Các Bệnh Thường Gặp Ở Hoa Cây Cảnh Và Cách Phòng Trừ

Cây xanh bày trí không gian nội thất cho ngôi nhà hay văn phòng làm việc dù có chăm sóc đúng cách và kỹ thuật thì đôi khi cây vẫn mắc phải một số các loại bệnh phổ biến mà nguyên nhân gây nên không phụ thuộc vào người chăm cây, mà là do điều kiện sống hay do chính đặc điểm sinh lý của cây. Việc phát hiện và phòng trừ các loại bệnh này là điều rất cần thiết, vì nó không chỉ làm cây khô héo mà đôi khi còn ảnh hưởng tới sức khỏe của còn người.

Dưới đây là một số loại bệnh phổ biến mà cây cảnh hay mắc phải và cách phòng trừ chúng:

Bệnh đốm lá: Trên lá cây xuất hiện những đốm nhỏ, màu sắc, hình dáng hay độ lớn của chúng không giống nhau, phiến lá bị quăn lại, có đốm màu nâu, đen, tím…lá bị khô héo và rụng khiến cây mất khả năng quang hợp và chết.

Phòng trừ bằng cách ngắt bỏ những lá bị sâu bệnh và đem đốt, phun thuốc định kì theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc chuyên gia. Có thể dùng đồng sunphat, một phần vôi sống và lượng nước gấp 100 lần pha thành dung dịch thuốc để phun cho cây. Lưu ý không dùng các dụng cụ kim loại trong quá trình pha chế, phun thuốc đều cả mặt trước và sau lá cây cũng như thân, cành cây.

Bệnh phấn trắng: Trên mặt lá, cành hay thân cây có xuất hiện những lớp phấn dầy màu trắng bông khiến cho lá bị rụng, thân khô héo. Hiện tượng này khá phổ biến với những loại cây xứ lạnh.

Cách trị cũng khá đơn giản, nên ngắt bổ lá, cành bị bệnh đem đốt, đồng thời phun dung dịch tổng hợp (lưu huỳnh nồng độ 0,3 – 0,5 với một phần vôi trong pha với 10 phần nước rồi đem đun lên).

Bệnh chảy nhựa: Thân cành của cây, đặc biệt là những chỗ phân nhánh, vỏ cây bị nứt ra, bị chảy nhựa vàng trong suốt, sau đó nhựa chuyển thành màu nâu đỏ. Phần bị bệnh sẽ lồi lên, vỏ và thân gỗ bị mục khiến cây chết khô. Nguyên nhân chính của bệnh này là do hiện tượng sương muối, do có sâu đục vỏ hoặc do đất quá chặt, chăm sóc kém, nhiệt độ quá thấp làm vỏ cây bị tổn thương, nấm xâm nhập làm tinh bột trong tế bào chuyển thành dịch nhựa chảy ra.

Để phòng ngừa và điều trị bệnh này cần tăng cường chăm sóc đất tơi xốp, bón phân hữu cơ, tỉa cành hợp lý. Có thể quét lên vết thương hợp chất lưu huỳnh vôi 50be, sau đó quét một lớp dầu để bảo vệ.

Bệnh xoắn lá: Triệu chứng của bệnh là một phần hay toàn bộ lá bị dày lên, lá chuyển màu từ xanh xám sang đỏ tím. Trên mặt lá xuất hiện bột trắng, sau chuyển thành nâu. Lá bị xoăn lại, khô và rụng, cành bị héo dẫn đến chết cây.

Trị bệnh này bằng cách phun dung dịch lưu huỳnh vôi 3 – 5- be vào đầu mùa xuân khi cây có sức sống tốt nhất. Phun liên tục 2 đến 3 lần cách nhau một tuần đến 10 ngày, ngắt bỏ lá, cành bị bệnh đem đốt bỏ.

Bệnh thủng lá: Trên lá xuất hiện những đốm nhỏ, lan rộng thành lỗ to hình thù khác nhau, viền thủng có màu tím, nâu hoặc đen. Xung quanh đốm có màu xanh vàng, sau đó đốm khô và rời ra khiến lá bị thủng.

Cách trị bệnh này là tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế bón quá nhiều phân đạm. Đảm bảo cây được thông thoáng và có đủ ánh sáng.

Bệnh mục thân: Trên cây xuất hiện những triệu chứng như có sâu đục thân, ruột thân cây bị mục rỗng, trên nhánh xuất hiện những đốm nhỏ. Cần dùng thuốc trừ sâu chuyên dụng để trị loại bệnh này.

Từ khóa » Các Loại Bệnh Của Cây Cảnh