Các Bộ Võ Công Lừng Lẫy Trong Truyện Kim Dung - VnExpress Giải Trí

Sau khi Kim Dung qua đời ngày 30/10, người hâm mộ nhớ lại trải nghiệm của mình khi đọc sách, xem phim chuyển thể từ truyện của ông. Xuyên suốt loạt tác phẩm của Kim Dung, những chiêu thức võ thuật được khắc họa đa dạng và tỉ mỉ. Trong đó, không ít môn để lại ấn tượng sâu đậm với nhiều thế hệ người xem.

Hàng long thập bát chưởng

Hàng long thập bát chưởng Hàng long thập bát chưởng

Môn chưởng pháp được Kim Dung ưu ái cho xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm của mình, giúp Tiêu Phong (Thiên long bát bộ), Quách Tĩnh, Hồng Thất Công (Anh hùng xạ điêu) uy chấn giang hồ. Nó bao gồm 18 chiêu theo lối cương mãnh, phù hợp với các bậc anh hùng chính trực. Sau đời bang chủ Gia Luật Tề (con rể Quách Tĩnh), các chưởng bang tiếp theo không đủ ngộ tính để học hết. Trong Ỷ thiên đồ long ký, bang chủ Sử Hỏa Long chỉ học được 12 chiêu trước khi bị ám hại, khiến môn võ thất truyền. Tên gọi của một số chiêu trong Hàng long thập bát chưởng như Kháng long hữu hối, Phi long tại thiên quen thuộc với nhiều người.

Đả cẩu bổng pháp

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung

Cùng Hàng long thập bát chưởng, Đả cẩu bổng pháp là tuyệt chiêu võ thuật của Cái bang. Đây là môn đánh gậy gồm 36 đòn, theo luật chỉ có bang chủ đời trước chân truyền cho đời sau. Những người nổi tiếng từng dùng nó là Hồng Thất Công và Hoàng Dung (Anh hùng xạ điêu). Võ công này gắn liền với trích đoạn cảm động trong Thần điêu hiệp lữ. Trước khi chết ở vùng núi tuyết, Hồng Thất Công và kình địch Âu Dương Phong vẫn muốn so võ thuật nhưng sức đã yếu. Hồng lão dạy Đả cẩu bổng cho Dương Quá, để chàng biểu diễn cho Âu Dương Phong tìm cách phá giải, coi như cách tỉ thí gián tiếp.

Nhất dương chỉ

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung - 1

Nhất dương chỉ xuất hiện trong Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ. Đây là tuyệt kỹ điểm huyệt cách không của hoàng gia họ Đoàn nước Đại Lý, giúp họ gây dựng tên tuổi. Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Minh, Đoàn Diên Khánh, Nam Đế Đoàn Trí Hưng (sau thành Nhất Đăng đại sư) là những người nổi bật dùng môn này. Trong đó, Nam Đế nhờ nó mà trở thành một trong năm cao thủ đệ nhất thiên hạ (võ lâm ngũ bá).

Lục mạch thần kiếm

Lục mạch thần kiếm Thiên long bát bộ Lục mạch thần kiếm Thiên long bát bộ

Ngoài Nhất dương chỉ, Lục mạch thần kiếm là tuyệt học thứ hai của họ Đoàn với uy lực lớn hơn, phóng kiếm khí vô hình từ đầu ngón tay. Trong Thiên long bát bộ, nhiều cao tăng ở chùa Thiên Long (vốn là người hoàng tộc Đại Lý xuất gia) học cả đời cũng chỉ thành thạo một trong sáu đường kiếm. Do ngộ tính và nội lực thâm hậu, Đoàn Dự luyện được cả sáu mạch nhưng chưa thể thu phát tùy ý. Chuyện Đoàn Dự lúc bắn được, lúc không gây ra nhiều tình tiết dở khóc dở cười.

Lăng ba vi bộ

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung - 2

Môn bộ pháp trong Thiên long bát bộ vốn thuộc về phái Tiêu Dao, sau được Đoàn Dự luyện. Khi bị rớt xuống vực, chàng tìm thấy một pho tượng mỹ nữ và làm theo yêu cầu dưới chân tượng - dập đầu một ngàn lần. Khi đó, bí kíp Bắc Minh thần công và Lăng ba vi bộ lộ ra. Môn này dựa vào 64 quẻ Dịch, giúp người dùng di chuyển linh hoạt khiến đối thủ gần như không thể đánh trúng. Ngoài ra, mỗi khi đi trọn vòng thì nội lực lại tăng tiến. Tên gọi Lăng ba vi bộ lấy cảm hứng từ hai câu thơ trong Lạc thần phú của Tào Thực là "Lăng ba vi bộ - La miệt sinh trần" (Bước đi uyển chuyển đùa trên sóng - Thấp thoáng xiêm y phủ gót hài).

Cửu âm chân kinh

Châu Bá Thông là một những người hoc Cửu âm chân kinh.

Châu Bá Thông là một những người hoc Cửu âm chân kinh.

Cửu âm chân kinh xuất hiện nhiều lần trong Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ, được xem là bí kíp mạnh nhất, khiến giang hồ không ngừng tranh đoạt. Đây là một bộ võ công tổng hợp, bao gồm nhiều môn khác nhau mà cao thủ có thể lựa chọn để học. Nó do Hoàng Thường - một quan văn - sáng tạo nhằm trả thù cho gia đình. Tuy nhiên, khi rời khỏi nơi luyện công, ông nhận ra đã quá nhiều năm trôi qua, kẻ thù đều chết già, thậm chí con của họ cũng đã cao tuổi.

Trong cuộc so tài giữa võ lâm ngũ bá, Vương Trùng Dương chiến thắng và giành được Cửu âm chân kinh. Sau này, do nhiều cơ duyên, Quách Tĩnh, Chu Bá Thông và Dương Quá học được một phần bí kíp. Trong Ỷ thiên đồ long ký, một cô nương áo vàng - hậu nhân của Dương Quá và Tiểu Long Nữ - sử dụng Cửu âm chân kinh và gây sửng sốt vì trình độ quá cao siêu.

Ám nhiên tiêu hồn chưởng

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung - 4

Môn võ công này chỉ xuất hiện ngắn ngủi ở đoạn cuối Thần điêu hiệp lữ nhưng để lại ấn tượng mạnh. Nó do Dương Quá sáng tạo trong 16 năm chờ đợi Tiểu Long Nữ và chỉ có mình chàng dùng được. Điểm độc đáo nhất của môn này là chỉ phát huy được khi đau khổ vì tình. Sau khi gặp lại Tiểu Long Nữ, Dương Quá vui sướng và không đánh hết công lực chưởng pháp khi đấu Kim Luân Pháp Vương. Chỉ đến khi sắp bại trận, đối mặt cảm giác tuyệt vọng do sắp lìa xa người yêu, chàng mới phát huy hết sức mạnh và chiến thắng.

Cửu dương thần công

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung - 5

Cửu dương thần công là môn nội lực ghi bên mép cuốn Lăng Già Kinh, được Giác Viễn thiền sư phát hiện và luyện thành. Nó bị hai tên trộm cướp khỏi Thiếu Lâm Tự, sau đó giấu vào bụng con khỉ. Về sau, Trương Vô Kỵ - nhân vật chính trong Ỷ thiên đồ long ký - vô tình gặp con khỉ trong núi và lấy được bí kíp. Nhờ tu luyện, chàng trở thành một nhân vật có nội lực thâm hậu bậc nhất trong thế giới của Kim Dung.

Càn khôn đại na di

Trương Vô Kỵ đại chiến trong Ỷ thiên đồ long ký Trương Vô Kỵ đại chiến trong Ỷ thiên đồ long ký

Đây là môn võ công tâm pháp gắn liền với Trương Vô Kỵ trong Ỷ thiên đồ long ký. Nó vốn bắt nguồn từ Minh Giáo nơi Tây Vực, giúp người dùng di chuyển nội lực trong cơ thể, chuyển hướng chiêu thức kẻ thù. Khi lạc trong căn cứ Minh Giáo, Trương Vô Kỵ tìm thấy bí kíp và học được trọn vẹn bảy tầng nhờ tư chất và nội công thâm hậu từ Cửu dương thần công. Sau đó, chàng đả bại quần hùng dễ dàng và trở thành giáo chủ Minh giáo.

Độc Cô cửu kiếm

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung - 6

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Lệnh Hồ Xung tao ngộ đại cao thủ Phong Thanh Dương và được truyền Độc Cô cửu kiếm. Môn này do Độc Cô Cầu Bại sáng tạo dựa trên tư tưởng Đạo giáo với triết lý "vô chiêu thắng hữu chiêu". Người dùng Độc Cô cửu kiếm không còn bị bó buộc trong động tác, quy củ mà đánh linh hoạt đến mức không còn chiêu thức. Môn này bao gồm chín thức, phù hợp với những người lãng tử, phong trần như Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung.

Bắc Minh thần công - Hấp tinh đại pháp

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung - 7

Trong Thiên long bát bộ, Bắc Minh thần công là môn nội công có khả năng hút nội lực của kẻ khác cho mình. Đoàn Dự học được nó nhưng không sử dụng thuần thục. Tiếu ngạo giang hồ có một môn tương tự là Hấp tinh đại pháp - gắn liền với nhân vật Nhậm Ngã Hành. Tuy nhiên, nó khiến người sử dụng dần tẩu hỏa nhập ma do gây rối loạn nội lực chính mình. Vô tình luyện Hấp tinh đại pháp, Lệnh Hồ Xung trải qua nhiều lần đau khổ trước khi được lãnh ngộ Dịch cân kinh ở cuối truyện để ổn định chân khí.

Quỳ Hoa bảo điển

Những võ công nổi tiếng trong truyện của Kim Dung - 8

Quỳ Hoa bảo điển có uy lực cực mạnh, do một thái giám sáng tạo với điều kiện khắc nghiệt là người muốn học phải "dẫn đao tự cung" (tức tự thiến). Pho bí kíp này xuất hiện trong Tiếu ngạo giang hồ với người luyện hoàn chỉnh nhất là Đông Phương Bất Bại - giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo. Hắn trở thành đệ nhất cao thủ nhưng sống như người bán nam bán nữ. Trong trận chiến với nhóm Nhậm Ngã Hành - Lệnh Hồ Xung, Đông Phương Bất Bại chỉ dùng chiếc kim thêu đã đủ chiếm thượng phong. Chỉ đến khi Nhậm Doanh Doanh - con gái Nhậm Ngã Hành - tấn công người tình của Đông Phương Bất Bại, hắn mới mất tập trung rồi bại trận.

Một phần Quỳ Hoa bảo điển được lưu truyền trên giang hồ với tên gọi Tịch Tà kiếm phổ. Trong Tiếu ngạo giang hồ, hai nhân vật Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi tự thiến để học, chấp nhận đánh đổi gia đình. Nhưng rốt cục, họ đều có số phận bi kịch.

Ân Nguyễn

  • 10 đại mỹ nhân trong thế giới võ hiệp Kim Dung
  • Vì sao truyện chưởng Kim Dung sống mãi với thời gian

Từ khóa » Các Môn Võ Mạnh Nhất Kim Dung