Các đơn Vị Hành Chính Dưới “đạo” - Ban Quản Lý Di Tích

Các đơn vị hành chính dưới “đạo”

Chính quyền nhà Minh, nhất là dưới thời Chu Nguyên Chương (1368-1399), là một chính quyền Trung ương tập quyền khá hoàn chỉnh, với bộ máy chính quyền chặt chẽ gồm ba cấp: đạo thừa tuyên (sau chuyển thành “tỉnh”)- phủ- châu hoặc huyện. Cấu trúc này ảnh hưởng đến Việt Nam thời Lê Sơ và được duy trì ở thời Mạc. Tuy nhiên ở Việt Nam thời Lê Mạc, hệ thống hành chính lại gồm bốn cấp là đạo hoặc lộ- phủ- huyện hoặc châu và xã.

Phủ là một đơn vị hành chính được sử dụng rộng rãi dưới thời Đường, do châu chuyển đổi thành như châu Thành Ung chuyển thành phủ Kinh Triệu, châu Lạc thnahf phủ Hoài Nam. Có nghĩa là một số châu lớn có thể chuyển đổi thành phủ. Đến thời Tống thì “phủ” hoàn toàn là đơn vị hành chính trên đơn vị hành chính “châu”, thậm chí một số nơi “phủ” trở thành đơn vị hành chính đứng đầu tương đương “lộ”, hoặc “tuyên phủ ty”. Dưới thời Minh phủ là đơn vị hành chính trung gian giữa cấp hành chính cao nhất (Thừa tuyên sứ ty) và huyện, đơn vị hành chính cơ sở.

Biến đổi của đơn vị hành chính “phủ” ở Trung Quốc cũng nhận thấy tương tự ở Việt Nam. Thời Lý, một số châu được đổi thành phủ, như châu Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức. Thời Trần tên gọi phủ được dùng chỉ đơn vị hành chính cao nhất ở một số địa phương, như phủ Thanh Hoa do Thái sư Trần Thủ Độ cai quản, phủ Thiên Trường do Thái bảo Vương Nhữ Chi đảm nhận. Cho đến hết giai đoạn nhà Trần (cuối thế kỉ XIV), tên gọi phủ có lúc chỉ đơn vị hành chính cao nhất ở địa phương, có khi là đơn vị hành chính thứ hai quản châu, huyện. Từ năm thứ năm niên hiệu Quang Thuận (1446), đời vua Lê Thánh Tông, tên gọi phủ hoàn toàn dùng cho đơn vị hành chính thứ hai. Thời Mạc phủ là đơn vị hành chính sau đạo, cai quản các huyện, châu mà văn bia ghi lại khá cụ thể, như “Thanh Hoa đạo, Thiệu Thiên phủ, Đông Sơn huyện, An Hoạch xã”, hoặc “Sơn Tây đạo, Tam Đới phủ, Bạch Hạc huyện”.

Phủ có vị trưởng quan là Tri phủ và vị phó quan là Đồng tri phủ. Những chức danh này được khá nhiều văn bia ghi lại. Chẳng hạn Đỗ Bá Chiêu chức Tri phủ phủ Yên Bình đạo Tuyên Quang năm 1537, Mạc Hoàng Trung, Tri phủ phủ Lâm Thao (đạo Sơn Tây) năm 1572 (Văn bia thời Mạc Sđd. Tr.53,159). Thông thường mỗi đạo bao gồm vài phủ trở lên, duy có đạo Tuyên Quang gồm một phủ Yên Bình. Phủ này quản lý tất cả các châu, huyện trong địa hạt đạo Tuyên Quang. Tuy là một hành chính, nhưng phủ không có quyền lực của một cấp chính quyền, như không can dự những việc kiện tụng, ruộng đất. Trái lại, phủ có chức năng nổi bật là chăm lo việc giáo dục, thi cử trong phủ mà chức quan đảm nhận việc này là Huấn đạo, cùng việc khuyến nông, hộ đê với các viên quan khác là Khuyến nông sứ và Hộ đê sứ. Phủ thực sự là đơn vị trung gian giúp đạo quản lí vùng lãnh thổ châu huyện rộng lớn.

Huyện là một đơn vị hành chính quan trọng ở Trung quốc và Việt Nam trong lịch sử cho đến tận ngày nay. ở Trung Quốc, về cơ bản, huyện là đơn vị hành chính cơ sở, trong khi đó ở Việt Nam, từ cuối thế kỉ XIV trở đi, huyện quản lí các xã, đơn vị hành chính cơ sở. Dưới thời Mạc, viên trưởng quan của huyện là Tri huyện, cùng viên phó quan là Huyện thừa. Khá nhiều văn bia ghi lại được các chức quan này, chẳng hạn Vũ Giới là Tri huyện, huyện Phúc Yên năm 1537; Trịnh Hướng giữ chức Tri huyện, huyện Thanh Oai năm 1573, Khổng Tuấn, Huyện thừa huyện Tây Lan năm 1557 (Văn bia thời Mạc Sđd. Tr.53,162); Khổng Tuấn được phong hàm Cẩn sự tá lang, tương đương văn quan hàm Thất phẩm. Ngoài ra còn có người giúp việc, với chức năng là Đề lại. Như chức năng của đạo, huyện quản lý các việc chính sự, quân sự và kiện tụng, trong đó chịu trách nhiệmvà có quyền lực đặc biệt quan trọng trong việc quản lí đất đai, thuế khóa, nhân đinh.

Châu là đơn vị hành chính xuất hiện khá sớm ở Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng trước giai đoạn nhà Minh và nhà Lê, thì châu là đơn vị hành chính khá lớn: châu quản huyện. VÍ dụ thời thuộc Đường, nước ta được chia làm 12 châu cai quản 50 huyện, như châu Phong có 5 huyện, châu Diễn có 7 huyện (Lịch triều hiến chương loại chí, tập1,tr.32). Sau đó ở Trung Quốc, châu tồn tại dưới 2 dạng: một là châu trực lệ lớn hơn huyện và châu tương với huyện. Còn ở Việt Nam thì châu có một dạng duy nhất, tương đương huyện, nhưng sử dụng ở vùng núi, như một số châu ở đạo Tuyên Quang, Ninh Sóc ở phía Bắc và Nghệ An ở phía Nam. Nhiệm vụ của châu cũng tương đương nhiệm vụ của huyện như vừa nêu trên. Vị trưởng quan ở châu gọi là Tri châu, cùng vị phó quan là Đồng tri châu như văn bia chùa Hương Nham đã ghi lại được vị Tri châu, châu Đại Man năm 1537, là Nguyễn Công Quyết và vị Đồng tri châu, châu Thu Vật thuộc đạo Tuyên Quang, cùng năm đó là Bùi Bá Thông (Văn bia thời Mạc Sđd. Tr.53).

Đơn vị hành chính cấp cơ sở ở Việt Nam là . Xã với tư cách là đơn vị hành chính cơ sở thì chưa rõ xuất hiện từ khi nào? Nguồn tư liệu thư tịch chỉ cho biết tên gọi chức quan “Đại tư xã” (quan từ Ngũ phẩm trở lên) và “Tiểu tư xã” (Quan từ Lục phẩm trở xuống) xuất hiện đầu tiên vào năm 1242, dưới đời vua Trần Thái Tông (1225-1258). Nhưng đến cuối đời Trần vào năm 1397, đời vua Trần Thuận Tông (1388-1398), chức Xã quan bị bãi bỏ. Đến thời Lê vào năm 1466, dưới đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), chức quan này được quy định cụ thể hơn “đặt Xã quan, xã lớn 3 người, xã vừa 2 người, xã nhỏ 1 người và đổi Xã quan làm Xã trưởng”. Cụ thể hơn, một trong các điều luật được thi hành ở thời Lê và thời Mạc, quy định về lệ bầu xã trưởng như sau: “Các làng bầu xã trưởng phải kén chọn cho được người. Theo lệ, thì có Xã chính, Xã sử và Xã tư, mỗi người giữ một việc. Bầu ai phải là người đứng tuổi, có hạnh kiểm, không được bầu người bậy bạ, mượn việc công kiếm lợi tư, kết hợp bè đảng, để hại đến phong hóa” (Hồng Đức thiện chính, tr.54). Chức quan trên xuất hiện khá nhiều trên văn bia thời Mạc mà chúng tôi xin đề cử một số ví dụ qua bảng kê sau:

Bảng 12: Chức quan ở xã

Chức quan

Nhân vật

Năm

Xuất xứ

Tài liệu

Xã trưởng

Phí Khắc Thuần

Hoàng Tử Kinh

Đào Tĩnh

Nghĩa Thời Trung

Nguyễn Dĩnh

Bùi Gia Mô

Trần Xuân Cảnh

Lê Hiệu

Hoàng Đàm

Dưỡng Mông( Hải Dương)

-

Kì Lân (Ninh Bình)

-

Ngọc Lâm (Hải Dương)

Tây Tựu (Hà Tây cũ)

Đào Yêu (Hải Phòng)

Cẩm Viên (Vĩnh Phúc)

Thổ Hoàng (Hưng Yên)

1542

-

1562

-

1564

1572

1588

-

1589

Tín thí

-

-

-

-

-

Soạn giả

Tín thí

-

B.51

-

B.61

-

B.8

B.28

B.103

B.32

B.2

Xã quan

Vũ Văn Toán

Bùi Gia Mô

Lê Tông Đức

Dưỡng Mông( Hải Dương)

Tây Tựu (Hà Tây cũ)

Cẩm Viên (Vĩnh Phúc)

1542

1572

1588

Tín thí

Viết chữ

Tín thí

B.51

B.8

B.32

Xã chính

Nguyễn Văn Bảng

Trần Công Đạo

Bùi Do

Phù Ninh (Vĩnh Phúc)

Đệ Nhị (Nam Định)

Bàng Động (Hải Phòng)

1543

1554

1584

Tín thí

Viết chữ

Soạn giả

B.148

B.35

B.165

Xã sử

Nguyễn Đình Tộ

Phù Ninh (VĨnh Phúc)

1543

Tín thí

B.148

Nhìn chung, như thời Lê, mỗi xã ở thời Mạc có một viên đứng đầu dưới tên gọi là Xã trưởng. Bên cạnh đó còn có tên gọi là Xã chính hay Xã quan. Văn bia chùa Hương Sơn (Phù Ninh, Phú Thọ), cho biết xã Phù Ninh năm 1543 có một vị Xã chính tên là Nguyễn Văn Bảng và một vị Xã sử tên là Nguyễn Đình Tộ. Tên gọi Xã quan và Xã trưởng đồng thời xuất hiện trên văn bia chùa Bảo Phúc dựng năm 1572, cùng liên quan tới nhân vật Bùi Gia Mô ở xã Tây Tựu huyện Đan Phượng (nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội). Trong phần lạc khoản bài văn bia, Bùi Gia Mô là người viết chữ được ghi rõ chức quan là Xã quan; còn trong phần kê họ tên các vị xã thôn trưởng trong xã, cũng có Bùi Gia Mô (Văn bia thời Mạc, tr.154). Có nghĩa là Xã trưởng là chức quan ở xã, còn Xã quan là tên gọi chung cho những vị chức tước của xã trong đó có cả Xã trưởng. Vị Xã trưởng đảm nhận chung mọi việc trong xã, còn Xã sử và Xã tư là người giúp việc, nhất là việc thuế khóa và tuần tra an ninh. Tư liệu văn bia cho biết, người giúp việc cho xã trưởng ở dưới thời Mạc chỉ có Xã sử mà không có Xã tư như dưới triều Lê. Vị xã trưởng được coi là người mẫu mực của xã “tiêu biểu cho phong hóa, phải nên khuyên dân làm điều thiện, xa điều ác ”, như điều luật thời Lê Mạc quy định. Thực tế, họ đều là người công đức, người làm việc thiện như thống kê ở bảng trên.

Bên cạnh xã còn có “thôn” ở nông thôn vùng đồng bằng, phường ở đô thị, sách, động, nguồn ở vùng núi. Đây không phải là đơn vị hành chính mà là đơn vị cư dân thuộc đơn vị hành chính cấp cơ sở. Riêng “thôn” từ thời Lê Sơ trở đi là đơn vị dân cư thuộc đơn vị hành chính cơ sở: xã. Nhưng trước đó, ở một số nơi cũng đã xuất hiện tên gọi này, chỉ một vùng dân cư rộng lớn hơn nhiều.

Trên đây là những đơn vị hành chính chủ yếu trong hệ thống hành chính thời Mạc. Ngoài ra còn có “tổng” đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã sử dụng phổ biến ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XVII đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cũng đã xuất hiện ở thời Mạc. Hơn thế nữa, sự xuất hiện của đơn vị hành chính tổng này bắt đầu ở văn bia thời Lê. Chảng hạn văn bia ruộng đất làng La Khê (huyện Vũ Thư, Thái Bình) khắc năm 1471, ghi rằng: “Bản huyện Nội Lãng tổng Huyền Chân xã”; văn bia công chúa Tự Điền ở làng Vũ Bị (Bình Lục, Hà Nam) dựng năm 1513 ghi là “Cổ Bị tổng An Nội xã”. Đây là những thông tin sớm nhất về tổng mà tiếp đó khá phổ biến trên văn bia thời Mạc. Văn bia chùa Thiên Quốc (Quốc Oai, Hà Nội) khắc năm 1538, ghi rằng: “Ninh Sơn huyện, (Lật Sài ) tổng, Lật Sài xã”. Văn bia chùa Đạm Giang (Yên Lãng, Phúc Yên) khắc năm 1574, ghi về “Thái ông lão bà tổng Đạm Giang bỏ tiền dựng cầu”. Đặc biệt văn bia hội tư văn huyện Tân Minh (Tiên Lãng, Hải Phòng) cùng khắc năm 1574, cho biết huyện này khi đó có 11 tổng là “Xuân Cát, Động Hàm, Kim Đới, Văn Thị, Lật Khê, Kim Thanh, Yên Tử Hạ, Tân Duy, Cẩm Khê, Tự Tân và Xuân Úc” (Văn bia thời Mạc,sđ,tr.345). Ngoài ra, một số văn bia còn ghi lại chức quan đứng đầu tổng thời Mạc là “Tổng chính” mà sau này dân gian Việt hóa thành “Chánh tổng” hay “Cụ chánh”. Nhiệm vụ của Chánh tổng sau này là giúp Huyện đôn đốc việc thu thuế và công dịch ở một số xã. Nhưng ở thời Mạc, mới tháy chức năng nổi bật của tổng là tổ chức lễ hội, nhất là cho các cụm di tích liên xã. Chẳng hạn chùa Phúc Lâm Hoằng Thệ (nay thuộc Quốc Oai, Hà Nội) mỗi khi rước lễ có 15 xã thuộc hai tổng tham gia, nên các tổng phải đảm nhận công việc được phân công theo quy ước. Ngoài ra, là tổ chức sinh hoạt, tế lễ của các nho sĩ của các xã trong huyện như hoạt động của Hội tư văn huyện Tân Minh vừa nêu trên.

Tổng là một cụm làng có mối quan hệ thân thuộc về địa lí, lịch sử, văn hóa nhất là tín ngưỡng. Trong thực tế sự xuất hiện của tổng bắt nguồn trước hết từ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cộng đồng ngày một mở rộng cùng với sự phát triển ngày càng cao của làng xã. Hơn thế nữa ngày nay chúng ta còn được biết hầu hết tên tổng trùng với tên của xã đứng đầu tổng đó mà dân gian gọi là “xã đầu tổng” hay “dân đầu tổng” như tổng Tây Đằng (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) gồm các xã Tây Đằng, Lai Bồ, Vĩnh Phệ, Văn Trai, Kim Bí và Đằng Lũng; tổng Lập Bái (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình) có xã Lập Bái, An Tiêm, Hương La, An Khê, Cổ Sách, Thượng Đạo, Chuẩn Cách và Đông An…

Trong phần lớn đơn vị hành chính ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ Trung Quốc như xã, huyện, phủ, đạo,tỉnh, thì tổng là hoàn toàn riêng biệt của Việt Nam. Tuy nhiên nó cũng phần nào tương đương với “đô”- đơn vị liên kết các động của vùng biên Trung Quốc như các động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Kim Lặc, Liễu Cát thuộc đô Như Tích và Chiêm Lãng. Tổng thời Mạc bao gồm một số làng trong cùng khu vực địa dư. Sự xuất hiện và mở rộng của tổng ở thời Mạc là cơ sở để chính thức trở thành đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã cho nhiều thế kỉ sau đó.

Tóm lại, hệ thống hành chính thời Mạc có thể khái quát lại qua sơ đồ sau:

Sơ đồ hành chính này định hình từ thời Lê Sơ, được duy trì dưới thời Mạc và trở lên phổ biến ở các thời kì sau. Tuy nhiên có những thay đổi nhất định, như thời Lê Trịnh thế kỉ XVII, XVIII, vì có thêm phủ Chúa nên bên cạnh Lục bộ của triều đình vua Lê, còn có thêm Lục phiên của chúa Trịnh và thực quyền thuộc về phủ Chúa,…

Từ khóa » Châu Và Phủ