Các Cương Lĩnh Của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
* Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (tháng 2 năm 1930)
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng (tháng 2/1930) thảo luận, thông qua. Tuy ngắn gọn, chỉ có 282 chữ, nhưng Chánh cương đã xác định rõ ràng nhiều vấn đề cơ bản về chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.
Chánh cương chỉ rõ, về chính trị: Ðánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông.
Về kinh tế: Thủ tiêu hết các thứ quốc trái; tịch thu hết các sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng...) của tư bản Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý; tịch thu ruộng đất của tư bản Pháp và đại địa chủ để làm của công chia cho dân cày nghèo, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang phát triển công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ.
Về xã hội: Dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, thực hiện phổ thông giáo dục theo công nông hóa.
Cùng với Chánh cương vắn tắt, Bác còn soạn thảo và được Hội nghị thành lập Ðảng thông qua Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Ðiều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Ðảng. Tất cả những tài liệu này đã trở thành những văn kiện quan trọng có tính kinh điển của Ðảng ta, xác lập đường lối chiến lược, sách lược cơ bản của cách mạng Việt Nam và tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
* Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10 năm 1930)
Tháng 10/1930, sau 8 tháng Đảng ra đời, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời có ý nghĩa như một Đại hội cũng tổ chức tại Hương Cảng do điều kiện trong nước bị đế quốc đàn áp khủng bố gắt gao phong trào cách mạng. Hội nghị (họp từ ngày 14/10 đến 31/10/1930) thông qua bản Luận cương chánh trị, án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Điều lệ Đảng, hợp thành nội dung Cương lĩnh thứ hai của Đảng.
Bút tích trang đầu dự thảo Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930. (Ảnh tư liệu) |
Luận cương chánh trị của Ðảng Cộng sản Ðông Dương (còn được gọi là Luận cương cách mạng tư sản dân quyền) do đồng chí Trần Phú khởi thảo. Toàn bộ nội dung Luận cương chánh trị của Ðảng Cộng sản Ðông Dương là những tư tưởng cơ bản về mục tiêu, nhiệm vụ và phương pháp đấu tranh cách mạng của Ðảng Cộng sản Ðông Dương; tiếp tục khẳng định và bổ sung một số vấn đề cốt lõi về con đường cách mạng của Việt Nam mà Chánh cương vắn tắt đã nêu.
Luận cương nhận định, nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, phong kiến và địa chủ, lập ra chính phủ công nông, tịch thu ruộng đất của địa chủ trao cho nông dân; bãi bỏ các sưu thuế hiện thời, ngày làm công 8 giờ, cải thiện sinh hoạt cho thợ thuyền và những người lao động; xứ Ðông Dương hoàn toàn độc lập, thừa nhận dân tộc tự quyết; lập quân đội công nông; ủng hộ Liên Xô, liên kết với giai cấp công nhân thế giới và phong trào cách mạng thuộc địa, bán thuộc địa...
Phương pháp đấu tranh của quần chúng là bãi công, bãi công thị oai, bãi công võ trang, tổng bãi công bạo động; kết hợp đòi quyền lợi hằng ngày như tăng tiền lương, bớt giờ làm, giảm thuế, chống thuế... với mục đích lớn của Ðảng là đánh đổ đế quốc, địa chủ phong kiến, giành độc lập, lập chính phủ công nông.
Về vai trò lãnh đạo của Ðảng, Luận cương chỉ rõ: Ðiều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Ðông Dương là cần phải có một đảng cộng sản có đường lối chính trị đúng, có kỷ luật tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Ðảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc, đại biểu cho quyền lợi chính và lâu dài cho cả giai cấp vô sản, lãnh đạo tranh đấu để đạt mục đích cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.
* Chính cương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2 năm 1951)
Chính cương Ðảng Lao động Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ đạo soạn thảo và được Ðại hội II của Ðảng (tháng 2 năm 1951) thảo luận, thông qua.
Chính cương chỉ rõ: trước khi thuộc Pháp, xã hội Việt Nam căn bản là một xã hội phong kiến, nông dân là giai cấp bị bóc lột nặng nề nhất. Từ khi thuộc Pháp, Việt Nam là một xã hội thuộc địa nửa phong kiến; giai cấp công nhân Việt Nam hình thành và trưởng thành nhanh; tư bản Việt Nam ra đời nhưng bị tư bản độc quyền Pháp đè nén nên không phát triển được. Khi Nhật xâm chiếm Việt Nam, chế độ thuộc địa của Pháp ở Việt Nam cũng trở nên phát-xít hóa, làm cho nhân dân Việt Nam càng thống khổ hơn.
Vì vậy, nhiệm vụ căn bản của cách mạng Việt Nam là đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành độc lập thống nhất thật sự cho đất nước, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội. Ðộng lực của cách mạng Việt Nam lúc này là công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu tư sản trí thức, tư sản dân tộc, những thân sĩ yêu nước và tiến bộ; trong đó nền tảng là công nhân, nông dân, trí thức; lực lượng lãnh đạo là giai cấp công nhân. Từ đó Chính cương khẳng định: cách mạng Việt Nam hiện nay là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Ðây là một cuộc đấu tranh lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt là phải tập trung sức hoàn thành giải phóng dân tộc.
Về chính sách của Ðảng, Chính cương chỉ rõ: hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ phong kiến, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chính sách kháng chiến là thực hiện một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, trường kỳ, kháng chiến đến cùng để giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân dựa vào Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nhân, nông dân, trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo.
Chính cương còn nêu những quan điểm cơ bản về xây dựng quân đội, phát triển kinh tế tài chính, cải cách ruộng đất, phát triển văn hóa giáo dục, chính sách đối với tôn giáo, chính sách dân tộc, chính sách đối với vùng tạm chiếm, chính sách ngoại giao, chính sách đối với Việt kiều... Về ngoại giao, Chính cương khẳng định nguyên tắc "tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ, thống nhất quốc gia của nhau và cùng nhau bảo vệ hòa bình, dân chủ thế giới, chống bọn gây chiến"; mở rộng ngoại giao nhân dân, giao thiệp thân thiện với Chính phủ nước nào tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, đặt quan hệ ngoại giao với các nước đó theo nguyên tắc tự do, bình đẳng và có lợi cho cả hai bên, đấu tranh cho hòa bình thế giới.
* Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (tháng 6 năm 1991)
Sau khi đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng, một lần nữa, nhân dân ta lại vượt qua thử thách hiểm nghèo. Mô hình xây dựng CNXH kiểu cũ bị sụp đổ tại trung tâm của hệ thống XHCN. Chế độ chính trị ở Liên Xô, các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ. Là một quốc gia chưa phát triển, lại vừa trải qua 30 năm chiến tranh, bị bao vây cấm vận, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện công cuộc đổi mới mở đầu từ Đại hội VI, năm 1986. Tại Đại hội VII, lần đầu tiên, Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong điều kiện hòa bình. Đó là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” năm 1991 (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991).
Cương lĩnh chỉ rõ mục tiêu và đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng, đó là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.
Cương lĩnh cũng xác định, quá độ lên CNXH ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.
Thực hiện Cương lĩnh, Đảng và nhân dân ta một mặt kiên trì mục tiêu và các nguyên tắc của CNXH, mặt khác chuyển đổi mô hình xây dựng đất nước từ mô hình cũ với Nhà nước “chuyên chính vô sản”, “kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp” sang mô hình mới về CNXH. Về chế độ chính trị, đó là chế độ do “nhân dân lao động làm chủ”; về kinh tế, đó là nền “kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”…
* Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011)
Tại Đại hội XI, năm 2011, một lần nữa, Đảng ta điều chỉnh Cương lĩnh 1991. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) được xây dựng trên cơ sở tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, trực tiếp là tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 25 năm công cuộc đổi mới, dự báo xu thế phát triển của thế giới, của đất nước, đề ra mục tiêu, phương hướng và những định hướng lớn phát triển đất nước trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX với tầm nhìn đến giữa thế kỷ. Thực tiễn 10 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn và giá trị to lớn, toàn diện về tư tưởng, lý luận, thực tiễn của Cương lĩnh 2011.
Cương lĩnh 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tiếp tục khẳng định con đường XHCN, mà đưa vào văn kiện này những nội dung mới phù hợp với những xu thế lớn của thời đại. Đó là xu thế “hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”, đồng thời, Cương lĩnh cũng chỉ ra những thách thức đang diễn ra gay gắt trên thế giới và khu vực. Đó là “… chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang… hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế”.
Theo thời gian và tiến trình lịch sử, mỗi Cương lĩnh của Đảng chứa đựng những giá trị nội dung và ý nghĩa lớn lao riêng. Các Cương lĩnh năm 1930 đã đưa đến ba cao trào cách mạng trong những năm 30, 40 thế kỷ trước và thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám 1945; đồng thời là cơ sở cho Đảng ta đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh chống thực dân Pháp xâm lược.
Cương lĩnh năm 1951 định hướng cho quyết tâm đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng miền Bắc XHCN, tạo tiền đề cho Đại hội III (9/1960) của Đảng đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược tập trung kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam diễn ra suốt từ sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954) đến năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng quá độ lên CNXH.
Cương lĩnh năm 1991 là bước phát triển, hoàn chỉnh các Cương lĩnh trước đó của Đảng, mở đầu cho quá trình nhận thức đầy đủ hơn, ngày càng rõ ràng hơn về CNXH và xây dựng xã hội XHCN Việt Nam.
Cương lĩnh 2011 thể hiện niềm tin vững chắc của Đảng trên cơ sở khoa học, thực tiễn về mục tiêu, con đường đi lên CNXH. Niềm tin của Đảng tạo thành niềm tin của đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân; khắc phục cơ bản sự mơ hồ về sự thay đổi bản chất và tiền đồ của chủ nghĩa tư bản, sự dao động, hoài nghi về tương lai của CNXH. Đây là cơ sở quan trọng góp phần củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội.
Những điểm chung trong các Cương lĩnh của Đảng là tư tưởng nhất quán về cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đến cách mạng XHCN, độc lập dân tộc gắn với CNXH; nhân dân là động lực cách mạng; Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng; Nhà nước, Chính phủ, quân đội của nhân dân; xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Từ khóa » Khái Niệm Cương Lĩnh Là Gì
-
BÀI 2 - Đảng Ủy Khối Các Cơ Quan
-
KHÁI NIỆM CƯƠNG LĨNH - Đơn Giản
-
Cương Lĩnh Chính Trị Của Đảng Cộng Sản Việt Nam - Wikipedia
-
Kỷ Niệm 90 Năm Ngày Thành Lập Đảng Và Quá Trình Nhìn Lại Các ...
-
Cương Lĩnh Chính Trị Là Gì? - Tài Liệu Text - 123doc
-
Bài 2 Cương Lĩnh Chính Trị - Tài Liệu Text - 123doc
-
Cương Lĩnh - Wiktionary Tiếng Việt
-
Quan điểm Của Lênin Về Xây Dựng Cương Lĩnh Chính Trị Của Đảng ...
-
Cương Lĩnh Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
So Sánh Giữa Cương Lĩnh Chính Trị Và Luận Cương Chính Trị
-
Hoàn Cảnh Ra đời, ý Nghĩa Cương Lĩnh Chính Trị đầu Tiên Của Đảng
-
Tư Tưởng Của V.I.LêNin Về Cương Lĩnh Chính Trị
-
Cương Lĩnh Xây Dựng đất Nước Trong Thời Kỳ Quá độ Lên Chủ Nghĩa ...
-
[PDF] Chủ Nghĩa Xã Hội Và Thời Kỳ Quá độ