Các Công Ty Có EPS Hàng đầu Thị Trường

Các công ty có quy mô vốn nhỏ, ngành nghề kinh doanh đơn giản hay được độc quyền thường có ưu thế về khả năng sinh lời cao hơn, qua đó cũng dẫn đầu về chỉ số EPS trên thị trường.

WCS và VCF duy trì top đầu

Với sự đi xuống của một số doanh nghiệp, Vinacafé Biên Hòa (HoSE: VCF) trở thành quán quân EPS năm 2019 với 25.615 đồng. Hiệu quả của công ty được biết đến là nhờ hoạt động chung trong hệ thống của Masan Group, tạo ra lợi thế về giá vốn và chi phí bán hàng.

Bên cạnh việc duy trì chỉ số EPS cao nhiều năm liền, Vinacafé Biên Hòa còn có những đơt chia cổ tức rất khủng như 660% bằng tiền cho năm 2017 hay tỷ lệ 240% cho năm 2018.

Dĩ nhiên với hiệu quả đó, cái giá của một cổ phiếu Vinacafé Biên Hòa cũng trở nên rất đắt đỏ. Hiện VCF là cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán với 203.800 đồng/cp. Dù vậy, thanh khoản luôn duy trì ở mức rất thấp, với khối lượng giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu do tỷ lệ cổ đông cô đặc (Masan Beverage nắm đến 98,5% vốn).

Một đơn vị khác cũng duy trì được mức EPS cao hàng năm là Bến xe Miền Tây (HNX: WCS). Lợi nhuận năm 2019 tăng nhẹ lên 2% giúp công ty có lãi 69 tỷ đồng và ghi nhận EPS ở 22.925 đồng.

Bến xe Miền Tây là một trong 2 bến xe lớn nhất Sài Gòn, kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với hơn 150 doanh nghiệp tham gia khai thác 200 tuyến vận tải. Nhờ tuyến đường ít bị cạnh tranh, Bến xe Miền Tây có hoạt động rất ổn định và luôn nằm trong top các công ty kinh doanh hiệu quả nhất sàn chứng khoán.

WCS trả cổ tức đột biến cho năm 2018 với tỷ lệ 400% bằng tiền mặt. Những yếu tố này giúp cổ phiếu luôn này trong câu lạc bộ 3 chữ số (trên 100.000 đồng/cp). Hiện WCS đang giao dịch tại vùng giá 155.000 đồng/cp.

eps-1-2249-1582068731

Nhóm khu công nghiệp nổi sóng

Được xem là nhóm ngành hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển sản xuất toàn cầu, số liệu tài chính của các doanh nghiệp khu công nghiệp cho thấy điều này. Đô thị Công nghiệp Số 2 (HoSE: D2D) nổi lên với mức lợi nhuận tăng nhanh.

Năm 2019, D2D ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông mẹ 392 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ nhờ việc ghi nhận doanh thu các khu dân cư Thống Nhất và Lộc An. Thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 24.862 đồng (tính theo số cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm), chỉ xếp sau Vinacafe Biên Hòa.

Phải lưu ý rằng D2D đã tăng vốn gấp đôi trong năm 2019 từ mức 107 tỷ lên 203 tỷ đồng, điều này đã kìm hãm đáng kể đà tăng chỉ EPS của công ty trong năm qua.

eps-2-1802-1582068731

Phối cảnh khu dân cư Lộc An của D2D.

Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) có kết quả kinh doanh không thuận lợi trong năm 2019 do không còn nguồn thu đột biến từ dự án khu dân cư Nam Tân Uyên. Công ty có lãi 235 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ và qua đó EPS cũng giảm phân nửa còn 14.690 đồng.

Nam Tân Uyên có mức chi trả cổ tức cũng rất cao với mức 200% cho năm 2018 và mới tạm ứng 50% cho năm 2019. Công ty đang đẩy nhanh việc mở rộng thêm diện tích khu công nghiệp Nam Tân Uyên giai đoạn 2 và trả tiền bồi thường đất cao su cho công ty Phước Hòa nhưng chưa được ghi nhận do tỉnh Bình Dương chưa ký quyết định thu hồi đất.

Một số đơn vị khu công nghiệp khác cũng có hiệu quả sinh lời cao như công ty Thống Nhất (HNX: BAX) có lợi nhuận tăng 268% lên 85 tỷ đồng, nhờ đó EPS đạt 10.369 đồng, hay Khu công nghiệp Cao Su Bình Long (UPCoM: MH3) có lãi 93 tỷ đồng ghi nhận EPS ở 7.717 đồng.

Một số cái tên quen thuộc

FPT Online (UPCoM: FOC) được biết đến là doanh nghiệp có lượng tiền luôn dư dả trong tài khoản với tỷ lệ khoảng 70-80% tổng tài sản. Hiệu quả kinh doanh cao nhờ vận hành các dịch vụ truyền thông, quảng cáo cho hệ thống Báo điện tử VnExpress (bao gồm cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, các chuyên trang Ngôi Sao, iOne...). Trước đó công ty còn vận hành mảng game online, dịch vụ thanh toán trực tuyến, vận hành các diễn đàn, mạng xã hội… nhưng đã chấm dứt đầu tư do không hiệu quả.

Việc sở hữu lượng tiền lớn nhưng thiếu vắng các khoản đầu tư mới khiến hoạt động kinh doanh của FPT Online đang đi ngang. Năm 2019 công ty lãi 256 tỷ, tăng nhẹ 4 tỷ đồng so với cùng kỳ và EPS giảm nhẹ về 15.637 đồng do phát hành cổ phiếu ESOP.

Doanh nghiệp đầu ngành cá tra Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đang đối mặt với khó khăn chung của toàn ngành khi giá cá giảm sâu. Lợi nhuận năm 2019 giảm 18% về mức 1.180 tỷ đồng và qua đó kéo EPS xuống 12.573 đồng.

Đơn vị thành viên của The PAN Group là Giống cây trồng Trung Ương (Vinaseed, HoSE: NSC) vẫn duy trì hiệu quả cao trong kinh doanh và góp mặt trong danh sách EPS cao nhất sàn chứng khoán mỗi năm. Năm 2019, quy mô kinh doanh đạt 85.000 tấn hạt giống, tương đương 1 triệu ha gieo trồng, quy mô doanh thu vượt 1.600 tỷ đồng và có lãi 202 tỷ đồng.

Trong mục tiêu đến 2021 và tầm nhìn 2025, Vinaseed sẽ chi phối thị trường giống cây trồng Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Công ty cũng vừa khánh thành Trung tâm công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản hiện đại tại Đồng Tháp.

eps-3-8788-1582068732

Một nhà máy của Vinaseed

Ngoài ra còn một số công ty khác vẫn có mức sinh lời ổn định như Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi Lâm Đồng (HNX: LHC), công ty kinh doanh cáp treo Du lịch – Thương mại Tây Ninh (HNX: TTT) hay Tư vấn Xây dựng Điện 2 (HoSE: TV2).

Những doanh nghiệp "đánh rơi" EPS

Ngoài sự sụt giảm chỉ số EPS của Nam Tân Uyên, Vĩnh Hoàn, TV2… thì còn nhiều cái tên khác cũng giảm sốc. Đáng chú ý nhất là công ty Sara Việt Nam (HNX: SRA) với con số EPS khủng 51.851 đồng năm 2018 nhưng đã biến mất trong top 10 năm nay.

Đương nhiên việc sụt giảm EPS không hoàn toàn phản ánh việc kinh doanh đi xuống mà chỉ đánh giá mức độ sinh lời trên 1 đồng vốn. Năm 2019, Sara Việt Nam có doanh thu tăng gần 35% lên 392 tỷ và lợi nhuận tăng từ 73 tỷ lên 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tăng vốn nóng lên 9 lần đã khiến chỉ số EPS giảm sâu.

Tập đoàn Cotana (HNX: CSC) cũng rời danh sách EPS cao khi hoạt động kinh doanh lao dốc khi chỉ lãi 4 tỷ đồng năm 2019, giảm 97% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty còn tăng vốn từ 100 tỷ lên 205 tỷ đồng khiến EPS rơi về 163 đồng.

eps-1-2249-1582068731

Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) từng có hiệu quả kinh doanh cao. Tuy nhiên, những bất đồng trong nội bộ, chiến lược phát triển và sự khó khăn của thị trường bất động sản đã khiến doanh thu và lợi nhuận lao dốc. Công ty xây dựng chỉ lãi 711 tỷ đồng năm qua, ứng với EPS giảm 52% về 8.859 đồng.

Cổ phiếu CTD đã rơi một mạch từ vùng đỉnh 140.000 đồng/cp về khoảng 50.000 đồng/cp, nhưng đang bật tăng lên 70.000 đồng/cp hiện nay.

Thiệt hại từ vụ cháy, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) lần đầu báo lỗ sau hơn 1 thập kỷ với con số 36 tỷ đồng trong quý IV/2019, kéo theo lợi nhuận cả năm giảm 39% còn 125 tỷ đồng. Công ty đang có chủ trương đầu tư nhà máy tại khu công nghệ cao Hoà Lạc với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

(Theo NDH)

Bài liên quan Cổ phiếu của 'Quốc tửu' Trung Quốc tăng 123% chỉ trong vòng 1 năm, vốn hóa còn cao hơn cả Pepsi và BoeingCổ phiếu của "Quốc tửu" Trung Quốc tăng 123% chỉ trong vòng 1 năm, vốn hóa còn cao hơn cả Pepsi và Boeing Thấy gì từ Top 10 doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường?Thấy gì từ Top 10 doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường? 'Nữ tướng' Pepsi được Nhà Trắng cân nhắc vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới'Nữ tướng' Pepsi được Nhà Trắng cân nhắc vị trí Chủ tịch Ngân hàng Thế giới CEO Pepsi sắp từ chức sau 12 năm cầm quyềnCEO Pepsi sắp từ chức sau 12 năm cầm quyền

Từ khóa » Eps Công Ty