Các Biển Báo Giao Thông đường Bộ 2020, Mẹo Nhớ ý Nghĩa Từng Loại

Hầu hết người tham gia giao thông hiện nay chưa nắm được hết ý nghĩa của các loại biển báo giao thông đường bộ, một phần là vì có quá nhiều loại và một phần là có một số biển báo có ký hiệu khó nhớ. Blog 2oto sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu một số biển báo giao thông đường bộ đầy đủ nhất năm 2020 và mẹo để nhớ ý nghĩa của từng loại biển báo nhé.

Có thể bạn sẽ cần:

  • Các loại bằng lái xe cập nhật 2020 [Quy định mới] và [Công dụng]
  • Vạch kẻ đường giao thông là gì? [Ý nghĩa] và [Tiền phạt]

Hệ thống biển báo hiệu đường bộ có bao nhiêu nhóm chính?

Có mấy loại hay mấy nhóm biển báo giao thông là câu hỏi của khá nhiều người, trong năm 2020 thì biển báo giao thông đường bộ được chia thành 5 nhóm chính dựa theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008:

  • Biển báo nguy hiểm - cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra
  • Biển báo cấm - biểu thị các điều cấm
  • Biển hiệu lệnh - báo các hiệu lệnh phải thi hành
  • Biển chỉ dẫn - chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết
  • Biển phụ - thuyết minh bổ sung cho các loại biển báo cấm, biển hiệu lệnh, biển nguy hiểm và biển báo chỉ dẫn.

1. BIẾN BÁO NGUY HIỂM

Biển báo nguy hiểm là nhóm biển quan trọng trong giao thông đường bộ mà người tham gia giao thông cần nhớ, được nhận biết qua hình tam giác đều, nền vàng, viền đỏ trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc báo hiệu. Khi nhìn vào các biển báo này người đi đường sẽ chủ động phòng ngừa xử lý, và phòng tránh tai nạn xảy ra.

Mục đích của biển báo nguy hiểm là cảnh báo trước về những nguy hiểm có thể xảy ra vậy nên biển báo này không cấm, hay bắt buộc người điều khiển phương tiện phải thực hiện một hành động nào (như biển hiệu lệnh, hay biển báo cấm).

Nhóm này gồm 47 kiểu, được đánh số thứ tự từ 201 đến 247. Mỗi kiểu có thể gồm 1 hoặc nhiều biển có ý nghĩa tương tự.

Chi tiết tên và mẹo để nhớ ý nghĩa của từng biển báo nguy hiểm

Dưới đây là số thứ tự và tóm tắt tên của hệ thống biển báo nguy hiểm như hình bên dưới, đây là hệ thống biển báo cập nhật theo Quy chuẩn 41 mọi người nên lưu ý, vì hiện nay một số nguồn thông tin khác trích dẫn hình ảnh về biển báo giao thông đã lỗi thời nhé.

2. BIỂN BÁO CẤM

Trong các loại biển báo giao thông đường bộ thì biến báo cấm được xem là biển quan trọng nhất và nếu vi phạm là bị phạt ngay. Nhận biết dễ dàng qua những biển tròn nền trắng, viền màu đỏ tươi và trên hình là nội dung cấm dành cho các phương tiện cơ giới hoặc người đi bộ. Biển báo này thể hiện những điều cấm chẳng hạn như cấm đỗ, đường cấm, cấm vượt,..

Biển báo cấm có hiệu lực trên tất cả các làn đường, hoặc trên một số làn đường được phân biệt qua các vạch dọc trên mặt phần xe chạy, đường một chiều. Người tham gia giao thông buộc phải chấp hành những biển này, nếu không sẽ bị coi là phạm luật và hơn hết là sự an toàn của chính người đi đường.

Các loại biển báo cấm khi tham gia giao thông đường bộ (gồm có 40 biển, đánh số thứ tự từ 101 đến 140)
Các loại biển báo cấm khi tham gia giao thông đường bộ (gồm có 40 biển, đánh số thứ tự từ 101 đến 140)

Nếu bạn muốn thi lấy Giấy phép lái xe thì tất nhiên phải thuộc tất cả các biển báo cấm này rồi, nhóm biển cấm gồm có 40 biển, đánh số thứ tự từ 101 đến 140, tóm tắt và mẹo nhớ ý nghĩa các biển báo như trong bảng sau đây.

Tên và ý nghĩa của các biển báo cấm khi tham gia giao thông

Giống như biển báo nguy hiểm, biển báo cấm cũng được đánh số thứ tự giúp dễ phân biệt hơn cũng như ý nghĩa của từng loại sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Theo Nghị định 100/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định, phạt 1-2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô đi vào khu vực cấm, đường cấm. Người vi phạm nếu gây ra tai nạn sẽ bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Riêng với người đi xe máy sẽ phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng với hành vi này. Vậy nên hãy học thuộc các biển báo dưới đây nhé.

3. BIỂN BÁO HIỆU LỆNH

Tương tự, biển hiệu lệnh là nhóm biển báo quan trọng khi tham gia giao thông đường bộ Việt Nam. Về ý nghĩa nhóm biển báo hiệu lệnh biểu thị những điều phải thi hành, điều này trái ngược với nhóm biển cấm (tức cấm những điều không được thực hiện). Chúng sẽ đưa ra những hiệu lệnh mà người đi đường phải thực hiện ví dụ như phải vòng sang phải, phải đi thẳng, chạy nhanh hơn tốc độ tối thiểu,...

Nhận biết thông qua biển báo có dạng hình tròn, nền xanh và viền xanh, nội dung trong biển nền trắng. Nhóm biển báo hiệu lệnh này gồm 10 kiểu, được đánh số thứ tự từ biển số 301 đến 310 và tương ứng với mỗi kiểu có một hoặc nhiều biển ý nghĩa tương tự nhau.

Các biển báo hiệu lệnh khi tham gia giao thông, nếu bạn thấy biển trên đường không giống thì nghĩa là chưa đúng Quy chuẩn (sẽ được khắc phục trong 5 năm, từ 2012 đến 2017).
Các biển báo hiệu lệnh khi tham gia giao thông, nếu bạn thấy biển trên đường không giống thì nghĩa là chưa đúng Quy chuẩn (sẽ được khắc phục trong 5 năm, từ 2012 đến 2017).

Ý nghĩa của từng loại biển báo hiệu lệnh, cách nhanh thuộc nhất

Trong Nghị định 100 quy định về lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường với tên gọi đầy đủ là “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. Mức phạt lỗi không chấp hành nêu trên được quy định như sau:

  • Đối với xe máy: Trước đây phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng giờ tăng lên phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2-4 tháng.
  • Đối với ô tô: Trước đây phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng giờ tăng lên phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2-4 tháng.

4. BIỂN BÁO CHỈ DẪN

Biển chỉ dẫn là một trong các biển báo giao thông đường bộ có nhiệm vụ chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết nhằm thông báo cho người đi đường biết được những định hướng cần thiết và hữu ích khác để người đi đường được an toàn, thuận lợi nhất.

Nhận biết đơn giản với các dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, nền xanh, hình vẽ và chữ màu trắng. So với các loại biển báo giao thông khác thì biển báo chỉ dẫn là nhóm có nhiều biển nhất với 47 kiểu, được đánh số thứ tự từ 401 đến 447. Trong đó mỗi kiểu có 1 hoặc nhiều biển có ý nghĩa tương tự nhau.

Biển báo chỉ dẫn thường gặp trong năm 2020 khi tham gia giao thông đường bộ
Biển báo chỉ dẫn thường gặp trong năm 2020 khi tham gia giao thông đường bộ

Ý nghĩa các loại biển báo chỉ dẫn cần nhớ

Sau đây là thông tin cơ bản về từng biển chỉ dẫn khi tham gia giao thông cần nhớ theo Quy chuẩn 41 (cập nhật mới nhất). Mỗi biển sẽ có tên biển, số, hình và ý nghĩa của biển báo. Thông tin được Blog 2oto tổng hợp lại từ Quy chuẩn 41 (nếu bạn cần xem chi tiết có thể tải về TẠI ĐÂY và xem trong phụ lục E từ trang 91 nhé).

Mức phạt của biển báo chỉ dẫn bằng với mức phạt biển báo hiệu lệnh như đã nêu trên. Từ 100.000 - 200.000 đồng cho xe máy và 200.000 - 400.000 đồng cho xe ô tô, nếu gây tai nạn giao thông cũng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02-04 tháng.

5. BIỂN BÁO PHỤ TRONG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Biển bảo phụ có dạng hình chữ nhật hoặc hình vuông, nền trắng, viền và hình vẽ có màu đen. Nếu bạn để ý sẽ thấy những tấm biển báo giao thông chữ nhật treo phía dưới những biển cấm (tròn đỏ), hoặc biển cảnh báo nguy hiểm (tam giác nền vàng). Có thể hiểu là biển báo phụ được đặt bổ sung và kết hợp ý nghĩa cho các biển chính như biển hiệu lệnh, biển cấm, biển báo nguy hiểm,...

Tìm hiểu ý nghĩa của biển báo phụ trong biển báo giao thông đường bộ
Tìm hiểu ý nghĩa của biển báo phụ trong biển báo giao thông đường bộ

Ý nghĩa của tất cả các biển báo giao thông phụ và cách ghi nhớ

So với các biển báo giao thông đường bộ khác thì biển phụ khá thông dụng và dễ ghi nhớ, chỉ gồm 10 kiểu được đánh số thứ tự từ 501 đến 509. Nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết hơn, có thể tải Quy chuẩn 41 và xem Phụ lục F từ trang 120.

KẾT LUẬN

Việc ghi nhớ các biển báo giao thông thường gặp thôi cũng chưa đủ, tốt hơn hết bạn cần nhớ đầy đủ tất cả các loại biển báo giao thông đường bộ. Thống kê trong 2019 trên địa bàn cả nước xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 9.229 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 8.397 vụ va chạm giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người và bị thương nhẹ 8.528 người. Qua những con số nêu trên mong rằng các bạn sẽ ý thức được an toàn giao thông và biết được tầm quan trọng của các biển báo giao thông trong 2020.

Có thể bạn sẽ cần:

  • Giải đáp bằng C lái được xe gì, bao nhiêu chỗ và bao nhiêu tấn?
  • Khẩu hiệu an toàn giao thông 2020 thầy cô sáng tác cho học sinh

Từ khóa » Các Loại Biển Báo Giao Thông đường Bộ Mới Nhất