Các Chiêu Trò Lửa đảo Của Công Ty đa Cấp, Tuyên Truyền

Trong thời gian vừa qua, thường có một số đối tượng tìm cách tiếp cận sinh viên để dụ dỗ lôi kéo tham gia bán hàng đa cấp (đặc biệt là sinh viên khóa mới). Các đối tượng thuyết phục những sinh viên mới tham gia vào vòng xoáy bán hàng đa cấp, được làm việc trong môi trường năng động, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, bên cạnh đó công ty thường xuyên tổ chức các lớp rèn luyện kỹ năng cho nhân viên. Mức thu nhập hấp dẫn hàng chục triệu đồng mỗi tháng, cùng với những lời quảng cáo “có cánh” từ các nhà tuyển dụng “ma” đã khiến nhiều sinh viên sập bẫy vào các mạng lưới bán hàng đa cấp dẫn đến vay mượn tiền của người thân, nghỉ học để kiếm tiền một cách nhanh chóng.

(Hình ảnh minh họa)

Thủ đoạn mới trong thời gian gần đây là các công ty đa cấp thường xuyên mời gọi, đăng tuyển thông tin tuyển dụng với mức lương rất hấp dẫn từ 5 triệu đến 7 triệu/tháng kèm theo mức hoa hồng rất cao với thời gian làm việc linh hoạt, phù hợp với sinh viên. Nhưng khi tham gia, công ty sẽ chỉ trả từ 1 đến 2 triệu tiền lương để đi học các lớp “bán hàng” mà thực chất là hướng dẫn kinh doanh dạng “đa cấp”. Sau thời gian “học việc”, sinh viên phải mua bán hàng do công ty cung cấp với giá trị ảo rất cao hoặc giới thiệu người khác mua hàng thì mới có hoa hồng. Trường hợp không bán được sẽ không được trả lại hàng cho công ty và không có tiền.

Do quá nhẹ dạ, cả tin và “mờ mắt” vì lợi nhuận trước viễn cảnh của các đối tượng đa cấp đưa ra khi tham gia và bán hàng, nhiều bạn sinh viên mất rất nhiều tiền bạc và thời gian cho các công ty đa cấp. Khi các bạn nhận ra được bị lừa đảo, muốn rút lui nhưng không lấy lại được tiền, thậm chí còn bị đe dọa.

(Hình ảnh minh họa hệ thống đa cấp)

Ÿ Cách nhận biết công ty đa cấp không đáng tin cậy

- Người tham gia phải đặt cọc, mua hàng hoặc đóng tiền: Khi được mời tham gia một doanh nghiệp bán hàng đa cấp, lưu ý nếu phải bỏ ra một khoản tiền để đặt cọc, mua hàng thì cần phải cẩn trọng.

Việc tiêu dùng hoặc bán hàng hóa của doanh nghiệp là tùy thuộc nhu cầu, khả năng của bản thân người tham gia, công ty không được yêu cầu người tham gia phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

Nhiều công ty bán hàng đa cấp bất chính tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Khi không tuyển thêm được người hoặc khi người được tuyển không mua hàng, công ty sẽ rất khó để tồn tại.

- Chỉ tập trung tìm kiếm người tham gia vào hệ thống: Công ty cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận “hoa hồng” từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hệ thống mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.

Một công ty bán hàng đa cấp chân chính, việc tuyển dụng sẽ không mang lại lợi ích nếu những người được tuyển dụng không bán hàng. Bởi vì chỉ có bán hàng mới giúp hàng hóa được tiêu thụ, mang về doanh thu cho doanh nghiệp, và từ đó nhà phân phối được trả hoa hồng.

- Hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn: Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng, phân phối hàng hóa, không phải là một hình thức đầu tư, do đó phải cân nhắc khi nghe những lời hứa hẹn hấp dẫn về lợi nhuận.

Người tham gia chỉ có thu nhập khi bán được hàng hóa và những người trong cùng hệ thống bán được hàng hóa.

- Không cho trả hàng trong thời hạn 30 ngày: Theo khoản 1 Điều 47 Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ công ty đa cấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Nếu công ty không cho phép người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa đã mua thì cần xem xét cẩn trọng.

Sinh viên cần đề cao, cảnh giác, không tham gia bán hàng đa cấp dưới bất cứ hình thức nào để tránh thiệt hại về tài sản và bỏ dở chuyện học hành. Nếu phát hiện thấy các trường hợp lôi kéo, dụ dỗ hoặc vay mượn tiền để tham gia bán hàng đa cấp trong sinh viên trường, cần báo ngay cho GVCN/CVHT, văn phòng Khoa hoặc Phòng Công tác sinh viên (P. D101, CS2, trường ĐHLH, điện thoại 02513.952.250) để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

Từ khóa » Dở Chiêu Trò