Các Biện Pháp Phòng Tránh Kiến Ba Khoang

Bùi Thị Thu Đông

Mùa mưa cũng chính là mùa sinh sản mạnh của các loài côn trùng, trong đó có loài kiến ba khoang (tên khoa học là Paederus fuscipes). Kiến ba khoang thực chất là một loài bọ cánh cứng, nhưng do có thân hình giống kiến và màu sắc phân bố xen kẻ cam – đen nên dân gian thường gọi là kiến ba khoang.

Ảnh chụp kiến ba khoang

Ngày nay, do tốc độ đô thị hóa, các loài côn trùng đang mất dần môi trường sống và buộc phải sống chung với con người. Vì vậy khả năng các loài côn trùng tiếp xúc với con người rất cao, nhất là vào mùa sinh sản của chúng.

Có lẽ cũng giống như loài mối cánh, vào mùa sinh sản, chúng thường bay ra khỏi nơi trú ẩn và tụ tập quanh ánh đèn vào ban đêm, đây cũng chính là nguyên nhân mà kiến ba khoang tiếp cận con người và vô tình gây nên những hậu quả cho con người. Tại bệnh viện vào mùa này cũng đã xuất hiện nhiều kiến ba khoang, mặc dù đã phun thuốc côn trùng gia dụng, ở các phòng khoa để ngăn kiến bò vào, nhưng vẫn còn kiến bay vào ban đêm khi thấy ánh đèn và đã gây ra những vết phòng rộp trên da một số nhân viên và người nhà, người bệnh.

Ảnh vết phòng rộp do tiếp xúc kiến ba khoang của người nhà bệnh nhântại khoa Ngoại Tạo Hình

Viêm da do kiến ba khoang có thể bị nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay. Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Ảnh thương tổn rông ra

Để phòng tránh kiến ba khoang chúng ta cần thực hiện các biện pháp:

Nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong phòng, không nên dùng tay “giết chết”, chà xát chúng mà nên thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người.

Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng dịu nhẹ.

Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc. Bởi lẽ, trong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin – một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da.

Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả.

Buổi tối khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn cần phải đóng các cửa sổ; Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút kiến ba khoang. Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Ngủ trong màn.

Các khoa có buồng bệnh cần vệ sinh môi trường, thu gom chất thải, thức ăn thừa đúng quy định để tránh thu hút côn trùng.

Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào phòng. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Khi bị kiến ba khoang đốt cần dùng cồn 70 độ hoặc xà phòng dịu nhẹ rửa sạch vùng da bị thương tổn để giúp giảm khó chịu do tổn thương trên da.

Sau đó đến ngay bác sĩ Da Liễu để được hướng dẫn điều trị kịp thời tránh những biến chứng không đáng có.

Lưu ý tuyệt đối không sử dụng tự ý mua thuốc điều trị theo hướng zona hoặc giời leo, tự ý bôi các thuốc màu, lá cây hoặc sử dụng các biện pháp dân gian khác làm cho vết thương bị loét, lan rộng thậm chí nhiễm trùng.

Tài liệu tham khảo:

Theo Khoa Côn trùng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP. HCM, Những điều cần biết về Kiến ba khoang, trang thông tin điện tử vncdc.gov.vn

Tagsbienphapphongtranhkienbakhoang contrung dalieu kienbakhoang viemdadokienbakhoang

Từ khóa » Bọ Giống Kiến Ba Khoang