Các Bước Tự Sáng Tác 1 Tác Phẩm Truyện Tranh

1. Kịch bản thú vị

Ui, thật là kì lạ nếu chúng ta bắt đầu vẽ truyện tranh không phải bằng việc vẽ mà là viết! Nhưng sự thật là như vậy! Chúng ta không thể vẽ nên một tác phẩm truyện tranh hay nếu không có một ý tưởng thú vị. Chưa kể, việc trình bày ý tưởng bằng chữ trước sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian chỉnh sửa ở các bước sau này, vì dù sao chỉnh sửa trên chữ viết cũng dễ dàng hơn chỉnh sửa trên hình vẽ, đúng không nào?

2. Thiết kế nhân vật ấn tượng

Sau khi có kịch bản rồi, thì bước tiếp theo chính là thiết kế nhân vật! Chà, đây là một giai đoạn cực kì thú vị đây, vì cuối cùng chúng ta cũng được vẽ nhân vật trong trí tưởng tượng của mình rồi! Tuy nhiên, để việc vẽ truyện tranh trở nên chuyên nghiệp hơn, các bạn hãy chú ý tỉ lệ nhân vật nhé! Nhớ là trong truyện tranh, chiều cao của nhân vật sẽ được tính bằng đầu, ví dụ: Doraemon cao 2.2 đầu, Conan cao 3 đầu,… Hãy cố gắng vẽ đúng tỉ lệ này trong suốt tác phẩm của mình nhé!

Nhân vật Nhân Khang trong tác phẩm “Hồ Y” – Đồ án tốt nghiệp của Nguyễn Thị Hoài Thương (học viên Khóa 2, Viện Truyện Tranh & Hoạt Hình Việt Nam)

3. Bản phác thảo nhỏ kịch bản (thumbnail)

Bước tiếp theo, chúng ta hãy biến kịch bản chữ thành hình ảnh ở dạng đơn giản nhé! Ở bước này, bạn không cần quan tâm đến chi tiết và kích thước, chỉ cần chia câu chuyện thành từng trang với hình dáng khung. vị trí của nhân vật và thoại phù hợp. Việc quản lý câu chuyện ở những trang phác thảo nhỏ còn giúp chúng ta quan sát được bố cục toàn câu chuyện một cách hiệu quả nữa đó!

Bản thumbnail truyện “Bố tôi méoow có bồ” – Lê Hoàng (học viên Khóa 5, Viện Truyện Tranh & Hoạt Hình Việt Nam)

4. Bản phác thảo chi tiết

Sau khi có bản phác thảo nhỏ, bây giờ nhiệm vụ của chúng ta là phóng lớn bản phác thảo trên khổ giấy phù hợp. Ở giai đoạn này, các bạn hãy sử dụng bản thiết kế nhân vật đã chuẩn bị ở bước 2 để đảm bảo nhân vật được vẽ đúng và đẹp nha!!

Đồ án “Lụa” – Nguyễn Phát Tài (học viên Khóa 5, Viện Truyện Tranh & Hoạt Hình Việt Nam)

5. Bản lọc nét

Đây là bước cực kì quan trọng trong quy trình sáng tác truyện tranh. Nếu ở những giai đoạn trước, chúng ta dùng bút chì và có nhiều cơ hội để sửa lỗi thì ở bước lọc nét này, các bạn sẽ hoàn toàn sử dụng loại bút mực chuyên dụng dùng để lọc nét. Vì tính chất không tẩy xóa được, nên ở bước này các bạn hãy tuyệt đối cẩn thận nhé! “Sai một li là đi một trang” đó! ^^

6. Hậu kì và sắc độ

Truyện tranh không để đẹp nếu thiếu những hiệu ứng bay đổng, đường gió,… màu sắc hay sắc độ trắng đen. Vì vậy, đừng quên dành thời gian để chăm chút cho bước này nghen!

Liễu Nương, nhân vật trong “Cốt Trâm” – Đồ án tốt nghiệp của Nguyễn Thị Xuyên (học viên Khóa 2, Viện Truyện Tranh & Hoạt Hình Việt Nam)

7. Scan và viết thoại

Sau khi mọi việc đã hoàn tất thì bước cuối cùng đó là hãy scan tác phẩm của mình để đưa lên máy tính và chèn thoại nào! Với sự phát triển của điện thoại thông minh, việc scan tác phẩm truyện tranh trở nên dể dàng hơn nhiều! Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng viết tay thật đẹp thì không cần phải chèn thoại bằng máy tính đâu nhé! Chữ viết tay cũng góp phần tạo nên các tính riêng cho tác phẩm của bạn đấy!

Truyện “Designed” – Lạc An (Họa sĩ, biên kịch & giảng viên tại Viện Truyện Tranh & Hoạt Hình Việt Nam)

*********

Lạc An

Từ khóa » Học Vẽ Truyện Tranh Cơ Bản