Các Dạng Sẩn Ngứa Và Cách Trị - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh tuy không gây nguy hiểm nhưng làm bệnh nhân rất khó chịu và có thể bị bội nhiễm nếu không được tư vấn chữa trị kịp thời.

Nguyên nhân gây sẩn ngứa

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sẩn ngứa trong đó thường gặp là do côn trùng đốt, kích thích về cơ học, vật lý, ánh sáng, dị ứng thức ăn, hóa chất gây giải phóng histamin... Sẩn ngứa cũng là biểu hiện của viêm da cơ địa. Sẩn ngứa cũng có thể kèm theo một số bệnh như các khối u lympho Hodgkin hoặc bạch cầu cấp. Một số bệnh lý mạn tính cũng có thể gây ra tình trạng sẩn ngứa như: bệnh nội tiết đái tháo đường, bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến cận giáp, viêm gan, xơ gan, tắc mật; suy thận mạn tính, thiếu máu thiếu sắt...

Ngoài ra nổi mẩn ngứa vào mùa hè nữa là do sốc nhiệt. Đặc biệt tình trạng này xuất hiện nhanh chóng ở những người có cơ địa dị ứng.

Nhiều người tiếp xúc công việc ở môi trường nóng, khô hanh, hóa chất hoặc do cơ địa kết hợp ăn đồ cay nóng cũng dẫn đến tình trạng sẩn ngứa.

Biểu hiện thường gặp

Thông thường các biểu hiện lâm sàng của sẩn ngứa là các sẩn phù dạng mày đay, sẩn huyết thanh. Mụn nước xuất hiện trên sẩn phù, sẩn hoặc mảng đỏ, mụn nước có thể vỡ gây tiết dịch và đóng vảy tiết. Các sẩn  cục là tổn thương màu đỏ nâu hoặc xám có kích thước từ 1 -2cm. Các vết xước do cào gãi rải rác, chủ yếu vùng da hở.

Tránh chà xát lên tổn thương hoặc gãi làm xây xước da dễ bị bội nhiễm.

Tránh chà xát lên tổn thương hoặc gãi làm xây xước da dễ bị bội nhiễm.

Không chủ quan

Các sẩn ngứa không nguy hại ngay với sức khỏe. Tuy nhiên sẩn ngứa ở thể cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè. Nhiễm trùng thứ phát xuất hiện do trẻ gãi, chà xát. Nguyên nhân hay gặp do viêm da cơ địa, quá mẫn với các phản ứng côn trùng đốt hoặc với thức ăn. Ở thể cấp tính tổn thương chủ yếu là sẩn phù và mày đay, trên tổn thương có mụn nước, vỡ gây tiết dịch nếu không xử trí đúng có thể gây viêm nhiễm.

Đối với thể bán cấp, tiến triển của bệnh dai dẳng và khó phát hiện. Tuy nhiên, thể bán cấp thường do các bệnh lý như: viêm da cơ địa, đái tháo đường, rối loạn chức năng gan... Các tổn thương là sẩn nổi cao, trên có mụn nước, vết trợt hoặc vảy tiết do chà xát kèm ngứa nhiều...

Ở thể mạn tính có thể được chia làm 2 nhóm:

Sẩn ngứa mạn tính đa dạng hay tái phát và tiến triển dai dẳng. Người bệnh ngứa nhiều, khiến phải chà xát, gãi hình thành các vết trợt, xước trên bề mặt mảng lichen hóa. Vị trí hay gặp ở thân mình và chân ở người lớn tuổi. Các tổn thương xuất hiện xung quanh tổn thương ban đầu, có xu hướng lichen hóa, tạo thành mảng thâm nhiễm.

Sẩn cục, tổn thương tiến triển dai dẳng, có thể kéo dài hàng năm. Người bệnh ngứa nhiều, chà xát, gãi tạo các vết trợt, vảy tiết đen trên bề mặt sẩn. Gặp ở trẻ nhỏ hoặc phụ nữ lớn tuổi. Vị trí hay gặp ở chi.

Ngoài ra, sẩn ngứa phụ nữ có thai: thường xuất hiện ở phụ nữ có thai vào tháng thứ 3 hoặc thứ 4. Vị trí ở chi hoặc thân mình. Tổn thương giảm đi sau khi sinh. Bệnh có xu hướng xuất hiện trở lại với các lần mang thai sau.

Điều trị dựa vào nguyên nhân

Do nguyên nhân đa dạng nên việc điều trị phải tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng sẩn ngứa mới khắc phục được. Việc điều trị tùy từng giai đoạn giúp bệnh nhân hạn chế gãi, chà xát.

Đối với các sẩn ngứa có thể sử dụng thuốc corticosteroid bôi. Tùy vào vị trí và mức độ tổn thương mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể. Ngoài ra có thể được chỉ định kháng histamin uống. Tránh côn trùng đốt. Loại bỏ thức ăn gây quá mẫn. Đối với sẩn ngứa do ánh nắng mùa hè thì cần sử dụng kem chống nắng chống cả tia UVA và UVB.

Phòng bệnh là quan trọng

Nắng nóng sẽ khiến cơ thể mất đi một lượng nước nhất định. Vì vậy, để duy trì nước cho các hoạt động cần thiết của cơ thể, giúp cung cấp độ ẩm cho da và hạn chế nổi mẩn ngứa, bệnh nhân nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày; Một số thực phẩm có tính giải nhiệt như dừa, cà chua, chanh, bí đao, củ cải,... không chỉ giúp thanh lọc độc tố trong cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng, rất tốt cho những ai bị nổi mẩn đỏ và sẩn mề đa; Bên cạnh các biện pháp chống nắng truyền thống khi đi ra ngoài như đeo khẩu trang, đeo kính râm hoặc mặc quần áo chống nắng, người bệnh nên lựa chọn cho bản thân loại kem chống nắng phù hợp; Cần tránh các yếu tố kích thích như thức ăn, thuốc. Trong đó các yếu tố dị ứng do thức ăn cần lưu ý thực phẩm dễ gây dị ứng ở người lớn là: cá (đặc biệt là cá biển như cá nóc chẳng hạn) và các loại hải sản như tôm, cua, sò, ốc, đậu phộng (lạc), quả óc chó (tương tự hạt dẻ), trứng... Ngoài ra đối với da khô cần sử dụng chất giữ ẩm thường xuyên. Tránh chà xát lên các tổn thương. Phòng ở nhà ở sạch sẽ, thoáng mát, sử dụng thuốc diệt côn trùng, đi ngủ nằm màn  tránh bị côn trùng đốt.

Từ khóa » Da Sẩn Ngứa