Các Giá Trị Của đạo Cao đài Trong đời Sống Cư Dân Nam Bộ

Đạo Cao đài là tôn giáo do người Việt Nam sáng lập tại Tây Ninh nên mang đặc điểm văn hoá của cư dân Nam Bộ. Các giá trị văn hóa của đạo được kết tinh, lan tỏa, hình thành cộng đồng văn hóa riêng, có giá trị thiết thực.

Hôm 10/11, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu cơ sở xuất bản phẩm “Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài”.

Phát biểu tại Hội nghị nghiệm thu cơ sở, Ths. Trần Thị Minh Nga cho biết, xuất bản phẩm “Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài” nằm trong khuôn khổ của Đề án 219 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phục vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo, phóng viên, biên tập viên các đơn vị báo chí, xuất bản; chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo,… Với sự đa dạng về người đọc, đội ngũ biên tập đã nỗ lực biên soạn nội dung cuốn sách với nội dung phổ quát, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất cho từng đối tượng người đọc.

Tại Hội nghị, thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá cao chủ đề của cuốn sách và những thông tin hữu ích phản ánh các giá trị của đạo Cao đài trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam.

{keywords}
Thiên Nhãn được coi là biểu tượng toàn năng của các giá trị chân - thiện - mỹ.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng các giá trị văn hóa xét theo chủ thể gồm: “... ba nhóm giá trị: nhận thức - đạo đức - thẩm mỹ”. Giá trị văn hóa đạo Cao đài được biểu hiện qua các đặc điểm: tính toàn cầu trong tôn giáo, tính triết lý về quan điểm vạn giáo nhất lý, tính triết học trong nhân sinh quan, tính văn minh trong nghi lễ, tính chung thủy trong gia đình, tính dân chủ trong sinh hoạt, tính dân tộc trong lễ nhạc, tính văn hóa vật thể trong kiến trúc, tính truyền thống trong việc nhập thế phụng sự nhân sinh. Theo TS. Đinh Quang Tiến, Chủ nhiệm Ban biên soạn cuốn sách, có thể nói, Cao đài là tôn giáo có vai trò nhất định trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam và có tác động tích cực đến văn hoá của cư dân Nam Bộ.

Về nhận thức, tín đồ đạo Cao đài tin tưởng vào thế giới tâm linh nơi có Ngọc Hoàng Thượng Đế làm Đấng Tạo hóa. Đạo Cao đài quan niệm: con người có mối tương quan với vũ trụ, với Thượng Đế và với con người xã hội. Do đó, tín đồ xuất gia tu hành nhưng vẫn nhận thức bản thân là một phần tử của xã hội, phải có trách nhiệm góp phần xây dựng xã hội. Đạo Cao đài có tinh thần dân tộc, ý thức tự lập, tự cường và sẵn sàng đón nhận cái mới của xã hội.

Về đạo đức, chức sắc, tín đồ đạo Cao đài sống có nhân cách, đoàn kết cộng đồng; lối sống nhân hòa và nhập thế, tham gia các hoạt động xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; có tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Quan niệm “tâm vật bình hành”, tránh “ngôn hành bất nhất” hình thành phẩm chất đạo đức, lối sống cao đẹp của người tu hành, tín đồ.

Đạo Cao đài rèn luyện tín đồ từ bỏ những vui thú của đời thường, hằng ngày tu dưỡng bản thân, tu luyện đức tính. Họ trở thành tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống cá nhân, gia đình, xã hội. Đạo Cao đài có tinh thần gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đây là yêu cầu bắt buộc, là trách nhiệm của mỗi tín đồ với vai trò là thành viên trong cộng đồng. Tín đồ đạo Cao đài cởi mở trong giao tiếp, dung hòa các mối quan hệ, không phân biệt đẳng cấp.

Đạo Cao đài yêu cầu chức sắc, tín đồ thực hiện “tam công” để tu luyện trong quá trình hành đạo: Lập công quả là hy sinh tư lợi để hành đạo vì xã hội, vì đạo; lập công trình là rèn luyện bản thân theo giới luật trở thành người hạnh đức; lập công phu là tu luyện tinh thần tiến hóa về đạo pháp. Do đó, chức sắc, tín đồ đạo Cao đài giàu tinh thần yêu nước. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các phái Cao đài có: “hơn 4.000 liệt sỹ, 10.000 thương binh, 400 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và nhiều gia đình có công với cách mạng, nhiều huân, huy chương được Nhà nước trao tặng,...”.

Đạo Cao đài luôn phát huy truyền thống, tích cực vận động tín đồ tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, từ thiện, nhân đạo,... và đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết tôn giáo ở Nam Bộ.

Về thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật thờ tự, trang phục, ẩm thực, lễ nhạc, lễ hội, kinh điển, báo chí,… của đạo Cao đài mang đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú giá trị văn hóa của cư dân Nam Bộ.

Trong thế giới biểu tượng của đạo Cao đài, Thiên Nhãn được coi là biểu tượng toàn năng của các giá trị chân - thiện - mỹ. Thiên Nhãn biểu tượng cho Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế được gọi là Tiên Ông. Thiên Nhãn là hướng tới một thế giới mà nhân loại bình đẳng, hạnh phúc không phân biệt tôn giáo, dân tộc; lấy nhân bản làm nền tảng, nhân quyền được tôn trọng, nhân tính được phát huy; khắc phục các khác biệt về hình thức, hóa giải kỳ thị tôn giáo, sắc tộc để cùng nhau xây dựng thế giới đại đồng.

Lễ nhạc của đạo Cao đài đem lại sự hài hòa, cân bằng về tinh thần “trật tự điều hòa tâm hồn được thành kính, diệt trừ được bản ngã tư tâm, hướng thiện lòng thành kính các đấng thiêng liêng và tiếp tục nhận được nhiều ân điển”. Đạo Cao đài có ban lễ nhạc với các dụng cụ âm nhạc truyền thống, như: đàn cò, đàn kìm, phách, sáo, nhị. Nhờ đó, kế thừa, phát huy và góp phần bảo tồn âm nhạc dân gian Nam Bộ.

Lễ hội sáng tạo trên nền tảng văn hóa dân tộc, với 2 lễ hội: lễ vía Đức Chí Tôn (9-1 Âm lịch) và lễ hội Yến Diêu Trì Cung (15-8 Âm lịch) thu hút hàng trăm ngàn tín đồ tham dự.

Kinh điển, thơ văn của đạo Cao đài đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, giữ gìn ngôn ngữ, giai điệu trong sáng của dân tộc. Báo chí của đạo Cao đài ra đời rất sớm (1928) và có nhiều đóng góp vào hoạt động phổ biến chữ Quốc ngữ, giữ gìn tiếng Việt.

Kiến trúc thờ tự của đạo Cao đài là sự sáng tạo độc đáo của cư dân Nam Bộ, biểu hiện của sự dung hòa nghệ thuật Đông - Tây, tạo ra sự hài hòa vừa có nét của nhà thờ Công giáo, vừa có nét của chùa Phật giáo.

Trang phục của người theo đạo Cao đài gồm có: thường phục, đại phục và tiểu phục. Thường phục là bộ quần áo bà ba trắng, dùng trong sinh hoạt thường ngày như đi đường hay làm công quả. Tiểu phục là trang phục áo dài, quần trắng của chức sắc, tín đồ đạo Cao đài mặc khi hành đạo, làm lễ tại tư gia, nơi thờ tự. Đại phục là trang phục mặc khi hành lễ tại nơi thờ tự. Trang phục màu trắng của đạo Cao đài mang tính triết lý sâu sắc. “Ở đó còn là lấy hình thức bên ngoài để chế phục tham dục bên trong, giữ cội nguồn, không vong bổn” bởi “…màu trắng tượng trưng cho sự sạch sẽ. Người mặc trang phục màu trắng phải cẩn thận giữ gìn kẻo bị vấy bẩn; như nhắc nhở mình hành động, cử chỉ phải cẩn trọng, giữ gìn sự trong sáng tâm hồn”

Các giá trị văn hóa của đạo Cao đài đã được tín đồ phát huy trong quá trình tồn tại và trở thành những chuẩn mực trong đạo đức, lối sống, góp phần hình thành nhân cách con người, tạo dựng giá trị nhân sinh trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cư dân Nam Bộ.

Các giá trị văn hóa đạo Cao đài được biểu hiện sinh động trong sinh hoạt của chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài. Với tinh thần nhập thế, chức sắc, tín đồ đạo Cao đài tích cực tham gia các hoạt động thế tục, đoàn kết cộng đồng, xây dựng xã hội đạo đức, văn minh, làm giàu cho bản thân và xã hội.

Tuy vậy, trước những tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, đạo Cao đài có những biến đổi về cơ cấu thiết chế tổ chức và một số giá trị văn hóa để thích nghi với sự thay đổi của môi trường xã hội.

Để phát huy các giá trị văn hóa của đạo Cao đài trong đời sống cư dân Nam Bộ hiện nay cần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của đạo Cao Đài, bảo đảm sự thống nhất giữa kế thừa và đổi mới, truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam ngày càng giàu bản sắc và bền vững.

Mai Hương

Ảnh: Hoàng Hiệp

Từ khóa » Tôn Giáo Cao đài Là Gì