Các Bộ, Ngành Trung ương Làm Việc Với Tỉnh Về Triển Khai Nghị ...
Có thể bạn quan tâm
Tại buổi làm việc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo với đoàn Công tác của Trung ương các nội dung chính liên quan đến Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế; Rà soát, đánh giá phân loại đô thị loại I đối với thành phố Huế mở rộng; Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế
Theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mở rộng địa giới hành chính đô thị để hình thành đô thị trung tâm với hai trục phát triển và các đô thị động lực gồm: thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, xây dựng đô thị Chân Mây. Triển khai, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế; trong đó, đồng ý xây dựng đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế trên cơ sở tính đến các yếu tố đặc thù của Thừa Thiên Huế, trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định trong năm 2020; từng bước cụ thể hóa xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai và thực hiện theo quy hoạch chung thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo khoản 3 Điều 14 Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, quy định: “Đối với đô thị được công nhận trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực mà phạm vi phân loại đô thị không trùng với phạm vi ranh giới đơn vị hành chính dự kiến thành lập thì khi xem xét thành lập phải rà soát để công nhận đô thị phù hợp với Nghị quyết này”. Do đó, việc rà soát, đánh giá chất lượng đô thị thành phố Huế mở rộng và đánh giá trình độ phát triển của các khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố trước khi lập Đề án điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo các tiêu chí của đô thị loại I với phạm vi khu vực nội thành dự kiến mở rộng, gồm 27 phường hiện hữu thuộc thành phố Huế, 06 đơn vị hành chính cấp xã thuộc khu vực nội thành dự kiến và 07 xã thuộc khu vực ngoại thành là cần thiết và phù hợp với các quy định hiện hành.
Trên cơ sở yêu cầu phát triển khách quan của hệ thống đô thị Việt Nam cũng như của tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay, thực hiện định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 và chiến lược phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 - 2020, việc mở rộng địa giới hành chính đô thị và thành lập các phường thuộc thành phố Huế là sự phản ánh đầy đủ vị thế, thực tiễn phát triển của Thừa Thiên Huế trong xu thế hội nhập; phù hợp với các định hướng, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ; đồng thời, đây là định hướng hết sức cần thiết nhằm tạo ra những cơ hội mới để tiếp tục phát triển đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng “văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Vì vậy, việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế và rà soát, đánh giá đô thị loại I đối với thành phố Huế sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và đánh giá các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo các quy định hiện hành là cần thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 54 và đề xuất một số vấn đề trọng tâm về mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế
Mong muốn các xã 2 bên bờ sông Hương thuộc về thành phố Huế
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nhằm cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 54-NQ/TW như Ban hành Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và phân công xây dựng các đề án có liên quan. Mới đây, Tỉnh ủy cũng đã có 2 Nghị quyết quan trọng thông qua 2 Đề án đó là: Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và Đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, hiện nay, diện tích thành phố Huế quá nhỏ, không đáp ứng với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao; nhiều diện tích thuộc vùng quy hoạch phát triển đô thị mới An Vân Dương lại nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính thành phố nên công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Một vấn đề nữa là không gian đô thị Huế hiện hữu là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên; dọc 2 bên bờ sông Hương (thuộc phạm vi thành phố Huế và các huyện, thị xã lân cận) có rất nhiều các di sản với mật độ dày đặc nhất là ở khu vực đầu nguồn sông Hương. Hơn nữa trong lịch sử thời kỳ Bình Trị Thiên thì thành phố Huế cũng đã từng có diện tích rất lớn trải dài theo hướng Đông – Tây (từ Thuận An, Hương Phong, Hải Dương lên đến Bình Điền) với tổng số 41 đơn vị hành chính cấp xã. Vì vậy, việc mở rộng thành phố Huế, Tỉnh mong muốn các xã, phường ven 2 bờ sông Hương đều thuộc về thành phố Huế để thuận lợi trong công tác quản lý, bảo tồn di sản, trục cảnh quan sông Hương (trục Đông - Tây), đồng thời phát triển theo hướng mở rộng về phía biển nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển và đầm phá.
Việc mở rộng thành phố Huế lên 266 km2 (với việc nhập 13 xã, phường, thị trấn từ thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang) là phù hợp khoa học và thực tiễn. Trước khi báo cáo các Bộ ngành, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đã thảo luận, cùng với các ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu phân tích trên nhiều phương án, để chọn ra phương án báo cáo các Bộ, ngành hôm nay được xem là tối ưu.
Đề xuất mở rộng thành phố Huế lên 266 km2
Tại buổi làm việc, các Bộ ngành Trung ương bày tỏ sự ủng hộ cao đối với việc mở rộng thành phố Huế, sau buổi làm việc lần này các đơn vị có liên quan sẽ rà soát chỗ nào chưa phù hợp, hay còn vướng mắc gì thì cùng tháo gỡ; chung tay giúp Tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn chỉnh các nội dung công việc để trình các cấp có liên quan. Đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất tích cực, chủ động tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng việc mở rộng thành phố Huế là quan trọng, cấp bách.
"Bước đầu Tỉnh đã quyết liệt thực hiện việc xây dựng các đề án mở rộng địa giới, xây dựng bộ tiêu chí... là tiền đề để đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Xây dựng bày tỏ thống nhất cần phải mở rộng để đáp ứng yêu cầu phát triển". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cơ bản thống nhất ủng hộ và khẳng định sẽ chung tay xây dựng các đề án để trình các cấp, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Đồng thời gợi ý Tỉnh có thể đưa thêm vài phương án, để chọn phương án tối ưu hơn nhằm tăng tính thuyết phục. Các phương án đó khi đưa ra cần gắn với các quy hoạch và luận giải được sự phù hợp với các văn bản pháp luật, các quy định,... Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đề nghị, để tiết kiệm thời gian và đảm bảo tiến độ, nên xem xét có thể không cần thiết phải xây dựng Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên Huế - đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Trong chuyến làm việc lần này, Đoàn công tác Trung ương sẽ thực hiện khảo sát hiện trạng phát triển, bước đầu đánh giá các tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và thành lập đơn vị hành chính đô thị của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ khóa » Ngành Thuộc Trung ương
-
Thông Tin Các Bộ, Ngành | Tư Liệu - Văn Kiện
-
Nghị định Hợp Nhất Quy định Tổ Chức Các Cơ Quan Chuyên Môn Thuộc ...
-
Thông Tư 33-BT - Trung ương
-
Thủ Tục Tặng Cờ Thi đua Cấp Bộ, Ban, Ngành, đoàn Thể Trung ương ...
-
Văn Bản Chỉ đạo, điều Hành
-
Bộ, Ban, Ngành Trung ương Là Các Cơ Quan Nào? - Hỏi đáp Pháp Luật
-
Thủ Tướng Chính Phủ Ra Công điện Chỉ đạo Việc Sắp Xếp Tổ Chức ...
-
Bảo Tàng Chuyên Ngành Thuộc Bộ, Ngành, Tổ Chức Chính Trị - Xã Hội ...
-
5 Thành Phố Trực Thuộc Trung ương: Tập Trung Mọi Nỗ Lực để Tháo Gỡ ...
-
Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Việt Nam - Wikipedia
-
Thể Loại:Cơ Sở Giáo Dục Trực Thuộc Bộ Ngành Trung ương - Wikipedia
-
Cơ Quan Nhà Nước - VNNIC
-
Giới Thiệu Tổ Chức Bộ Máy - Kiểm Toán Nhà Nước
-
09 Nhiệm Vụ, Quyền Hạn Của Công đoàn Ngành Trung ương - Chi Tiết Tin