Các Biện Pháp Bảo đảm đầu Tư Nhằm Thu Hút đầu Tư Trong Và Ngoài ...

Các biện pháp bảo đảm đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước 

Các biện pháp bảo đảm đầu tư chính là những cam kết của Nhà nước với các nhà đầu tư về trách nhiệm của Nhà nước đối với việc tiếp nhận đầu tư trước một số quyền lợi cụ thể, chính đáng của nhà đầu tư. Hãy cùng chiakhoaphapluat.vn tìm hiểu nội dung các biện pháp bảo đảm đầu tư.

1. Bảo đảm quyền sở hữu tài sản

Theo Điều 9 Luật đầu tư 2020:

“ 1.Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

2.Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Đây chính là sự cụ thể hóa Điều 32 Hiến pháp 2013 theo đó Nhà nước không được sự dùng quyền năng cưỡng chế đặc biệt của mình để xâm phạm tới tài sản hợp pháp của nhà đầu tư. Quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư được bảo hộ. Trong trường hợp trưng mua, trưng dụng tài sản của nhà đầu tư vì những lý do đặc biệt, chính đáng (Quốc phòng, an ninh,  vì lợi ích quốc gia…). Nhà nước sẽ có sự thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh

Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:

  • Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;
  • Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
  • Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;
  • Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
  • Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
  • Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
  • Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chính sách quản lý ngoại hối và khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.

3. Bảo  đảm chuyển tài sản của nhà đầu tư nước ngoài ra nước ngoài

Mục đích của hoạt động đầu tư, kinh doanh suy cho cùng là hướng tới lợi nhuận. Do vậy, Nhà nước ngoài việc bảo hộ quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài thì còn cam kết cho họ được chuyển tài sản hợp pháp của mình ra khỏi Việt Nam. Sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài các tài sản sau đây:

-Vốn đầu tư, các khoản thanh lý đầu tư;

-Thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh;

-Tiền và tài sản khác thuộc sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư.

4. Bảo lãnh của Chính Phủ đối với một số dự án quan trọng

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước tham gia thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác

5. Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật

Sự thay đổi của pháp luật tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư, trong nhiều trường hợp làm mất đi sự ổn định, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh. Do vậy, Nhà nước cam kết bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Sự bảo đảm này được quy định cụ thể tại điều Điều 13 Luật đầu tư 2014 như: 

–Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, khi có sự thay đổi pháp luật, nhà đầu tư cũng được bảo đảm hưởng các ưu đãi như trên, sự bảo đảm trên không được áp dụng  trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Trên đây là nội dung Các biện pháp bảo đảm đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn chi tiết hơn.

Từ khóa » đặc điểm Các Biện Pháp Bảo đảm đầu Tư