Các Ca Khúc Tôi Sáng Tác Cho Quảng Nam: 22 Năm Nhìn Lại

Tôi bắt đầu sáng tác từ năm 1990, lúc tôi 18 tuổi tại Sài Gòn. Vì là người yêu thơ văn nên ca khúc của tôi chú trọng ca từ vì vậy khán giả của tôi đa phần là lớn tuổi, hoặc các bạn trẻ có năng khiếu thơ văn thì mới thích. Cho đến bây giờ, theo tổng kết của Youtube, khán giả yêu thích ca khúc tôi nằm phần lớn ở độ tuổi từ 25 tuổi trở lên, khoảng 65% khán giả ở độ tuổi này.
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn và ca sỹ ruột Hồng Minh.

Hôm nay tôi chỉ xin đề cập các ca khúc tôi sáng tác cho Quảng Nam sau 22 năm qua.

Do tôi xa quê hương Quảng Nam quá lâu (từ 1989 đến 2009) nên nỗi nhớ quê mới tuôn trào ra như rứa. Những năm tôi ở Sài Gòn không có điện thoại, sinh viên nghèo không có tiền đi máy bay về thăm quê, nên ôi trời ơi nhớ sao là nhớ: sắn lát, khoai lùi, xôi nếp, mì Quảng, phở sắn, đường non, chuối mốc, mắm cái, đậu phụng rang... Nhớ món ăn đã nhiều, mà nhớ cảnh, nhớ người thì nhiều hơn. Nhớ đến khóc miết. Tôi ấn tượng nhất những buổi chiều hè và đêm hè trăng sáng với những thanh âm nơi nội đồng, tiếng í ới nơi làng trên xóm dưới; hay những mùa lụt mưa dầm thúi đất ở quê tôi mà tôi mang áo tơi ra đồng ướt như chuột lột lạnh run như gà con.

Tuổi thơ đói rét nhưng ấm áp trong vòng tay ba mẹ anh chị cả đời chẳng thể quên được.

Các ca khúc Tình quê, Em gái quê mình, Yêu cái mặn mà, Quê hương tôi, Dùi chiêng ra đời từ đó (những năm 1999-2002). Và cũng chính vì nhớ quê hương Quảng Nam quá, mà trong một chuyến về dự ngày Nhà báo Việt Nam 21-6 ở Báo Công an TP Đà Nẵng năm 2001, tôi đã tranh thủ về thăm Quảng Nam, và đã bị xe tải húc vào chân mang đến cho tôi một nỗi đau xé trời trong 6 ca phẫu thuật ống chân, và dáng đi hơi chông chênh như bây giờ.

Ca khúc Tình quê thuộc thể loại pop ballade giai điệu (melody) mang âm hưởng ngũ cung Việt Nam đan xen thất cung của Tây phương nên nghe nhẹ nhàng tình cảm và khoáng đạt, hiện đại chứ không nặng âm hưởng dân ca vùng miền. Và điệu thức “Trưởng” làm cho ca khúc đẹp buồn, nhớ quê da diết nhưng không bi lụy mà là sang trọng. Người nghe cảm nhận được sắc hương màu đặc trưng của làng quê Quảng Nam như triền núi, ruộng đồng chen núi, vồng khoai, cành bưởi sau hè, dòng sông; các món ăn truyền thống như chuối mốc, đường non, mì Quảng mà tôi đã khéo léo đưa vào trong ca từ bằng nỗi nhớ thốt nên lời, bằng cảm xúc chân thành nên nó không rơi vào tình trạng hô hào ngợi ca vô cảm. Kinh nghiệm khi sáng tác ca khúc về quê hương, nhạc sỹ cần đưa địa danh vào sao cho rất tự nhiên, chọn địa danh, hình ảnh tiêu biểu gây cảm xúc cho mình, tránh tình trạng liệt kê hay kể lể địa danh nhiều…

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn và Hoa hậu Du lịch Tường Vy trong một cảnh quay MV.

Ca khúc Tình quê ca sỹ Thùy Dương thể hiện đầu tiên, sau đó đến các ca sỹ Bảo Yến, Mỹ Tâm, Tố My... Và bây giờ tác phẩm này khán giả hát nhiều.

Ca khúc Em gái quê mình tôi sáng tác điệu Pop Rumba, điệu thức “Trưởng”, mang chút âm hưởng dân ca Trung Bộ cụ thể là điệu hò Ba Lý, và chút âm hưởng nhạc tiền chiến. Giai điệu và ca từ êm ái, nhẹ nhàng thể hiện sự yêu thương của phái nam với những phẩm chất của người phụ nữ Việt: “Em gái quê mình ơi, em ra phố một mình, mưa bay ướt tóc huyền, ướt bờ vai cỏ mềm, em có lạnh không em, lạnh không em? Em gái quê mình ơi, gót son em dãi nắng, thân ngà em dầm mưa, em tảo tần bể dâu, ơi em gái quê mình, anh nhớ em, anh yêu em như yêu câu hát hò khoan...”. Vì ca khúc này tôi viết cho Tam Kỳ bên dòng sông Trường Giang thơ mộng, nên gọi là ca khúc viết cho Quảng Nam; nhưng có thể hát ở đâu cũng được để ru mẹ, ru chị, ru em trên mọi miền đất nước.

Ca khúc Em gái quê mình do ca sỹ Tấn Minh thể hiện đầu tiên, sau đó đến Minh Tâm ở Hà Nội, Quang Hào ở Quảng Nam, Hoàng Tùng ở Quảng Ninh. Và gần đây tôi ấn tượng với vài khán giả Đà Lạt hát rất tình cảm và sâu sắc.

Ca khúc Yêu cái mặn mà thể loại nhạc Pop Bossa ra đời khi tôi thèm mắm cái cá cơm chịu hổng nổi. Ở quê tôi nhiều người ăn mặn, thèm mắm lắm. Và nghèo quá, đôi khi có chén mắm cá cơm là giành nhau ăn sạch. Tôi cũng hay giành ngay con mắm cá cơm ngon trong bữa ăn khi tôi đi làm thợ mộc. Tôi tộc Trần, tộc Trần nhiều người ăn mặn, ngày xưa làng xóm hay có câu lên án “Trần Văn ăn mặn như lồi” để nhắc khéo là sao tôi ăn hết mấy con mắm cá cơm ngon mà không nhường cho họ. Khởi sự ý tưởng tôi sáng tác ca khúc Yêu cái mặn mà là rứa, là từ con mắm cái cá cơm. Ai có ngờ đâu, khi cầm bút viết, cái “mặn mà” nó hiện ra trong tình người, trong nếp sống mỗi ngày, trong sự đối đãi nồng hậu mặn mà, đậm đà của người Quảng Nam mến khách; rồi sự hóm hỉnh dễ thương của các từ “chi, rứa, răng mà rứa hỉ...” nghe thân thương gần gũi mà sâu nặng.

Ca khúc Yêu cái mặn mà được ca sỹ Hạnh Nguyên (quê Nam Bộ) mua độc quyền hai năm đầu tiên để hát rất thành công, sau đó đến ca sỹ Quang Hào, Lê Sang, Dương Hồng Loan, Khưu Huy Vũ, Hồng Quyên (TP HCM), Thu Hà Sao Mai, Nghệ sỹ ưu tú Việt Hoàn (Hà Nội), và vô số kể các cặp đôi song ca, khán giả trong ngoài nước quay MV và đăng lên Youtube.

Ca khúc Quê hương tôi là một trường ca viết về Quảng Nam. Bài hát thể loại Aria (dành cho dàn nhạc giao hưởng đệm) mang tính hàn lâm, nhiều trường đoạn khác nhau ca ngợi con người, lịch sử, thiên nhiên những vùng miền nổi bật của Quảng Nam. Ca khúc này thích hợp dùng biểu diễn cho các lễ hội có nhiều ca sỹ hát và múa.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn và ca sỹ ruột Hồng Minh.

Ca sỹ đầu tiên thể hiện ca khúc này là chị Ánh Tuyết cùng dàn hợp xướng ATB của Sài Gòn. Sau đó đến ca sỹ Anh Thơ và Quang Hào.

Ca khúc Dùi chiêng được viết theo điệu Pop Cha Cha, gam “Trưởng” với hàng thất âm Tây phương cộng âm hưởng hát hò khoan đối đáp, thuộc loại dân gian đương đại nên nghe hiện đại trẻ trung. Bài hát “bắt chước” nghệ thuật chơi chữ trong hệ thống dân ca Quảng Nam tôi phổ từ lời hát dân gian truyền miệng, lời hát của một vị khách đi từ làng Bình Yên lên Dùi Chiêng hát ghẹo các cô nường (nàng) sơn nữ nhưng chừ chẳng có ai biết tên của ông ấy. Ai đi du lịch ngang qua Tí Xé, Dùi Chiêng sẽ thấy các cô nường trên núi đẹp uyên nguyên thuần khiết như Thiên Tiên rồi đêm về nằm mơ tưởng mà ngủ chẳng yên. Nguyên văn lời hát ghẹo dân gian: “Tôi đây là khách qua đường, đến đây ông Bá Doãn ổng bảo tôi hát với mấy nường Dùi Chiêng; ngày mai đây tôi đảo cảnh Bình Yên, các cô ở lại có chiêng không dùi; tôi về trong dạ bùi ngùi, đêm nằm trơ trọi có dùi mà không chiêng, trai anh hùng gái thuyền quyên, có ta có bạn là có Chiêng có Dùi”.

Khi phổ thành ca khúc, tôi đã sửa và viết thêm lời như sau: “Tôi đây là khách qua đường, đến đây tôi hát với mấy nường Dùi Chiêng; ngày mai đây tôi về Bình Yên, các cô ở lại có chiêng không dùi; tôi về trong dạ bùi ngùi, đêm nằm trăn trở có dùi mà không chiêng, tôi về thương cảm mà liên miên, các cô ở lại có chiêng mà không có dùi. (Đọc Rap): Tôi đây ngụ ở miền xuôi, leo lên miền ngược đem dùi gõ chiêng; trai anh hùng gái thuyền quyên, có ta có bạn là có Chiêng có Dùi”.

Bài hát Dùi chiêng được nghệ sỹ ưu tú Đỗ Linh hát, sau đó là nghệ sỹ Hoài Linh. Và hiện nay ca khúc này như một “đặc sản” tinh thần để các ca sỹ tiếp đón du khách gần xa về với Quảng Nam - Đà Nẵng. Ai cũng cười tươi như hoa khi nghe ca khúc ni.

Chắc là chưa có nhạc sỹ nào sáng tác 25 ca khúc cho quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng như tôi?

Nhạc sĩ TRẦN QUẾ SƠN

Từ khóa » Dùi Chiêng Trần Quế Sơn