Các Giai đoạn Tăng Huyết áp Và Cách Chẩn đoán - Hello Bacsi

Tăng huyết áp hay huyết áp cao xảy ra khi máu di chuyển qua các động mạch với áp suất cao hơn bình thường. Mức độ tăng huyết áp là khác nhau giữa mỗi người. Và việc xác định giai đoạn, hay phân độ tăng huyết áp cần thiết để đưa ra chiến lược quản lý bệnh phù hợp.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu cách phân độ tăng huyết áp và chẩn đoán bệnh như thế nào trong bài viết ngay sau đây nhé!

Ý nghĩa của các số đo huyết áp

Huyết áp của bạn được ghi lại dưới dạng hai con số, ví dụ như 120/80mm Hg. Trong đó:

  • Số đầu tiên là huyết áp tâm thu, cho biết áp lực mà máu của bạn tác động lên thành động mạch khi tim đập.
  • Số thứ 2 là huyết áp tâm trương, cho biết áp lực mà máu của bạn tác động lên thành động mạch trong khi tim đang nghỉ giữa các nhịp đập.
  • mm Hg: Đây là từ viết tắt của milimet thủy ngân là đơn vị đo huyết áp. 

chỉ số huyết áp bình thường

Cả hai con số trong kết quả đo huyết áp đều quan trọng. Chỉ cần một trong hai chỉ số cao hơn ngưỡng bình thường đều được chẩn đoán tăng huyết áp.

Tuy nhiên, chỉ số huyết áp tâm thu vẫn thường được chú ý nhiều hơn. Bởi chỉ số này cao là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây nên các bệnh lý tim mạch cho những người trên 50 tuổi. Điển hình có thể kể đến tăng huyết áp tâm thu đơn độc (chỉ số tâm thu trên 140mmHg nhưng chỉ số tâm trương lại bình thường) rất phổ biến ở người trên 65 tuổi.

Ngoài ra, theo các nghiên cứu gần đây, với mỗi lần huyết áp tâm thu tăng 20mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng 10mmHg thì nguy cơ tử vong do thiếu máu cơ tim và đột quỵ cũng tăng gấp đôi ở những người từ 40 đến 89 tuổi.

Các phân độ tăng huyết áp

Dựa vào chỉ số huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương tăng cao, bệnh tăng huyết áp được phân theo từng giai đoạn khác nhau. Theo hướng dẫn chẩn đoán và phác đồ điều trị tăng huyết áp của Bộ Y tế Việt Nam, có 5 mức huyết áp là:

1. Huyết áp bình thường

Chỉ số huyết áp tâm thu từ 120 – 129mmHg và tâm trương từ 80 – 84mmHg được xem là giới hạn huyết áp bình thường. Nếu kết quả đo huyết áp nằm ở mức này, nguy cơ bệnh tim mạch của bạn thấp.

Bạn hãy tiếp tục duy trì các thói quen tốt cho tim mạch như chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe tổng thể.

2. Tiền tăng huyết áp

Tiền tăng huyết áp là tình trạng huyết áp tâm thu dao động từ 130 – 139mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 85 – 89 mmHg.

Huyết áp cao có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian và người bệnh cần thực hiện thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp, chẳng hạn như giảm cân, giảm stress, ăn uống lành mạnh và tập thể dục hàng ngày để có thể đưa các chỉ số huyết áp về mức bình thường.

3. Tăng huyết áp độ 1

Tăng huyết áp giai đoạn 1 là khi huyết áp tâm thu dao động trong khoảng 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương dao động từ 90 – 99mmHg.

Ở phân độ tăng huyết áp này, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhân thay đổi lối sống và cân nhắc sử dụng thêm các thuốc trị cao huyết áp dựa trên số đo huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, các bệnh tim mạch khác.

4. Tăng huyết áp độ 2

giai đoạn tăng huyết áp 2

Tăng huyết áp độ 2 là khi huyết áp tâm thu từ 160 – 179mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100 – 109mmHg. Ở giai đoạn này, ngoài việc yêu cầu bệnh nhân điều chỉnh lối sống, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các loại thuốc điều trị cao huyết áp. Loại thuốc mà bác sĩ kê đơn sẽ phụ thuộc vào số đo huyết áp và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Kết hợp 2 hay nhiều loại thuốc huyết áp có thể sẽ hiệu quả hơn khi chỉ dùng 1 loại.

Hãy đề ra mục tiêu điều trị huyết áp dưới 130/80mm Hg nếu bạn từ 65 tuổi trở lên hoặc dưới 65 tuổi nhưng có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch trong 10 năm tới, người bị bệnh thận mạn tính, bệnh tiểu đường hoặc bệnh mạch vành.

Như vậy, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đề ra mục tiêu điều trị cao huyết áp phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bản thân.

5. Tăng huyết áp độ 3

Nếu kết quả đo huyết áp của bạn cho thấy chỉ số huyết áp trên từ 180mmHg và/hoặc chỉ số dưới từ 110mmHg trở lên, hãy ngồi nghỉ 5 phút và sau đó kiểm tra lại huyết áp một lần nữa. Nếu kết quả đo lần tiếp theo vẫn cao bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức bởi bạn có thể đã bị tăng huyết áp ở mức nghiêm trọng.

giai đoạn tăng huyết áp nghiêm trọng

Trong trường hợp huyết áp của bạn cao hơn 180/120 mmHg và xuất hiện các dấu hiệu như: đau ngực, khó thở, đau lưng, tê hoặc yếu chi, mặt, các vấn đề về thị lực, khó nói, hoặc bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào khác của đột quỵ hoặc đau tim, đừng chờ đợi mà gọi cấp cứu ngay lập tức. Bởi nếu không xử lý kịp thời có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Chẩn đoán xác định phân độ tăng huyết áp bằng cách nào?

Cách duy nhất để biết liệu bạn có bị tăng huyết áp hay không là tiến hành kiểm tra huyết áp bằng dùng máy đo huyết áp đúng kỹ thuật. Chẩn đoán tăng huyết áp đang ở giai đoạn nào càng sớm chính là chìa khóa để kiểm soát huyết áp hiệu quả và bảo vệ bạn khỏi nhiều rủi ro về tim mạch về sau.

Tại cơ sở y tế, nhân viên y tế đo huyết áp bằng thiết bị bơm hơi cổ điển hoặc máy đo điện tử để xác định chỉ số huyết áp. Thông thường, nên đo ở cả hai cánh tay để xác định xem có sự khác biệt hay không.

chẩn đoán giai đoạn tăng huyết áp

Vì huyết áp có thể thay đổi tùy vào các thời điểm trong ngày, thực phẩm và đồ uống bạn nạp vào, có ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước, mức độ hoạt động, tâm trạng, cảm xúc… nên đôi khi bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tự theo dõi huyết áp tại nhà ở những thời điểm nhất định hoặc mang theo máy đo huyết áp liên tục trong 24 giờ để xác chẩn tình trạng huyết áp cao.

Theo dõi huyết áp tại nhà thực sự đóng vai trò quan trọng để giúp bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bạn có bị cao huyết áp hay không, đang ở phân độ tăng huyết áp nào cũng như đánh giá hiệu quả phương pháp điều trị cao huyết áp hoặc can thiệp kịp thời nếu cao huyết áp khó kiểm soát.

Hiện nay, máy đo huyết áp điện tử tại nhà được bán rộng rãi với chi phí khá hợp lý. Vì vậy, những người lớn tuổi và có nguy cơ bị cao huyết áp nói riêng, các bệnh lý tim mạch nói chung nên sở hữu một chiếc máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi thường xuyên cho mọi thành viên trong gia đình ngay cả khi huyết áp đã ổn định.

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch mạn tính, tức không thể chữa khỏi và cần phải được theo dõi cũng như điều trị suốt đời. Việc xác định phân độ tăng huyết áp càng sớm để kịp thời điều trị kiểm soát, duy trì mức huyết áp ổn định sẽ giúp bạn tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

[embed-health-tool-heart-rate]

Từ khóa » Chẩn đoán Mức độ Tăng Huyết áp