Các Bộ Phận Bên Trong Máy Vi Tính

Bạn đã bao giờ nhìn vào bên trong thùng máy vi tính hoặc nhìn thấy hình ảnh bên trong của một máy vi tính chưa? Các bộ phận nhỏ có thể trông phức tạp nhưng những gì bên trong máy vi tính thực sự không quá bí ẩn.

Các bộ phận bên trong máy vi tính

Bài viết này sẽ giúp bạn nắm vững một số thuật ngữ cơ bản và hiểu thêm một chút về những gì bên trong máy vi tính.

Bo mạch chủ - Mainboard

Bo mạch chủ là bảng mạch chính của máy vi tính

Bo mạch chủ - Mainboard hay MotherBoard, là bảng mạch chính của máy vi tính. Đó là một tấm mạch mỏng chứa các linh kiện điện tử trong đó có bộ vi xử lý, bộ nhớ, các đầu cắm cho ổ cứng và ổ đĩa quang, các thiết bị mở rộng để điều khiển hình ảnh và âm thanh cũng như kết nối với các cổng khác của máy vi tính. Bo mạch chủ kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp với mọi bộ phận của máy vi tính.

Khối xử lý trung tâm - CPU

Khối xử lý trung tâm - CPU còn được gọi là bộ vi xử lý của máy vi tính

Khối xử lý trung tâm - CPU, viết tắt của chữ Central Processing Unit, còn được gọi là bộ vi xử lý. CPU được gắn trên bo mạch chủ nằm bên trong thùng máy vi tính. Đôi khi nó được gọi là bộ não của máy tính và công việc của nó là thực hiện các lệnh. Bất cứ khi nào bạn nhấn một phím, nhấp chuột hoặc khởi động một ứng dụng, bạn đang gửi hướng dẫn đến CPU.

CPU thường có hình vuông với cạnh khoảng 5cm, được làm bằng gốm với một Chip Silicon có kích thước nhỏ khoảng một móng tay nằm bên trong. CPU được lắp trong đế cắm CPU của bo mạch chủ và được bao phủ bởi bộ tản nhiệt giúp làm giảm nhiệt độ cho CPU.

Tốc độ của bộ vi xử lý được đo bằng Megahertz (MHz - Xử lý hàng triệu lệnh mỗi giây) hoặc Gigahertz (GHz - Xử lý hàng tỷ lệnh mỗi giây). Bộ xử lý nhanh hơn có thể thực hiện các lệnh nhanh hơn. Tuy nhiên, tốc độ thực tế của máy vi tính phụ thuộc vào tốc độ của nhiều thành phần khác nhau - không chỉ bộ xử lý.

Bộ nhớ - RAM

RAM - Random Access Memory là bộ nhớ ngắn hạn của máy vi tính

RAM - Random Access Memory là bộ nhớ ngắn hạn của hệ thống. Bất cứ khi nào máy vi tính của bạn thực hiện các phép tính, nó sẽ tạm thời lưu trữ dữ liệu trong RAM cho đến khi cần.

Bộ nhớ ngắn hạn này sẽ biến mất khi tắt máy tính. Nếu bạn đang làm việc với một tài liệu, bảng tính hoặc các loại tập tin khác, bạn sẽ cần lưu nó để tránh bị mất khi tắt máy. Khi bạn lưu một tập tin, dữ liệu sẽ được ghi vào ổ dĩa cứng, nó đóng vai trò là nơi lưu trữ lâu dài.

Dung lượng của RAM được đo bằng Megabyte (MB) hoặc Gigabyte (GB). Máy vi tính của bạn càng có nhiều RAM thì càng có thể làm được nhiều việc cùng lúc. Nếu máy vi tính của bạn không có đủ RAM, bạn có thể nhận thấy là nó hoạt động chậm chạp khi bạn mở một số chương trình. Chính vì vậy, nhiều người đã gắn thêm RAM vào máy vi tính của mình để cải thiện tốc độ.

Ổ cứng - Hard Drive

Ổ cứng là nơi lưu trữ phần mềm, tài liệu và các tập tin khác của bạn trong máy vi tính

Ổ cứng là nơi lưu trữ phần mềm, tài liệu và các tập tin khác của bạn. Ổ cứng có thể lưu trữ lâu dài, tức là dữ liệu vẫn được lưu ngay cả khi bạn tắt máy hoặc rút đầu cắm điện.

Khi bạn chạy một chương trình hoặc mở một tập tin, máy tính sẽ sao chép một số dữ liệu từ ổ cứng vào RAM. Khi bạn lưu một tập tin, dữ liệu sẽ được sao chép từ RAM trở lại ổ cứng. Ổ cứng có tốc độ càng nhanh thì máy tính của bạn có thể khởi động và tải chương trình càng nhanh.

Ổ cứng của máy vi tính có thể là ổ dĩa từ tính - Hard Disk Drive, viết tắt là HDD hoặc các Chip nhớ thể rắn - Solid State Drive, viết tắt là SSD.

Ổ đĩa quang

Ổ dĩa quang sử dụng để cài đặt chương trình vào máy vi tính hoặc xem phim, nghe nhạc

Thường được gọi là ổ CD-ROM hoặc DVD-ROM, nó cho phép máy vi tính của bạn đọc đĩa CD và DVD. Bạn có thể sử dụng nó để cài đặt chương trình vào máy vi tính hoặc xem phim, nghe nhạc.

Một số ổ dĩa quang có khả năng ghi và xóa dữ liệu trên các dĩa CD/DVD RW nên cũng có thể sử dụng để lưu trữ phần mềm, tài liệu và các tập tin khác của bạn.

Bộ cấp nguồn - Power Supply Unit - PSU

Bộ nguồn trong máy vi tính chuyển đổi từ nguồn điện nhà thành loại nguồn điện mà máy vi tính cần

Bộ cấp nguồn hay gọi tắt là bộ nguồn trong máy vi tính chuyển đổi từ nguồn điện nhà thành loại nguồn điện mà máy vi tính cần. Nó cấp điện thông qua các dây cáp đến bo mạch chủ và các thiết bị khác bên trong máy vi tính.

Nếu bạn quyết định mở thùng máy vi tính để xem xét, hãy nhớ rút đầu cắm điện của máy vi tính trước. Ngoài ra, trước khi chạm vào các bộ phận bên trong máy vi tính, bạn nên chạm tay vào một vật kim loại được nối đất — hoặc phần kim loại của thùng máy vi tính để loại bỏ bất kỳ sự tích tụ tĩnh điên nào trên cơ thể của bạn. Tĩnh điện có thể được truyền từ cơ thể qua các mạch điện của máy vi tính và có thể làm hỏng máy của bạn.

Thẻ mở rộng - Expansion Card

Một số loại thẻ mở rộng thường được lắp trong máy vi tính

Hầu hết các máy tính đều có các khe cắm mở rộng trên bo mạch chủ cho phép bạn lắp thêm nhiều loại thẻ mở rộng khác nhau. Đôi khi chúng được gọi là thẻ PCI - Peripheral Component Interconnect. Bạn có thể không bao giờ cần thêm bất kỳ thẻ mở rộng nào vì hầu hết các bo mạch chủ đều được tích hợp sẵn Video, âm thanh, mạng và các chức năng khác.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn tăng hiệu suất của máy vi tính hoặc nâng cấp máy tính cũ, bạn có thể thêm một hoặc nhiều thẻ rộng. Dưới đây là một số loại thẻ mở rộng phổ biến nhất.

Các thiết bị mở rộng được chế tạo dưới dạng thẻ để cắm vào các khe cắm trên bo mạch chủ nên thường được gọi là Card, chẳng hạn như Card màn hình (Card đồ họa), Card mạng,…

1

Thẻ xử lý hình ảnh - Video Card

Thẻ xử lý hình ảnh hay còn gọi là Card màn hình, chịu trách nhiệm về những gì bạn nhìn thấy trên màn hình. Hầu hết các máy tính đều có khối xử lý đồ họa - GPU - Graphics Processing Unit, nó được tích hợp trong bo mạch chủ thay vì có một Card màn hình riêng. Nếu bạn thích chơi các trò chơi chuyên về đồ họa, bạn có thể lắp thêm thẻ Video mạnh hơn vào một trong các khe cắm mở rộng để có được khả năng xử lý đồ họa tốt hơn.

2

Thẻ âm thanh - Sound Card

Thẻ âm thanh hay còn được gọi là Card âm thanh, chịu trách nhiệm về những gì bạn nghe thấy trong loa hoặc tai nghe. Hầu hết các bo mạch chủ đều có tích hợp âm thanh, nhưng bạn có thể nâng cấp lên một Card âm thanh chuyên dụng để có được âm thanh chất lượng cao hơn.

3

Thẻ kết nối mạng - Network card

Thẻ kết nối mạng hay còn gọi là Card mạng, cho phép máy vi tính của bạn kết nối và giao tiếp qua mạng để truy cập Internet. Nó có thể kết nối bằng cáp mạng Ethernet hoặc thông qua kết nối không dây, thường được gọi là Wi-Fi. Nhiều bo mạch chủ có tích hợp sẵn kết nối mạng và bạn cũng có thể lắp thêm một Card mạng vào một khe cắm mở rộng nếu muốn.

4

Thẻ Bluetooth - Bluetooth Card hay Bluetooth Adapter

Bluetooth là công nghệ giao tiếp không dây trong khoảng cách ngắn. Nó thường được sử dụng trong máy vi tính để giao tiếp với bàn phím và chuột không dây. Bluetooth có thể được tích hợp vào bo mạch chủ hoặc trong Card mạng không dây. Đối với các máy vi tính không có Bluetooth, bạn có thể mua bộ chuyển đổi USB - Bluetooth USB adapter, thường được gọi là Dongle.

Từ khóa » Trong Cpu Có Gì