng mạc có thể nhầm với u nguyên bào võng mạc. 1.3. Xét nghiệm: Thử nghiệm huyết thanh học ELISA dùng kháng nguyên ấu trùng giun toxocara, độ nhạy từ 75-90%.
2. Tác nhân gây bệnh. 2.1. Tên tác nhân: giun đũa chó (Toxocara canis) và giun đũa mèo (Toxocara cati). Hay gặp Toxocara canis hơn Toxocara cati. 2.2. Hình thái: Giun đũa chó toxocara canis có hình thái giống giun đũa non ở người, điểm khác biệt là trên đầu giun đũa chó có hai diềm từ đầu chạy dọc xuống cổ dài khoảng 2 - 4mm, đặc điểm diềm là thon hai đầu. Giun cái trưởng thành dài từ 8 - 13cm, giun đực dài từ 5 - 8 cm. Hình thái giun đũa mèo toxocara cati giống giun đũa chó nhưng nhỏ hơn, Giun cái trưởng thành dài từ 4 - 12cm, giun đực dài từ 3 - 7 cm. Điểm khác biệt là hai diềm từ đầu chạy dọc xuống cổ của giun đũa mèo là thon phía đầu và phình to phía cổ như hình quả lê. 2.3. Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: trứng giun toxocara ra ngoại cảnh thâm nhập vào đất và khả năng tồn tại, phát triển trong môi trường bên ngoài như trứng giun đũa ở người.
3. Đặc điểm dịch tễ học: Điều kiện quyết định sự lây truyền của giun toxocara là khí hậu, tình trạng vệ sinh, các tập quán sinh hoạt và mức độ tiếp xúc với đất bẩn nhiễm phân chó mèo. Bệnh phân bố ở các nước trên thế giới. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên trẻ em nhiễm giun toxocara cao hơn người lớn.
4. Nguồn truyền nhiễm. - Ổ chứa: Chó là ổ chứa của toxocara canis và mèo là ổ chứa của toxocara cati; ổ chứa trứng giun là đất, nước nhiễm phân chó mèo. - Thời gian ủ bệnh: từ vài tuần đến vài tháng phụ thuộc vào mức độ nhiễm ấu trùng giun nhiều hay ít và tính nhạy cảm của người bệnh. Trường hợp ăn gan nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín thì thời gian ủ bệnh có thể là vài ngày hoặc chỉ vài giờ. Người nuốt phải trứng giun toxocara, khi đến ruột non trứng nở giải phóng ấu trùng, ấu trùng chui qua thành ruột di chuyển đến gan. Từ gan, ấu trùng qua hệ tuần hoàn và bạch huyết di chú đến các tổ chức khác như phổi, nội tạng ở bụng, mắt v.v gây ra các tổn thương ở nội tạng. Ấu trùng toxocara không thể phát triển thành giun trưởng thành trong cơ thể người và không thể tái lặp chu kỳ sống ở người. Ấu trùng có thể tồn tại trong các tổ chức nhiều năm nếu không được điều trị. - Thời kỳ lây truyền: Chó con bị nhiễm bệnh từ chó mẹ qua rau thai hoặc qua bú sữa mẹ. Khoảng 3 tuần tuổi chúng đã có thể thải trứng giun toxocara ra ngoại cảnh.
5. Phương thức lây truyền: Qua đường ăn uống: do nuốt phải trứng giun có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo hoặc nuốt phải ấu trùng giun khi ăn thịt chó mèo chưa nấu chín. Không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
6. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun toxocara, đặc biệt là trẻ nhỏ.
7. Các biện pháp phòng, chống dịch. 7.1. Biện pháp dự phòng. - Tuyên truyền giáo dục: nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng đặc biệt là các chủ nuôi chó, mèo; bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó mèo. - Vệ sinh phòng dịch: vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em. Xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó, mèo chưa nấu chín. Tẩy giun cho chó mèo. Với chó mèo con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần. 7.2. Biện pháp chống dịch. - Tổ chức: không bắt buộc. - Chuyên môn: + Thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân: không bắt buộc. + Quản lý người lành mang trùng, người tiếp xúc: không bắt buộc. + Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun cho chó mèo. Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng ngừa nhiễm giun, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. + Xử lý môi trường: phát động các chiến dịch dọn vệ sinh trong cộng đồng dân cư, xây dựng hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải. Có thể xử lý phân chó mèo bằng vôi bột 150-200 gam/kg phân. 7.3. Nguyên tắc điều trị. - Điều trị đặc hiệu bằng Albendazole 500 mg/ngày hoặc Mebendazole 400 mg/ngày, điều trị từ 3-4 tuần liền. Chú ý: Albendazole và Mebendazolechống chỉ định với trẻ dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc cho con bú, người có tiền sử mẫn cảm với Benzimidazol, người có tiền sử nhiễm độc tuỷ xương. Thận trọng khi điều trị cho người suy gan, suy thận. 7.4. Kiểm dịch biên giới: Không.
Admin
Chia sẻ:
Tin tức liên quan
BỆNH GIANG MAI
_
Xem chi tiết
Bênh lậu
_
Xem chi tiết
BỆNH DO CỜ - LA - MY - ĐI - A
_
Xem chi tiết
Bệnh mắt hột
_
Xem chi tiết
- Tin nổi bật
- Tin chỉ đạo
- Tin địa phương
Tin tức nổi bật
Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân
Thông tin về bệnh dại trên người
Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm